Những Câu Chuyện Thiền Môn – Bên Giường Bệnh

Mấy hôm nay, người ta thấy vắng bóng chú Huệ Minh ở ngoài vườn. Không thấy chú chăm sóc và tưới nước mấy liếp rau, cải và các dây mướp hương như mọi khi. Chỉ có một mình thầy Huệ Văn ra vô chăm sóc khu vườn mà thôi. Trông thầy có vẻ hơi mệt mỏi. Người ta không hiểu lý do vì sao mà lại vắng bóng chú Huệ Minh và vị sư phụ trụ trì. Thỉnh thoảng, bà bảy ra vườn nhổ vài cây cải và cắt một vài trái khổ qua để nấu canh.

Bà bảy dáng người gầy ốm trạc ngoài bảy mươi tuổi. Công việc thường nhựt của bà là lo việc nấu nướng ở nhà trù. Bà nương náu ở chùa nầy cũng khá lâu. Bà là đệ tử của vị sư trụ trì. Bà không có thế phát xuất gia. Dù ở chùa lâu, nhưng bà vẫn giữ hình thức của một người cư sĩ. Bởi bà nghĩ rằng, xuất gia không phải là chuyện dễ làm. Nhất là đối với người lớn tuổi. Chí nguyện của người xuất gia rất là cao thượng. Người xuất gia phải giữ gìn giới luật tinh nghiêm thanh tịnh. Phần oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi phải cho tề chỉnh nghiêm trang. Ngôn hạnh phải đàng hoàng. Nói rõ hơn là tâm và hình cả hai đều phải khác hơn người đời. Vì đó là hạnh nguyện cao cả của người xuất trần thượng sĩ. Người xuất gia ngoài việc tự lợi ra, còn phải nghĩ đến việc lợi tha. Phải lo hoằng pháp lợi sanh. Vai trò trọng trách của người xuất gia rất lớn:“Tác Như Lai sứ hành Như Lai sự”. Muốn được như thế, tất nhiên, người xuất gia cần phải học hạnh kiêm ưu, tài đức song toàn.

Do nghĩ thế, nên bà chỉ xin phép sư phụ cho bà giữ hình thức của một cận sự Ưu bà di thôi. Bà tận tâm phục vụ làm công quả lo việc nấu ăn dọn dẹp ở nhà trù. Ngoài việc nấu ăn ra, bà còn tiếp tay với sư chú Huệ Minh lo việc quét dọn sân chùa trước sau cho sạch sẽ. Vị sư phụ còn giao cho bà công việc là hằng đêm phải đóng đại hồng chung vào hai buổi tối và khuya. Người ta thấy, khi nào bận việc thì thôi, ngoài ra, trên tay của bà lúc nào cũng lần chuỗi niệm Phật. Bà niệm Phật một cách rất tha thiết chí thành. Không phải chỉ niệm cho có lệ. Vì bà đã được vị sư phụ dạy cho bà rất kỹ về cách thức niệm Phật cho đúng pháp.

Tánh tình của bà rất cởi mở vui vẻ dễ mến. Đối với bổn đạo tới lui viếng chùa, bà đối xử với họ rất niềm nỡ tử tế. Do đó, nên bà được mọi người rất thương mến. Có nhiều Phật tử thấy vậy, cũng hay ủng hộ cho bà chút ít tịnh tài và một vài món đồ vật dụng cần thiết. Như vải sồ hoặc thuốc men v.v…Vì bà vui tánh, nên thỉnh thoảng, chú Huệ Minh hay trêu chọc bà cho vui. Bà lúc nào cũng tỏ ra rất thương mến chú Huệ Minh. Vì bà rất cảm thông cho hoàn cảnh mồ côi cha mẹ của chú. Mỗi lần nhìn thấy chú, bà không khỏi ngậm ngùi xúc động. Vì thuở thiếu thời, bà cũng đã từng trải chịu nhiều gian lao đau khổ.

