Tăng-già thời Đức Phật – Chương III

Jìvàkàràma (Tinh xá Kỳ-bạt)

Vốn là một vườn xoài ở ngoại ô thành Ràjagaha (Vương xá) cách chân núi Gradhrakuta không xa (đức Phật thường lui tới núi này khi Ngài tới Vương Xá). Người cúng dâng tinh xá này là Jìvaka, một nhà y học, giải phẩu lừng danh thời đức Phật. Nhiều chuyện kể về Jìvaka bằng tiếng Pàli trong các Kinh Thượng Tọa Bộ (Theravada) và bằng tiếng Sanskrit (Phạn ngữ) thuộc Nhất Thế Hữu Bộ (Sarvastivada). Mahavagga VIII (thuộc Nguyên Thủy) kể rằng Jìvaka vốn là con của một nhà quý tộc thành Vương Xá tên là Sàlavati , bị vứt bỏ trong thùng rác, được hoàng tử Abhaya lượm đem về nuôi (Jìkava có nghĩa là “kẻ còn sống”, có lẽ khi đứa bé được lượm thùng rác, Abhaya đã thốt lên như thế). Jikàva được gửi đi học về ngành y tại Takkasilà, trung tâm của các học nghệ đương thời. Thàng tài Jìvaka trở về Vương Xá, rất nổi danh về nghề y, rất giàu có. Ông từng đến săn sóc sức khỏe cho đức Phật và rất kính mộ Ngài, ông cũng dạy y cho một số Tỳ-kheo đệ tử đức Phật. Tặng phẩm của ông cho Giáo đoàn là tinh xá lớn này, được xây cất trong một vườn xoài rộng ( Kinh điển của Hữu Bộ thì thuật của Jìvaka là con tư thông của vợ một thương gia với vua Bimbisàra. Khi sinh Jìvaka, người mẹ đặt đứa bé trong một cái giỏ, cài kín rồi gửi đến cho vua ,vua giao lại cho hoàng tử Abhaya, cũng là con tư thông của vua, nuôi…).

Các nhà khảo cổ đã đào bới và đã tìm thấy nền đất của tinh xá này. Ðấy là một khu vực rộng, trong đó có hai dãy nhà lớn hình bầu dục cách nhau bằng một cái sân rộng. Phía trước lại còn một dãy nhà hình bầu dục lớn nữa. Ngoài ra còn có những dãy phòng lớn nhỏ ở phía trước và hai bên, xếp theo chiều dọc và chiều ngang. Trước và sau đều có sân rộng. Chung quanh có tường vây bọc. Bên ngoài, ở gần tường, mé trái có hầm chứa đồ gốm. Người ta còn tìm thấy ở đây một số đinh sắt, gạch nung, tượng hình thú vật, đồ gốm bằng đất thô. Các bức tường có lẽ được xây bằng gạch đá trộn với bùn, và mái có lẽ được lợp bằng tranh.

Jetavanàràma (Tinh xá Kỳ hoàn)

Tinh xá được ghép với tên Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) là tinh xá lớn nhất, nổi danh nhất. Chính nơi đây, đức Phật đã trải qua mười chín mùa an cư (có tài liệu bảo là hai mươi lăm mùa an cư).

Người dân cúng tinh xa này là Anàthapindika vị trưởng giả tài chủ (Setthì) thành Sàvatthi (Xá-vệ), ông đã từng đến Ràjagaha có việc, nhằm vào năm đầu Phật đang hoằng hóa tại đây. Ông đến nhà người anh vợ, thấy nơi đây tấp nập sữa soạn nhà cửa, lo tiệc tùng, hỏi ra thì được biết gia đình đang chuẩn bị trai phạn cúng dường đức Phật và chư Tỳ-kheo, đệ tử Ngài. Suốt đêm ấy, ông trằn trọc không ngủ được; sáng hôm sau, ông dậy thật sớm, khi trời chưa sáng ông đã vội đi đến chổ đức Phật. Lần đầu tiên, ông chiêm ngưỡng Thế Tôn, vào lúc ấy Ngài đã thức dậy và đang đi dạo trong buổi ban mai lạnh lẽo. Ông đến gần đảnh lễ Ngài, tự giới thiệu và thỉnh cầu đức Phật cùng chư đệ tử hôm sau đến chổ ông để độ trai, đức Phật nhận lời. Hôm sau, trong buổi cúng dường ngọ trai, ông lại thỉnh cầu đức Phật và chư Tỳ-kheo đến Sàvatthi (Xá-vệ), nơi ông đang ở, để an cư mùa mưa năm sau. Lời thỉnh cầu cũng được chấp nhận.

