Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 1 – 2

ĐOẠN V

LẠI NGHI NHÂN-DUYÊN

Ông A-nan bạch Phật rằng : “Thưa Thế-tôn, chắc cái tâm-tính ấy, không phải nhân-duyên, thế sao đức Thế-tôn lại thường chỉ-dạy cho các hàng tỷ-khưu rằng : Tính-thấy có bốn thứ nhân-duyên, nghĩa là nhân hư-không, nhân ánh-sáng, nhân cái tâm và nhân con mắt. Nghĩa đó thế nào?

ĐOẠN VI

PHẬT LẠI BÁC NHÂN-DUYÊN, TỰ-NHIÊN ĐỂ NÊU RA TÍNH-THẤY RỜI CẢ BỐN TƯỚNG

Phật bảo : A-nan, tôi nói như thế là nói về các tướng nhân-duyên thế-gian, đó không phải là đệ-nhất-nghĩa. A-nan, tôi lại hỏi ông : Các người thế-gian nói : Tôi thấy được, thì thế nào, họ gọi là thấy, còn thế nào, họ gọi là không thấy?”

Ông A-nan bạch : Người đời nhân ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn, thấy các hình-tướng, thì gọi là thấy, còn nếu không có ba thứ ánh sáng đó, thì không thể thấy được.”

– A-nan, nếu khi không sáng mà gọi là không thấy, thì lẽ ra không thấy được tối; nếu đã thấy được tối, thì khi đó, chỉ là không sáng, chứ đâu phải là không thấy. A-nan, nếu trong lúc tối, vì không thấy sáng mà gọi là không thấy; vậy nay, trong lúc sáng, không thấy cái tối, thì lại cũng phải gọi là không thấy; thế thì cả hai lúc sáng, tối, cũng đều gọi là không thấy cả. Còn nếu như hai cái sáng và tối tự lấn-át nhau, chứ không phải trong đó, tính-thấy của ông tạm-thời không có; thế thì biết cả hai lúc đều gọi là thấy, chứ sao lại gọi là không thấy. A-nan, vì vậy ông nên biết rằng: Trong lúc thấy sáng, cái thấy không phải là cái sáng, trong lúc thấy tối, cái thấy không phải là cái tối, trong lúc thấy hư-không, cái thấy không phải là hư-không, trong lúc thấy ngăn-bịt, cái thấy không phải là ngăn-bịt.

ĐOẠN VII

CHỈ THẲNG SỰ THẬT NHẬN-THẤY TÍNH-THẤY

“Bốn nghĩa đó đã thành-lập rồi, ông lại nên biết : Khi nhận-thấy tính-thấy thì tính-thấy không phải là cái thấy. Tính-thấy còn rời cả cái thấy và cái thấy không thể đến nơi tính-thấy được; làm sao, ông còn nói đến những nhân-duyên, tự-nhiên và tướng hòa-hợp? Bọn Thanh-văn ông hẹp-hòi không biết, không thông-suốt được sự thật thanh-tịnh, nay tôi chỉ-dạy cho ông, ông nên khéo suy-nghĩ, không được trễ-nãi trên đường Bồ-đề nhiệm-mầu”.

MỤC V

CHỈ RA CÁI NHẬN-THỨC SAI-LẦM ĐỂ BÀY-TỎ THỂ-TÍNH CHÂN-THẬT

ĐOẠN I

XIN CHỈ-DẠY CÁI NGHĨA : NHẬN-THẤY TÍNH-THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CÁI THẤY

Ông A-nan bạch Phật rằng : “Thưa Thế-tôn, như đức Thế-tôn, vì bọn chúng-tôi, chỉ-dạy về nhân-duyên, tự-nhiên các tướng hòa-hợp và không hòa-hợp, tâm tôi còn chưa khai-ngộ; nay lại nghe Phật dạy “nhận-thấy tính-thấy không phải là cái thấy” thì càng thêm lúng-túng, cúi xin Phật thương-xót, bố-thí cho con mắt đại-trí-tuệ, chỉ-bày cho chúng tôi tâm-tính trong-sạch sáng-suốt”. Ông A-nan nói như vậy rồi, khóc lóc đỉnh-lễ, vâng nghe thánh-chỉ của Phật.

