Tăng-già thời Đức Phật – Chương I

Chuyển biến đầu tiên của Bà-la-môn giáo là việc giải thích kinh Vedas theo nhiều cách khác nhau theo từng hệ phái Vedanga. Sau đó, nét đặc sắc nổi bật, đánh dấu một bước tiến, một nét mới thoát thai từ các Vedas là tư tưởng Upanisads (Áo nghĩa thư). Học thuyết được bao gồm trong 108 (?) bộ sách, đặc biệt là mười ba bộ thường được nhắc nhở: Isàvgàsya, Kena, Katha, Chàndoya, Brakadànanyaka, Kansìtaki, Maitràyaniya, Prasna, Mundaka, Tattrirìya, Màndakya, Aitareya và Svetàsvatara. Hơn phân nửa trong số mười ba bộ trên được hình thành trước thời Phật (từ năm 700 đến 550 trước Tây lịch). Học thuyết này nhằm giải thích, triển khai các kinh Vedas theo tinh thần mới, cụ thể, sâu sắc, chi li hơn. Cái Tiểu ngã (Atman) được khám phá, được đào sâu. Thần Brahman có đầy đủ trong thần Atman, cái Ðại ngã bao gồm trong Tiểu ngã. Nguyên nghĩa của từ Upanisad là ngồi gần, ngồi nghe, ngồi dưới chân Thầy. Mối liên hệ của cá nhân, của cái Tôi với siêu nhiên trở nên thân mật hơn. Tiểu ngã (Atman) có nghĩa là thân thể, là hơi thở, là bản thể, là tự ngã, linh hồn. Học thuyết Upanisad nỗ lực cổ súy cái Ngãi, minh họa con đường để Tiểu ngã đồng nhất với Ðại ngã, vũ trụ.

Từ đây, tư tưởng thoát ly cái khuôn mẫu cũ đã manh nha và lớn lên. Song song với bối cảnh kinh tế và xã hội, tư tưởng triết học không chịu hạn hẹp vào những chi phối của hệ thống Vedas, dù là Vedas đã chuyển màu sắc qua Upanisads. Các phái Lục sư xuất hiện và lôi kéo theo mỗi phái một số đông tín đồ, đệ tử, tạo nên một không khí triết học tưng bừng của một thời kỳ mới. Sáu phái này, có thể nói là các tư tưởng phản Vệ-đà. Ðại khái, dựa vào kinh Sa-môn Quả trong Trường Bộ kinh (Dìgha Nikàya), ta có thể kể:

– Purana Kassàpa (Phú-lan-na Ca-diếp), theo chủ nghĩa Hòai nghi.

– Makkhali Gosala (Mạt-già-lê Câu-xá-la), theo chủ nghĩa Tất nhiên luận, tin tưởng vào sự giải thoát tất yếu, tối hậu của con người.

– Ajita Kesakambali (A-kỳ-đa Kê-sa-khâm-bà-la), theo chủ nghĩa Duy vật luận thuần túy và chủ nghĩa Khoái lạc cực đoan.

– Pukudha Kaccayana (Phù-đa-na Ca-chiên-diên), chủ trương Tâm thường hằng, bất diệt.

– Sanjaya Bellathiputta (Tân-nặc-da Tỳ-la-nê-tử), chủ trương theo Cảm hứng, trực giác tùy thời.

– Niganthà Nataputta (Ni-kiền-tử Nhã-đề-tử), tức Mahavira (Ma-ha-vi-đà), giáo chủ Kỳ-na giáo, chủ trương khổ hạnh, có luân hồi, nghiệp quả. Học thuyết rất có uy tín, có một số điểm tương đồng với Phật giáo.

Thực ra, trong khung cảnh ấy, còn rất nhiều học thuyết khác nữa. Ngũ phần luật có ghi bấy giờ vua Tân-tỳ-sa-la là Ca-lưu mở tiệc đãi đại diện các môn phái gồm chín mươi sáu vị. Các học phái và tôn giáo mới như thế đã lan tràn khắp nơi và chi phối ảnh hưởng của Bà-la-môn giáo.

Các quốc gia đang vươn lên ở phía Nam và Ðông Nam Trung Ương tất nhiên vẫn đang chịu ảnh hưởng của Bà-la-môn giáo nhưng không quá nặng nề, vì ở xa Trung Ương, vì dân ở đây ít thuần chủng hơn và vì một số lý do khác đã nêu. Ðây là những mảnh đất gieo trồng và phát triển của các học thuyết kể trên. Magadha là trung tâm hoạt động của Lục sư. Hai vị hiền triết mà đức Phật đến hỏi đạo khi mới xuất gia là Alàra Kàlama (phái Samkhya – Số luận) và Uddaka Ràmaputta (phái Yoga – Du-già) là hai lãnh tụ hai Sa-môn đoàn nổi danh ở Magadha (Ma-kiệt-đà) và Vesali (Tỳ-xá-li). Ba anh em Trưởng lão Kassapa (Ca-diếp) thuộc đoàn Sa-môn Latilika, phái Nigradha (Phạm chí Ni-câu-lư) được ghi trong A-hàm, tu ở gần thành Ràjagaha (Vương Xá) thuộc Magadha (Ma-kiệt-đà)… Nhìn chung từ Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) đến Savatthi (Xá-vệ) sang Kasina (Câu-thi-na), Vesali (Phệ-xá-ly), Rajagaha, Baranàsi (Ba-la-nại) là những đô thị lớn, cho đến các vùng hẻo lánh đều có xuất hiện bóng dáng của các triết gia, đạo gia của đủ các môn phái.

