Lịch Sử Kết Tập Kinh Điển Và Truyền Giáo

1.4 Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển Lần Thứ Tư

a) Nguyên nhân

Phái đoàn truyền giáo của vua Asoka và Thánh Tăng Moggalliputta-Tissa cử Ngài Mahinda đến truyền đạo ở xứ Tích Lan vào khoảng năm 236-287 dưới triều đại vua Devànampiyatissa. Ðược vua hết lòng ủng hộ, việc truyền bá chánh pháp của Ngài Mahinda ở nơi đây thành công rực rỡ. Chẳng bao lâu, từ hoàng gia cho đến thường dân đều quy y theo Phật giáo. Ban đầu, nhà vua ủng hộ xây dựng đại tự Mahàvihàra cho Chư Tăng cư ngụ để hoằng pháp, đồng thời vua khuyến khích mọi người xuất gia theo chánh pháp. Lại nữa, vua cử người sang Ấn Ðộ yêu cầu Vua Asoka cử phái đoàn ni chúng sang Tích Lan để cho phụ nữ Tích Lan được tu theo chánh pháp. Vị công chúa con vua Asoka là Tỳ khưu ni Sanghamittà được đề cử làm trưởng đoàn ni chúng sang Tích Lan để đáp lại lòng mong mỏi của nhà vua Tích Lan. Từ đó nhiều phụ nữ trong hoàng tộc lẫn thường dân xuất gia Tỳ khưu ni dưới sự hướng dẫn của Thánh Ni Sanghamittà. Ngoài ra, Vua Asoka còn cho chiết nhánh cây Bồ Ðề ở Bodhi-gaya, gửi cho Bà Sanghamittà mang tặng nhà vua Tích Lan.

Nhờ đó, Phật giáo lúc bấy giờ rất hùng mạnh, và người xuất gia rất đông đảo và lại thông hiểu giáo pháp. Để củng cố Phật giáo lâu dài tại Tích lan, Ngài Mahinda yêu cầu nhà vua cho tổ chức kết tập Phật ngôn.

b) Niên đại,địa điểm, thời gian vị chủ tọa và người bảo trợ

Về niên đại kết tập kinh điển lần thứ IV, có rất nhiều nguồn tài liệu nói khác nhau, nhưng theo Đại sử và các nhà học giả hiện nay thì đó là vào năm Phật lịch 313 (năm 232 trước CN).

Ngôi chùa tháp Thùpàrama ở thủ đô Anuradhapura được Chư Tăng chọn làm điểm kết tập. Vị chủ tọa kỳ kết tập kinh điển này chính là Ngài Mahinda. Chư Thánh Tăng tham dự đại hội gồm có 68.000 vị. Thời gian kéo dài 9 tháng. Ðức vua Devànampiyatissa là người bảo trợ cho cuộc kết tập kinh điển kỳ này.

c) Phương pháp kết tập

Thánh Tăng Mahinda đến Tích Lan năm Ngài được 32 tuổi. Nơi đây, Ngài không những truyền bá Phật giáo mà còn phát triển nền văn hóa Tích Lan nữa, như nghệ thuật kiến trúc chùa tháp… Ngài còn mang đến Tích Lan cả Tam tạng lẫn Chú giải (Athakathà) [theo W. Rahula, History of Buddhism in Ceylon, p.50- 60]. Ðể bảo tồn Tam tạng và các bản Chú giải quí giá này và để cho Chư Tăng cũng như quần chúng nước Tích Lan thông hiểu tường tận Giáo pháp, Ngài cho tiến hành kỳ kết tập kinh điển lần thứ tư. Thêm vào đó, nhằm cũng cố Phật giáo Theravàda tại Tích, sau kỳ kết tập, chư vị Thánh Tăng lại trước tác thêm các bản Chú giải Tam tạng bằng chữ Pàli Tích Lan [W. Rahula, History of Buddhism in Ceylon, p 50- 60]. Ðược biết về sau, khoảng thế kỷ thứ 5-6 sau Công nguyên, Ngài Buddhaghosa sang Tích Lan dịch Tam tạng chú giải này sang chữ Pàli để duy trì ngôn ngữ Pàli truyền thống của Ðức Phật.