ĐOẠN II

TRƯỚC KHI DẠY PHÉP TỔNG-TRÌ, DẶN-BẢO PHẢI NGHE CHO CHÍN-CHẮN

Khi bấy giờ. đức Thế-tôn thương-xót ông A-nan và cả đại-chúng, định sẽ chỉ-dạy phép đại-tổng-trì là con đường tu-hành nhiệm-mầu các pháp Tam-ma-đề, bảo ông A-nan rằng : “Ông tuy nhớ lâu, chỉ thêm phần học rộng, nhưng nơi vi-mật quán chiếu Xa-ma-tha, tâm còn chưa rõ. Nay ông hãy nghe cho chín-chắn, tôi sẽ vì ông phân-tích chỉ-bày, đồng-thời cũng khiến cho những kẻ hữu-lậu tương-lai được quả Bồ-đề.

ĐOẠN III

CHỈ RA HAI THỨ NHẬN-THỨC SAI-LẦM

Chi 1. – Chỉ ra hai thứ sai-lầm

A-nan, tất-cả chúng-sinh luân-hồi trong thế-gian đều do hai nhận-thức sai-lầm, phân-biệt trái-ngược, chính nơi tâm-tính mà phát-sinh, chính theo nghiệp-báo mà xoay-vần. Hai nhận-thức ấy là gì? Một là nhận-thức sai-lầm nghiệp riêng của chúng-sinh, hai là nhận-thức sai-lầm nghiệp-chung của chúng-sinh.

Chi 2. – Nhận-thức sai-lầm nghiệp-riêng.
Thế nào gọi là nhận-thức sai-lầm nghiệp-riêng? A-nan, như người thế-gian, con mắt bị bệnh lòa thì ban đêm trông ngọn đèn, riêng có thấy bóng tròn ngũ sắc bao-phủ. Ý ông nghĩ thế nào? Cái bóng tròn hiện ra nơi ngọn đèn, đó, là sắc của ngọn đèn hay là sắc của cái thấy? A-nan, nếu như là cái sắc của ngọn đèn, thì sao những người không lòa lại không cùng thấy, mà chỉ có người lòa mới thấy bóng tròn. Nếu như là sắc của cái thấy, thì cái thấy đã thành sắc rồi, còn cái người lòa kia thấy được bóng tròn thì gọi là cái gì?

Lại nữa, A-nan, nếu cái bóng tròn kia ngoài ngọn đèn, riêng mình tự có, thì lẽ ra khi trông qua bình-phong, bức màn, bàn trà, ghế ngồi, đều có bóng tròn hiện ra; còn nếu ngoài cái thấy, bóng tròn, riêng mình tự có, thì lẽ ra không thể thấy được, làm sao người lòa lại thấy bóng tròn. Vậy nên biết rằng : Sắc thật ở nơi ngọn đèn, cái thấy bị bệnh làm ra có bóng tròn. Cả cái bóng tròn và cái thấy bóng tròn đều là bệnh lòa. Nhận thấy được bệnh lòa thì cái nhận thấy đó không phải là bệnh; rốt-cuộc không nên nói rằng bóng tròn là ngọn đèn hay là cái thấy, trong đó còn có bệnh lòa không phải ngọn đèn, không phải cái thấy. Ví như mặt trăng thứ hai, không phải thật-thể mặt trăng và cũng không phải là cái bóng của mặt trăng. Vì sao? Vì thấy có mặt trăng thứ hai là do dụi mắt mà thành ra vậy. Các người có trí, không nên bảo rằng mặt trăng dụi mắt mà thành ra đó, là hình-tướng hay không phải là hình-tướng, là ra ngoài cái thấy hay không ra ngoài cái thấy. Bóng tròn cũng như vậy, nó do bệnh lòa mắt mà thành; nay dầu muốn gọi cái gì là ngọn đèn hay là cái thấy cũng không được, huống nữa, còn phân-biệt là không phải nhọn đèn hay không phải là cái thấy!

Chi 3. – Nhận thức sai-lầm nghiệp-chung.

Thế nào gọi là nhận-thức sai-lầm nghiệp-chung?