Trong số các quốc gia mới vươn lên, Kosala (Câu-tát-la) và Magadha là hai quốc gia lớn mạnh nhất. Riêng nước Magadha đang có sức vươn nhanh, lãnh thổ ở sát ngay hạ lưu sông Gange (Hằng Hà), phía đông gần ra tới biển, phía Tây trải đến sông Sona (Thiệm-ba) và phía Nam giáp núi Pundra (Tân-đô-la). Magadha đang tranh chấp ảnh hưởng với Kasala trong thời Phật và đến khi Phật sắp nhập diệt thì đã thanh toán một số nước nhỏ và áp đảo được Kosala, mở đầu cuộc thống nhất Ấn Ðộ vào hai trăm năm sau.

Trong vòng năm trăm năm, kể từ thế kỷ thứ X trước Tây lịch trở về sau, tư tưởng xã hội Ấn Ðộ đã qua những va chạm đấu tranh, mâu thuẫn, tổng hợp, phân chia… qua những giai đoạn khi thì âm thầm, khi thì ồ ạt, khi thì trải ra bề rộng, vươn lên chiều cao, lắng xuống bề sâu…, tạo nên một bối cảnh đa dạng, phong phú với những vấn đề rối rắm, đa đoan. Ðây là kết quả đương nhiên của một cơ thể sống, rất thực, rất biện chứng là con người, là những con người trong một xã hội, trong một cộng đồng những xã hội, là loài người. Những chuyển biến, thao thức, trăn trở của triết học, đạo học tiếp diễn không ngừng đã chứng tỏ cuộc sống tinh thần, và từ đó, cuộc sống vật chất, còn có trở ngại, còn chưa trọn vẹn, còn khổ đau. Chân lý vẫn lừng lững ra đấy, tròn đầy, phổ biến trong cái thực tại này đây; có điều, cái “đương sự” người không nắm bắt được trọn vẹn, có khi chỉ cảm nhận được trong phút chốc, hoặc lâu hơn, nhưng vẫn chưa đủ để gọi là thể nghiệm, thông hội, thể chứng. Lại nữa, phương pháp thể nghiệm chứng đạt chân lý, cách diễn tả bằng ngôn ngữ – dù qua giao tiếp hay suy tư – vẫn là vấn đề nan giải.

Hãy nói riêng Ấn Ðộ vào thời ấy, ngoài các vị thần đầy quyền năng được chấp nhận theo truyền thống tín ngưỡng, chưa có một con người thực sự, con người lịch sử, cao cả mà gần gũi với mọi người, con người giác ngộ chân lý có khả năng đặt lại vấn đề để giải quyết và từ đó giải quyết mọi rối rắm của tư tưởng bấy giờ. Vị ấy không phải là đấng sáng tạo, không độc quyền giữ chân lý, không mang lại cái gì mới lạ với thực tại, không đặt thêm tư tưởng, học thuyết. Vị ấy chỉ dung nạp, dung hóa, hòa hợp. Vị ấy bắt đầu bằng thực tại, thực hiện và thành tựu trong thực tại bằng một sự việc rất thực là cứu khổ, giải thoát cho con người .

Vị ấy là đức Phật.

Ngài là một thái tử, tên Siddhattha (Tất-đạt-đa), dòng họ Gotama (Cồ-đàm), Vương tộc Sakya (Thích-ca, thuộc đẳng cấp Shatiya (Sát-đế-lợi), con vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và Hòang hậu Mayadevì (Ma-gia). Ngài sinh vào năm 544 trước Tây lịch, tại vườn Lumbini (Lâm-tỳ-ni), phía Ðông thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), nước Kapilavatthu.

Tưởng cũng nên xác định sơ qua vị trí của một số đô thị, quốc gia, những nơi từng in dấu chân đức Phật và các Tỳ-kheo đệ tử của Ngài.

Kapilavatthu là một nước nhỏ, hiện nay là Tilaura Kot, thuộc Nepal, giáp giới với Ấn Ðộ. Chếch về Tây khoảng một trăm km là Sàvatthi (Xá-vệ) thuộc Kosala, nay là Sàhet Mahet ở hữu ngạn sông Rapti. Chếch xuống phía Ðông Nam Kapilavatthu chừng hai trăm km là thành Kusinagara (Câu-thi-na) thuộc Kasia (Ca-thi), ở phía Utta Pradesh hiện nay, cách hai trăm km về Ðông, hơi xuôi Nam là thành Vesali (Phệ-xá-ly) thuộc Vamsa (Vam-di), nay là Besàrh trên sông Gandaki. Vẫn xuôi về Ðông và chếch xuống Nam, băng qua sông Gange, cách Vesali chừng hai trăm km là thành Ràjagaha (Vương Xá), kinh đô của Magadha (Ma-kiệt-đà), nay thuộc xứ Bihar. Phía Nam Ràjagaha vài chục cây số là Gaya, nay là Boddhigaya, nơi Phật thành đạo. Sát ngay đó, xuống phía Nam là vùng rừng núi, nơi đức Phật sáu năm tu khổ hạnh. Cách Gaya chừng ba trăm km về phía Tây, hơi chếch lên Bắc là Baranàsi (Ba-la-nại), thành phố nằm ngay trên bờ tả ngạn sông Gange. Ngược dòng sông Gange chừng ba trăm km, đi về Nam vài chục km là Kosambi (Kiều-thướng-di) thuộc Vamsa, nay là Kosam, ở phía tây Nam Allahàbàd.

