Tăng-già thời Đức Phật – Chương VII

Phật

Ðức Phật là vị Tối thắng về tất cả các mặt mà người ta có thể hình dung ra được. Năng lực Trí tuệ, Từ bi và Uy dũng của Ngài là tối thượng, không thể nghĩ bàn. Tất cả ở Ngài là sự tuyệt đối. Sự chứng ngộ Ðạo cả, cuộc đời hành hóa và cung cách con người lịch sử của Ngài đã chứng tỏ được điều ấy. Nhắc đến đức Phật, người ta thường tôn xưng Ngài là đấng Thập Lực, Tứ Vô úy và Thập hiệu. Tuy đấy cũng là những thuộc tính của Ngài, chúng ta cũng liệt kê ra những danh xưng ấy để có một khái niệm về bản chất vĩ đại của Ngài:

Thập Lực hay Thập Như Lai Lực (mười năng lực về Trí tuệ)

1. Tri thị xứ phi xứ trí lực: cái trí tuệ biết được chỗ đúng sai, tốt, xấu của vạn pháp.

2. Tri tam thế nghiệp báo trí lực: Trí tuệ biết được nghiệp báo, nhân quả của quá khứ, hiện tại, vị lai.

3. Tri chư Thiền giải thoát tam-muội trí lực: Trí tuệ (hay sức trí) biết được cấp độ tu hành, thiền định của mọi chúng sinh.

4. Tri nhất thế chúng sinh tâm tính trí lực: Trí tuệ (sức trí) biết được tâm tính của mọi chúng sinh.

5. Tri chủng chủng giải trí lực: Trí tuệ (sức trí) biết được hết thảy mọi cảnh, mọi năng lực trí tuệ.

6. Tri chủng chủng giới trí lực: Trí tuệ biết được mọi cảnh giới chúng sinh.

7. Tri nhất thiết sở đạo trí lực: Trí tuệ biết được hết thảy mọi con đường đưa đến giải thoát.

8. Tri Thiên nhãn vô ngại trí lực (tương đương Thiên nhãn minh): Trí tuệ biết được thông suốt, thấy được mọi nơi chốn, biết hết thảy chúng sinh với các nghiệp nhân và nghiệp quả, cảnh giới thác sinh.

9. Tri Túc mạng vô lậu trí lực (tương đương: Túc mệnh minh): Trí tuệ biết được mọi đời kiếp luân hồi của tự thân.

10. Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực (tương đương: Lậu tận minh): Trí Tuệ biết được sự dứt trừ vĩnh viễn mọi tập khí phiền não.

Tứ Vô úy (bốn sự uy dũng, không sợ hãi)

1. Nhất thiết trí vô sở úy: Do có trí tuệ rõ biết vạn pháp, nên không sợ hãi ai cả.

2. Lậu tận vô sở úy: Do đã dứt sạch các lậu hoặc, nên không sợ hãi gì cả.

3. Thuyết chướng đạo vô sở úy: Do có khả năng thuyết pháp vạch rõ những chỗ ngăn ngại đạo giải thoát, nên không sợ hãi gì cả.

4. Thuyết tận khổ đạo vô sở úy: do có khả năng thuyết dạy rõ ràng con đường chấm dứt khổ đau, nên không sợ hãi gì cả.

Thập hiệu Như Lai

1. Như Lai: Ðấng an nhiên tự tại.

2. Ứng Cúng: Bậc A-la-hán xứng đáng được cúng dường.

3. Chánh Biến Tri: Bậc Chánh trí biết tất cả.

4. Minh Hạnh Túc: Bậc đầy đủ Trí và Ðức.

5. Thiện Thệ: Bậc khéo vượt qua sinh tử.

6. Thế Gian Giải: Bậc lý giải được mọi sự ở thế gian.

7. Vô Thượng Sĩ: Bậc cao cả nhất.

8. Ðiều Ngự Trượng Phu: Bậc điều ngự được mình và chúng sinh.

9. Thiên Nhân Sư: Bậc thầy của Trời và Người.

10. Phật, Thế tôn: Bậc giác ngộ rốt ráo.

Ðức Phật thường tự xưng là Như Lai. Ý nghĩa của từ Như Lai về sau đã được triển khai rất nhiều, mang thêm một số thuộc tính của đức Phật, ví dụ: “Ði và đến như thế”, “tự tại”, “an nhiên, “Chân như”, “Nhất như”, v.v… Ta hãy nghe đức Phật giảng về đấng Như Lai:

“Này các Tỳ-kheo, thế giới được Như Lai chánh đẳng giác, Như Lai không hệ lụy đối với đời này. Này các Tỳ-kheo, thế giới tập khởi được Như Lai chánh đẳng giác; thế giới tập khởi được Như Lai đoạn tận. Nầy các Tỳ-kheo, thế giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ. Này các Tỳ-kheo, con đường đưa đến đoạn diệt được Như Lai Chánh Ðẳng Giác; con đường đưa đến thế giới đoạn diệt Như Lai đã tu tập.

“Cái gì, này các Tỳ-kheo, trong toàn thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người được thấy, được nghe, được thọ hưởng, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tự sát, tất cả đều được Như Lai chánh đẳng giác. Do vậy gọi là Như Lai. Này các Tỳ-kheo, từ đêm Như Lai chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho đến khi nhập “Niết-bàn không có dư y”, trong thời gian ấy, điều gì Như Lai nói, tuyên bố, nêu rõ lên, tất cả là như vậy, không có khác được. Do vậy được gọi là Như Lai.

“Này các Tỳ-kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên được gọi là Như Lai.

“Này các Tỳ-kheo, trong toàn thế giới, Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người, Như Lai là bậc Chiến thắng, không bị ai đánh bại, toàn tri, toàn kiến, đại tự tại, do vậy được gọi là Như Lai.

(Phật thuyết như vậy – Itivuttaka; Tiểu Bộ Kinh)

Ðoạn kinh trên đã thuyết giảng về Phật một các rõ ràng, cụ thể và đầy đủ, phù hợp với sự thọ nhận của trí óc con người. Ðức Phật, Thế Tôn, vị Như Lai, qua nỗ lực miêu tả bằng Thập lực, Tứ Vô úy, Thập hiệu và đoạn kinh trên đã cho ta một ý niệm về đấng Toàn Trí, Toàn Năng mà không qua ngôn ngữ trừu tượng.

Sự miêu tả ấy tuy chưa hoàn toàn chính xác về đấng Tuyệt đối (mà làm sao có thể miêu tà hoàn toàn chính xác được!), nhưng đủ cho ta thấy Phật là quả vị tối thượng, rốt ráo, điều mà khi nghiên cứu về A-la-hán, chúng ta khó có thể hình dung được như vậy, mặc dù có số đông học giả, hành giả đều cho rằng A-la-hán cũng như Phật là rốt ráo, trọn vẹn, tuyệt đối.

Càng về sau, đức Phật càng được tôn xưng, ngôi vị của Ngài càng được triển khai, bản thể của Phật được phân tích chi li bởi các học giả, các luật sư, đến nỗi người ta xây dựng thành một ngành Phật-đà luận, chiếm một phần quan trọng trong Phật học, thậm chí có chỗ đức Phật được xem là một đấng Thượng đế hữu ngã, đấng có quyền thưởng phạt, đấng chủ tế sáng tạo, đấng mà con người có thể thông hội được bằng bùa chú, cầu đảo, v.v… Xem ra rất trái ngược với chủ trương Vô ngã của Giáo lý đức Phật.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.