Thậm Thâm Vi Diệu Pháp

Đại Hội Sakyadhita Toàn Cầu lần thứ 16

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chân thực nghĩa.

Tôi dùng bài khai kinh này để mở đầu cho những cảm nghĩ về kỳ Đại Hội Sakyadhita Toàn Cầu lần thứ 16. Thực tế là mỗi lần đọc đến câu: “Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ” cảm xúc tôi có dâng trào, niềm hạnh phúc vô biên tràn ngập tâm hồn tôi. Tôi luôn ngưỡng mộ vị chủ nhân tài hoa của bài kệ này. Dù chỉ có bốn câu nhưng nó là bài ca bất tận diễn đạt đầy đủ ý nghĩa về nỗi lòng của người con Phật trước sự thâm sâu và vi diệu của Phật Pháp. Bài kệ để đời khó ai có thể vượt qua là do một nữ nhân đầy uy quyền trong chế độ phong kiến đời nhà Đường đã đề ra sau khi xem phần phiên dịch từ Phạn ngữ của kinh Hoa Nghiêm. Qua bài kệ mà ngàn đời sau người người đều ngưỡng phục cho thấy rằng dù là vị Hoàng Đế cao cao tại thượng của nhà Đường nhưng bà cũng đã phải quy phục, rồi  với ngôn từ vi diệu đã lột  hết được nỗi lòng tôn kính của mình đối với Phật Pháp và đấng Thế Tôn.

Đó đã là bài khai kinh bất hủ mà chúng đệ tử xuất gia và tại gia theo hệ phái Bắc Tông đều đọc tụng. Ý tôi muốn cho thấy rằng việc bày tỏ tâm mong cầu và ngưỡng phục đối với sự huyền diệu thâm sâu của Phật Pháp không có giới hạn giữa người nam và người nữ.

Để chứng tỏ được điều này, chúng nữ đệ tử xuất gia và tại gia của nhóm Sakydhita đã không ngần ngại tổ chức kỳ Đại Hội Toàn cầu lần thứ 16 tại Blue Mountains Sydney. Điều này cũng nhằm vào việc tiếp nối truyền thống và duy trì mạng mạch Giáo Pháp của Đức Phật, đồng thời góp phần vào việc giải bày phần nào nghĩa lý ảo diệu thâm sâu của Ngài. Chủ đề cho các bài giảng kỳ này lả : ‘Những chân trời mới trong Phật giáo’.  Qua những bài giảng, những buổi hội thảo, những bài thực hành theo con đường giác ngộ mà Đấng cha lành đã giảng dạy cho chúng ta trên 2600 năm trước đây, tôi cảm giác tầm nhìn mình có mở rộng.

Sự mở rộng tầm nhìn của tôi cho thấy được là giáo Pháp đã trải rộng khắp nơi trên thế giới và vai trò của các nữ tu cũng như cận sự nữ đã mở rộng địa bàn hoạt động. Chúng tôi đã nói lên được tiếng nói chính con tim của mình. Để cho thấy được rằng tuy cùng là con Phật nhưng mỗi nơi người nữ có một vị thế khác nhau. Tôi thầm cảm ơn cha mẹ là hai đấng sanh thành đã hướng dẫn và giáo hoá tôi trong con đường và theo tầm nhìn của Phật giáo Bắc Tông, nơi mà mọi nữ tu đều có khả năng được thọ cụ túc giới và trở thành Tỳ Kheo Ni theo đúng giới luật.

Như thế, cũng ngầm nói rằng hệ phái Nguyên Thuỷ ở các nước Miên, Lào, Thái, Miến, Tích Lan đang tranh đấu cho quyền lợi các nữ tu. Tuy có chuyễn mình qua cách nhìn nhưng phải nói rằng sự chuyển hướng để thừa nhận quyền thọ cụ túc giới hãy còn hạn chế trong vài hệ phái. Điều đáng mừng là số Tỳ kheo ni tại Thái hiện nay có đến khoảng trên 100 vị trở lên. Đó là cuộc cách mạng và là thành công lớn cho Ni chúng tại Thái. Một vài hệ phái cho thấy các nữ tu chỉ ở hàng Sa di bạch y muôn đời mà không biết bao giờ mới chính thức được trở thành Tỳ Kheo Ni. Nhiều Sa Di ni còn chịu cảnh nhiễu loạn tình dục từ các vị sư thầy mà mình phục vụ.  Sự xúc phạm nầy cũng có diễn ra từ ngay cả các vị sư Tây Tạng và Bhutan nữa. Tuy rằng chúng ta đang ở cõi dục giới nhưng không vì  thế mà giới luật lại buông lỏng. Chính những nạn nhân đã lên tiếng, đó là hồi chuông cảnh tỉnh và báo động cho những ai còn trầm mình vào đọa cảnh.

