Chuyển Hóa Phiền Não

Phiền não là yếu tố gây nên khổ đau của con người. Chuyển hóa phiền não là yếu tố quyết định hàng đầu mà mỗi người cần phải thực hiện. Nếu để chúng ngự trị trong tâm thì không thể nào con người có cuộc sống an lạc.

Phiền não làm chúng ta bi quan, thất vọng, chán nản. Chuyển hóa được phiền não thì hạnh phúc có mặt ngay hiện tại. Việc này cần phải có lòng vị tha, thiền định và trí tuệ. Những yếu tố này sẽ giúp chúng ta có được niềm an vui.

Vị tha

Người có tâm vị tha thường bao dung, tha thứ cho người. Khi người khác phạm sai lầm, cư xử với ta không đẹp ý, ta luôn sẵn lòng tha thứ. Khi tha thứ cho người thì mình cảm thấy nhẹ nhàng và người được tha thứ có an lạc. Vậy tâm vị tha là yếu tố mà mọi người cần phải học tập. Chúng ta nên huân tập tâm thương yêu mọi người mỗi ngày. Người quen kẻ lạ, người thương kẻ ghét… mình đều thực tập thương yêu.

Việc thực tập lòng từ bao trùm khắp mọi người, mọi loài sẽ đem lại lợi ích. Lòng từ sẽ chuyển hóa được cơn giận, tâm ít nổi sân, nhăn nhó, khó chịu. Người có lòng từ thường được người khác thương mến. Người sống hiền lành khi chết được sinh thiên.

Chúng ta tiếp cận với người có gương mặt nhăn nhó, khó chịu, ta có an lạc không? Do đâu họ có gương mặt như vậy? Do lòng tham, sân, si: “Này Jivaka, cái gọi là tham, là sân, là si, do đó sân hận khởi lên, tham ấy, sân ấy, si ấy được Như Lai đoạn trừ, chặt cho đến tận gốc, làm cho như thân cây tala, khiến không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.”[1] Người có tâm tham nhiều, luôn luôn bo bo giữ về cho mình, không muốn bố thí cho kẻ khác, khi ai đụng đến tài sản của họ thì liền nổi sân. Những người này căn lành của họ rất ít. Họ khó chuyển hóa, tu tập. Cảnh giới nào sẽ chờ đợi khi tâm tham, sân, si còn nhiều?

Việc thực tập buông xả, bố thí, cúng dường sẽ đem lại nhiều lợi lạc. Ta sẽ sống trong trạng thái an lạc, không phiền não, trách móc, giận hờn.

Chúng ta tập mở lòng mình rộng ra hơn phạm vi gia đình. Ngoài tình thương vợ chồng, con cháu, ta phải thương luôn ông bà, cha mẹ, anh chị em. Hãy biết cám ơn cha mẹ đã cho chúng ta hình hài này và nuôi ta trưởng thành. Ta phải làm điều gì đó để báo đáp ơn cha mẹ. Xuất gia là trả hiếu cao nhất, nếu ta sống tại gia thì nên tập hạnh vị tha, rộng lượng để tính tình trở nên hiền lành, mọi người gần mình có được niềm an vui.

Thiền định

Chúng ta thực hành thiền định mỗi ngày sẽ giúp chuyển hóa phiền não. Hàng ngày mình ngồi thiền 2 lần, mỗi lần từ 10 đến 20 phút, ngồi với tư thế hoa sen, lưng thẳng, đầu thẳng, chánh niệm trước mặt, thở vào biết hơi thở vào, thở ra biết hơi thở ra sẽ giúp tâm thoải mái, nhẹ nhàng. Đức Phật dạy 16 phép quán niệm hơi thở để đạt đến an lạc, giải thoát:

Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn”; Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập; “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.

Này các tỷ kheo, như người thợ quay hay học trò người thợ quay tuệ tri thiện xảo, khi quay dài, tuệ tri rằng: “Tôi quay dài”; hay khi quay ngắn, tuệ tri rằng: “Tôi quay ngắn.” Cũng vậy, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo thở vô dài, tuệ tri: “Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài tuệ tri: “Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, tuệ tri: “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, tuệ tri: “Tôi thở ra ngắn”; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập; “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập; “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập.[2]

Chúng ta thực tập 16 hơi thở, tâm luôn an tịnh, chánh niệm tỉnh giác, trí tuệ sáng suốt, phiền não được tiêu diệt, hạnh phúc luôn có mặt.

