Lão Giã An Chi ( Già có được an không ? )

Làm thế nào để trọn vẹn cảm nhận hương vị của cuộc sống.

Gần đây không hiểu sao tôi lại rất thích thú khi đọc được trên trang mạng những đề tài như LÃO GIÃ AN CHI ( Già có được an không ? ).

Có lẽ đã đến lúc không còn mơ mộng viễn vông rằng không ai có thể đi ngược lại với dòng chảy của thời gian và đến một lúc nào đó chúng ta cần phải ý thức được về vị thế của mình khi về già nếu như chưa có được ” một chút tài sản thế gian lẫn tài sản tâm linh “ nghĩa là vào lúc về hưu rồi phải làm sao có được nơi trú ẩn thuận tiện, không nợ nần và còn có thêm một chút vật chất phòng khi giao tế và hành thiện tu bồi phước và có cơ hội tu tập những đạo lý hầu làm tư lương khi trở về một nơi nào đó… sau khi xả bỏ thân phàm phu này . Vì chỉ có Huệ ta mới có thể làm Phước được , nhưng nếu để Huệ mãi còn non kém mà không chịu tu tập thêm thì sẽ một ngày nào đó, ta xài hết Phước rồi thì vẫn mãi ở trong sinh tử luân hồi….

Thỉnh thoảng trên mạng cũng có những lời bàn thật hay mà nếu ai chịu khó suy nghĩ sẽ thấy đúng phần nào cho cuộc đời mình, chẳng hạn như những câu sau: ” Trong cuộc sống, sự thật là không ai tài giỏi hơn hay thông minh hơn bạn. Nếu có, phần lớn đó là những người biết cách phát triển khả năng và tài năng thiên bẩm của mình nhiều hơn bạn mà thôi. Điều quan trọng để thành công đó chính là niềm tin vào bản thân. Niềm tin sẽ giúp ta vượt qua những khó khăn, những bất hạnh, những trở lực trong cuộc sống để vươn lên, tìm thấy một cuộc sống tốt đẹp hơn “.

Rabindranath Tagore ( triết gia Ấn cuối thể kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 ) cho rằng: “con người cần phải thu được và cảm nhận được sức thu hút của mọi vật trong vạn vật điều này chỉ có thể xảy ra khi anh ta hiến dâng tất cả toàn bộ sức lực mình cho bổn phận và trách nhiệm đối với thế giới này “.

Cũng thế trong một đoạn tán dương Đức Phật, Ngài Tagore đã viết như sau: ” Bằng sự hy sinh và dâng hiến, Đức Phật đã tôn vinh sức mạnh, trí tuệ và lòng nhiệt tình nằm trong trái tim của con người từ đó con người không còn là một sinh vật yếu đuối đáng thương phụ thuộc vào lòng thương hại của các vị thánh thần mà là chủ nhân của chính mình “.

Thiền sư HT Viên Minh đã từng dạy cho đệ tử khi trả lời những câu hỏi bằng những câu kệ hay thơ vần mà tôi đã học được rất cẩn thận và thích thú mỗi khi đọc lại, kính xin được cống hiến cùng các bạn trong bài viết này

Tâm Không, Tâm Hữu cứ tuỳ duyên
Pháp đến pháp đi vốn diệu huyền
Tự tại thong dong thôi tìm Đạo
An nhiên vô ngại… Học chi Thiền

………
Hãy lắng nghe bước chân
Bước chân qua thời gian
Thời gian vô sở trụ
Chân bước hề thênh thang

Riêng bốn câu kệ thứ hai đã được Ngài giải thích rất rõ ràng như sau:

Ta hãy sống và chiêm nghiệm những gì đang trải qua
Nhưng đời sống luôn biến đổi không ngừng trong từng khoảnh khắc
Và thời gian thì luôn trôi chảy không bao giờ dừng lại cho nên ta đừng bám trụ vào đâu
Hãy thong dong tự tại giữa cuộc đời vô thường biến đổi…

Như vậy, ta có quyền tự do lựa chọn cuộc sống của mình sao cho phù hợp là được nhưng thật ra ” Mọi chuyện đến đi đều có nhân duyên của nó cứ bình tỉnh, nhẫn nại thì mọi chuyện sẽ hanh thông ” và những ai đã chấp nhận… “. Đời là một môi trường để Tu học ” thì những chướng ngại ta gặp trên đường đời chính là cái duyên giúp ta thấu hiểu thêm về chính mình và bản chất đời sống hơn “.

Tuy chưa đạt đến mức độ nào để giải thích rõ ràng cái duyên mà mình đã gặp có hội tụ đủ bốn loại duyên mà tôi được biết ( nhân duyên – sở duyên duyên – bình đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên ).

Sở duyên duyên là cơ sở để cái nhân duyên từ đấy mà duyên vào ( thí dụ ta có một nhân duyên để được tu học nếu không sở duyên duyên là không các khoá tu học mở ra để tham dự ).
Bình đẳng vô gián duyên: Duyên giúp cho mình luôn nhân duyên có, được liên tục không bị chướng ngại (thí dụ đã muốn đi tu học rồi, đã có khoá tu học sẽ khai huấn vào một ngày đó rồi, nhưng đến ngày ấy ta bổng bị bệnh hay lâm vào một hoàn cảnh nào không thể tham dự khoá tu thì đó là không có được bình đẳng vô gián duyên vậy).
Tăng thượng duyên: luôn có những điều kiện tốt, những cơ hội tốt làm cho nhân duyên càng thuận lợi hơn ( thí dụ luôn có thiện tri thức bên cạnh hướng dẫn khi ta tu hoặc có sẵn các tài liệu để ta tham cứu ).

