Cảm Nghĩ Trong Mùa Phật Đản

Hôm đó có hẹn đến viếng thầy, tôi đón chuyến xe lửa 5 giờ rưỡi sáng. Nhà ga vắng khách chỉ chừng hai chục người mà phần lớn là công nhân ngành xây cất. Trời tờ mờ sáng, tôi đã đứng trước cổng, thầy ra mở cửa đón tôi vào trong thất. Đó là Pháp Lạc Thất mà thầy vừa mới đổi tên. Cảnh vật im lìm và không gian trầm lắng, tôi và thầy ăn sáng xong, rồi cùng nhau đi bộ dọc theo một dòng suối gần đó. Nhìn xuống nước dòng suối chảy lờ đờ tôi khởi đầu câu chuyện: “Kính bạch Thầy: Đạo Phật có phải là một tôn giáo không? Kính xin thầy cho biết tôn ý.”

Thầy không trả lời trực tiếp mà chỉ nhắc lại lời đức Phật đã dạy trong Kinh Lăng Già, đây là bộ Kinh mà đức Phật đã giảng trong thành Lăng Già trên đỉnh núi Ma La Dà. Phật trả lời câu hỏi của Bồ Tát Đại Huệ:

“…Như Phật trước đã nói
Đủ một trăm tám câu
Mỗi mỗi tướng tương ưng
Xa lìa các lỗi chấp

Lại lìa pháp thế tục
Do ngôn ngữ mà thành
Ta nay vì ông nói
Phật tử khá lắng nghe . . .”

Trong 108 câu trả lời của Phật gồm có 108 chữ “Phi” như sau:

“. . . thường phi thường, tướng phi tướng, trú dị phi trú dị, sát na phi sát na, tự tính phi tự tính, không phi không, đoạn phi đoạn, tâm phi tâm, trung phi trung, duyên phi duyên, nhân phi nhân, phiền não phi phiền não, ái phi ái, phương tiện phi phương tiện, thiện xảo phi thiện xảo, thanh tịnh phi thanh tịnh, tương ưng phi tương ưng, thí dụ phi thí dụ, đệ tử phi đệ tử, sư phi sư, chủng tính phi chủng tính, tam thừa phi tam thừa . . . ”.

Sau nửa giờ đi bộ trở lại ngôi tịnh thất, thầy cùng tôi uống trà bồ câu anh. Thầy đã nhổ bồ câu anh từ dòng suối và phơi khô trong mùa hè vừa qua để dành uống rất tốt cho sức khỏe. Thầy đưa tay chỉ lên tấm bảng trắng trên tường và nói với tôi, lịch trình thầy sẽ tham dự những buổi lễ Phật đản tại một số tự viện trực thuộc Giáo hội. Thầy bảo tôi viết một bài để chia sẻ với mọi người nhân dịp mùa Phật đản. Thầy gợi ý có thể viết về quê hương Mỹ Tho hay Bến Tre gì đó của tôi, giống như một đạo hữu đã gởi về tòa soạn bài viết về quê hương Bình Thuận.

Đôi lúc thầy và tôi đều im lặng để lắng nghe tiếng ríu rít môt vài con chim nhỏ đang đậu trên cành cây bông chúa phía sau vườn. Mặt trời vừa ló dạng. Tôi miên man nghĩ về ngày Phật đản và hai chữ đạo Phật. Theo tinh thần của kinh Lăng Già thì có thể đạo Phật là tôn giáo phi tôn giáo. Nếu chúng ta nghĩ đạo là con đường thì đức Phật đã chỉ cho chúng ta cả 3 cõi, 6 đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la, người và trời. Những con đường đó chúng ta phải lăn lộn trong luân hồi sanh tử. Đặc biệt hơn hết Phật dạy cho chúng ta biết phương pháp để vượt ra khỏi sáu con đường đó để đi vào Phật đạo, nhập giòng thánh, không còn đối đãi, hoàn toàn rốt ráo. Nếu nói đạo là bổn phận thì Phật đã dạy tứ trọng ân. Bốn ơn nghĩa sâu nặng mà mỗi người Phật tử đã thọ nhận và phải có bổn phận ghi nhớ, đền đáp lại đó là: ơn cha mẹ, ơn chúng sanh, ơn tổ quốc, ơn tam bảo. Nếu nói Đạo là lý tánh tuyệt đối, là bản thể, nó lìa nói năng, không thể nghĩ bàn. Ðức Lão tử nói: “Ðạo mà nói ra được, không phải là đạo”. Chữ Ðạo của đạo Phật chính là đồng nghĩa với bản thể vậy.

