Tăng-già thời Đức Phật – Chương VI

Chương sáu

Tam học: Giới học – Định học – Tuệ học

Ý nghĩa khái quát

Mục đích tối hậu của Phật giáo là giải thoát, thực chứng Niết-bàn. Giải thoát là thoát khỏi sự trói buộc của khổ đau, luân hồi. Nhiều từ Phật học dùng để ta giây phút thành tựu tối hậu của người tu, đồng thời được xem như đồng nghĩa với giải thoát là: giác ngộ, chứng ngộ, thể nhập Chân lý, đại ngộ, đại giác… đều là những từ chỉ về trí tuệ. Suốt bốn mươi năm hoằng hòa, đức Phật cũng chỉ nhằm mở ra dạy cho người ta về chân lý ấy. Ðức Phật thường được gọi là bậc Giác Ngộ, bậc Ðại Trí, Tối Thắng Trí, Ðại Giác, Thiên Nhân Sư, Thế Gian Giải, Chánh Biến Tri… cũng là do người ta muốn chỉ đến trí tuệ siêu việt của Ngài. Mười Như Lai lực hay mười khả năng thù thắng của đức Phật được người đời xưng tụng là mười khả năng trí tuệ.

Toàn bộ khối lượng khổng lồ của Kinh Luận Phật giáo chỉ nhằm đưa người ta đến cái biết, cái nhìn đúng thực tại, và nói cho cùng, mọi học thuật trên thế gian cũng chỉ nhằm trình bày cái sở kiến, cái biết. Thực tại được nói đến cũng không ngoài cái biết, toàn bộ thực tại là cái biết, toàn bộ học thuật thế gian đều khởi sự bằng cái biết và kết thúc bằng cái biết. Các vấn đề thường được nêu kèm theo cái biết là biết để làm gì, tri hành hợp nhất… tựu trung chỉ là những hệ luận của cái biết. Thực ra không có ai muốn, không có ai tự nhận rằng mình nghĩ một đằng mà làm một nẻo; chỉ có cái không biết, hay không biết trọn vẹn mới gây trở ngại cho hành động hoặc gây trở ngại cho mình, cho người… Và, một khi cái biết đã viên mãn trọn vẹn thì bấy giờ chẳng còn vấn đề gì cả đối với cá nhân đã thể nghiệm cái biết ấy. Cái biết trọn vẹn có công năng chiếu rọi, thấu nhập vào mọi sự là Trí tuệ tối thượng, cái trạng thái biết như thế gọi là Giác, Ðại Giác, Chứng Ngộ, Giải Thoát vậy. Ðấy là cái biết của chư Phật. Ðấy là cả một khối nhất như của toàn bộ thực tại không phân chia. Khi ấy, cái biết về một đối tượng chính là đối tượng ấy và khi ấy không còn vấn đề gì để bàn và không thể nghĩa bàn được.

Các giáo lý, học thuyết để đưa một con người bình thường từ cái biết chưa trọn đến cái biết tối thượng, tức là cái tuệ giác tối thượng. Trong mục tiêu ấy, Phật học chia cái học về thực tại này đây vốn đồng nhất tròn đầy ra làm ba mặt: Giới, Ðịnh và Tuệ học.

Giới là Hán dịch từ chữ Sìla, thường được hiểu là Giới hạnh, điều luật đạo đức. Sìla nguyên nghĩa là sự tự nhiên, là thói quen. Vậy Giới vốn là thực tại với những quy luật vận hành rất tự nhiên và không mang một ý nghĩa đạo đức nào cả. Có điều ta muốn vượt ra ngoài giới hạn của tự nhiên, nếu ta hành động trái với quy luật của tự nhiên (và của xã hội trong đời sống hàng ngày) thì ta sẽ gặp trở ngại. Nếu tôi ăn quá nhiều, vượt quá khả năng tiêu hóa của tôi thì tôi sẽ bị bịnh: nếu tôi cướp giật của người khác thì tôi sẽ bị trừng trị theo pháp luật của nhà nước. Vậy tôi không nên vượt khỏi quy luật. Tôi cần đánh giá hành động của tôi là đúng sai thế nào để tôi khỏi bị trở ngại trong cuộc sống: điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Từ đây, ý nghĩa đạo đức của giới mới xuất hiện. Về sau, sự giữ mình, điều ngự mình để làm sao cho được an vui, để đừng bị trở ngại, khổ đau được gọi là sự trì giới.

Ðịnh, Hán dịch của từ Samàdhi, trong ý nghĩa chung là Thiền Ðịnh (Sanskrit: Dhyàna, Pàli: Jhàna). Samàdhi có nghĩa là sự tập trung cô đọng, sự nhất tâm, định tâm. Hán dịch là Ðịnh, có ý nhấn mạnh sự ngưng tụ, trái nghĩa với sự tán loạn. Samàdhi có một số từ bà con là: Samà, Samanà (giống nhau, như nhau), Samaneti (góp chung lại), Samàhati (góp lại, thắp sáng), Samàvàya (sự họp lại, nối lại), Samàdhibàla (định lực), Samàdhiyati (sự vắng lặng, định tâm)… Ðịnh là bản thể vắng lặng, nhất như, như thị của thực tại. Ðối với một cá nhân, định là trạng thái thanh tịnh, nhất tâm, ổn cố, vững vàng, chuyên sâu. Cái tâm có định mới bình an, không lo lắng chao đảo, không nghi ngờ sợ hãi, không bị lôi kéo bởi những xu hướng xấu. Có định mới hiểu rõ được sự vật, thông hội được thực tại.