Một điều hãnh diện cho đất nước Úc này là chúng tôi có được Bhikkhu  Ajahn Brahmn và Bhikkhu Bhante Sujato. Hai vị Tỳ kheo Brahmn và Sujato theo trường phái Nguyên Thủy, thuộc hệ Thiền Lâm khổ hạnh của Thái Lan với luật lệ thật khắc khe. Để phát huy tinh thần Phát triển bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới’  mà Liên Hiệp Quốc đề ra vào đầu thế kỷ 21. Các thầy đã truyền cụ túc giới cho các Sa Di Ni. Tuy thầy Ajahn Brahmn đã hỗ trợ việc làm của mình bằng những tham khảo trích dẫn từ lời dạy của Đức Phật và những quy định trong Luật Tạng về việc điều hành Giáo đoàn Phật giáo. Vậy mà dư luận bên phía Phật giáo Nguyên Thủy tại Thái vẫn xôn xao. Dạo đó,  các vị đồng tu bên Thái đã cực lực phản đối và đòi trục xuất quý thầy khỏi Tăng đoàn. Ngày hôm nay, thầy Bhante Sujato cho một bài giảng lý thú về câu chuyện Con rắn Gurrangach và người thợ săn Mirragan’  với hình chụp minh họa các loài sinh vật sống trong những cánh rừng của vùng đất NSW và lòng từ ái đối với những sinh vật sống quanh ta. Thầy cũng đưa ý kiến cho việc giải thoát các Sa Di Ni khỏi cảnh áp chế là cho họ có quyền thọ cụ túc giới là việc thầy đã, đang và sẽ làm và cũng nên giáo dục thêm các Sa Di Ni và nữ Phật tử về quyền bình đẳng trong đạo Phật. Bình minh thoáng hiện trên bầu trời màu xanh, thanh cao và trong sáng của xứ Úc, nơi mà tín đồ Phật giáo đứng vào hàng thứ Ba sau Hồi giáo thứ Nhì và Thiên chúa giáo thứ Nhứt.

Ngoài ra tôi cũng còn học hỏi được từ những ni sư, học giả quen biết tại Úc như Ni Sư Chi Kwang, Tiến Sĩ Di Cousens, Tiến sĩ Anna Halafoff là những vị khách có nhiều qua lại với chùa Quang Minh và thầy Phước Tấn. Từ những trải nghiệm của Ni Sư Chi Kwang trong quá trình tu tập và hội nhập nền văn hoá mới trong những năm đầu từ Đại Hàn sang Úc cho đến những nghiên cứu của các vị Tiến sĩ về việc đạo Phật thâm nhập vào đất nước này, cho tôi ý niệm về sự hội nhập và hình thành của đạo Phật tại Úc cùng sự hiện diện của các nữ tu người da trắng. Hạnh phúc chợt đến khi biết được rằng làn sóng di dân của các nước Việt, Miên, Lào đã góp phần không ít trong sự phát triển đạo Phật tại quốc gia này. Những vạt nắng hồng từ phương đông đã nhè nhẹ mang sự ấm áp vào vùng đất an lành của xứ sở thân thương mà tôi và gia đình đã chọn làm nơi dừng chân.

Người phương Tây thích thiền, họ đến với đạo Phật qua con đường thiền tập, Sư Ông Làng Mai là tên quen thuộc được nhắc nhớ nhiều từ các diễn giả, ngay cả vị Hội Trưởng Toàn cầu của Sakyadhita là vị niên trưởng khả kính của chúng tôi, Ni Sư Trưởng Karma Lekshe Tsomo cũng đã từng tham dự khóa thiền của Sư Ông. Niềm hãnh diện dâng cao khi nghe đến nhắc đến tên ngài.

Chương trình ngoài phần thuyết giảng cho mỗi buổi sáng, còn có những buổi họp nhóm thực hành thảo luận cho buổi chiều, tối lại có thời thuyết giảng do chư vị Tăng Ni thượng thừa đảm trách.