Quý thầy thường giảng hình thức lễ nghi chỉ là hiện tướng bề ngoài của đạo Phật, nhìn vào hình thức giống như là một tôn giáo, nhưng kỳ thật đó chỉ là lấy “Sự” để hiển “Lý” hay nói đúng hơn là dùng phương tiện để hiển bày cái cứu cánh tuyệt đối mà thôi. Tất cả lễ nghi trong thiền môn đều mang ẩn dụ chứ không phải là sự tin tưởng mù quáng, cúng kiến van xin cầu khẩn xem đức Phật như đấng thần linh, thượng đế. Hằng ngày chúng ta lạy Phật để cung kính người Thầy gốc (bổn sư), để noi theo gương Ngài mà tu hành tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Đến chùa chúng ta xá chào, tôn kính chư Tăng Ni, vì những vị nầy là sứ giả của Như Lai, nối thạnh giòng thánh, mang sứ mệnh truyền bá chánh pháp đến cho mọi người. Điều cần lưu ý là nên truất bỏ niềm tin đơn thuần và thay bằng niềm tin căn cứ vào hiểu biết. Chúng ta tin tưởng đức Phật, như một bệnh nhân tin vào lương y, hay một học sinh tin vào thầy giáo. Làm người Phật tử quy y đức Phật vì chính Ngài đã phát hiện con đường giải thoát. Khởi điểm của đạo Phật là lý trí hay tuệ giác, nói cách khác là người Phật tử phải có chánh kiến.

Năm rồi, vào mỗi chiều thứ bảy, cũng tại tịnh thất nầy, tôi đủ duyên tham dự khóa học căn bản duy thức. Nếu nói Phật học là triết học, tâm lý học, luận lý học thì có thể nói theo kinh Lăng Già thì đây là triết học phi triết học, tâm lý học phi tâm lý học, luận lý học phi luận lý học. Các bộ luận tuyệt vời cao siêu của các vị tổ mà cổ đức gọi đó là Vi Diệu Pháp. Từ giáo lý nguyên thủy là cái gốc cây Phật giáo đã đâm chồi và phát triển nhiều cành lá sum suê. Thầy nói với tôi: “Phật giáo Nguyên Thủy như rễ hay gốc cây còn Phật giáo Phát Triển như là cành lá của cây. Dĩ nhiên, cành lá không ngoài thân cây mà có. Và chính cành lá đó nó mới mang lại tô điểm cho thân cây càng thêm phong phú hơn. Nếu chỉ có gốc rễ và thân cây không thôi, thì thật là khô khan buồn tẻ quá” Và như thế, thì Phật giáo bị đóng khung khô cứng không làm sao phát triển thích nghi với thời đại được”. Tôi nghĩ, nếu mọi người ai nấy đều đi trở về nguyên thủy tức cội gốc của Phật giáo thì vô tình làm khô héo, chết đi hết những cành lá của đạo Phật phát triển. Nhờ học căn bản duy thức tôi mới biết tâm ta giống như một triều đình trên có vua dưới có quần thần. Khổ nỗi, trung thần thì ít, một phần thì dự bệ ăn lương nhưng lại rất đông nịnh thần, bè phái, tham ô. Trong tâm ta chỉ có 11 tâm sở thiện, nhưng có tới 26 tâm sở xấu ác, tham gian và 4 tâm sở bất định chỉ biết xu thời và hướng theo chiều gió. Bởi vậy mà không khéo tu thì đường ác, nẽo trầm luân dễ vào, an lạc giải thoát khó đến. Học qua sáu căn bản phiền não bây giờ trong trí óc tôi còn đậm nét ba chữ tham sân si. Nếu chúng ta không còn si nghĩa là không còn bị mê mờ thì đâu còn tham và sân. Thật ra si là tên khác của vô minh. Không còn vô minh thì sáng suốt sẽ rõ sự lý chân thật và trí huệ khai mở. Tôi nhớ lại bốn tầng vô của vô minh:

Đam trước thế gian ngũ dục, lục trần danh vô minh

Tham sân si, phiền não chướng trọng danh vô minh
Vi ngũ uẩn sở phú danh vô minh
Bất giác, bất tri, bất liễu đệ nhất nghĩa đế danh vô minh

Mỗi người trong chúng ta thử tự chiêm nghiệm lại xem mình đã phá được mấy tầng vô minh rồi? Phần riêng tôi chỉ ngũ dục, lục trần thì chưa chọc thủng nổi. Vì tôi:

Vô chùa mặc áo tràng lam,
Si giảm đôi chút, tánh tham vẫn còn.

Nào tham ái, tham ăn, tham ngủ nghỉ, danh thì không dám tham nhưng tài sắc thì vẫn còn như tự thuở nào. Gần trưa tôi cáo từ thầy ra về. Tôi mãi nhớ câu nói của thầy: Đạo: Lớn không gì lớn bằng, nhỏ thì không gì nhỏ hơn!

Bây giờ là giữa mùa thu tại Úc Đại Lợi. Đêm nay ngoài trời rất lạnh, trăng rằm tháng ba mây xám bao phủ và tỏa ánh sáng mờ ảo xung quanh nhà. Như vậy chỉ còn đúng 4 tuần nữa là ngày Phật đản sanh. Tôi nên niệm Phật nhiều hơn để cúng dường Phật. Nghĩ về Phật pháp thì tốt hơn là nghĩ nhớ về quê hương của tôi. Tôi đã xa rời Mỹ Tho đã hơn 30 năm. Nói đúng hơn tôi đã mất quê hương 40 năm, nỗi buồn của tháng tư đen chưa bao giờ chịu lắng đọng. Dù đức Phật dạy đừng truy tìm quá khứ vì nó đã qua rồi. Nhưng rất khó để có thể tách rời quá khứ khỏi cuộc đời mình, nhất là quá khứ của một cuộc hành trình đầy chông gai, cuồng lũ và bão lửa. Tôi đã sống trong sự cuồng nộ của lòng người giữa dòng đời nghiệt ngã!

Hôm nay là ngày 3 tháng 5 năm 2015, dầu ngày 30 tháng 4 đã đi qua, nhưng tâm trí tôi vẫn còn lắng đọng những u buồn trầm uất. Ai đã từng thao thức về nỗi niềm chung khi nghĩ về những tháng năm xưa của 40 năm về trước. Từ cuộc sống của tôi và gia đình trên một miền đất hiền hòa, an cư và thịnh vượng. Bỗng dưng bị cơn lốc tràn qua làm đổ vỡ mọi an lành! Sự ly tán khởi đầu từ vượt biên, vượt biển xa nguồn, bỏ nước ra đi tìm sự sinh tồn nơi miền đất lạ, chấp nhận cuộc sống lưu vong, để mãi mãi nhìn về quê hương trong niềm đau vô tận!

