Tăng-già thời Đức Phật – Chương VI

Giới học

Giới học là sự học hành, tu tập về Giới. Giới học ở đây, ngoài ý nghĩa tổng quát như đã trình bày trên, có ý nghĩa thù thắng về mặt đạo đức.

Các bộ luật được biên tập đầy đủ, hệ thống vào khoảng giữa thế kỷ thứ IV sau Tây lịch, ghi lại khá đầy đủ về những sinh hoạt của Tăng-già thời đức Phật qua những mẫu chuyện được xem là duyên khởi cho những lời dạy về Giới luật của đức Phật. Qua đó ta thấy được những lời dạy qua hình thức: “Này các Tỳ-kheo, hãy làm những điều này …” hoặc “Này các Tỳ-kheo, không được làm những điều này…” Những điều khuyên dạy ấy được nêu lên trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và được sao chép một cách thiếu hệ thống, có khi nội dung mâu thuẫn với nhau. Hiện nay chúng ta có được sáu bộ luật của sáu tông phái khác nhau, tuy vậy nội dung của các bộ đại thể không khác nhau bao nhiêu. Ðó là các bộ Theravada Vinàya, Mahàsanghika Vinàya, Mula-Sarvastivàda, Mahàsasàka-Sarvastivàda, Pharmaguptaka-Sarvastivàda, và Sarvastivàda

Trong sáu bộ luật trên, bộ Theravada Vinàya của Thượng tọa bộ là đầy đủ và hệ thống nhất. Bộ Theravàda Vinàya có tên Pàli là Vinàya Pitaka mà ngày nay người ta vẫn gọi là Luật tạng.

Nhắc đến Luật tạng, ta phân biệt ba phần trong nội dung là:

1. Pàtimokkha (Ba-la-đề-mộc-xoa) tức bộ Giới Bổn Tỳ-kheo.

2. Mahavagga (Ðại phẩm): ghi lại những quy định trong sinh hoạt của Tăng-già như thọ giới, nhập hạ, ăn mặc, thuốc men, các quyền hạn của Tỳ-kheo…

3. Cullavagga (Tiểu phẩm): ghi lại những qui định về cách cư xử, đối đãi giữa các Tỳ-kheo Tăng, Ni…

Như trên đã nói, Luật tạng ghi lại những trường hợp làm duyên khởi đưa đến lời dạy của đức Phật theo từng trường hợp riêng lẻ và không được sắp xếp một cách hệ thống. Sự hình thành các bộ Luật tương đối khá chậm đến gần cả chục thế kỷ sau thời đức Phật. Chỉ có toàn bộ Pàtimokkha là sắp xếp các lời dạy của Phật tương đối có hệ thống và lại còn qui định những tội vi phạm. Rải rác trong kinh điển, chính đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở rằng Pàtimokkha là nội dung tu trì căn bản nhất để từ đó người Tỳ-kheo thăng tiến đến giải thoát tối hậu.

Về từ nguyên, Pàtimokkha có nghĩa là sự liên kết, mối ràng buộc. Từ đó, Pàtimokkha được giải thích là sợi dây ràng buộc Tăng già, sự thống nhất chặt chẽ, của các Tỳ-kheo, sự nối kết mình vào giáo lý của đức Phật. Cũng từ nghĩa này, Pàtimokkha được hiểu là sự trói buộc các hành động, giữ gìn thúc liễm thân, khẩu, ý để khỏi rơi vào sai lầm như buộc mồm trâu để trâu khỏi ăn lúa mạ.

Pàtimokkha gồm tiếp đầu ngữ là Pàti, có nghĩa là hướng về theo chiều hướng, và Mokkha có nghĩa là giải thoát. Theo đó, Pàtimokkha có nghĩa là sự đưa đến giải thoát. Từ Hán dịch Pàtimookha là Giải thoát, Biệt giải thoát, Biệt biệt giải thoát, Tùy thuận giải thoát… đều là lấy gốc từ Mokkha và diễn thêm nghĩa theo ý nghĩa toàn bộ nôi dung của Pàtimokkha là những hành vi, giới hạnh, những học pháp đưa đến sự giải thoát.