Mỗi chiều thì có  hai thời họp nhóm, mỗi thời cũng phải bảy đến tám nhóm thực hành luyện tập đầy lôi cuốn và thú vị. Chiều nào chúng tôi cũng phải bối rối vì không biết phải chọn nhóm nào để học tập. Nào thiền trà, thiền Tào động, thiền thiên thai,  thiền hành, thiền công án, Bạch y thần chú thiền, ẩm thực thiền tại chùa Đại Hàn, thiền theo Mật tông, thiền qua động tác, múa và hát theo thiền của Đại Hàn. Và lại còn có Khí công thiền,Tài chi thiền và Yoga thiền và thư giản nữa, chỉ còn Pháp Luân công là không có mặt mà thôi. Rồi lại có nhẩy múa và ca hát như: tập hát những bản Thánh ca thiền, múa những điệu vũ của Tara theo thiền,  thiền giải quyết nỗi ưu tư sầu khổ, thiền trút đi sự khống chế của cơn giận hờn v.v. và v.v . Như vậy cho thấy hiện nay thiền rất ăn khách. Nói cho cùng thì thắp sáng niềm tin khi tụng kinh, trì chú, lần chuỗi niệm Phật theo Tịnh độ cũng là thiền và ngay khi cúng Quá đường chúng tôi cũng đã  dự phần thiền tập trong khi ăn, nên vị Chủ lễ có xướng  ‘Thiền duyệt vi thực, Pháp hỉ xung mãn’ là vậy. Kỳ này Tăng đoàn Việt Nam có gần 300 nữ tu sĩ theo tịnh độ chừng vài chục vị theo Mật Tông và Nguyên Thủy tham dự, trong đội ngũ có bốn đến năm vị thông dịch trực tiếp rất ăn ý. Chư vị đã không ai ra đề mục nào về việc này vậy thì mình biết có là đủ rồi. Thực tế thì cũng có những buổi hội thảo về tiến trình tranh đấu cho quyền lợi các nữ tu hay các cuộc hội thảo khác, tuy nhiên rằng thiền cũng vẫn chiếm ưu thế trong danh sách được đề ra để lựa chọn. Có hôm lúng túng và quá mệt nên tôi đành chọn theo lối ngọa thiền, rồi nhắm mắt ngủ ngon lành trên chiếc ghế dài êm ấm tại Đại sảnh.

Ngoài thiền còn có thời khóa đặc biệt biểu diễn nghệ thuật nấu ăn. Đúng là phụ nữ, thôi thì đó vẫn là tâm phục vụ và cứu độ chúng sanh, vì có câu : “Có thực mới vực được đạo”. Ni Sư Jeong Kwan Sunim là người hướng dẫn cũng cho biết khi làm kim chi cũng có phần thực hành thiền nữa. Không phải mình tôi mà còn rất đông quý vị thích thú tìm hiểu cách làm món ăn mà được xem như di sản quốc tế vì đã được Unesco công nhận, theo lời ni sư hướng dẫn. Có đi dự rồi mới biết kim chi mà được các bà nội trợ Việt Nam chỉ bày qua chương trình Youtube rất sơ sài, thật ra không thông cho lắm hoặc là giấu nghề. Ngoài rau củ ra, tôi đếm cũng phải gần 10 món phụ gia để vào. Ai muốn làm kim chi thành công thì xin liên lạc với Diệu Thông, tôi sẽ mách nước bảo đảm thành công như ý. Tôi len theo vạt nắng chiều lén ra ngoài hít thở không khí trong lành của miền rừng núi Blue Mountains cũng để ngắm bầu trời màu xanh của một ngày nắng ấm tại Sydney. Tôi là như vậy đó, nơi nào chen chúc quá là tôi bỏ cuộc, tôi biết mình dành không lại ai cả vì ai cũng muốn được phần thực hành và tự tay trộn món này.