Phương pháp kết tập kinh điển kỳ này không có gì mới lạ, chỉ y cứ trên số Tam tạng trong cuộc kết tập kinh điển kỳ thứ ba ở Ấn Ðộ. Ngài Mahinda và chư vị Thánh Tăng căn cứ trên cơ sở đó trùng tuyên lại lời dạy của Ðức Thế Tôn.
Tuy nhiên, theo truyền thống của Ðại Chúng Bộ, Phật lịch khoảng năm 400, chư Thánh hiền Tăng tổ chức kỳ kết tập kinh điển lần thứ IV tại Kasmira thuộc nước Gandhàra, miền tây bắc Ấn Ðộ [theo báo Giác Ngộ, số 12, trang 9]. Vị chủ tọa cuộc kết tập là Ngài Vasumitra với sự bảo trợ của Hiếp Tôn giả. Người khởi xướng và bảo trợ cuộc kết tập là đức vua Vasumitra được biết như là vị hộ pháp tương đương với A Dục Vương. Lý do kết tập là do Chư Tăng các bộ phái bất đồng về kinh điển nên mới mở đại hội. Mục đích của kỳ kết tập này là để soạn ra các bộ luận: Kinh Sở, Luật Sở và Luận Sở, gồm có 30 vạn bài tụng 9.600.000 lời. Nhà vua định đưa 500 vị đến thạch động ở Vương Xá Thành, nơi mà Ngài Kassapa kết tập pháp luật đầu tiên nhưng các vị từ chối và tâu rằng: “Ðại vương, không nên. Vì ở đó có nhiều ngoại đạo, nhiều luận sư khác phái rất phức tạp ắt sẽ gây nhiều trở ngại cho cuộc kết tập”. Chính vì lý do này nên đại hội mới tổ chức tại Kasmira. Nhưng truyền thống của Theravàda thì không công nhận đại hội này [theo “2500 Years of Buddhism”, p.42]. Ðại hội này ra đời chính là sự khởi điểm của Phật giáo Ðại thừa (Mahayana) về sau.

Song song niên đại kỳ kết tập kinh điển của Ðại Chúng Bộ này, tại Tích Lan vua Vattagàmani cũng bảo trợ kỳ kết tập kinh điển do Ngài Maharakkhita chủ tọa, số Chư Tăng tham dự là 500 vị Tỳ kheo. Mục đích của đại hội là đọc lại giáo điểm Tam Tạng của Trưởng lão bộ, hiệu đính chú thích của ba tạng, sắp xếp thứ tự của kinh điển, viết một bộ Tam tạng trên lá buông bằng tiếng Pàli, và chú giải bằng văn Tích Lan [theo Chattha Sangàyana CD-ROM, do S.N. Goenka thực hiện].

Tóm lại trong phần này chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

Theo Đảo Sử, kỳ kết tập kinh-luật-luận do Ngài Mahinda chủ tọa và đức vua Devanampiya Tissa bảo trợ thì hình thức kết tập vẫn còn là khẩu truyền tâm thọ. Nhưng kỳ kết tập do Ngài Maharakkhita chủ tọa và đức vua Vattagàmani bảo trợ thì kinh điển mới viết trên lá buông.

Tuy nhiên theo Hòa thượng W.Rahula, trong quyển “History of Buddhism in Ceylon”, và một số nhà học giả thì cho rằng chẳng những kỳ kết tập Tam tạng lần thứ IV do Ngài Mahinda chủ tọa đã được viết thành văn mà còn kỳ kết tập lần thứ III tại Ấn Ðộ cũng đã viết Tam tạng và chú giải bằng ngôn ngữ Pàli rồi. Tài liệu này cũng đáng tin tưởng vì thời kỳ vua A Dục đã có chữ viết, điều đó chúng ta đã thấy trong những sắc lệnh A Dục vương và những bia của vua. Về sau năm 1897 bác sĩ A. Fuhrer có đào được nơi đó một trụ đá của Asoka, nội dung của bia đá: “đây là nơi đánh dấu Ðức Phật ra đời”.

Sau khi đại hội kết tạp giáo điển kỳ IV, cả hai bộ phái lớn của Phật giáo đều có Tam tạng viết trên lá buông. Mặc dù kỳ kết tập của bộ phái Đại chúng không được Trưởng lão bộ công nhận, nhưng cả hai đều bảo vệ quan niệm lập trường và giáo lý của tông phái mình. Ở kỳ đại hội này đánh dấu sự phân chia bộ phái cả hình thức lẫn nội dung.
1.5 Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển Lần Thứ Năm

a) Nguyên nhân

Phật lịch 2404 nhà vua Mindon cho xây một tượng Phật đứng to lớn trên đỉnh núi Mandalay, ngón tay của tượng Phật trỏ xuống thành Mandalay và tượng Ðại Ðức Ànanda quỳ chấp tay. Việc làm của vua như vậy chứng minh huyền thoại của người dân Miến Ðiện, vì họ tin rằng ngày xưa Ðức Phật và Ðại Ðức Ànanda có ngự đến núi này và Ðức Phật có một tiên tri rằng ngọn này về sau sẽ trở thành một thành phố hưng thịnh. Xây dựng xong, nhà vua đặt tên tượng Phật là Javeyattau. Sau đó, vào năm Phật lịch 2407, vua cho tạc thêm một tượng Phật nữa trên núi. Vua và Chư Tăng muốn cho kinh điển của Ðức Phật thống nhất và để bảo quản lâu dài. Cho nên kỳ kết tập này ra đời.

