Tăng-già thời Đức Phật – Chương II

2. Sự hình thành của Tăng-già.

Kinh có nói về thái độ đắn đo suy nghĩ của đức Phật trước khi đem giáo pháp giảng dạy cho đời, Trên nguyên thể, chân lý vẫn luôn luôn biểu hiện ra đấy, con người vì vô minh ngăn che nên không thấy rõ được chân lý. Nay đức Phật đã đạt chân lý nên chân lý được biểu hiện rõ ràng sinh động qua hình ảnh của đức Phật, qua phương pháp khai thị của Ngài:

“Pháp nhờ Phật mà được khai diễn một cách khéo léo, Pháp ấy là hiện thực, không bị hạn chế bởi thời gian, là Pháp mà kẻ nào thực hành sẽ có hiệu quả nhanh, là Pháp có thể dẫn đường” (Anguttara Nikàya I, Tăng Nhất A-hàm).

Quả vị mà đức Phật chứng đạt, Niết-bàn, được miêu tả là quả vị tuyệt đối, tối thượng, Ngài là bậc Trí, là đấng Tối thượng.

“Trong toàn cõi, kể cả các cõi trời, không có kẻ nào bằng Ta. Ta là bậc Trí giả của toàn thể các cõi, Ta là Ðạo sư tối thượng, Ta là Phật toàn hảo” (Maha Vagga I).

Trong đoạn trên, các từ bậc Trí giả, Ðạo sư có ý nói đến Trí tuệ, Ðức hạnh, gần gũi với con người. Ðức Phật không phải là vị Chúa tể tối thượng đầy quyền lực (Parameshvara) hay là vị Thần đầy quyền uy cao cả nhất trong các vị thần (Devadhideva) hay là đấng ban ân huyệ giải thoát (Mokshadata). Ngài là bậc Thầ, người chỉ đường (Maggadata). Trong ý nghĩa đó, Ngài đến với con người, khai mở Giáo hội Tăng-già, truyền đi khắp mười phương thông điệp của sự cứu độ để tự mọi người thực hiện, tự giải thoát cho mình.

Ðức Phật rời cội Bồ-đề, rời Uruvelà, hướng về phía sông Gange, ngược dòng sông, vượt qua sông mà sang phía hữu ngạn, tiếp tục đi về Baranàsi là nơi mà gần đó, tại Miggadaya (Lộc Uyển) – nay là Sàrnàth – năm vị Sa-môn nhóm Tôn giả Kodannà (Kiều-trần-như) đang tụ tập sau khi rời bỏ đức Phật vì tưởng là Ngài đã thối chí, không chịu nổi khổ hạnh mà bỏ Chánh đạo. Tại đây, hai tháng sau khi thành đạo, đức Phật đã chuyển Pháp luân đầu tiên trong thế gian này. Kodannà và bốn vị cùng tu được đức Phật thuyết giảng Chánh pháp, giáo lý chân thật, tối thượng mà gần gũi con người nhất, thiết thực, cụ thể nhất đối với con người. Ðó là Tứ Ðế, nhận định đời là khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ. Ðó là Trung đạo, xa rời mọi cực đoan, là Bát Thánh Ðạo – con đường tám nhán, tám phương cách cần để tu tập.

Bài thuyết pháp đầu tiên này, bức thông điệp cứu độ loài người này có thể nói, đã tóm tắt những tinh yếu của giáo lý. Ðức Phật định hình cho nội dung tu học, thuyết giảng của giáo đoàn sau này. Một đoạn khá dài sau đây trong Mahàvagga, và tầm quan trọng của nó cần được trích dẫn: (dịch theo Solange Berbard Thierry, “Le Boudhisme d’Après Les Textes Palis”)

“Và Thế Tôn lần hồi đến Baranasì trong rừng Ispatana, nơi cư trú của năm vị Tỳ-kheo. Năm vị Tỳ-kheo thấy Thế Tôn từ xa tiến lại. Khi trông thấy Ngài, họ bảo với nhau: “Này các Hiền hữu, tu sĩ Cồ-đàm đang đến kia, đấy là người đang sống trong dư dật, người đã từ bỏ những hoài bão của mình mà buông mình theo vật chất. Chúng ta chớ cung thỉnh ông ta, chớ đứng dậy chào ông ta, chớ đỡ lấy bình bát và y khoác ngoài cho ông ta. Chúng ta chỉ dọn cho ông ta một chỗ ngồi nếu ông ta muốn ngồi”.

“Nhưng Thế Tôn càng đến gần thì năm vị Tỳ-kheo càng khó giữ được quyết định của họ. Họ đến trước mặt Thế Tôn. Người thì đỡ lấy bình bát và y khoác ngoài của Ngài, kẻ thì sửa soạn chỗ ngồi cho Ngài, kẻ thì đem nước để Ngài rửa chân, giá và đòn để Ngài gác chân. Thế Tôn ngồi vào chỗ đã soạn sẵn cho Ngài. Ngồi xuống xong, Ngài gác chân lên giá.

“Bấy giờ các vị Tỳ-kheo ấy chào hỏi Thế Tôn, gọi tên Ngài và xưng Ngài là Hiền hữu. Khi họ nói như thế, Thế Tôn mới bảo với họ rằng:

– “Này các Tỳ-kheo, chớ gọi Như Lai là Hiền hữu. Này các Tỳ-kheo, Như Lai là Tối thượng, là Tối thắng Phật. Này các Tỳ-kheo hãy lắng nghe cho kỹ: sự giải thoát khỏi cái chết đã được tìm thấy. Như Lai dạy Pháp cho các Người. Nếu các Người theo lời dạy của Như Lai thì chẳng bao lâu các Người sẽ chia xẻ được điều mà vì nó các thanh niên chúng ta rời bỏ nhà cửa để sống đời lang thang, đấy là sự thành tựu tối cao về những hoài bão cao thượng. Ngay tại đời này, các người sẽ biết được Chân lý, các Người sẽ thấy chân lý ngay trước mắt mình”.

“Nghe Thế Tôn dạy như thế, năm vị Tỳ-kheo mới hỏi ngài: “Này Hiền hữu, nếu như trước kia Người đã không đạt được sự toàn hảo tối thượng, sự viên mãn của Tuệ giác là thứ mà chỉ các bậc Toàn Hảo mới đạt được, bằng những hoài bão, tu tập khổ hạnh của Người, thì nay Người đang sống trong vật chất, đang chối bỏ các hoài bão của người và đang buông mình theo sự dư dật, làm sao Người có thể đòi đạt được sự Toàn hảo Tối thượng, sự viên mãn của Tuệ giác là thứ mà chỉ có các bậc Toàn Hảo mới có được?”.

“Nghe năm vị Tỳ-kheo nói thế, Thế Tôn đáp: “Này các Tỳ-kheo, Như Lai không sống dư dật; không chối bỏ hoài bão và không buông mình theo vật chất. Này các Tỳ-kheo, Như Lai là cao cả, là Tối thượng Phật. Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe cho kỹ: sự giải thoát khỏi cái chết đã được tìm thấy. Như Lai dạy Pháp cho các Người. Nếu các Người theo lời dạy của Như Lai thì chẳng bao lâu các người sẽ chia xẻ được điều mà vì nó thanh niên của chúng ta rời bỏ nhà cửa để sống đời sống lang thang, đấy là sự thành tựu tối cao về những hoài bão cao thượng. Ngay tại đời này, các Người sẽ biết được chân lý, các Người sẽ thấy được chân lý ngay trước mắt mình”.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.