Giáo pháp của Đức Phật hơn hai mươi lăm thế kỷ qua đã an ủi và xoa dịu những đau khổ cho biết bao nhiêu người. Vô số những hành giả đã được lợi lạc từ việc tu tập Phật pháp. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không phải sinh ra đã là bậc toàn giác. Ngài cũng đã từng là con người bình thường như chúng ta. Nhờ đi theo con đường tu tập hướng đến giác ngộ mà Ngài trở thành một vị Phật. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tôn kính vì Ngài đã tịnh hóa dòng tâm thức của Ngài khỏi mọi ma chướng và phát triển mọi phẩm tính tốt đẹp đến mức toàn hảo. Đức Phật đã làm được điều mà chúng ta chắc ai cũng khát khao làm cho kỳ được. Những lời dạy của Ngài trong kinh sách chỉ cho ta phương thức để vượt qua những giới hạn của chính mình và phát triển năng lực tự thân một cách trọn vẹn. Đức Phật đã trao tuệ giác của Ngài cho ta và ta được tự do chọn lựa việc đón nhận hay không. Đức Phật không đòi hỏi ở ta niềm tin hay sự trung thành, và ta cũng không bị chê trách nếu có những quan niệm khác biệt.

Đức Phật khuyên chúng ta nên thực tiễn và chú tâm vào đúng vấn đề, đừng để phân tán tâm ý bởi những suy diễn vô ích. Phật nêu thí dụ một người bị trúng mũi tên độc. Nếu anh ta cứ khăng khăng đòi biết rõ tên tuổi, nghề nghiệp của người bắn, mũi tên đó loại gì, được sản suất ở đâu và loại cung nào đã được dùng để bắn… rồi mới đồng ý cho rút mũi tên ra, thì anh ta sẽ chết trước khi biết được những câu trả lời. Việc làm quan trọng và thiết thực nhất là anh ta phải chữa trị ngay vết thương hiện tại và ngăn chặn mọi biến chứng sau đó. Cũng vậy, khi chúng ta đang mắc kẹt trong vòng xoay của những khổ đau về thể chất lẫn tinh thần, thì quả là ngu ngốc nếu ta để tâm ý hướng bởi những ý tưởng suy diễn về các vấn đề không liên quan mà ta không thể có lời giải đáp ngay được. Việc dồn mọi nỗ lực vào những gì quan trọng sẽ là khôn ngoan hơn. Đầu tiên, chúng ta nên lắng nghe pháp âm của quý tôn túc, đọc kinh sách, chọn cho mình một pháp môn và tốt hơn tham gia sinh hoạt trong một đạo tràng. Sau đó chúng ta tìm hiểu, học hỏi, tư duy, quán chiếu và tinh tấn hành trì theo pháp môn ấy.

Những điều cơ bản trong Phật pháp rất đơn giản và có thể thực hành ngay trong đời sống hằng ngày. Chúng ta nên hết lòng giúp đỡ người khác, và khi không thể giúp được thì hãy tránh gây tổn hại cho vật và người. Hãy ghi nhớ từ bi phải có trí tuệ, hợp với lương tri của con người. Đây không phải là điều gì bí ẩn, thần kỳ, cũng không phải là lý hay phi lý, hay giáo điều áp đặt. Toàn bộ những lời Phật dạy đều nhằm mục đích giúp ta phát triển tứ vô lượng tâm. Từ bi, trí tuệ phải vận dụng vào ngay trong cuộc sống hằng ngày. Lương tri con người không chỉ là luận bàn, mà nó phải được thể hiện trong cuộc sống. Giáo pháp của Đức Phật được gọi là trung đạo vì tránh khỏi mọi cực đoan. Buông thả bản thân là một cực đoan, mà tự mình khổ hạnh ép xác cũng là một cực đoan. Mục đích của Phật pháp là giúp ta sống thanh thản và vui thích, dù đây không phải là sự vui thích theo nghĩa thông thường mê ngũ dục, lục trần như ngủ nghỉ, ăn sung mặc sướng, nhà cao cửa rộng v v. Đó là cách làm lắng dịu mọi thái độ và cảm xúc tổn hại, ngăn cản sự an vui của ta, và biết cách vui hưởng cuộc sống mà không dâm mê, dính mắc, lo âu, sợ hãi.