Cái bệnh hôn trầm của tôi cũng khá nặng nhưng phải nói với bài giảng ‘Nghệ thuật trị bệnh qua cái nhìn của người phụ nữ với lòng từ ái trong con tim và trí tuệ’. Đây là bài nói về Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Bài giảng này do cô Paula Arai vào sáng Thứ Ba minh họa bằng tranh nghệ thuật do một họa sĩ Nhật diễn tả ý cao siêu của bài Kinh đã đánh đuổi được cơn hôn trầm của tôi, mà không phải riêng tôi, mọi người tại giảng đường đều chú tâm dõi mắt theo. Từng lời chú giải kèm với những bức tranh tuyệt mỹ mà giảng viên là người, phải nói dày công nặn cả tim óc mình để hình thành phiên bản có giá trị như thế này. Nghệ thuật và tôn giáo luôn đi kèm nhau vì tôn giáo là một nghệ thuật siêu đẳng. Xong bài giảng mọi người mang cảm giác nhẹ nhàng và luyến tiếc. Vậy, cho thấy sự vô thường cũng có những nét đẹp của nó. Sự luyến tiếc về một buổi giảng vừa hay lại vừa sống động qua những hình ảnh đẹp cho thấy trái tim của người nữ vốn đã từ ái lại chan hòa tình yêu thương cao cả trong trí huệ tuyệt vời của bài Kinh Bát Nhã. Nhiều người chờ đợi sự phát hành của phiên bản này để được sở hữu nó. Tâm thủ chấp vẫn là tâm cố hữu của chúng sanh mà, cũng không có gì để phê phán.

À , quên lại không nói, tôi được thầy trụ trì chùa Quang Minh đề cử vào hội Sakyadhita chi nhánh Úc Châu và cô Rani Hughes  là hội trưởng tiền nhiệm đã đề bạt tôi vào ban điều hành của nhiệm kỳ 2018/2019. Với sự khuyến khích của thầy Phước Tấn và sự giúp đở của Rani, tôi đã đăng ký và lo chỗ ăn ở cho 13  vị gồm Ni Sư Trưởng và Ni Sư trụ trì tại các chùa từ Việt Nam đến Sydney, Melbourne, Brisbane và Adelaide, như là Ni sư trưởng Như Tịnh, cùng các ni sư Đàm Lan, Phước Hoàn, Đàm Kiên,  Nhật Liên, Chơn Tịnh, Viên Thông, Như Hiếu, Tường Quang,  Huệ Hạnh, Như Chánh, Chúc Hiệp và Minh Thịnh. Cũng phải nói thêm chùa Quang Minh và thầy đã tài trợ và Sakyadhita Úc châu nhờ đó nên đã cấp học phí cho 9 trên tổng số 16 vị gồm Ni chúng và cư sĩ từ mọi nơi đến tham dự khóa tu học đầy ý nghĩa này. Rani còn sắp xếp để chúng tôi có được phần điểm tâm sáng tại Trung tâm. Tối ngày Thứ Năm, Rani tổ chức buổi cầu phúc chia tay do Ni sư Trưởng Như Tịnh chủ lễ hướng dẫn cùng 3 vị ni sư còn lại là Phước Hoàn, Chơn Tịnh và Viên Thông chú nguyện cho khoảng trên 20 người dân địa phương tới tham dự, thật mang đầy ý nghĩa và cảm động vô cùng. Quý vị cho tôi biết đây là lần đầu tiên họ được chúc phúc với nhiều loại kinh và rồi gồm cả 5 phút tọa thiền nữa. Sáng thứ Sáu chúng tôi chia tay trong niềm luyến lưu của một khóa học đầy thú vị. Mọi người chúc mừng tôi, xem như là tổ chức lo chổ ăn ở cho Ni Sư thành công và như ý.  Sự thành công cũng phải nói có được phần lớn là từ thầy Phước Tấn, Rani, Ni Sư Như Liên chùa Tam Bảo và cùng các bạn đạo như Nguyên Châu, Thiện Hiền, chị Diệu Hoàng,  Diệu Thảo và Huệ lạc cùng sự hỗ trợ của Ni Sư Trưởng Như Tịnh, Ni Sư Phước Hoàn,  Ni sư Chơn Tịnh và đặc biệt là Ni Sư Viên Thông đã lo cho đoàn hết mình trong năm ngày nấu nướng tại đây. Mọi người  trong ban điều hành yêu cầu tôi  ở lại thêm nhiệm kỳ nữa mặc dầu tôi đã đệ đơn rút lui để nhường chân cho người khác nhiều khả năng hơn. Thầy Phước Tấn cũng đồng ý là tôi nên lưu nhiệm, không biết tôi có làm được điều tốt đẹp gì nữa không đây. Thôi cứ chờ xem vậy.