A-nan, cõi Diệm-phù-đề này, trừ nước biển-cả ra, trong đó đất-bằng có 3.000 châu, châu lớn chính giữa, bao-quát từ Đông sang Tây, có đến 2.300 nước lớn. Còn các châu nhỏ khác ở trong các biển, trong đó có châu đến 200, 300 nước hoặc có một chục, hai chục, cho đến 30, 40, 50, nước. A-nan, nếu ở trong đó có một châu nhỏ, chỉ có hai nước, mà riêng người trong một nước đồng-cảm ác-duyên, thì chúng-sinh trong nước đó thấy tất-cả những cảnh-giới không tốt; hoặc thấy hai mặt trời, hoặc thấy hai mặt trăng, cho đến thấy nhiều ác-tướng khác, như vựng, thích, bội, quyết, tuệ, bột, phi, lưu, phụ-nhĩ, hồng-nghê; chỉ nước đó thấy, còn chúng-sinh nước bên kia, thì vốn không thấy và cũng không nghe.

ĐOẠN IV

SO-SÁNH CÁI THẤY HIỆN-TIỀN ĐỂ CHỈ RÕ Ý-NGHĨA : “NHẬN-THẤY TÍNH-THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CÁI THẤY” XA-RỜI TƯỚNG HÒA-HỢP, VIÊN-MÃN ĐẠO BỒ-ĐỀ.

Chi 1. – Dùng nhận-thức nghiệp-riêng để chỉ rõ thế nào là nhận-thấy tính-thấy.

“A-nan, tôi nay đem hai việc đó, lui tới kết-hợp mà chỉ rõ.

A-nan, như cái nhận-thức sai-lầm nghiệp-riêng của chúng-sinh kia, thấy nơi ngọn đèn hiện ra bóng tròn, tuy giống như tiền-cảnh, nhưng rốt-cuộc là do bệnh lòa của người ấy tạo-thành. Lòa là bệnh của cái thấy, không phải do sắc-tướng tạo ra; song người nhận-thấy được bệnh lòa vẫn không có lỗi-lầm gì về cái thấy cả.

So-sánh với hiện nay, ông dùng con mắt xem thấy núi sông, cõi nước và các chúng-sinh, đều là do bệnh thấy vô-thủy tạo-thành. Cái thấy và cái bị thấy duyên nhau, hình-như hiện ra tiền-cảnh, thật-chất vốn là bệnh lòa, năng-kiến sở-kiến của tâm-tính mà thôi.

Giác-ngộ rằng thấy như thế tức là bệnh lòa, thì cái tâm giác-ngộ đó nhận-thức không lòa. Giác-ngộ thấy như thế là bệnh lòa, thì cái giác-ngộ đó không phải trong phạm-vi bệnh lòa; đó thật là nhận-thấy tính-thấy, sao còn gọi là thấy, nghe, hay, biết.

Vậy nên nay ông thấy tôi cùng ông và thập loại chúng-sinh trong thế-gian đều là thấy lòa, chứ không phải là thấy được cái bị bệnh lòa. Cái tính-thấy chân-thật kia, vốn ra ngoài bệnh lòa, cho nên không gọi là cái thấy.

Chi 2. – Lấy nghiệp-chung so với nghiệp-riêng đi đến nhận-rõ sự thật mười phương.

A-nan, như lấy nhận-thức sai-lầm nghiệp-chung kia của chúng-sinh, so với nhận-thức sai-lầm nghiệp-riêng của một người, thì một người đau mắt cũng đồng như cả một nước kia; người đau mắt thấy bóng tròn là do bệnh lòa giả-dối sinh ra; còn trong một nước kia, hiện ra các thứ không tốt là do ác-duyên nghiệp-chung của chúng-sinh tạo nên; cả hai đều do nhận-thức sai-lầm vô-thủy giả-dối sinh ra. Tỷ-lệ với 3000 châu, với bốn biển lớn trong cõi Diêm-phù-đề, với thế-giới Sa-bà cho đến nước hữu-lậu và các chúng-sinh trong mười phương, đồng là nơi tâm-tính nhiệm-mầu sáng-suốt, các bệnh duyên thấy, nghe, hay, biết, sai-lầm, hòa-hợp giả-dối sinh ra, hòa-hợp giả-dối diệt mất. Nếu xa-rời được các bệnh duyên hòa-hợp và không hòa-hợp thì cũng diệt-trừ được các nguyên-nhân chết sống, đầu-đủ tính Bồ-đề không sinh-diệt, bản-tâm thanh-tịnh, bản-giác thường an-trụ.

