Tăng-già thời Đức Phật – Chương V

3. Bố-tát (Uposatha)

Bố-tát hay Bố-sa-tha được hiểu là buổi lễ được tổ chức định kỳ mỗi tháng hai lần, qua đó, các Tỳ-kheo tụ họp lại để được nghe đọc lại giới bổn rồi tự xét mình có vi phạm điều gì mà sám hối, thanh tịnh mình.

Trước khi Phật giáo xuất hiện tại Ấn độ, Kinh Veda ấn định hai kỳ lễ bái cho các gia chủ: Hắc nhật (Darsa – mồng một) và Bạch nhật (Pourramàsa – Rằm). Trước ngày tế lễ (Soma) gia chủ phải trai tịnh, kiêng giữ mình cho thanh tịnh, như nhịn ăn, nghỉ lao động, kiêng giao hợp phái tính, sống riêng trong một căn phòng có đốt lửa thờ suốt đêm… Ngày ấy gọi là Vrata (vrata, tiếng Phạn, nghĩa là chuẩn bị, sửa soạn, khởi sự). ngày Vrata còn được gọi là ngày Upavasatha (Pàli: Uposatha) – Ô-ba-la-sa – có gốc là “Upa” nghĩa là “gần”, gần gũi với đời Thánh thiện, “Vas” là sống, ở. Upavasatha (Uposatha) trở thành nhật đối với tín đồ Bà-la-môn, và ý nghĩa của ngày trở thành phổ biến khắp các giáo phái khất sĩ không phải là Bà-la-môn chính thống. Phái Ni-kiền-tử (Nigantha) đọc là Posadha và tiếng Pàli đọc là Uposatha. Câu Xá Luận giải thích rằng Posadha là hợp nghĩa của động từ “Pus” nghĩa là “nuôi lớn” và động từ “Dha” nghĩa là “đặt để”, “duy trì”; từ đó, Hán dịch là “Trưởng tịnh”, tức là nuôi lớn sự thanh tịnh.

Chương Uposatha của bộ Mahàvagga II có kể rằng vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la) của xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), vị đại đệ tử tại gia của đức Phật nhận thấy rằng các giáo đoàn không phải Phật giáo thường tụ tập vào các ngày lễ và giảng cho dân chúng, rất được dân chúng tán đồng, ngưỡng mộ. Nhà vua tự nghĩ: “Phải chi các đạo sư (tức các Tỳ-kheo) cùng hợp nhau lại vào ngày mười bốn, mười lăm hay mồng tám của mỗi tháng!”. Vua đi đến đức Phật và bày tỏ ý nguyện trên. Ðức Phật chấp thuận và cho phép các Tỳ-kheo hội họp vào các ngày trên. Nhưng, do trình độ thiền định cao vời của các Tỳ-kheo, đệ tử Phật, hầu như thời gian họp mặt của các vị là sự im lặng và thiền định. Sự việc ấy khiến về sau vua Ajàtasattu đã phải thốt lên khi thấy trong một đêm rằm, một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo, có sự hiện diện của đức Phật, cả một tập thể ngồi im phăng phắc: “Không một âm thanh, không một tiếng hắt hơi hay tiếng ho! Udajibha, con trai ta há chịu được một tập thể yên lặng như thế này!” (Trường Bộ Kinh II).

Ngày Bố-tát được thực hiện như thế hẳng không làm vừa lòng nhiều gia chủ thường đi đây đó, theo dõi việc thuyết giảng của các giáo đoàn để học hỏi, nghiên cứu giáo lý của các bậc thầy. Có lẽ do yêu cầu khách quan ấy và có lẽ do nhiều trường hợp vi phạm giới hạnh, các Tỳ-kheo cần thọ trì giới luật chặt chẽ hơn, nên đức Phật đã đạy: “Này các Tỳ-kheo, Ta cho phép các Ông được giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Patimokka).”

Nhiều tài liệu bảo rằng trước khi việc thuyết giới Ba-la-đề-mộc-xoa được xem là chủ yếu trong ngày Upasatha, các Tỳ-kheo cũng đã họp nhau lại, nhắc lại các giáo pháp của đức Phật, kể lại các chuyện Bổn Sanh của Ngài, đọc các bài kệ, những lời Phật răn dạy là nên làm, không nên làm… Về sau, khi giới luật hình thành khá đầy đủ thì ngày Uposatha đối với các Tỳ-kheo là ngày thanh tịnh, thuyết giới.