Tôi còn đang phân vân không biết phải chọn bài giảng nào mình thích nhất để làm câu kết cho bài viết này. Vì đúng ra bài giảng nào cũng hay, cũng thú vị, cũng đáng thực hành cả. Tâm tham đắm và cố chấp sẽ làm mờ đi trí huệ hiện có của chính mình. Chỉ cần một tia sáng làm mồi thì ngọn đuốc trí tuệ sẽ bùng lên. Cái gì rồi cũng phải có nhân duyên vì ‘nhân duyên sở sanh pháp’ mà.

Trở về chùa, sau thời kinh Phổ Môn vì đây là ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát Mùng 19 Tháng 6 âm lịch, thầy Phước Tấn có giảng một bài Pháp ngắn về câu cuối cùng của Bát Nhã Tâm Kinh, tôi nghĩ nó sẽ là câu kết cho bài viết của tôi.

Cái workshop cuối cùng mà tôi nói ra đây mang tựa đề: Làm bạn với cái chết’ do Ma Sơ Malia Wong và Ni Sư Trưởng Karma Lekshe Tsomo chủ đạo. Nói nôm na là ta đón nhận cái chết như thể nào ?

Ma Sơ đại diện cho phía cộng đồng Thiên chúa giáo cho biết để làm quen với cái chết tín đồ thiên chúa nên cầu nguyện các thánh như Thánh Giuse, Thánh Pierre, Thánh Paul, Thánh Vincent, Thánh  Michael, Thánh Patrick, Thánh  Andrew, Thánh Francis, Thánh Xavier .v.v.v.  Nữ thánh Maria ,  Nữ thánh  Theresa, Nữ thánh Agnes, Nữ thánh Emma.v.v và .v.v..  Xem chừng ra có chừng vài chục đến cả trăm Thánh và Nữ thánh. Cầu nguyện như vậy rồi chư Thánh sẽ đưa linh hồn mình về nước Chúa.  Đây là gáo điều của đạo Thiên chúa. Thật công bằng có cả Thánh Nam và Thánh Nữ nữa. Bằng tâm trong sáng, Sơ trình bày hình các Thánh trên màn ảnh nhỏ tại giảng đường, ai ai cũng đẹp cả. Tôi thích nhứt Nữ Thánh Theresa vì hồi ở Việt Nam, tại đường Cường Để Saigon có dòng tu kín của các Ma Sơ, mỗi lần tới ngày lễ Thánh Theresa tôi cùng mấy người bạn, đạo Thiên chúa vào chiêm ngắm tượng Nữ Thánh nằm đẹp lộng lẫy. Thấy chưa! tâm dính mắc nhìn tượng thấy đẹp thì mê. Mà mê thì có mê nhưng tôi vẫn giữ đạo Phật của mình.

Ni Sư Trưởng Karma Lekshe Tsomo với tư thế thư giản, ngài cho biết cái chết có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào trong đời sống hàng ngày, thế nên ta phải làm quen với nó.  Tại sao nó lại quan trọng đối với chúng ta như thế ? Ni Sư hướng dẫn rất kỹ gần ba mươi phút. Phải có dự , có nghe mới cảm nhận được sự thanh thoát toát ra từ lời nói, từ cử chỉ của người. Cảm giác sung sướng len vào trong cơ thể qua từng lời nói của người.   Cũng nói thêm Sư Tsomo đã thiết lập Hội đoàn ủng hộ cho các ni sư trẻ tại các nước Miến, Thái. Bangladesh, Nepal vv…vv có được một nền giáo dục tốt đẹp để tránh khỏi sự áp chế của những cổ tục ràng buộc người nữ trong việc tu học và trở thành Nữ tu sĩ tại các nước đang phát triển.

Quán từ bi, trong phần đầu của mỗi buổi lễ ở chùa, tôi đều được thực hành ‘Một phút nhập từ bi quán’, thành thật mà nói tôi dốt đến độ đôi khi, không biết mình phải làm gì trong giây phút đó, nên đã để tâm lãng du nơi phương trời vô định nào mất.  Mãi về sau này khi được thực hành thiền quán với các vị Sư Tây Tạng, tôi mới hiểu ra ý nghĩa tốt đẹp của giây phút nhập từ bi quán. Là giọng nhẹ nhàng chầm chậm Ni Sư hướng dẫn chúng tôi rãi tâm từ đến những người thân thương trong gia đình, đến bạn bè, đến cả người thương kẻ ghét trong đời mình, rồi cả muôn loài và trãi lòng thương ngay chính cả bản thân mình nữa. Rãi tâm từ tốt đẹp là dường ấy, nó chính là nguồn năng lượng lành bao quanh ta.