Trên đường về Sàvatthi, gặp ai Anàthapindika cũng kêu lên: “Này các vị, hãy chuẩn bị tinh xá, tu viện, hãy sẵn sàng phẩm vật. Một vị Phật đã xuất hiện ở thế gian. Tôi đã thỉnh Ngài và Ngài sẽ về đây” (Culla Vagga VI, 4,8 – Tiểu Phẩm). Tại Sàvatthi, ông cứ mải tìm kiếm một nơi thích hợp để làm trú xứ cho đức Phật và đoàn Tỳ-kheo và cuối cùng nhận thấy vườn cảnh của thái tử Jeta (Kỳ-đà) là lý tưởng nhất, ông liền hỏi mua. Chủ nhân khu vườn vốn đã quá giàu, không cần tiền bạc nhưng cũng đùa chơi mà nêu ra một giá quá sức cao. Anàthapindika thuận ngay và lo chuẩn bị để đáp ứng điều kiện giá. Nhưng thái tử Jeta lại đổi ý, không chịu bán khu vườn. Sự việc phải đưa ra trước pháp quan và Anàthapindika được xử thuận cho việc mua khu vườn. Ông chở từng xe tiền vàng đến rải đầy mặt đất như điều kiện giao ước, chỉ những chỗ có cây là không rải được, ông liền đến hỏi xem ý định của chủ nhân thế nào vì giao ước không có nêu ra điểm này. Cảm phục vì tấm lòng thành của vị trưởng giả, thái tử bỏ qua chi tiết trên, hiến luôn các cây cối (do đó mà trong Kinh thường ghi ở đầu Kinh, phần Duyên Khởi các cuộc thuyết pháp của đức Phật là “tại vườn của Cấp Cô Ðộc, cây của thái tử Kỳ – đà (Cấp Cô Ðộc viên, Kỳ-đà thọ hoặc Kỳ thọ Cấp Cô Ðộc viên). Sau đó trưởng giả cho xây cất một tinh xá đồ sộ, đầy đủ tiện nghi: đủ các loại phòng ốc, các giảng đường, bếp, nhà kho, nhà vệ sinh, chỗ đi dạo, giếng lộ thiên, giếng có nắp, bãi tắm, phòng tắm, hồ…, mỗi thứ đều xây thành nhiều cái,… (các chi tiết này đều có ghi trong Mahà Vagga III, 5,6).

Jetavana vẫn là tinh xá kéo dài suốt mấy trăm năm. Ðến thế kỷ thứ V sau Tây lịch, khi Pháp Hiển từ Trung Hoa sang Ấn Ðộ đến chiêm bái Jetavana thì nơi này vẫn còn là một tinh xá nhỏ, hẳn là xây cất trên nền cũ và pháp sư cũng có tiếp chuyện vơí các vị sư tu ở đây. Hai trăm năm sau, pháp sư Huyền Trang lại đến Jetavana, bấy giờ tất cả đã tàn rụi, chỉ còn hai trụ đá, mỗi trụ cao hai mươi lăm mét do vua Asoka (A-dục, trị vì từ 264 – 227 trước Tây lịch) xây cất ở cổng phía Ðông của tinh xá.

Cũng nên ghi nhận thêm là khi nhắc đến Jetavana, người ta không quên một trú xứ ở gần đó của một nữ thí chủ nổi danh, người hộ trì rất tận tụy của giáo đoàn Phật giáo là Migàramàtà (Lộc Mẫu). Khi lưu trú tại Sàvatthi, đức Phật ở tại Jetavana và cả ở đây nữa.

Ghositàràma (Tinh xá Cù-sư-la)

Tinh xá này ở tại Kosambi (Kiều-thướng-di) do trưởng giả Ghosita xây cất. Ghosita cùng hai bạn đồng sự nữa là Kukkuta và Pàvàriya đều rất mến mộ các vị Sa-môn. Một hôm nghe đức Phật cùng Giáo đoàn của Ngài đến Sàvatthi, cả ba vị không ngại đường sá xa xôi, vượt lên phía Bắc, đến Kosala, vào Sàvatthi đến yết kiến đức Phật và nghe Pháp. Họ trở thành đệ tử của đức Phật và trở về, mỗi người đều xây cất một tinh xá lớn để cúng dường cdho giáo đoàn Phật giáo, thỉnh mời đức Phật và đoàn Tỳ-kheo đến Kosambi thuyết giảng.

Có lẽ tinh xá do Ghosita xây cất lớn nhất, vững bền nhất. Nơi đây đức Phật đã thuyết giảng nhiều phần kinh quan trọng. Tinh xá này cũng là trú xứ liên tục của chư Tỳ-kheo tới hơn một ngàn năm sau mới bị phá hủy do quân Hung tràn vào xâm chiếm Kosambi.

Năm 1955-1956, Viện Ðại học Allahabad cử G. R Sharma đứng đầu một đoàn khảo cổ do Viện tổ chức đã khai quật ở Kosambi (nay là quận Allahabad) và tìm được vết tích của tinh xá này.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.