Ðể chuẩn bị Bố-tát, đại để, một số công việc cần được thực hiện: (*)

1. Quét dọn sạch sẽ nơi làm lễ.

2. Thắp đèn lồng.

3. Trải thảm.

4. Chuẩn bị nước để uống và để rửa.

(Bốn phần việc này có thể do vị cư sĩ gia chủ của tinh xá thực hiện, hoặc do một hay nhiều Tỳ-kheo thạo việc thực hiện).

5. Tác bạch sự gửi dục, thuyết tịnh của Tỳ-kheo vắng mặt có lý do chính đáng (tức là vị Tỳ-kheo gửi gắm chuyển lời Tỳ-kheo vắng mặt xin được phép vắng).

6. Tác bạch sự thanh tịnh của Tỳ-kheo vắng mặt (tức là vị tỳ-kheo được gửi gắm bào rằng Tỳ-kheo vắng mặt không vi phạm giới luật).

7. Nêu mùa, kỳ Bố-tát: thường gồm ba mùa: mùa đông, mùa hạ và mùa mưa. Mỗi kỳ có sáu hay tám kỳ Bố-tát…

8. Ðếm số Tỳ-kheo hiện diện.

9. Giáo giới Tỳ-kheo ni: Ni đoàn cử người đến thỉnh Tăng sang thọ giáo, nếu thuận tiện thì Tăng-già cử người sang thọ giáo…

(*) Ghi chú: Theo Nanamoli Thera, The Pàtimokkha (bản Anh ngữ dịch từ Pàli), The Social Science Association Press of thailand, Bangkok 1966.

Lễ Bố-tát được xem là thực hiện theo đúng luật nếu:

– Ðủ túc số Tăng từ bốn vị trở lên.

– Các vị ngồi cách nhau một cánh tay.

– Tất cả các Tỳ-kheo trú trong cùng cương giới phải tụ tập, nếu có vị nào vắng thì phải gởi dục và thuyết tịnh.

– Tất cả các Tỳ-kheo hiện diện phải hoàn toàn thanh tịnh, không có ai vi phạm giới luật.

Bộ Culla Vagga IX kể rằng một lần, tại Sàvatthi trước Tăng chúng đông đảo, Tôn giả Ananda đã thỉnh Phật thuyết giới nhưng Phật im lặng. Sau lời thỉnh lần thứ ba của Tôn giả Ananda, đức Phật dạy: “Này, Ananda, hội chúng không hoàn toàn thanh tịnh”. Trưởng lão Moggalàna (Mục-kiền-liên) thi triển thần thông; quán sát khắp hội chúng và thấy được một Tỳ-kheo nọ là kẻ thối thất, phạm giới hạnh, đầy tham dục… Trưởng lão đã lên tiếng mời kẻ nào không thanh tịnh thì ra khỏi pháp đường, mời đến ba lần nhưng Tỳ-kheo kia vẫn không nhúc nhích. Cuối cùng, Trưởng lão phải kéo Tỳ-kheo ấy ra ngoài. Bấy giờ hội chứng mới được xem là hoàn toàn thanh tịnh.

Ðức Phật dạy: “Này nữa, này các Tỳ-kheo, như đại dương không dung chứa một tử thi, một thây chết. Hễ tử thi, thây chết có thể bị ném vào đại dương, tử thi, thây chết ấy cùng nhanh chóng bị đẩy vào bờ, bị quẳng lên đất khô. Cũng thế, này các Tỳ-kheo, hễ kẻ nào thối thất, tham dục… (phi phạm hạnh), Tăng-già sẽ không sống chung với kẻ ấy, hãy nhanh chóng tụ họp lại, loại kẻ ấy ra, và dù cho kẻ ấy có ngồi giữa Tăng chúng, kẻ ấy cũng xa rời Tăng chúng và Tăng chúng xa rời kẻ ấy… Tăng Chi III và Trung A-hàm, 37 có nêu lời đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, không thể và không có sự việc rằng Như Lai tiến hành Bố-tát và đọc Giới bổn trong một Hội chứng không hoàn toàn thanh tịnh”.

Do đó, để dự kỳ Bố-tát, vào những ngày trước đó, các Tỳ-kheo phải sám hối (Parisuddhi) tất cả những sai phạm của mình để có thể tự tuyên bố rằng mình thanh tịnh, xứng đáng được nghe đọc Giới bổn.