Từ hôm chú Huệ Minh ngã bệnh, bà lúc nào cũng quan tâm hết lòng lo lắng chăm sóc. Chú Huệ Minh bị cảm sốt khá nặng, nên chú không có đi ra ngoài. Do đó, người ta mới không thấy chú ở ngoài vườn. Khi cơn sốt lên cao, thì chú nằm liệt mê man trên giường. Thầy Huệ Văn thường ở bên cạnh chú. Do cơn sốt hoành hành làm cho cơ thể của chú bị đau nhức thật khó chịu. Tứ chi đều uể oải mệt mỏi. Ba ngày nay chú không có ăn cơm. Chú chỉ dùng cháo lỏng và sữa. Mới mấy ngày mà chú đã sút đi khá nhiều. Vì sư phụ đi vắng, nên thầy Huệ Văn phải lo cáng đáng giải quyết hết mọi việc trong chùa. Nay thấy sư đệ của mình bị bệnh, nên thầy cũng quan tâm lo nhiều. Nhờ thầy có học về ngành y, tuy chưa ra trường, nhưng thầy cũng biết chút ít về việc dùng thuốc trị liệu. Thầy luôn nhắc nhở vị sư đệ của mình phải nhớ uống thuốc cho đều đặn. Có lúc, thầy đến ngồi bên cạnh, rồi lấy tay sờ trán, và bốp tay, bốp chân cho sư đệ của mình. Thầy rất thương mến chú Huệ Minh. Bởi chú Huệ Minh là một đứa bé mồ côi thật bất hạnh. Thầy Huệ Văn cũng đã mất mẹ. Tuy còn cha, nhưng người cha đã có người đàn bà khác. Do đó, nên thầy ít khi về thăm nhà. Thỉnh thoảng, các người em tới chùa thăm thầy. Vi thầy là người anh cả.

Hôm nay, sau giờ công phu khuya, thầy vội đến thăm chú Huệ Minh. Thầy hỏi:

– Sao hôm nay sư đệ cảm thấy thế nào? Tối hôm nay có ngủ được ngon giấc không? Có khỏe hơn không?

Nghe tiếng hỏi của sư huynh, chú Huệ Minh vội vã lòm còm ngồi dậy, thầy Huệ Văn liền đỡ chú. Chú nói:

– Hôm nay, đệ cảm thấy đỡ nhiều rồi. Từ hôm đệ bệnh đến nay làm phiền sư huynh lo lắng quá. Sư phụ không có ở chùa, mọi việc trong ngoài, sư huynh đều phải gánh vác hết. Thật đệ cảm thấy có lỗi với sư huynh quá!

– Lỗi phải cái gì chớ! Sao đệ nói như vậy. Huynh đệ lo cho nhau là chuyện bình thường. Nhất là trong lúc đau ốm. Huynh đệ cần phải chăm sóc cho nhau. Bệnh là một trong bốn nỗi thống khổ lớn nhất của con người. Có ai muốn mình bệnh bao giờ đâu. Nhưng muốn tránh nó cũng không khỏi. Vì nó là một luật định tất yếu. Đã có thân, tất nhiên phải có bệnh đau. Đó là lẽ thường nhiên của con người. Mình là người xuất gia ở chùa, không giúp đỡ cho nhau, thì thử hỏi có ai lo cho mình chớ! Đệ đừng có suy nghĩ vớ vẩn nữa, cứ nằm nghỉ dưỡng bệnh cho khỏe. Đệ cố gắng ăn uống cho mau lợi sức. Huynh có nói với bà bảy xuống phố mua một ít trái cây cho đệ. Đệ nhớ ăn cam tươi cho khỏe.

– Dạ! Đệ nhớ. Chắc vài ngày nữa là đệ sẽ khỏe hẳn. Nằm bệnh trên giường, bỗng nhiên sao đệ lại thấy nhớ đến sư phụ quá chừng. Không biết lần nầy sư phụ đi công tác hoằng pháp bao lâu mới trở về? Sư huynh có biết không?

– Hôm sư phụ đi, huynh có hỏi, nhưng sư phụ nói chừng nào giải quyết xong hết mọi việc, thì sư phụ mới về. Có lẽ, sư phụ sợ chúng mình trông nên sư phụ không có nói trước.

– Đệ thấy sư phụ của mình dạo nầy sức khỏe cũng không được bình thường lắm. Nhưng sư phụ cố gắng không muốn để lộ cho chúng mình biết đó thôi.

– Đệ có biết không, mấy ngày nay thật là tội nghiệp cho bà bảy lắm đó.

– Sao vậy sư huynh? Bà bảy ra sao mà sư huynh nói tội nghiệp?

– Đệ đâu có biết, từ hôm đệ bệnh, bà lo lắng quá chừng. Tối nào đóng đại hồng chung niệm Phật, bà cũng cầu nguyện Phật lực gia hộ cho đệ chóng mau bình phục. Huynh thấy bà rất thương và lo cho đệ lắm đó. Bệnh có người lo lắng chăm sóc cho mình thấy cũng hạnh phúc lắm chớ! Phải không đệ?