Vào lúc khởi đầu, Tăng-già đang là một giáo đoàn Sa-môn, các Tỳ-kheo đều đạt Thánh quả nên giới luật không cần thiết. Ðến khi Tăng-già đã lớn mạnh, các Tỳ-kheo được phép thâu nhận đệ tử thì những trường hợp sai trái bắt đầu xảy ra. Do đó đức Phật vốn không có ý định đặt ra những luật lệ, giáo điều cứng nhắc, đã phải đưa ra một số điều lệ lẻ tẻ “nên làm…”, “không nên làm …”

Chúng ta chưa tìm ra tài liệu về nội dung của bản Pàtimokkha vào thời kỳ đầu của Tăng-già và về những thời điểm mà những điều luật dần dần được thêm vào. Những chi tiết dưới đây phần lớn là dựa vào các sớ luận của luận sư Buddhaghosa (Phật Âm) được viết vào khoảng cả ngàn năn sau khi các sự việc xảy ra.

Sau khi Tôn giả Sàriputta đắc quả A-la-hán, và khi đức Phật cùng đoàn Tỳ-kheo đang ở Veluvana gần Ràjagaha, đức Phật đã đọc bản Pàtimokkha lần đầu tiên trước Hội chúng gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo vào ngày trăng tròn thuộc chòm sao Màgha (khoảng tháng 2, 3 dương lịch), vào năm thứ ba sau ngày đức Phật thành đạo. Đây là bản Ovàda Pàtimokkha (Ovàda: sự huấn dụ, lời khuyên bảo, nhắc nhở). Từ đó, thỉnh thoảng đức Phật vẫn tuyên đọc bản này trước các Tỳ-kheo đệ tử của Ngài.

Như vậy, lúc ban đầu, đức Phật đã tuyên đọc bản Pàtimokkha có nội dung ngắn gọn, sơ sài, là tập hợp những lời huấn dụ của đức Phật về một số điểm trong sinh hoạt tập thể Tăng-già và của cá nhân từng Tỳ-kheo. Chúng ta không biết được rõ các trú xứ của các Tăng già rải rác ở các nơi có đọc đều đặn bản Ovàda Pàtimokkha mà chính đức Phật đã tuyên đọc hay không. Cho đến khi theo lời thỉnh cầu của vua Bimbisara, đức Phật cho phép các Tỳ-kheo tổ chức ngày Uposatha và đọc giới bổn, thì về sau, việc tụng đọc giới bổn trở thành đều đặn và bắt buộc. Trước khi có sự kiện xảy ra tại Sàvàtthi, có Tỳ-kheo không thanh tịnh trong hội chúng và đức Phật tuyên bố từ đấy Ngài sẽ không đọc Pàtimokkha nữa, thì Pàtimokkha được tuyên đọc bấy giờ vẫn là bản Ovàda Pàtimokkha. Chúng ta còn phân biệt được một bản Pàtimokkha nữa được hình thành về sau, gồm nhiều giới hơn, được sắp xếp tương đối hệ thống hơn, cụ thể hơn với những ấn định về tội danh vi phạm, đấy là bản Ànapàtimokkha (Àna nghĩa là mệnh lệnh, bắt buộc phải theo). Có lẽ thời điểm hoàn thành bộ Pàtimokkha này – mà về sau ta gọi là Vinàya Pàtimokkha vào sau khi có sự việc Trưởng lão Sudinna vi phạm trường hợp mà đức Phật dạy là rất trầm trọng. Bấy giờ là khoảng năm thứ hai mươi sau khi Tăng-già được thành lập.