Chi 3. – Phá xích nghĩa hòa-hợp.

A-nan, ông tuy đã ngộ tâm-tính nhiệm-mầu sáng-suốt, vốn không phải nhân-duyên, không phải tự-nhiên, nhưng còn chưa rõ tâm-tính như vậy không phải hòa-hợp mà sinh, cũng không phải không hòa-hợp.

A-nan, nay tôi lại lấy nơi tiền-trần hỏi ông, ông còn đem tất-cả những tính nhân-duyên hòa-hợp của tư-tưởng sai-lầm thế-gian mà tự nghi-ngờ rằng chứng tâm Bồ-đề cũng do hòa-hợp mà phát-khởi. Thì hiện nay, cái thấy của ông lại là hòa với cái sáng, hòa với cái tối, hòa với cái thông-suốt hay hòa với cái ngăn-bịt? Nếu hòa với cái sáng thì ông đang thấy sáng, cái sáng hiện đó, vậy chỗ nào xen-lộn với cái thấy? Cái thấy cái sáng có thể nhận-rõ, còn hình-trạng xen-lộn, thì như thế nào? Nếu cái sáng ra ngoài cái thấy, thì làm sao thấy được sáng? Còn nếu cái sáng tức là cái thấy, thì làm sao lại thấy được cái thấy? Như cái thấy cùng khắp, thì còn chỗ nào hòa được với cái sáng, còn như cái sáng cùng khắp, thì lẽ ra không hòa được với cái thấy. Cái thấy đã khác với cái sáng thì khi xen-lộn vào, tất phải làm mất tính-cách của cái sáng. Cái thấy xen vào, làm mất tính-cách của cái sáng mà nói hòa với cái sáng là không đúng nghĩa. Đối với cái tối, cái thông-suốt và cái ngăn-bịt thì cũng như vậy.

Lại nữa, A-nan, hiện nay cái thấy nhiệm-mầu sáng-suốt của ông lại là hợp với cái sáng, hợp với cái tối, hợp với cái thông-suốt hay hợp với cái ngăn-bịt? Nếu hợp với cái sáng thì đến khi tối, cái sáng đã mất rồi, cái thấy đó đã không hợp với cái tối, làm sao thấy được cái tối? Nếu khi thấy tôi mà không hợp với cái tối thì lẽ ra khi hợp với cái sáng, không thấy được cái sáng; mà đã không thấy được sáng thì làm sao họp với cái sáng và rõ-biết cái sáng không phải là tối. Đối với cái tối, cái thông-suốt, cái ngăn-bịt thì cũng như vậy”.

Chi 4. – Phá xích nghĩa không hòa-hợp.

Ông A-nan bạch Phật rằng : “Thưa Thế-tôn, như chỗ tôi suy-nghĩ, cái tâm-tính ấy đối với các trần-cảnh và các tâm-niệm nhớ-nghĩ, không hòa-hợp chăng?”

Phật dạy: “Nay ông lại nói tâm-tính không hòa-hợp thì tôi lại hỏi ông : Cái tính-thấy gọi là không hòa-hợp đó, lại là không hòa với cái sáng, không hòa với cái tối, không hòa với cái thông-suốt, hay không hòa với cái ngăn-bịt? Nếu không hòa với cái sáng, thì giữa cái thấy và cái sáng phải có ranh-giới. Ông nay hãy xét cho kỹ : Chỗ nào là cái sáng, chỗ nào là cái thấy. Nơi cái thấy và nơi cái sáng, thì lấy từ đâu làm ranh-giới. A-nan, nếu bên cái sáng, chắc không có cái thấy, thì hai cái không đến với nhau, cái thấy tự-nhiên không biết được cái sáng ở đâu, làm sao mà thành-lập được ranh-giới. Đối với cái tối, cái thông-suốt, cái ngăn-bịt thì cũng như vậy.