Trí tuệ

Người có trí tuệ khi gặp phiền não thường tìm cách hóa giải. Đức Phật đã dạy chúng ta nhiều cách hóa giải phiền não:

Này các Tỷ-kheo, dục tham đối với mắt là tùy phiền não của tâm. Dục tham đối với tai là tùy phiền não của tâm. Dục tham đối với mũi là tùy phiền não của tâm. Dục tham đối với lưỡi là tùy phiền não của tâm. Dục tham đối với thân là tùy phiền não của tâm. Dục tham đối với ý là tùy phiền não của tâm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào vị Tỷ-kheo đối với sáu xứ này, đoạn tận được tùy phiền não, thời tâm vị ấy hướng về ly dục. Do biến mãn với ly dục, tâm vị ấy được xem là kham nhẫn, chứng tri đối với các pháp cần phải giác ngộ.[3]

Không tham, sân, si là một trong những cách để chuyển hóa khổ đau. Việc mong cầu nhiều thì khổ đau nhiều, đó là một trong tám khổ của tứ thánh đế: “Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ”.[4] Tâm sân nổi lên thì phải có lòng từ bi đối trị. Thiền định, trí tuệ sẽ giúp kìm hãm tâm sân. Người có trí tuệ thường nhìn nhận vấn đề một cách sáng suốt nên khi nhận biết đối tượng là người không hiền thì phải mềm dẻo, khéo léo để tâm sân không bùng phát. Nếu tâm sân bùng phát thì cả hai bên đều bất hòa, gây ra mất thiện cảm về sau.

Người có trí tuệ biết uyển chuyển trong mọi tình huống. Ta nghĩ đến luật nhân quả công bình. Việc gì đến cứ để tự đến, không cần lo lắng. Ta hãy sống với hiện tại, còn nhiều việc phải làm, phải phục vụ cho đời. Mình còn có mặt ở cõi đời một ngày là phụng sự cho đời một ngày. Sống thanh thản, có ích thì niềm vui tự có mặt. Tâm chúng ta như thế nào thì khi chết sẽ sinh về cảnh giới đó. Do đó, việc giữ tâm bình thản là điều cần thiết, không để phiền não, khổ đau ngự trị:

Bậc Trí sáng suốt,
Ðoạn trừ si ám.
Phá tan hoang vu,
Chiến thắng địch quân.
Ðau khổ đoạn diệt,
Tâm an bình tĩnh.
Giới đức trưởng thành,
Tuệ đức viên minh.
Phiền não nội tịnh,
Rời trần ly cấu.
Tôi thật chính là,
Ðệ tử Thế Tôn.

Do dự đoạn trừ,
Biết vừa, biết đủ,
Thế lợi tuyệt không,
Tâm tư hoan hỷ,
Làm Sa-môn hạnh,
Sanh ở nhân gian,
Thân này sau cùng,
Làm người nhân thế.
Bậc Thánh cao nhất,
Rời trần ly cấu.
Tôi thật chính là,
Ðệ tử Thế Tôn.

Không tâm do dự,
Khéo hành thiện xảo.
Bậc trì giới luật,
Ðiều ngự tối thượng.
Là Vô Thượng Sĩ,
Sáng chói hào quang,
Nghi hoặc đoạn trừ,
Soi sáng mọi nơi.
Kiêu mạn đoạn tận,
Vô nhân anh hùng.
Tôi thật chính là
Ðệ tử Thế Tôn.

Ngài bậc Ngưu Vương,
Tâm tư vô lượng,
Thâm sâu khôn lường
Bậc thánh Mâu ni,
Tác thành an ổn,
Bậc có Trí tuệ,
An trú Pháp vị,
Tự phòng hộ thân,
Vượt qua tham ái,
Bậc Giải Thoát Trí.
Tôi thật chính là,
Ðệ tử Thế Tôn.