Quán thân trong thân, là quán tưởng vào hình hài của ta trong khi nó còn linh hoạt và cả ngay khi sắp bị tan rã, đang và sẽ tan rã nữa. Mỗi ngày trên thân thể ta cũng đã có bao nhiêu tế bào chết được thải ra, mà cũng có biết bao nhiêu tế bào khác được tái sinh. Sinh sinh diệt diệt, vậy thì, nếu ngày nào đó thân thể này có rã rời, hồn phách này có tiêu tán thì hãy xem là việc đương nhiên đi. Đó là sự sinh tồn trong vũ trụ, Sư nói.

Theo Sư, ta cứ mặc nhiên đón nhận sự hoại diệt của nó mà không sợ hải, không cầu xin, cầu xin thì ai cho đây? Có thân thì phải chăm sóc tốt cho thân,  nhưng không cần phải bỏ thời gian lo lắng vì chính ra lo lắng cũng không làm được gì. Bình tỉnh quán chiếu cái sanh diệt trong và của thân, tin sâu vào luật nhân quả, làm tốt mọi việc là đã chuẩn bị tốt cho cái chết rồi.

Nguyễn Du có nói:

‘Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.’

Sự trả nghiệp có thể qua những bệnh tật, hay tai nạn trong đời mà khó ai tránh khỏi, để làm quen với nó, ta phải quán nhân duyên. Nhẹ nhàng Sư cho biết nhân quả là chân lý phải luôn được tỏa sáng trong tâm ta, việc ta chịu ngày hôm nay là quả do ta làm ngày trước. Sư nói nhiều mà trí nhớ tôi thì kém cỏi, nên xin gói gọn trong bài kệ bốn câu từ Kinh Pháp cú:

‘Chớ làm các điều ác
Vâng làm các điều lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đây lời chư Phật dạy
.’

Theo thế gian pháp ‘chết là hết’, vậy bài viết này đến đây xem như đã kết thúc.

À, nhưng không hẳn là như thế !  Trong  Bát Nhã Tâm Kinh mà thầy giảng đoạn cuối có câu ‘gate gate pāragate pārasagate bodhi svāhā’ nghĩa là Vượt qua, vượt qua rồi, qua bên bờ kia rồi, tất cả qua bên bờ kia rồi, giác ngộ rồi đó. Vượt qua, vượt qua cái gì và như thế nào, Kinh Bát Nhã đã dạy rồi. Thầy thường nhắc nhỡ thực hành thiền quán, chuyên tâm tụng kinh, trì chú niệm Phật giữ chánh niệm. Ni sư Tsomo cũng dạy chúng tôi thiền quán. Rồi hoặc ba A tăng kỳ kiếp hoặc hai hoặc một A tăng kỳ kiếp nào đó,  ai mà gắng công tu luyện, tự mình loại bỏ dần năm triền cái để chiếu kiến được ngũ uẩn giai không, lúc đó mới mong đến bờ giải thoát.  Vậy nếu tâm còn dính mắc, lòng còn tham đắm, sân hận và si mê là còn tạo nghiệp cho dù thiện nghiệp hay ác nghiệp thì vẫn hãy còn nằm trong vòng sinh tử luân hồi.  Cái chân thường nằm trong vô thường, vạn vật vận hành theo chu kỳ, Mãn Giác Thiền sư có bài thơ mà hai câu cuối cũng  nói lên được sự tuần hoàn của muôn loài trong vũ trụ, cũng là nói lên được sự luân lưu trong luân hồi theo tinh thần hướng thượng nơi cõi ta bà này:

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.

Vậy thì theo quy luật sinh tồn của vạn vật, cành mai Sakyadhita lần thứ 17 sẽ nở rộ vào năm 2021 tại Mã lai Á. Mời quý vị cùng tham gia, cùng hộ trì cho việc làm trong chánh Pháp này của chi hội ‘Những Người Con Gái  của Đức Phật’ tức Sakyadhita tại Úc Châu. Xin hãy khuyến khích, ủng hộ và đóng góp hết mình cho thiện Pháp mà chúng tôi sẽ gieo trồng trong vườn tâm của mọi người để trong lần Đại Hội tới chương trình được phong phú hơn lên. Vậy là bài viết còn tiếp.

Diệu Thông

 

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.