– Đệ biết. Vậy hôm nào sư huynh cứ thử bệnh đi, để đệ và bà bảy lo cho. Chừng đó, sư huynh sẽ thấy hạnh phúc hay không thì biết. Mà nè sư huynh, sư huynh có biết không, tình cảnh của bà bảy thật đáng thương xót tội nghiệp lắm đó! Thuở nhỏ, bà còn khổ hơn đệ gấp mấy trăm ngàn lần.

– Sao đệ biết?

– Tại vì có lần bà đã kể hết tâm sự và gia cảnh của bà cho đệ nghe.

– Bà đã kể thân phận và gia cảnh của bà ra sao? Đệ có thể kể sơ cho sư huynh nghe được không?

– Dĩ nhiên là được. Nói xong, chú liền ngồi dựa lưng vào vách tường để lấy thế vững chắc cho khỏe và rồi kể chuyện gia cảnh của bà bảy cho sư huynh của mình nghe.

Chú nói: Bà là người thật vô cùng bất hạnh và bạc phước. Thuở nhỏ, gia cảnh của bà rất nghèo khổ. Cha của bà chết vì chiến tranh loạn lạc. Lúc đó, bà mới có ba tuổi. Bà là đứa con gái đầu lòng. Mẹ của bà lúc đó vì lo chăm sóc cho bà nên cũng không có làm chi ra tiền. Mẹ của bà lại là người mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Ông bà ngoại của bà cũng chết vì bôm đạn chiến tranh. Nên mẹ của bà phải sống côi cút một mình. Tứ cố vô thân không biết phải nhờ ai. Vì muốn kiếm việc làm để có tiền tiêu xài và nuôi con, nên mẹ của bà quyết định phải gởi bà cho người hàng xóm chăm sóc giữ giùm. Dĩ nhiên, là phải trả tiền công cho họ.

Thật là bữa đói bữa no. Có ai thuê thì mẹ của bà mới có việc làm. Còn không thì phải đi lặn lội súc tép, bắt ốc hoặc hái rau để bán kiếm tiền độ nhựt. Bà đã nghe mẹ của bà kể lại như thế. Năm bà lên mười tuổi, thì mẹ của bà đã qua đời. Vì mẹ của bà mang chứng bệnh nan y ngặt nghèo mà không có tiền chạy chữa thuốc thang điều trị. Thế là từ đó, bà phải mang kiếp sống thân phận của một đứa trẻ mồ côi. Ban ngày thì đi lang thang xin ăn. Tối lại, thì trải manh chiếu rách nằm ngủ ở vỉa hè góc phố. Có hôm đói quá, bà phải moi tìm thức ăn từ trong đống rác dơ bẩn.

Đến năm 16 tuổi, bà làm thuê ở mướn cho một gia đình giàu có. Họ đối xử với bà rất là tàn nhẫn tệ bạc. Họ đối xử thật không có một chút tình người. Họ tuy giàu có mà lòng dạ của họ rất là nham hiểm ác độc. Ác độc còn hơn loài dã thú. Họ không có một chút từ tâm thương người. Làm công cho họ được một năm, bà không còn chịu nổi cái cảnh hành hạ đánh đập của họ nữa, nên bà xin nghỉ việc.

Trong lúc đi lang thang, thì bà lại quen biết với một gả đàn ông. Ông nầy lại tỏ ý thương bà. Nhưng khổ nổi, ông ấy lại là dân bụi đời ăn chơi thứ thiệt. Lúc đầu, bà không biết nên mới lấy làm chồng. Nhưng sau đó, bà phát hiện ra thì ông nầy lại là tay anh chị trong băng đảng, chuyên đi cướp của giết người. Ông ta chỉ lợi dụng tình cảm của bà, chớ kỳ thật không có yêu thương gì bà. Ông chuyên hành nghề bất lương cướp giựt của người ta. Có lần bà khuyên ngăn, chẳng những ông ta không nghe, mà trái lại, còn cho bà ăn một trận đòn chí tử nữa. Ông đánh đập bà một cách thật dã man tàn nhẫn. Lúc nào bà cũng bị người chồng hành hạ thật là đau khổ. Trong hoàn cảnh bi đát khốn khổ cùng cực đó, bà không biết than van cùng ai! Thật là kêu trời không thấu. Không biết oan nghiệt tiền khiên gì mà bà phải chịu khổ sở đến như thế! Cuối cùng, bà không thể nào chịu đựng được nữa, nên bà đành phải trốn bỏ nhà ra đi. Thế nhưng, ông chồng của bà đâu dễ gì buông tha. Ông tìm kiếm cho được bà và rồi kéo đầu bà về lại hành hạ đánh đập bà thê thảm.