Ngài bậc Long Vương,
Sống xa thế tục.
Kiết sử đoạn trừ,
Siêu đẳng giải thoát.
Biện tài từ tốn,
Trong sạch thanh tịnh,
Cờ xí triệt hạ,
Tham ái đoạn trừ,
Ðiều ngự nhiếp phục,
Hý luận diệt tận.
Tôi thật chính là,
Ðệ tử Thế Tôn,

Ðệ nhất tiên nhân.
Không tin lời đồn.
Ba minh thành tựu,
Ðạt quả Phạm thiên.
Tắm sạch thân tâm,
Văn cú thông đạt.
Khinh an yên ổn,
Chánh trí chứng đắc.
Công phá thành trì,
Thiên chủ Ðế thích.
Tôi chính thật là,
Ðệ tử Thế Tôn.

Ngài bậc Thánh Giả,
Tự tu tự tập.
Chứng điều phải chứng,
Thuyết giảng hiện tại,
Chánh niệm tỉnh giác,
Thiền quán tinh tế
Không thiên tà dục,
Không nuôi tâm hận.
Giao động không còn,
Thân tâm tự tại.
Tôi chính thật là
Ðệ tử Thế Tôn.

Sống theo chánh đạo,
Trầm tư Thiền tưởng,
Nội tâm không nhiễm,
Thanh tịnh trong sạch,
Không trước không chấp,
Không nguyện không cầu,
Ðộc cư độc tọa,
Chứng tối thượng vị,
Ðã vượt qua dòng,
Giúp người vượt qua.
Tôi thật chính là
Ðệ tử Thế Tôn,

Bậc chứng tịch tịnh,
Trí tuệ vô biên,
Trí tuệ quảng đại,
Tham ái đoạn tận.
Ngài là Như Lai,
Ngài là Thiện Thệ,
Không người sánh bằng,
Không ai đồng đẳng,
Giàu đức tự tin,
Viên mãn thành tựu.
Tôi thật chính là,
Ðệ tử Thế Tôn.

Tham ái đoạn tận,
Giác ngộ chánh giác,
Khói mù tiêu tan,
Ô uế trừ sạch
Xứng đáng cúng dường,
Dạ xoa thanh tịnh.
Vô thượng Thánh nhân,
Không thể cân lường
Ðại nhân Ðại giác
Ðạt đến danh xưng.
Tôi thật chính là,
Ðệ tử Thế Tôn.[5]

Việc ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, làm Phật sự sẽ giúp ta quên đi mọi rắc rối của cuộc đời. Niềm bất an được thay thế bằng những việc thiện lành làm tâm an ổn. Sức mạnh tinh thần, trí tuệ là thanh gươm chặt đứt dây phiền não. Cuộc sống bình an là nơi chốn chúng ta cần tìm về.

Phiền não là kẻ thù của mỗi người. Không ai thích ôm chúng vào lòng. Giải thoát khổ đau là mục đích chúng ta tìm đến. Đức Phật đã dạy nhiều phương pháp để chuyển hóa phiền não. Việc thực tập chuyển hóa chúng là cần thiết đối với mọi người. Cuộc sống luôn ưu phiền thì không có giá trị. Mọi người nên thực tập tâm vị tha, thiền định, trí tuệ để có được niềm an vui. Giá trị cuộc đời là mình sống có ích cho xã hội và tâm an lạc.

Thúy Vi

http://www.thienvienphuocson.net

________________________

Chú thích

[1] 1. Kinh Trung Bộ I, Thích Minh Châu (dịch). Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2012, tr. 453. [2] 2. Kinh Trường Bộ II. Thích Minh Châu (dịch). TP. HCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1991, tr. 186-187. [3] 3. Kinh Tương Ưng III. Thích Minh Châu (dịch). TP. HCM: Tu Thư Phật Học Vạn Hạnh, 1982, tr. 252. [4] 4. Kinh Tương Ưng V. Thích Minh Châu (dịch). TP. HCM: Tu Thư Phật Học Vạn Hạnh, 1982, tr. 424. [5] 5. Kinh Trung Bộ I, tr. 469-473.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.