Tuổi Nào Thích Hợp Cho Việc Tu Học ?

Nếu có một dịp nào đó bạn bỏ ra vài giờ mỗi ngày lang thang trên các mạng Phật giáo rồi lại lang thang đến các trang cao niên bạn sẽ nhận được các lời bàn luận hay chỉ dạy một cách rất khéo léo như sau:

** Đường tu đòi hỏi mình phải kết hợp toàn diện với cuộc sống.

** Tu không phải là cách thực tập phiến diện.

** Tu không cần phải cố để làm cho người khác hiểu mình, biết rằng mình tu.

*** Cần học pháp thế gian cho vững để ngay trong xã hội này tự mình vừa là chỗ nương tựa cho mình và cũng có thể là chỗ dựa cho người khác v.v…..

Thế nhưng…

Trong thực tế, mỗi người đều là một cá nhân độc lập, mọi người đều có cuộc sống của riêng mình, bạn không thể yêu cầu người khác phải cho bạn dựa vào, những người khác cũng không thể bất cứ lúc nào cũng có thể giúp bạn.

Chỉ có thông qua những nỗ lực của bản thân để giải quyết vấn đề, mới thực sự có thể sống cuộc sống mà bạn mong muốn!

Hơn nữa cuộc đời con người lại có những điều xảy ra những cơ hội và hoàn cảnh xảy đến thật bất ngờ mà trong đó Họa và Phúc nối tiếp nhau, xen kẻ nhau tạo ra những cơ duyên mà không ai có thể đoán được… và ta chỉ biết được hậu quả của những việc đó có thể sau nhiều năm hay đến ngày ra đi về lòng đất…

Chúng ta ai cũng biết rằng, mỗi một ngày qua là chúng ta đã già đi chứ đừng nói chi đến ngày ăn mừng sinh nhật, chỉ là hiện giờ sức khỏe của chúng ta vẫn còn, đầu óc vẫn tỉnh táo.

Do đó ngồi nhẫn tính lại… không kể những em trong gia đình Phật tử từ 15 tuổi đến 30 tuổi. Lớp trẻ này rất ít so với thành phần các thế hệ đến chùa và biết chút ít về Đạo Phật do đó ta tạm khởi đầu như sau:

* Giai đoạn khởi đầu từ 40 tuổi đến 50 tuổi: Đây là thời gian mọi người đều phải lao động cật lục để tạo thêm nhà cửa vật chất đảm bảo cho tương lai con cái và cho chính mình, giao dịch và hưởng thụ các thú vui thế gian. Cũng có những gia đình phải đầu tắt mặt tối để đưa đón con cái học thêm đủ các môn học cần thiết cho các kỳ thì tuyển. Có bao nhiều người có thì giờ rãnh dù chỉ là nửa giờ hay một giờ để biết học giáo lý hay thực tập thiền… trừ những người độc thân.

* Giai đoạn từ 50 tuổi đến 60 tuổi: Đây cũng là thời gian bận rộn cho việc tổ chức đám cưới cho con cháu rồi trả lễ rồi thăm hỏi gia đình sui gia hay cùng nhau bắt đầu đi du lịch để bù lại những thời gian quá lao lục trong công việc hay lại bắt đầu có những chứng bịnh mới bắt đầu cho tuổi chớm già… Và số người tự học tu lấy một mình cũng sẽ đếm trên đầu ngón tay…

* Giai đoạn nghỉ hưu 60-70 tuổi: Nêu không có vấn đề về sức khỏe và nếu cơ thể tương đối tốt, điều kiện hoàn cảnh gia đình cũng tốt. Muốn ăn thứ gì thì ăn, thích mặc gì thì mặc, thích đi chơi thì đi. Do đó việc tu học là tự mình chọn lựa, nếu thuận duyên ta có thể tự làm chủ bản thân sắp xếp tham dự các khoá tu học và nghiên cứu giáo lý. Đạo Phật một cách kỹ càng với điều kiện có trình độ tri thức ngang kha khá để có thể nắm vững các pháp thế gian trong thế hệ văn minh tân tiến hiện nay.

Do vậy xem ra việc tu học chỉ tóm gọn khoảng 15 năm trở lại cho một Phật tử tại gia, cho nên muốn được học hỏi Phật pháp rốt ráo ta phải thực tâm, thấy mình thật ngu dốt thì mới hết lòng hết dạ mà nghe pháp thoại từ các giảng sư rồi rút tỉa, thu thập những diều đáng suy ngẫm với tất cả khiêm cung vì nếu tự cho mình đã biết thì với một đầu óc đầy thành kiến thì không thể học hỏi thêm điều gì.

Và phải chăng còn một cái vọng nguy hiểm nhất là cái vọng tưởng rằng mình đang tu , đây chính là cái tạo ra bản ngã đúng như kinh nghiệm của các người đi trước đã nói như trên và phải chăng ta không nên dùng chữ tu tập mà chỉ nên nói là HỌC ĐỂ THẤY RA ?

Thêm vào đó đừng bao giờ hiểu sai chữ Pháp, một thiền sư đã từng định nghĩa như sau: Pháp là sự tương giao hay mối quan hệ giữa mình và người, giữa mình và hoàn cảnh xung quanh Và như vậy phải chăng khi gặp nghịch cảnh ta phải nhẫn nại chịu đựng và tu tập thêm thiện căn để được chút Phước đi kèm để có thể nuôi dưỡng tâm linh bằng cách lạy Phật tụng kinh nhiều hơn.

Nói tóm lại thời gian tu học không thể nào đoán được cho mỗi trường hợp chỉ biết rằng nếu đã muốn cầu Phật trí huệ thì phải thực tập không ngừng từ phút giây mình cảm ứng được với Phật Pháp bàng cách làm chủ bản thân và nỗ lực chuyển hoá căn cơ, quán tính của mình để vượt khỏi mọi xiềng xích của Nghiệp đã tác tạo.

Kính xin thân gửi đến các bạn vài vần thơ khi tư duy về vài trò của người học Phật trong thời hiện đại nầy dù người viết cũng chỉ có đủ thời gian tu học rốt ráo từ ngày nghỉ hưu như giai đoạn đã đề cập trên.

Ngồi tư duy… vai trò người cư sĩ,
Phật tử đàn anh… .hiện tại bớt dần…
Thế hệ tương lai… có bảo đảm góp phần ?
Nên tự hứa… phải THỰC TU THỰC HỌC.

Vững pháp thế gian… hoằng pháp đâu còn nhọc !
Ngoại ngữ, viết tin, vi tính… thông chuyên
Hộ trì Tam Bảo… tạo được cơ duyên,
Ngày kia đến… nếm thiền duyệt Pháp hỷ.

Nuôi dưỡng Bồ đề tâm… tiếp cận kỹ !
Giáo pháp Đức Phật… chìa khoá mọi ngành
Khả năng ẩn tàng, phát triển tiến… nhanh
Tuệ trí sinh… giúp tha nhân nương tựa !

Cư sĩ hiện đại… thích nghi hơn nữa !!!

Kính mong chờ sự đóng góp của các bạn thêm để cùng nhau chia sẻ và học hỏi.

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.