Trong đạo Phật, chúng ta phải hiểu cả hai pháp học và pháp hành. Chúng ta tìm ra những nguyên nhân đưa đến khổ đau. Sau đó chúng ta tạo ra những nguyên nhân đưa đến hạnh phúc chân thật. Hạnh phúc – cũng như là khổ đau – không phải ngẫu nhiên hay tình cờ đến với chúng ta, cũng không phải do một đấng bề trên nào đó. Cũng giống như mọi sự việc trong vũ trụ, hạnh phúc sinh khởi từ những nguyên nhân cụ thể. Nếu ta tạo ra những nhân hạnh phúc thì quả hạnh phúc tự nhiên sẽ đến. Đây là một tiến trình có hệ thống của nhân quả, đây là nền tảng cho hệ thống đạo Phật. Nói đến đây ta nghĩ đến đạo Phật là giáo dục phi giáo dục. Giáo dục Phật Đà bao trùm mọi thứ giáo dục khác. Hòa Thượng Tịnh Không cổ võ và cho rằng đạo Phật không phải là tôn giáo mà là nền giáo dục Phật Đà. Trong đó dạy chúng ta từ thấp lên cao. Năm cấp của ngũ thừa Phật giáo đưa chúng ta trở thành người, trời, thanh văn, duyên giác, bồ tát ngay trong đời này hay vị lai.

Ai trong đời mà lại không bị khổ đau? Đau nơi thân và khổ nơi tâm (khổ tâm). Có người không đau mà khổ, có người khổ mà không đau, có người đau mà không khổ và có người vừa khổ lại vừa đau. Trong buổi chia sẻ Phật pháp cách đây không lâu bác sĩ y khoa Đỗ Hồng Ngọc có nói: Thầy thuốc làm cho người ta hết đau, nhưng đức Phật làm người ta hết khổ nên người ta gọi ngài là bậc y vương. Tôi lại nhớ đến công thức về khổ và đau như sau: Khổ bằng đau nhơn với tâm bất như ý, kháng cự lại hoàn cảnh. Thí dụ thân đau là 5 mà chúng ta kháng cự, bực tức là 5 thì cái khổ thành là 25. Nếu ta bớt đi tâm bực bội, bất như ý, chống lại cái đau đó thì khổ sẽ giảm dần cho đến khi ta chấp nhận, không còn sự kháng cự với định luật vô thường. Bài toán nhân với số không có đáp số là không. Từ đó khổ sẽ bớt đi hay chấm dứt. Nếu chúng ta muốn có hạnh phúc chân thật thì chúng ta bắt buộc phải chấp nhận một sự thật là cuộc sống đầy dẫy những khổ đau, do nhân có quả. Chúng ta không thể tránh né, càng không thể loại trừ được hết những khổ đau trong đời sống do chúng ta gieo nhân mới đây hay tự bao đời. Chúng ta cần phải biết cách đối diện, nhận thức và chuyển hóa chúng để bớt hoặc hết khổ dù thân nầy có hay không đau.

Sự hiện hữu của những khổ đau đã bắt đầu ngay từ lúc chúng ta mở mắt chào đời. Chúng ta sợ phải chết, nhưng tất cả chúng ta đều phải chết. Chúng ta yêu thích tuổi thanh xuân tươi đẹp tràn đầy sức sống, nhưng tất cả chúng ta đều bất lực nhìn tuổi già đến dần. Chúng ta cố tránh né bệnh tật, nhưng rồi tất cả chúng ta đều cũng không tránh khỏi. Chúng ta quay cuồng, vật lộn với cuộc sống và rất hiếm khi chúng ta tự thấy mình đã có đủ những thứ mình cần. Còn có thể kể ra rất nhiều khổ đau mà chúng ta phải thường xuyên đón nhận trong cuộc sống.