Trưởng lão Sudinna (Tu-đề-na) nhập tu đã được tám năm, nổi danh là một Tỳ-kheo tinh cần chánh hạnh, giữ hạnh đầu đà chuyên thâm. Bấy giờ theo lời yêu cầu khẩn thiết của gia đình, cần có con để nối dõi, giới luật bấy giờ chưa có văn bản ngăn cấm cụ thể nên Sudinna đã trở về gia đình, “sống” với người vợ cũ. Sau đó, Sudinna rất hối hận, ray rức trở nên “phờ phạc, đau đớn, bạc phước, vàng vọt, gân nổi khắp người, buồn rầu, khổ sở, ê chề, ân hận, trĩu nặng sầu bi”. Các Tỳ-kheo đồng tu đã trách cứ Sudinna gay gắt, và khi được nghe bạch lại sự việc, đức Phật đã nghiêm khắc quở trách Sudinna:

“Này kẻ rồ dại kia, sao ông lại có thể chạy theo dục lạc trong khi bằng nhiều cách ta đã giảng dạy để nhằm cho được vô dục; sao ông lại có thể để cho bị trói buộc, trong khi bằng nhiều cách, ta đã giảng dạy để nhằm cho được giải mở; sao ông lại có thể thủ chấp, trong khi bằng nhiều cách, ta đã giảng dạy để nhằm cho được vô thủ chấp? Này kẻ rồ dại kia há không phải bằng nhiều cách ta đã giảng dạy diệt dục, há không phải ta đã giảng dạy để thắng kiêu căng, để ngăn chận tham ái, để phá bỏ thủ chấp, để sở đắc vô dục?” Ðức Phật còn nhấn mạnh: “Này kẻ rồ dại kia, ông là kẻ đầu tiên làm điều sai quấy!”.

Sau đó,đức Phật nêu ra mười lý do thiết lập giới luật để các Tỳ-kheo đệ tử tu tập. Mười lý do này còn được nhắc lại trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya V, 70) khi đức Phật trả lời Trưởng lão Upàki (Ưu-bà-ly) về mục đích tuyên dạy Pàtimokkha của đức Phật:

“Này Upàli, đây là mười lý do khiến ta tuyên dạy Pàtimokkha. Mười lý do này là gì ?

“- Ðể Tăng-già được mỹ mãn.
“- Ðể Tăng-già được ổn thuận.
“- Ðể kiềm giữa các Tỳ-kheo khó kiềm giữ.
“- Ðể thiện Tỳ-kheo được ổn thuận.
“- Ðể chế ngự các lậu hoặc (Àsava) trong hiện tại.
“- Ðể ngăn ngừa các lậu hoặc đời sau.
“- Ðể tạo tin tưởng cho những người ít tin tưởng.
“- Ðể xác tín cho những người có lòng tin.
“- Ðể chánh pháp được bền vững.
“- Ðể phù trợ cho luật.

“Này Upàli, đấy là mười lý do nhằm dạy dỗ các đệ tử của Như Lai và là mục đích tuyên dạy Pàtimokkha”.

Việc ban hành một cách long trọng về Giới bổn Tỳ-kheo, tức bộ Anàpàtimokkha đã được thực hiện từ đấy, khoảng năm thứ 20 sau ngày Phật thành đạo. Tính cách chặt chẽ nghiêm khắc đã thể hiện rõ ràng hơn, đây là mệnh lệnh, bắt buộc phải theo (Àna), nếu vi phạm thì bị định tội chứ không phải chỉ là những lời huấn dụ, khuyên nhủ như trước (Ovàda). Rải rác trong các Kinh, ta thấy có nhắc nhở đến bộ giới luật này, gồm hơn một trăm năm mươi điều. Ví dụ, Tăng Chi III, 9 có ghi lời Phật dạy:

Này các Tỳ-kheo, việc tụng đọc hơn một trăm năm mươi điều phải được thực hiện mỗi tháng hai lần. Giờ đây tất cả các điều luật đều được tập hợp lại để tạo ra ba cấp độ giáo huấn. Ba cấp độ ấy là gì? Ðấy là đức hạnh được thăng tiến (Giới), tâm thức được thăng tiến (Ðịnh), và trí tuệ được thăng tiến (Tuệ). Mỗi cấp độ đều gồm hết mọi điều luật. Do đó, này các Tỳ-kheo, ai tu tập được chừng nào thì chứng đạt được chừng ấy; ai tu tập trọn vẹn thì chứng đạt được trọn vẹn. Ta tuyên bố rằng những điều luật để tu tập này không thể không mang lại hiệu quả”.