Sau khi đã được chuẩn bị và hội đúng các điều kiện trên, lễ Bố-tát được tiến hành. Trong những năm đầu, Bố-tát được thực hiện rất đơn giản nhưng càng về sau, hình thức càng phức tạp hơn. Chúng tôi xin trích phần sau đây trong cuốn “Yết-ma Yếu Chỉ” của Hòa thượng. Thích Trí Thủ, trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam ấn hành năm 1991, trong đó, một số chi tiết có thể sai khác đôi chút với các tài liệu khác, nhưng đại thể thì các tài liệu đều không sai khác nhau nhiều; qua đó, chúng ta có được một ý niệm khái quát về sinh hoạt Bố-tát:

“… Thượng tọa tác pháp Yết-ma thuyết giới hỏi:

– Tăng đã họp chưa?

“Duy na đáp:

– Tăng đã họp.

– Hòa hợp không?

– Hòa hợp.

– Người chưa thọ giới Cụ túc đã ra chưa?

– Ðã ra. – Các Tỳ-kheo không đến có gửi dục và thuyết tịnh không?

….

“Thượng tọa hỏi tiếp:

– Tăng nay họp để làm gì?

– Yết-ma thuyết giới.

….

“Thượng tọa bạch Yết-ma:

– Ðại đức Tăng, xin lắng nghe: Hôm nay là ngày… tháng…, ngày Bố-tát, chúng Tăng thuyết giới. Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng nay chấp thuận hòa hợp thuyết giới. Ðây là lời tác bạch.

“Thưa các Ðại đức, nay đang là mùa… mùa này có… kỳ Bố-tát. Trong nửa háng này, một kỳ Bố-tát đang đi qua, có hai kỳ Bố-tát đã qua và còn ba kỳ Bố-tát nữa sắp tới. Tuổi già và sự chết đang gần kề, Phật pháp sắp tàn diệt. Thưa các Ðại đức, chỉ cần đắc đạo, hãy nhất tâm cần cầu tinh tấn. Vì sao vậy? chư Phật do nhất tâm cần cầu tinh tấn mà chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, huống nữa là các thiện pháp khác. Mỗi người đang lúc đang khỏe mạnh, hãy nỗ lực tu thiện. Sao lại không cần cầu, đâu thể đợi đến già! Ham muốn nào vui chi? Ngày nay đã qua, mạng sống lần giảm như cá thiếu nước, đâu có vui gì!

“Thưa các Ðại đức, nay tôi sẽ nói Ba-la-đề-mộc-xoa. Các Ðại đức hãy lắng nghe, khắc ghi kỹ. Nếu biết tự mình có phạm, hãy nên tỏ bày và sám hối, ai không phạm thì im lặng. Do sự im lặng mà tôi biết các Ðại đức thanh tịnh. Như một người được ai hỏi điều gì thì phải theo sự thực mà đáp. Cũng vậy, Tỳ-kheo nào ở trong chúng đã được ba phen hỏi, nhớ kỹ mình có phạm mà không phát lộ, Tỳ-kheo đắc tội vọng ngữ. Ðức Phật dạy rằng sự cố ý vọng ngữ là pháp chướng đạo. Tỳ-kheo nào nhớ kỹ mình có tội, muốn cầu thanh tịnh, cần phải phát lồ, phát lồ thì an lạc.

“Thưa các Ðại đức, tôi nói xong phần tựa, nay hỏi các Ðại đức trong đây có thanh tịnh không? (ba lần). Các Ðại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy”.

Tiếp theo là phần đọc Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa, gồm 150 pháp, gồm bảy loại (sẽ bàn ở phần Giới học). Sau mỗi loại pháp, vị Thượng tọa lại nói ba lần: “Tôi đã đọc xong (…) pháp… Nay hỏi các Ðại đức trong đây có thanh tịnh không?… Các Ðại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng (tức không ai phát lộ sự vi phạm của mình). Tôi ghi nhận như vậy.”

Các hình thức thủ tục thực hiện một kỳ Bố-tát cũng như nội dung thuyết giới Ba-la-đề-mộc-xoa ngay trong thời đức Phật cũng có thay đổi tùy theo địa phương, hoàn cảnh, thời gian Bộ Mahavagga có ghi năm các thuyết giới Ba-la-đề-mộc-xoa như sau:

1. Chỉ thuyết phần tựa, phần còn lại thuyết rằng: “Như Tăng thường nghe”.

2. Thuyết phần tựa và bốn pháp Ba-la-di (Pàràjika), phần còn lại thuyết rằng: “Như Tăng thường nghe”.

3. Thuyết phần tựa, bốn pháp Ba-la-di, mười ba pháp Tăng-già-bà-thi-sa, (Sanghadi-sesa), phần còn lại thuyết rằng: “Như Tăng thường nghe”.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.