Đi Chợ Tính Tiền

Trong sách QVGKT, bên dưới bài học thuộc lòng này có 3 từ giải nghĩa, ghi nguyên văn như sau:

“GIẢI NGHĨA: Tiền tốt = tiền tiêu được. Vàng = đồ làm bằng giấy cúng rồi đốt đi. Hồ nghi = ngờ vực, không biết rõ”.

Những giải nghĩa này chỉ để giải thích cho lớp học trò tóc còn để chỏm, dễ hiểu, dễ nhớ. Đi chợ tất phải đem theo tiền, tiền phải có giá trị trong mua bán… là chuyện đương nhiên. Nhưng sao gọi là tiền tốt?

Một bài ca dao được lưu truyền, được in trong sách giáo khoa từ lúc ra đời (Bản in đầu tiên năm 1927) đến lúc cải tiến thay đổi, không lẽ vì bí vần mà viết vụng thế sao! Thế là người viết phải đi tìm tiếp.

Có một giai thoại trong văn học về Bà Chúa thơ Nôm. Chuyện kể rằng Hồ Xuân Hương thiếu tiền bèn hỏi mượn của Chiêu Hổ 5 quan để tiêu tạm.

Chiêu Hổ gởi tiền đến, đếm hoài vẫn chỉ thấy có 3 quan. Nữ sĩ bèn làm bài thơ trách người cho mượn tiền:

Sao nói rằng năm chỉ có ba.
Trách người quân tử hẹn sai ra.
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt.
Nhớ hái cho xin nắm lá đa.

Chiêu Hổ họa lại:

Rằng gián thì năm, quý có ba.
Bởi người thục nữ tính không ra.
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt.
Cho cả cành đa lẫn củ đa.

Trong bài họa của Chiêu Hổ có chữ gián và quý. Đây là cơ sở dẫn người viết đi tìm tiếp. Đã “có công tất… chồng không phụ”, kết quả đã tìm được:

Khoảng thế kỷ 18, dưới triều vua Minh Mạng có hai loại tiền lưu hành.

Đó là tiền quý và tiền gián, tỷ lệ như sau:
1 quan quý = 600đồng.
1 quan gián chỉ bằng 360 đồng.

Khi hỏi mượn tiền, Hồ Xuân Hương chỉ nói mượn 5 quan, không nói là quan gì. Gặp lúc Chiêu Hổ chắc cũng đang thiếu nên chỉ cho mượn số tiền thấp xuống, nhưng vẫn đủ 5 quan:

Quan quý : 3×600 =1800 đồng
1800:360 = 5 quan gián

Giá trị của các loại tiền xưa như thế nào? Đây là những số liệu về lương tiền dưới triều vua Minh Mạng.

– Quan Nhất Phẩm lãnh mỗi năm 400 quan, 300 phương gạo, 70 quan tiền Xuân Phục, tức tiền áo quần.

– Quan Chánh ngũ phẩm, hàng tri phủ mỗi năm lương 40 quan, 43 phương gạo, 9 quan tiền Xuân Phục.

– Lính, thơ lại, phục dịch… lương mỗi tháng 1 quan tiền, 1 phương gạo.

Đồng quan ngày xưa nó to thế. Chẳng trách người ta bỏ… quan ra để mua phẩm hàm, chức tước… để được làm quan! Chẳng trách người phụ nữ ” thời xưa”(tên khác của bài thơ Trăng sáng vườn chè) quên cả thanh xuân, gác tạm những ẩn ức, dồn nén để một ngày chồng vinh qui về làng… cùng nhau trải trọn trong một đêm trăng!

Qua những số liệu vừa tìm được, ta có thể thấy rõ bài ca dao “Đi chợ tính tiền” xuất hiện sớm nhất phải từ thời Minh Mạng. Bởi từ lúc này mới có “Một quan tiền TỐT”mang đi. Tiền tốt chính là tiền quý, phân biệt với tiền gián có giá trị thấp hơn. Cũng thấy được người phụ nữ trong một buổi chợ quê đã tiêu số tiền bằng lương tháng một người lính. Nhà nàng chắc phải có chuyện quan hôn, kỵ giỗ chi đây!

Thật thú vị, để giải bài toán ẩn bên trong bài ca dao, đã phải đi loanh quanh, lòng vòng. Gặp những bài thơ hay, giai thoại đẹp, biết thêm vài điều về lịch sử… Nếu không có Internet chắc gì người viết đã giải được bài toán ẩn bên trong bài ca dao cổ? Chỉ nghĩ đến kho sách phải lục tìm, những thư viện phải đi đến… đã thấy chồn chân chẳng muốn trèo!

Cô Gioãn Thị Minh Hải sưu tầm

This entry was posted in Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.