Hơn một trăm năm mươi điều nói trên tất nhiên đã hình thành dần dần trong suốt hai mươi năm, qua nhiều trường hợp, hoàn cảnh khác nhau, có sửa đổi thêm bớt mà phần nhiều là thêm vào. Cho đến nay, các bộ Pàtimokkha có khác nhau về tổng số các điều luật, nhưng trên đại thể vẫn rất giống nhau về nội dung. Hiện nay, ta phân biệt bản Pàtimokkha bằng tiếng Pàli và Sanskrit bên cạnh các bản dịch bằng tiếng Trung Hoa và Tây Tạng. Ðó là các bản Pàtimokkha của Theravada (Thượng tọa bộ – Pàli), của Mùla-Sarvastivàda (Nhất thiết hữu bộ – Sanskrit) và của Mahasangha (Ðại chúng bộ – Sanskrit), ngoài ra còn một bản không đầy đủ của Sarvastivàda, có tổng số giới lần lượt 227, 258, 218 và 263. Trong số các bộ này, bộ Pàtimokkha của Theravada có hệ thống nhất và lưu hành phổ biến nhất hiện nay và là bản cổ còn giữ được tại Màgadha.

Sau đâu là sơ lược nội dung 227 giới của Ba-la-đề-mộc-xoa thuộc Thượng tọa bộ (Theravàda-Pàtimokkha), được chia làm tám tụ, lần lượt là:

1. Bốn pháp Ba-la-di (Pàràjika dhamma): Bốn pháp quan trọng nhất, người vi phạm bị xem là hoàn toàn mất phẩm chất Tỳ-kheo, bị xem như người đã chết, bị tẩn xuất, không được sống chung với Tăng chúng, phải hoàn tục.

Ðó là: 1) Hành dâm; 2) Trộm cắp; 3) Giết người; 4) Ðại vọng ngữ (nói dối rằng mình đã chứng ngộ).

2. Mười ba pháp Tăng-già-bà-thi-sa (Sanghaddidesà dhamma): tức Tăng-tàn, ví như người ấy sắp chết cần được cứu sống gấp. Nếu Tỳ-kheo nào phạm tội này, liền được đưa ra Tăng-già Yết-ma để định tội, sau đó Tỳ-kheo ấy không được tham dự các sinh hoạt qui định trong Tăng chúng, bị tạm mất số quyền lợi, sau đó sống biệt trú trong sáu đêm để tự sám hối và cuối cùng được đưa ra Tăng-già Yết-ma gồm hai mươi vị để xuất tội.

Mười ba pháp này đại khái gồm có hành động biểu lộ sự dâm dục, nhưng chưa đến mức phải bị tội Ba-la-di (từ 1 đến 4); làm mai mối (5); tự ý xin làm phòng xá cho mình (6 và 7); vu khống Tỳ-kheo khác (8 và 9); phá hoà hợp Tăng (10 và 11); có hành vi xấu làm hoen ố nhà người khác (12); không nghe lời can gián đúng (13).

3. Hai pháp Bất định (Anivàka dhamma): Hai trường hợp vi phạm giới của một Tỳ-kheo do một cư sĩ thành tín báo cáo với Tăng-già. Bấy giờ Tăng-già họp và định tội Tỳ-kheo ấy. Do chưa định được ngay là tội gì vì còn phải đưa sự việc ra Tăng-già Yết-ma để định tội, nên gọi là pháp bất định.

4. Ba mươi pháp Ni-tát-kỳ ba-dật-đề (Nissagiyà Pàcittya dhamma): Hán dịch âm là Ni-tát-kỳ ba-dật-đề, nghĩa là Xả đọa, chỉ các giới về việc sử dụng không đúng pháp một số vật dụng như y (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10); ngọa cụ (11, 12, 13, 14, 15); tọa cụ (23, 24, 25, 26, 27, 28, 29); bát (21, 22); tiền bạc (18, 19, 20)… về số lượng, tầm cỡ, chất liệu v.v…

Phạm vào giới này, người Tỳ-kheo phải ra trước Tăng-già để xả bỏ các vật dụng trên và sau đó phải thành tâm sám hối, nếu không, Tỳ-kheo bị cho là sẽ phải đọa địa ngục.