Các khoảng cách nói trên là tính theo đường chim bay, chỉ là các con số tương đối; nếu kể theo đường bộ hiện nay, đặc biệt là vào thời ấy tất nhiên là phải khác hơn nhiều, con số thực có thể dài gấp đôi hay hơn nữa.

Theo Kinh Ðại Bổn, Trường Bộ (và nhiều kinh khác của Nikàya), thái tử Siddhattha lúc mới sinh ra có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, dấu hiệu của bậc cdg, hoặc vị Chuyển Luân vương trong tương lai. Bảy ngày sau khi Thái tử đản sinh, hoàng hậu Màyadevì từ trần. Thái tử lớn lên, được rèn tập thông suốt tất cả các học nghệ, cho đến khả năng suy luận, biện thuyết, suy tư, Ngài đều tỏ ra xuất chúng. Khi lớn lên, Ngài đã có tư tưởng muốn thoát ly, tầm đạo; vua cha biết được, dùng mọi xa hoa vật chất để mong buộc chân Ngài. Theo lệnh vua cha, Ngài cưới Yasodhàra (Da-du-đà-la), một công chúa tài sắc, đức hạnh của nước Kosala láng giềng. Năm hai mươi chín tuổi, Thái tử đã có một con trai là Rahula (La-hầu-la). Nhìn thấy những biểu tượng khổ đau (già, bệnh, chết) và cốt cách thanh thoát của một vị Sa-môn, sau bao nhiêu suy tư, băn khoăn, thao thức về khổ đau, về cứu khổ, giải thoát, Thái tử quyết định bí mật rời hoàng cung, từ bỏ tất cả những gì mà đời gọi là hạnh phúc trần gian, ra đi tìm đạo lớn. Trong đêm khuya, Ngài ra khỏi thành một mạch thẳng đến hết địa phận của nước Kapilavatthu. Nơi đây Ngài từ giã Chandaka (Xa-nặc), người hầu cận trung thành, và Kanthaka (Kiền-trắc), con tuấn mã của Ngài. Ngài đổi vương y, khoác áo tu sĩ, một thân một mình dong ruổi trên đường tầm đạo. Ngài xuôi về phía Ðông Nam, vượt núi đồi, làng mạc đến Vesalì học hỏi đạo sĩ Alàra Kàlama (A-la-raa Già-đa-na), lãnh tụ phái Samkhya, và sau đó chứng đắc quả vị cao nhất mà vị này đã đạt được là nhập được Vô sở hữu xứ định. Chưa vừa ý với kết quả này, Thái tử xuôi về Ðông, chếch xuống phía Nam, vượt qua sông Gange, đến Magadha, tiến về kinh đô Ràjagaha (Vương Xá), nơi tập trung văn hóa, tư tưởng, đạo học của những môn phái thời danh để học với đạo sĩ Uddaka Ràmaputta (Ưu-đà-già La-ma-tử), lãnh tụ phái Yoga (Du-già), và cũng không bao lâu Ngài chứng đắc quả vị cao nhất của vị này là nhập vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Ðây là quả vị cao nhất mà người đương thời đạt được. Bằng trí tuệ cao vời, Thái tử, hay nói đúng hơn, Bồ-tát thấy rằng trong quả vị lớn lao này vẫn còn vướng mắc nghiệp quả, chân lý chưa được chứng nghiệm trọn vẹn. Ngài nhập định quán sát cùng khắp, nhận thấy không còn ai trên đời có thể dạy cho Ngài thêm được nữa, nên quyết định từ giã Uddaka Ràmaputta để tự mình tìm nơi tu tập, thực hiện giải thoát.

Cũng theo Ngài có năm đệ tử của Uddaka là Annà Kodannà (A-nhã Kiều-trần-như), Assaji (Át-bệ hay Mã Thắng hoặc Thuyết Thị), Dasabàla Kassapa (Thập Lực Ca-diếp) và Bhadaka (Bạt-đề), Bồ-tát cùng năm vị Sa-môn này xuôi về Nam, đến vùng Uruvelà (Ưu-lâu-tần-loa), gọi là Gaya, vượt thêm khoảng mười km đến một nơi rừng núi thâm sâu tịch mịch; sát đó, mé Tây là dòng Niranjara (Ni-liên-thuyền). Ngài và năm vị đồng hành chọn nơi đây để tu khổ hạnh.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.