b) Niên đại,địa điểm, thời gian vị chủ tọa và người bảo trợ

Niên đại kết tập kỳ này, nếu tính theo Tây lịch là vào năm 1871. Chư Tăng chọn thủ đô Miến Ðiện là Mandalay làm địa điểm kết tập. Thời gian kéo dài 5 tháng. Vị chủ tọa kết tập kinh điển lần thứ 5 này là Trưởng lão Pong Yi Sayadaw và có 2400 Chư Tăng tham dự. Vua Mindon là người bảo trợ cuộc kết tập kinh điển.

c) Phương pháp kết tập

Cách thức kết tập kinh này cũng tương tự như những kỳ kết tập trước. Các vị Thánh Tăng như Ngài Jàgaràbhivamsa, Narindàbhidhaja, Sumangalasàmi cùng 2400 vị Chư Tăng đọc lại Tam tạng kinh điển. Ðặc biệt sau kỳ kết tập này, tất cả Tam tạng được viết trên 729 phiến đá cẩm thạch, mỗi phiến đá cao hơn 1 thước rưỡi và rộng non 1 thước tây, khắc chữ đầy cả hai mặt.

Luật tạng gồm có 101 phiến đá. Kinh tạng khắc trên 520 phiến, và Luận tạng khắc trên 108 phiến đá cẩm thạch. Tổng cộng 3 tạng là 727 phiến. Phần chú giải của Tam tạng thì khắc trên 1774 phiến đá khác. Tất cả được vua và Chư Thánh Tăng đem tôn thờ tại tháp Mahalokamarakhin và tháp Candamunì. Có thể nói đây là một công trình tiến bộ nhất của Phật giáo Trưởng lão bộ.

1.6 Ðại Hội Kết Tập Kinh Ðiển Lần Thứ Sáu

a) Nguyên nhân

Ðại hội kỳ này cũng được tổ chức tại Miến Ðiện, thời gian cách đại hội kỳ V khoảng 83 năm. Phật giáo Miến Ðiện được nhà nước chiếu cố quan tâm giúp đỡ ngay từ buổi đầu khi Phật giáo đặt chân đến xứ sở này. Có lẽ do ảnh hưởng đạo đức của hai vị A La Hán trong phái đoàn thứ 8 của vua Asoka, sự truyền thừa và tổ chức tăng đoàn có nề nếp theo giới luật của Ðức Phật. Được nhà nước Miến Điện hết lòng yểm trợ, kết tập kinh điển kỳ này nhằm ba mục đích:
– Ðoàn kết Phật giáo đồ.

– Chấn hưng Phật giáo Trưởng lão bộ.

– Ðề cao địa vị độc lập của Miến Ðiện.

b) Niên đại, địa điểm, thời gian vị chủ tọa và người bảo trợ

Niên đại bắt đầu từ ngày 17.5.1954 đến ngày lễ Tam Hợp (Phật đản) năm 1956, Phật Lịch 2500, nghĩa là trong 2 năm mới hoàn tất. Nơi tổ chức kỳ kết tập là trong một thạch động vĩ đại tại thủ đô Rangoon (Yangon). Ngài Nyungan Sayadaw được đại hội suy tôn làm vị chủ tọa. Thủ tướng U Nu của chính phủ Miến Ðiện tài trợ chi phí cho cuộc kết tập kinh điển kỳ này.

c) Phương pháp kết tập

Trong kỳ kết tập này, các Ngài căn cứ theo hình thức kỳ kết tập thứ nhất tại Ấn Ðộ. Ngài Mahasi Sayadaw được đại hội bầu là vị vấn những vấn đề Tam tạng chú giải, còn Ngài Bhadanta Vicittasàra Bhivamsa sẽ đáp những câu hỏi của Ngài Mahasi. Trong lúc hỏi đáp Tam tạng chú giải như vậy thì Ngài chủ tọa và 2500 vị Tỳ kheo lắng nghe, nếu không đồng ý thì lên tiếng. Đặc biệt Ngài chủ tọa là vị làu thông Tam tạng. Ngôn ngữ sử dụng trong đại hội gồm có 3 thứ tiếng: Pàli, Miến Ðiện, và Anh ngữ.

Trong kỳ kết tập Tam tạng lần thứ sáu này, đại hội sử dụng 729 phiến đá khắc Tam tạng và 1774 phiến đá cẩm thạch khắc chú giải của kỳ kết tập thứ 5 làm căn cứ. Ðồng thời các bản kinh cổ của Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên và Hiệp hội Thánh điển Pàli ở Luân Ðôn được đem ra nghiên cứu, so sánh và hiệu đính. Sau khi đại hội hoàn mãn, Giáo hội Tăng già Miến Ðiện cho in ra để phổ biến, tổng cộng là 45 cuốn chánh tạng và 92 cuốn chú giải. Lần kết tập này có mời đại diện tám quốc gia Phật giáo Nam truyền đến tham dự, trong đó có Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam do Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam tổ chức, vị trưởng đoàn là Hòa thượng Bửu Chơn.

Xem: Hình ảnh các nơi kết tập.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.