5. Chín mươi hai pháp Ba-dật-đề (Pàcittya dhamma): Ba-dật-đề được dịch là Đọa. Tỳ-kheo vi phạm giới này phải sám hối trước Tăng-già, nếu không thì bị xem là sẽ đọa địa ngục.

Ðó là các giới về: cách nói năng, tiếp xúc, đối đãi với các Tỳ-kheo đồng tu (1, 2, 3, 4, 12, 13, 53, 54, 55, 58, 59, 63, 64, 66, 69, 70, 74, 75, 76, 78); đối với Tỳ-kheo ni (21, 22, 24, 25, 26); đối với phụ nữ (9, 30, 45); thái độ khi vào nhà gia chủ, các xử sự đối với người ngoài (7, 8, 42, 43, 44); những sinh hoạt thường nhật như ăn, uống, y phục, tọa cụ, ngọa cụ (31, 32, 33, 34, 35, 37, 38, 62, 87, 88, 90, 91, 92); một số sinh hoạt lẻ tẻ (10, 11, 51, 56) v.v…

6. Bốn pháp Ba-la-đề-xá-ni (Pàtidesanìỳa dhamma), dịch nghĩa là Hối quá, tức sám hối lỗi lầm tự nêu sự sai quấy của mình trước một Tỳ-kheo khác (có nhiều tài liệu giải thích rằng phải sám hối trước từng Tỳ-kheo một đối với cả tập thể Tỳ-kheo trong trú xứ).

Ðó là các giới nói về: nhận thức ăn của Tỳ-kheo ni (1); nhận thức ăn tại nhà gia chủ do Tỳ-kheo ni có mặt ở đó sai người mang lại (2); thọ thực tại nhà cư sĩ có trình độ tu học cao mà không do lời thỉnh cầu trước của cư sĩ ấy (3); nhận thức ăn do thí chủ mang đến trú xứ A-lan-nhã (nơi xa xôi nguy hiểm).

7. Bảy mươi lăm pháp Chúng học (Sekhiyà dhamma): Chúng học là Hán dịch từ Sekhiyà, nguyên nghĩa là huấn luyện, học tập. Pháp Chúng học là những pháp mà Tỳ-kheo phải học tập và thực hành theo. Ðây là những điều khoản về đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, thuyết pháp, những thể hiện tác phong đạo đức của người Tỳ-kheo, thái độ cư xử trong giao tiếp vớii thế tục. Các điều khoản này không phải là giới; mỗi điều khoản đều mở đầu bằng: “Tôi sẽ không…”, tức là những điều tâm niệm cần phải học tập. Tuy vậy, nếu vi phạm, người Tỳ-kheo khác trong trú xứ (nếu cố ý vi phạm).

Ðó là các pháp về: việc may mặc y (từ 1 đến 4, và từ 9 đến 10); cử chỉ, động tác, công việc (5-8, 11-26, và từ 73-75); việc ăn uống thọ nhận thực phẩm (từ 27 đến 56); việc tôn pháp khi thuyết giảng cho người khác (từ 57-72).

8. Bảy pháp Diệt tránh (Adhikarana-samathà): Từ Adhikarana có nghĩa là tố tụng, tranh cãi, kiện thưa, từ Samathà có nghĩa là sự im lặng, ngưng bặt. Diệt tránh là làm ngưng, giải quyết, chấm dứt sự tranh cãi. Pháp diệt tránh là những nguyên tắc để giải quyết mọi sự bất đồng, tranh luận trong Tăng-già. Ðó là:

a) Hiện tiền Tỳ-ni (Sammukhà Vinàya): giải quyết bằng nguyên tắc hiện diện. Việc định tội phải được thực hiện đúng pháp, đúng luật, đúng giới hiện hành. Tăng-già khi định tội phải có mặt Tỳ-kheo bị cáo.

b) Ức niệm Tỳ-ni (Sati Vinàya): giải quyết bằng nguyên tắc Tăng-già họp với sự có mặt của Tỳ-kheo bị cáo để Tỳ-kheo này nhớ lại sự việc đã xảy ra, trình bày lại rõ ràng. Sau đó Tăng-già quyết định. Nếu đương sự có tội thì sẽ bị xử phạt theo luật định; nếu không thì thôi. Sau đó không ai được gợi lại sự việc hay hỏi han lôi thôi nữa.