Kể đến đây, chú Huệ Minh như nghẹn ngào nói không ra lời. Đôi dòng lệ tuôn chảy thắm ướt trên đôi má của chú lúc nào mà chú cũng không hay biết. Chú thật xúc động và rất cảm thương cho nghiệp quả của bà. Nhìn vào đôi mắt trong sáng, nhưng chứa đầy những giọt lệ thương tâm của chú Huệ Minh, thầy Huệ Văn cũng không khỏi bùi ngùi cảm động rơi lệ. Dù thầy có cố ngăn sự xúc động, nhưng cũng không thể nào dằn được. Bởi thầy nghĩ đến tình cảnh của hai người một trẻ, một già, sao mà cũng gần giống nhau quá. Nghĩa là cả hai cũng đều mang thân phận của những kẻ mồ côi không nơi nương tựa. Cả hai đều bị người đời khinh khi ghét bỏ. Và phải mang kiếp sống đọa đày của kẻ ăn xin lang thang bụi đời trong hoàn cảnh vô cùng khốn khổ.

Sau vài giây xúc động, chú Huệ Minh lại kể tiếp. Sư huynh biết không, bà vừa kể đến đó thì bỗng dưng nước mắt của bà tuôn trào và rồi đệ cũng không cầm được nước mắt của mình. Nhưng rồi đệ lại hỏi:

– Thưa bà, cuộc đời của bà nổi trôi lận đận lao đao như thế, nhưng lý do nào mà bà thoát khỏi cảnh khổ đó và rồi lại vào chùa tu hành làm công quả như hôm nay?

Bà nói, Do bà không thể chịu nổi cảnh sống bất lương của người chồng, và cũng không thể chịu nổi cảnh hành hạ đánh đập tàn nhẫn của ông ta, nên bà quyết định tìm cách thoát thân. Nhân trong lúc đêm khuya thanh vắng, chồng bà đang ngủ say, nên bà lén trốn ra đi. Và lần nầy bà trốn đi thật xa, không ai tìm ra được.

Ngày tháng trôi qua, trong khi sống lang thang không nhà không cửa, thì bà được một người tốt bụng giới thiệu cho bà vào làm công cho một nhà hàng. Bà được ông chủ nhà hàng giao cho bà công việc rửa chén dĩa. Đây là công việc chính của bà. Ngoài ra, bà còn phải làm một vài công việc lặt vặt khác. Nghĩa là người chủ sai đâu thì bà làm đó.

Nhân lúc làm việc cho nhà hàng, bà có quen biết với một người phụ nữ. Người phụ nữ nầy lớn hơn bà độ vài tuổi. Sau khi biết rõ tình cảnh ngang trái éo le chua chát của bà, bà ta tỏ ra rất thương xót tội nghiệp, và rồi mời bà đến nhà chơi. Khi biết ra, bà nầy lại là một người Phật tử rất thuần thành ngoan đạo. Nhà của người Phật tử nầy có thờ Phật và có cả chuông mõ nữa. Từ đó, bà hỏi thăm, mới biết bà Phật tử nầy là đệ tử của vị sư phụ trụ trì chùa nầy. Lúc đó, bà rất mừng. Bà liền nảy ý định muốn vào chùa tu làm công quả. Bà muốn vào cõi Phật cho cõi lòng của bà được thanh thản nhẹ nhàng. Cho vơi đi bao nỗi khổ chồng chất mà bà đã gánh chịu từ bấy lâu nay. Vì bà rất chán ngán cho thế sự nhơn tâm. Tình đời thật lắm chua cay phủ phàng và bạc bẽo. Họ lắm mưu mô gian ác xảo quyệt. Bà nghĩ đến thân phận chìm nổi long đong của mình, Nên bà không còn tha thiết gì đến cuộc sống ở ngoài đời nữa.

Sau thời gian tới lui thăm chơi, bà Phật tử nầy mới dẫn bà lên chùa. Từ đó, bà xin quy y với vị sư phụ trụ trì. Trải qua thời gian, bà quyết định đến chùa xin phép sư phụ cho bà được vào chùa làm công quả. Sau khi trình bày hết mọi việc, bà được vị sư trụ trì thương tình nên chấp nhận cho bà ở chùa làm công quả. Đó là cuộc đời đen tối thê thảm nhất trong quá khứ của bà.