Lại cái thấy, gọi là không hòa-hợp đó, là không hợp với cái sáng, không hợp với cái tối, không hợp với cái thông-suốt hay không hợp với cái ngăn-bịt? Nếu không hợp với cái sáng, thì cái thấy với cái sáng, tính trái-ngược nhau, như cái nghe với cái sáng, không đụng chạm gì với nhau cả; thế thì, cái thấy còn không biết cái sáng ở đâu, làm sao phát-minh được những lẽ hợp hay không hợp? Đối với cái tối, cái thông-suốt, cái ngăn-bịt thì cũng như vậy.

MỤC VI

TÓM-THU BỐN KHOA VÀ BẢY ĐẠI VỀ NHƯ-LAI-TẠNG ĐỂ PHÁT-KHỞI CHỔ CHÂN-NGỘ

ĐOẠN I

TÓM-THU

“A-nan, ông còn chưa rõ tất-cả các tướng huyễn-hóa nơi tiền-trần, chính nơi tâm mà sinh ra, rồi theo nơi tâm mà diệt mất. Cái huyễn-hóa giả-dối gọi là tướng, mà cái tính chính là tâm-tính nhiệm-mầu sáng-suốt; như vậy, cho đến 5 ấm, 6 nhập, 12 xứ và 18 giới, nhân-duyên hòa-hợp giả-dối có sinh ra, nhân-duyên chia-lìa giả-dối gọi rằng diệt; mà không biết rằng sinh, diệt, đi, lại đều vốn là tính chân-như cùng khắp, không lay-động, nhiệm-mầu, sáng-suốt, thường-trụ của Như-lai-tạng. Trong tâm-tính chân-thường đó, cầu cho ra những cái đi, lại, mê, ngộ, sống, chết, hẳn không thể được.

ĐOẠN II

THU NĂM ẤM LÀ SẮC, THỤ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC

Chi I. – Thu sắc-ấm.
“A-nan, làm sao 5 ấm vốn là tính chân-như nhiệm-mầu của Như-lai-tạng. A-nan, ví như có người đem con mắt trong-sạch, xem hư-không trong sáng, chỉ thấy một hư-không trong-sáng, hẳn không thấy gì. Người kia, không lý do gì, lại bắt con mắt không lay-động; ngó chăm mãi, phát ra mỏi-mệt thì ở giữa hư-không, riêng thấy có hoa-đốm lăng-xăng và có tất-cả những tướng giả-dối lộn-xộn; nên biết sắc-ấm cũng lại như vậy.

A-nan, các hoa-đốm lăng-xăng ấy, không phải từ hư-không mà đến, không phải từ con mắt mà ra. Thật vậy, A-nan, nếu từ hư-không mà đến, thì đã từ hư-không mà đến, rồi phải trở vào hư-không; mà đã có ra có vào, thì không phải là hư-không nữa. Hư-không, nếu lại không phải là hư-không, thì tự-nhiên không thể dung-nạp hoa-đóm sinh-diệt trong ấy, như thân-thể ông A-nan, không dung-nạp được một ông A-nan nữa.

Nếu, hoa-đốm từ con mắt mà ra, thì đã từ con mắt mà ra, rồi phải trở vào con mắt; lại cái tính hoa-đốm ấy đã từ con mắt mà ra, thì lẽ ra phải có thấy. Nếu như có thấy thì khi đi ra, đã làm hoa-đốm giữa hư-không, đến khi xoay về, phải thấy được con mắt. Nếu không có thấy, thì khi đi ra đã làm mờ hư-không, đến khi trở về phải làm mờ con mắt. Lại như thế, khi thấy hoa-đốm, lẽ ra con mắt không mờ, làm sao, chỉ khi thấy hư-không trong suốt, thì mới gọi là con mắt trong-sáng? Vậy nên biết rằng sắc-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Chi 2. – Thu Thụ-ấm.