Tuệ, Hán dịch của từ Panmà. Như trên nói, Tuệ là cái biết trọn vẹn, chiếu rọi thông suốt vạn pháp. Tuệ là cái biết, đồng nhất với vạn pháp. Tuệ là cái biết, cái thấy đúng y như các pháp. Kinh dạy: “Chánh kiến là Tuệ”. Nhưng đối với một người bình thường chưa giác ngộ thì Tuệ, dù là bản thể người ấy, vẫn chưa được tỏ hiện, hoặc chỉ hiện dưới hình thức phiến diện là cái biết của cảm giác, thông qua giác quan, có thể sai lầm, vụn vặt, nhưng lại có khả năng phát triển, thăng hoa. Ðây là động cơ và lý do tồn tại của giáo dục và học tập vậy.

Vì Giới, Ðịnh, Tuệ là ba mặt của một thực tại, cho nên trong Giới có Ðịnh, có Tuệ; trong Ðịnh có Giới có Tuệ; trong Tuệ có Giới có Ðịnh. Mức độ thăng hoa của một trong ba chi phần này có liên quan đến hai chi phần kia. Có Tuệ mới biết đâu là Giới; có Tuệ mới ổn định được tâm; càng thực hiện Giới, tức là càng thực hiện các quy luật tự nhiên thì càng hiểu biết về thực tại, từ đó hiểu được tâm, ổn định tâm; có ổn định tâm, thì tâm mới thanh tịnh, cái biết từ đó sẽ sáng sủa hơn, v.v…

Trong một giai đoạn của quá trình phát triển tâm, ta xem Ðịnh là chuyển tiếp để đến Tuệ (cũng như Tuệ là chuyển tiếp để đến giải thoát, giải thoát tri kiến), ta thấy lời dạy sau đây của đức Phật nêu rõ mối liên hệ hữu cơ, biện chứng của Giới, Ðịnh, Tuệ khi Ngài được hỏi về Ðức hạnh và Trí tuệ:

“Này Ba-la-môn, Trí tuệ được Giới hạnh làm cho thanh tịnh, Giới hạnh được Trí tuệ làm cho thanh tịnh. Ở đâu có Giới hạnh ở đó có Trí tuệ. Ở đâu có Trí tuệ ở đó có Giới hạnh. Người có Giới hạnh nhất định có Trí tuệ; người có Trí tuệ nhất định có Giới hạnh. Giới hạnh và Trí tuệ được xem là tối thắng trên đời” (Trường Bộ IV, Kinh Sonadanda)

Giới, Ðịnh, Tuệ là nội dung tu học của các Tỳ-kheo đệ tử đức Phật. Tam học này là bước đường mà một Tỳ-kheo phải kinh qua để tiến đến giải thoát. Tu học là tu học Giới, Ðịnh và Tuệ. Vào những ngày cuối cùng, trên đường từ Ràjagaha (Vương Xá) đến Kusinagara (Câu-thi-na) để nhập Ðại Niết-bàn, đức Phật giảng đi giảng lại về cõi Giới, Ðịnh, Tuệ qua những chặng Ngài cùng các Tỳ -kheo dừng chân: Ràjagaha, Ambalatthika, Nalanda, Kotigàma, Nàdika, Vesalì…

Phần trên đây chỉ bàn đại lược, nhằm để nhấn mạnh ba điều:

1. Sự học hành tu tập về Giới, Ðịnh, Tuệ là một việc rất đương nhiên, rất tự nhiên đối với ai muốn giảm bớt và loại trừ những trở ngại, những khổ đau trong cuộc sống. Và, bằng nhiều hình thức khác nhau, các ngành học đều nhằm triển khai ba cái học này.

2. Ðối với hàng hữu học, không thể có cái học chuyên biệt về một chi phần nào mà không liên hệ đến hai chi phần kia.

3. Hình thức và nội dung hành trì Tam học Giới, Ðịnh, Tuệ là tương đối, linh động theo thời điểm, theo cá nhân, hoàn cảnh…

Với nhận định trên, ta có thể nêu ý nghĩa thù thắng của từng chi phần Giới, Ðịnh, Tuệ một cách vắn tắt như sau:

– Giới học là cái học về luật tắc trong sinh hoạt của cộng đồng các tu sĩ Phật giáo, về những điều thiện phải làm và những điều ác phải tránh, về sự giữ gìn thân, khẩu, ý, để khỏi tạo nghiệp xấu, khỏi ảnh hưởng xấu đến bước đường tu tập của một Tỳ-kheo. Giới học thường được hiểu là học tập, tu hành theo Giới bổn Tỳ-kheo (Pàtimokkha) là Bộ Giới Kinh gồm những giới luật do đức Phật chế.

– Ðịnh học là cái học về Thiền định để tâm được ổn cố, được thanh tịnh, từ đó Tuệ được phát triển.

– Tuệ học là cái học về giáo lý của đức Phật, để có chánh kiến, để thực chứng chân lý tối hậu là Giải thoát, Niết-bàn.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.