Thay vì mong đợi sự tạm dừng của đau khổ để có được đôi chút hạnh phúc mong manh ngắn ngủi, chúng ta hãy đối diện và nhìn sâu vào bản chất của đau khổ. Khi hiểu rõ được bản chất của chúng, ta sẽ có thể chấp nhận và chuyển hóa. Chỉ khi đó chúng ta mới có được hạnh phúc thật sự. Hầu hết những khổ đau của chúng ta đều xuất phát từ sự mong cầu đi ngược lại tự nhiên. Chúng ta mong muốn điều gì đó và bất kể là những mong muốn ấy có hợp lý hay không. Hay nói đúng hơn, chúng ta không chịu nhìn sâu vào bản chất của sự vật để có thể thấy được sự vô lý của chính mình.

Trở lại câu chuyện bên dòng suối với thầy cách đây vài hôm, tôi nghĩ đạo Phật không phải là một tôn giáo mà tôn giáo của các tôn giáo. Đạo Phật là con đường dẫn tới chân lý, giác ngộ và giải thoát. Vì đức Phật ví Phật pháp như cái bè dùng để qua sông, hay ngón tay chỉ mặt trăng, nghĩa là như một phương tiện, chứ không phải là một cứu cánh. Khác với giáo chủ của các tôn giáo khác, Đức Phật không bao giờ tự gán cho mình là Thượng đế, con Thượng đế. Phật tự xem mình là “vị thầy chỉ bày con đường”, tức là con đường Bát chánh đạo đã dẫn tới giác ngộ và giải thoát, con đường đoạn trừ mọi khổ đau. Phật pháp ví như dấu chân của con voi, mọi dấu chân khác đều nằm trong đó.

Phật ra đời là diễm phúc cho nhân loại vì Ngài đã đem Ánh đạo vàng ban rãi khắp trần gian. Quyển sách Ánh Đạo Vàng của tác giả Vũ Đình Cường tôi đã đọc nhiều lần, mà mỗi lần đọc lại vẫn thấy hay như là:

“ . . Nhân loại ơi! Có hay chăng một vị Giác Ngộ mới ra đời?

Chúng sanh ơi! Một đấng Đại từ, Đại bi, Đại trí, Đại đức vừa xuất hiện ở dưới trần!

Ôi hân hoan, hân hoan cho toàn cả mấy tầng trời, vì chúng sanh ơi, một đóa hoa Đàm nở, một ánh sáng lạ chói ngời! Này ai ơi! Hãy đi về phía nam dãy núi Hy-mã-lạp-sơn, vì chính ở đấy đã ra đời một đức Phật.”

Đến đây tôi xin ghi lại đoạn kết của quyển Ánh Đạo Vàng như sau:

“ . . . Đức Phật của chúng ta không xuất phát từ một cõi siêu nhiên thần bí nào, cũng không phải là một Thiên sứ hay con Thượng đế (cái ý niệm về Thượng đế cũng không được Ngài chấp nhận), mà là người con tinh anh của nhân loại. Một cành hoa quý đã nở trên thân cây nhân loại. Một hoa Đàm, nói theo truyền thuyết Ấn Độ, mấy vạn năm mới nở một lần; hay gần gũi với chúng ta hơn, một Hoa Sen, vươn lên từ trong bùn và biến chất bùn thành hương sắc. Và như vậy, giá trị đích thực của Ngài đã vĩ đại lắm rồi, hào quang của Ngài cũng đã chói sáng lắm rồi. Tôi nghĩ chúng ta không cần phải thêm thắt vào cuộc đời vốn đã kỳ diệu của Ngài, những huyền thoại phi lý, vẽ rắn thêm chân với mục đích là tạo sự thiêng liêng để cho người đời thêm sùng mộ Ngài, kỳ thật đã đẩy lùi Ngài vào thế giới hoang tưởng, làm mất lòng tin đối với những người biết suy nghĩ trong thời đại khoa học ngày nay.”

Nhìn qua cửa sổ bên ngoài ánh trăng rằm vẫn lung linh chiếu qua cành lá sau vườn, mây xây thành bên kia một góc trời, khói sương thu mỏng phủ lên đó đây trong đêm yên tĩnh. Cảm nghĩ trong mùa Phật đản đến đây chỉ là một dấu tròn “chấm hết”.

Minh Quang

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.