A-nan, ví như có người tay chân yên-ổn, trăm vóc điều-hòa, bỗng như quên mình, không có gì là trái là thuận; người ấy không lý do gì, lấy hai bàn tay xoa nhau giữa hư-không, thì nơi hai bàn tay giả-dối sinh ra những cảm xúc trơn, rít, lạnh, nóng. Nên biết thụ-ấm cũng lại như vậy.

A-nan, các cảm-xúc giả-dối kia, không phải từ hư-không mà đến, không phải từ bàn tay mà ra. Thật vậy, A-nan, nếu từ hư-không mà đến, thì đã sinh cảm-xúc nơi bàn tay, sao lại không sinh cảm-xúc nơi thân-thể, không lẽ hư-không lại biết lựa chỗ sinh ra cảm-xúc. Nếu như từ bàn tay mà ra, thì lẽ ra không cần hai bàn tay phải hợp lại. Lại đã từ bàn tay mà ra, thì khi bàn tay hợp lại, biết có cảm-xúc, đến khi bàn tay rời ra, thì cảm-xúc phải chạy vào và xương tủy cánh tay, lẽ ra phải biết đường vào của cảm-xúc; rồi lại phải có tâm hay-biết, biết ra, biết vào, và phải có một vật đi lại trong thân, sao lại phải chờ đến hai tay hợp lại mới gọi là cảm-xúc. Vậy nên biết rằng thụ-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Chi 3. – Thu tưởng-ấm

A-nan, ví như có người, khi nghe nói đến quả mơ chua thì trong miệng có nước bọt chảy ra; khi nghĩ đến đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân ghê-rợn. Nên biết tưởng-ấm cũng lại như vậy.

A-nan, câu chuyện mơ chua như thế, không phải do quả mơ sinh ra, không phải do cái miệng mà vào. Thật vậy, A-nan, nếu do quả mơ sinh ra, thì quả mơ tự nói lấy, sao phải đợi người ta nói; nếu do cái miệng mà vào, thì lẽ ra cái miệng tự nghe lấy, cần gì đến lỗ tai; nếu riêng mình lỗ tai nghe, thì nước bọt kia, sao không từ lỗ tai chảy ra. Câu chuyện nghĩ đến đứng trên dốc cao cũng giống như vậy. Vậy nên biết rằng tưởng-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Chi 4. – Thu hành-ấm.

A-nan, ví như dòng nước dốc, sóng mòi nối nhau, lớp trước lớp sau, không vượt khỏi nhau. Nên biết hành-ấm cũng lại như vậy.

A-nan, dòng nước như vậy không nhân hư-không mà sinh, không nhân nước mà có, không phải tính nước, cũng không ra ngoài hư-không và nước. Thật vậy, A-nan, nếu nhân hư-không mà sinh, thì cả thập phương hư-không vô cùng tận, phải thành dòng nước vô cùng tận và tự-nhiên thế-giới đều bị chìm-đắm cả. Nếu nhân nước mà có, thì dòng nước dốc ấy bản-tính lẽ ra không phải là nước nữa và hiện nay, đã có thể chỉ ra hai tướng của nước và của dòng nước khác nhau. Nếu dòng nước dốc tức là tính nước thì khi nước đứng lại, lẽ ra không phải là nước nữa; nếu ra ngoài hư-không và nước thì không có cái gì ở ngoài hư-không và, ngoài nước ra, không thể có dòng nước. Vậy nên biết rằng hành-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Chi 5. – Thu thức-ấm.

A-nan, ví như có người lấy bình tần-già, bịt cả hai lỗ, rồi vác đầy bình hư-không, đi xa nghìn dặm, đem cho nước khác. Nên biết thức-ấm cũng lại như vậy.

A-nan, cái hư-không đó, không phải đến từ phương kia, cũng không phải đưa vào phương nầy. Thật vậy, A-nan, nếu đến từ phương kia, thì trong cái bình đã đựng hư-không đem đi, ở chỗ cũ cái bình phải thiếu hư-không; nếu đưa vào phương này, thì khi mở miệng bình trút ra, phải thấy hư-không ra. Vậy nên biết rằng thức-ấm là giả-dối, vốn không phải tính nhân-duyên, không phải tính tự-nhiên.

Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-58_4-745/kinh-thu-lang-nghiem-cu-si-tam-minh-le-dinh-tham.html

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.