Nhưng có một điều tôi đồng ý một cách chắc chắn rằng: “ CON NGƯỜI KHÔNG THỂ ĐỨNG BÊN NGOÀI QUY LUẬT CỦA VŨ TRỤ “. Mọi sự thoái hoá đều theo quy tắc phản phục… ( cực âm sinh dương, cực dương sinh âm ) Thái cực sinh lưỡng nghi, lượng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sanh bát quái, bát quái sanh vạn hữu vũ trụ ( vũ trụ là dương, con người là âm ) tâm linh là dương, thân xác là âm cho nên thân và tâm phải luôn hoà hợp… thì kỷ năng sống là quan trọng nhất để cảm nhận được hương vị của cuộc đời dù đó chỉ là cõi tạm trong một thời gian nào đó 70, 80, 90…. năm.

Thoreau Walden ” Mỗi ngày chúng ta đều cố gắng nỗ lực hết cho cuộc sống, như lại không nhận ra bản thân đã dần mất đi một thứ gì đó trong vô thức. Sự giàu có chỉ có thể giúp chúng ta mua sắm thêm những thứ vật chất tầm thường nhưng những thứ cần thiết để bồ dưỡng cho tâm linh thì lại không phải cần đến tiền để mua nó được …”

Tuy biết rằng chỉ có những Ai có khát vọng và có ý chí thì mới vươn đến tài năng, nhưng điều tối cần phải luôn luôn nghiêm túc và chân thành với mình trong mọi khoảnh khắc… vì trong tâm thức ta 5 biến hành tâm sở thật nguy hiểm, nó có mặt trong từng sát na ( XÚC, THỌ, TÁC Ý, TƯỞNG, TƯ ) cho nên khi đã… nhận ra đời chỉ là cõi tạm, thì hãy sống sao cho lương thiện, dành cho nhau tình thương mến mới là cách khôn ngoan nhất. Đừng toan tính quá nhiều, bởi vì cuối cùng ai rồi cũng sẽ về với cát bụi mà thôi…

Và để cảm nhận được hương vị mầu nhiệm của cuộc sống kính xin dâng đến các bạn Bài kinh Quy y tam bảo thật hay không biết từ bao giờ tôi đã học được:

” CON XIN QUAY VỀ NƯƠNG TỰA VỚI VÔ LƯỢNG CHƯ PHẬT trong khắp mười phương, cùng khắp thế gian ( có nghĩa là đã thấy được tất cả chúng sinh là Phật thì cũng sẽ thấy rằng tất cả hiện tượng trước mặt là Pháp…. [chân lý sẽ giúp ta giải thoát].

CON XIN QUAY VỀ NƯƠNG TỰA VỚI TẤT CẢ CHÂN LÝ ở mọi nơi, mọi sự việc hiện tượng trong không gian vô cùng tận ( sỡ dĩ mọi sự vật hiện tượng trong thế gian đều là Pháp bởi vì trong cái giả ta tìm thấy ra sự thật, trong cái sai ta tìm ta cái đúng, trong vô thường ta thấy được chân thường và trong khổ đau ta mới thấy ra đâu là hạnh phúc chân thật ).

CON XIN QUAY VỀ NƯƠNG TỰA VỚI TẤT CẢ HIỀN THÁNH TĂNG trong không gian vô cùng tận ( nên nhớ tánh Thanh tịnh mới làm nên hiền thánh ) do đó đã thấy được chúng sinh là Phật hay thấy được cốt lõi Phật tánh nơi chúng sanh thì phải thấy được cái tánh Thanh Tịnh vốn có nơi chính mình và mọi người và chỉ có khi ta quy về nhìn vào bên trong chứ đừng chấp tướng bên ngoài thì không thể nào thấy được tính tình của mọi người đang phô bày trong nội tâm họ. ”

Lời cuối xin được gói ghém tất cả nỗi lòng qua vài câu thơ để tự giải đáp cho câu hỏi Lão giã an chi như sau

Hạnh phúc thay đến giờ mới hiểu
Bản lại diện mục thuần khiết như nhiên.
Vì vô minh vọng tưởng chạy theo duyên,
Nên mãi trôi lăn… luân hồi sinh tử !

Dù biết thế… vẫn thích đời khách lữ
Được tái sinh, nguyện sống cõi Ta Bà .
Chỉ nơi đây… mọi tiến hoá thăng hoa
Thấy được tương quan… con người, vũ trụ

Vi diệu, nhiệm mầu lung linh tinh tú
Có thành không, không thành có… huyền vi
Khó thể luận bàn… bất khả tư nghì
Vũ trụ ngàn đời… Bản lai như thị

Huệ Hương – Melbourne ngày đầu tiên của Mùa Xuân nơi đất Úc

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.