c) Bất si Tỳ-ni (Amùlha Vinàya): giải quyết trong trường hợp một Tỳ-kheo bị cuồng si, mất trí, đã phạm nhiều lỗi lầm nhưng sau đó đã lành bệnh. Tăng-già họp Yết-ma (Bạch tứ) và tuyên bố Tỳ-kheo ấy đã lành bệnh, nhưng lỗi lầm mà Tỳ-kheo đã phạm trong thời gian mất trí là không kể từ đây, Tỳ-kheo ấy sinh hoạt bình thường trong Tăng chúng. Yết-ma thực hiện xong không ai được nhắc lại sự việc cũ nữa.

d) Tự ngôn trị (Patinna Karanàm): giải quyết theo nguyên tắc Tăng-già chỉ phân tích sự việc một cách vô tư chứ không kết tội một Tỳ-kheo nào nếu Tỳ-kheo ấy không nhận là mình có tội. Nếu tội trạng đã rõ ràng mà đương sự vẫn không nhận tội thì sự việc được giải quyết theo nguyên tắc khác là nguyên tắc “đa nhân ngữ”.

e) Ða nhân ngữ (Yebhuyyasikà): giải quyết bằng cách quyết định theo ý kiến của đa số (theo biểu quyết công khai hoặc theo cách bỏ thăm phiếu).

f) Tội xứ sở (Tassa-papiyasikà): giải quyết trong trường hợp có tội nhưng cứ tìm cách nói quanh co chứ không hẳn là nhận tội hay không nhận tội. Bấy giờ Tăng-già quyết định cư xử trị bằng cách tạm thời loại Tỳ-kheo ấy ra khỏi phần lớn sinh hoạt, quyền lợi theo luật định cho đến khi Tỳ-kheo ấy nhận tội, bấy giờ Tăng-già lại họp Yết-ma để xuất tội cho.

g) Như thảo phú địa (Tina-Vattharaka): giải quyết bằng cách khỏa lấp mọi sự tranh cãi (như lấy cỏ che phủ đất dơ). Khi cả trú xứ chia làm hai phe tranh cãi, gây mâu thuẫn trầm trọng, không thể giải quyết bằng cách nào khác được. Bấy giờ tất cả các Tỳ-kheo của cả hai nhóm đều bị xem là có tội. Tăng-già họp Yết-ma, quyết định tất cả đều phải sám hối và từ đó không ai được nhắc lại chuyện cũ nữa.

Trên đây là sơ lược nội dung của Ba-la-đề-mộc-xoa (Pàtimokkha), còn gọi là Tỳ-kheo Giới bổn, có thể xem là nội dung hành trì để giữ gìn thân, khẩu, ý cho được thanh tịnh. Giới là bước đi đầu tiên, rất căn bản để đạt Ðịnh và Tuệ. Ðức Phật dạy:

“Này các Tỳ-kheo, hãy sống trong sự sở hữu giới hạnh, trong sự sở hữu Ba-la-đề-mộc-xoa. Hãy sống chế ngự với sự chế ngự của Ba-la-đề-mộc-xoa, trong sự sở hữu oai nghi chánh hạnh, thấy được sự nguy hiểm của những lỗi nhỏ nhất, xử lý chúng một cách đúng đắn. Hãy tụ tập trong học giới” (Trung Bộ VI, Kinh Akankheya)

Ðức Phật còn giải thích thế nào là vị Tỳ-kheo thiện xảo trong sự tu trì giới luật:

Này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo thiện xảo trong tu trì giới luật thì có bảy điều. Thế nào là bảy? – Vị ấy biết thế nào là phạm lỗi; vị ấy biết thế nào là lỗi nhẹ; vị ấy biết thế nào là lỗi nặng; vị ấy đầy đức hạnh và sống mà được chế ngự bởi Ba-la-đề-mộc-xoa, toàn hảo trong chánh hạnh và oai nghi và tụ tập trong học giới; nếu muốn, vị ấy đắc tứ thiền định đưa đến an lạc trong hiện tại một cách dễ dàng, chẳng chút khó khăn nào; và do dứt lậu hoặc, vị ấy thể nhập tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu và vị ấy biết và thể nghiệm cho chính mình ngay cả trong đời này.”

“Này các Tỳ-kheo, một vị thiện xảo trong giới luật thì có bảy điều như thế.” (Trường A-hàm, Kinh Du hành)

Việc tu trì giới luật là vô cùng quan trọng, vì “ai tập (giới luật) được chừng nào thì chứng đạt được chừng ấy, ai tu tập trọn vẹn thì chứng đạt được trọn vẹn.” Nhưng, xét nội dung Giới bổn, ta thấy, các giới được đức Phật ban hành là tùy theo từng nhân duyên hoàn cảnh khác nhau, số giới điều trong các giới bổn lại không giống nhau, hệ thống sắp xếp cũng chưa chặt chẽ, nhiều giới xem ra quá vụn vặt, lẻ tẻ. Như thế đủ biết rằng nội dung giới không quan trọng bằng tinh thần giữ gìn giới luật. Luôn luôn ý thức đến mọi hành vi của mình, sự hộ trì các căn, giữ gìn thân, khẩu, ý mới là vấn đề chủ chấp nhặt những hình thức gò bó, cứng nhắc vốn không hề có trong tinh thần Phật giáo. Khi sắp nhập Ðại Niết-bàn, đức Phật có dặn Tôn giả Ananda: “Này Ananda, sau khi Ta nhập diệt, Tăng-già có thể bỏ bớt những học giới nhỏ nhặt” (Tăng Chi IV, 139).

Giới luật ấn định hình thức xử trị theo từng tội trạng. Tội và xử tội đây không hề có ý nghĩa đền tội hay phạt tội như ngoài xã hội. Phật giáo không quan niệm có một đấng xử tội hay khen thưởng hành vi của con người. Những hình thức “xử tội” trong Tăng-già lại càng làm nỗi rõ quan niệm ấy. Ở đây, sám hối là chủ yếu. Có tội thì phải sám hối. Sám hối là tự mình xét tội mình, những rõ những sai trái của mình, tự đem mình ra mổ sẻ mà đánh giá mình. Ở một mức độ đứng đắn, người phạm lỗi thấy rõ tội của mình đã làm cho mình bị trở ngại trong tu học. Chung quy trong các cách hàng xử tội trong Tăng-già đều đưa đến sám hối của chính đương sự phạm tội. Sự việc người có tội bị tạm thời ngưng một số sinh hoạt Tăng sự hay có thể phải biệt trú trong một thời gian ngắn cũng chỉ cho đương sự thuận tiện trong việc sám hối. Trường hợp phạm các tội Ba-la-di, bị xem là “người đã chết”, bị tẩn xuất khỏi Tăng-già là một việc đúng đắn, đương nhiên, vì đương sự phạm lỗi nặng như thế thì không còn phẩm chất của Tỳ-kheo. Đương sự nếu không bị pháp luật xã hội trừng trị (như trường hợp đại vọng ngữ, hành dâm…) thì vẫn có thể trở thành một Phật tử tại gia thuần thành và vẫn có nhiều cơ hội đạt Thánh quả.

Người tu sĩ Phật giáo hành trì giới hạnh không phải chỉ là để tránh đừng bị tội mà còn lý do chính đáng hơn, thiết thực hơn là để mình khỏi bị trở ngại trong việc tu tập. Nội dung bộ giới luật, tuy đôi chỗ có phần chi tiết, câu nệ hình thức, nhưng vì không phải những điều luật nêu ra có tính chất áp đặt, nên không đủ để áp dụng cho mọi thời, mọi nơi. Đó là lý do khiến các giới bổn có khác nhau về số giới điều. Tinh thần giữ giới, do đó, được xác định rõ theo Tam tụ giới là ba ý nghĩa của việc tu trì giới hạnh:

– Nhiếp luật nghi giới là việc giữ giới đúng theo giới bổn;

– Nhiếp thiện pháp giới là lấy điều thiện là giới căn bản để thực hành;

– Nhiếp chúng sinh giới là xem việc làm lợi cho chúng sinh là giới cần thực hiện.

Đó là tinh thần tự lợi và lợi tha vậy.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.