Nãy giờ thầy Huệ Văn đã lắng nghe những nỗi niềm tâm sự đau khổ cay đắng của bà bảy, do người sư đệ của mình kể lại. Thầy thầm nghĩ, trên đời nầy, mỗi người có một hoàn cảnh biệt nghiệp khác nhau. Mình đau khổ, còn có người lại đau khổ tủi nhục còn gấp trăm ngàn lần hơn mình nữa. Như vậy, tất cả mọi người có mặt ở trên cõi đời nầy, chẳng qua cũng chỉ là trả cái nghiệp quả mà mình đã gây tạo từ trong quá khứ mà thôi. Tuy nhiên, sự trả quả báo của mỗi người không ai giống ai. Bởi do nghiệp nhân gây tạo của mỗi người mỗi khác. Như trường hợp của bà bảy, do đời trước bà gây tạo những nghiệp nhân bất thiện, nên đời nầy bà phải chịu trả cái quả báo long đong khổ lụy như thế. Dù vậy, nhưng khi trả hết nghiệp ác đã gây, thì bà lại hưởng được cái nghiệp lành đã tạo. Theo luật nhân quả, làm lành hay làm dữ cuối cùng cũng phải trả. Dầu cho trải qua trăm ngàn kiếp, chỗ mình tạo nghiệp không bao giờ mất. Khi nhân duyên đã đến thì phải chịu trả cái quả báo mà thôi. Tuy có tạo nghiệp ác, nhưng bà cũng có gây tạo nghiệp lành. Nhờ vậy, mà nhân duyên đưa đẩy bà vào chùa tu hành và làm công quả. Nhờ đó, mà bà cảm thấy tâm hồn mình được an lạc nhẹ nhàng hơn.

Thấy thầy Huệ Văn đang trầm ngâm suy tư, chú Huệ Minh liền hỏi: sư huynh đang suy nghĩ chuyện gì trông có vẻ quan trọng trầm buồn lắm vậy?

– À! Thì sư huynh đang suy nghĩ đến thân phận của kiếp làm người!

– Thôi đệ hãy nằm xuống nghỉ cho khỏe. Hôm nay, đệ muốn ăn gì? Ăn cơm hay ăn cháo? Nếu thấy khỏe thì nên ăn cơm cho nó mau bình phục. Tùy đệ muốn ăn thứ gì thì sư huynh sẽ nói với bà bảy nấu cho đệ dùng.

– Sư huynh nói với bà bảy cho đệ ăn cơm cũng được. Đệ rất thèm một tô canh chua và tàu hũ kho tiêu.

– Tưởng việc gì khó, chớ chuyện đó quá dễ. Để sư huynh lo cho.

– Có một điều đệ muốn hỏi sư huynh. Sư huynh có hoan hỷ cho đệ hỏi không?

– Thì đệ cứ hỏi đi. Điều gì khó quá mà sư huynh không thể trả lời được, thì sẽ chờ sư phụ về giải quyết cho. Còn điều gì, sư huynh có thể trả lời giúp cho đệ được thì sư huynh sẽ sẵn sàng. Đệ cứ hỏi đi.

– Tại sao Phật đã thành Phật rồi mà Phật còn bị bệnh giống như người thường vậy sư huynh? Mình là người phàm còn nặng nghiệp trần ai khổ lụy, thì bệnh đau là phải, chớ còn đức Phật Ngài đã thành Phật rồi, thì không hiểu tại sao Ngài lại còn phải mang chứng bệnh kiết lỵ trước khi vào Niết bàn? Điều nầy, thú thật, lâu nay đệ cứ mãi ôm ấp thắc mắc trong lòng, nhưng chưa có dịp để hỏi sư phụ. Nay đệ hỏi sư huynh, vậy sư huynh có thể cho đệ biết lý do tại sao như vậy không?

– Nầy đệ, Phật tuy đã thành Phật, nhưng thân của Phật vẫn là do tứ đại tạo thành. Thành Phật là khi hết vô minh phiền não, tâm trở nên hoàn toàn thanh tịnh sáng suốt, thì gọi là Phật hay bậc Đại Giác. Như vậy, thành Phật là ở nơi tâm chớ không phải ở nơi thân. Vì thân Phật tuy là thân trang nghiêm phước tướng, nhưng vẫn còn phải chịu định luật vô thường chi phối. Vì cái thân đó là do nhân duyên kết hợp. Đệ quên trong Kinh Kim Cang Phật nói hay sao.

– Đệ còn nhớ chớ. Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng, phi tướng, tức kiến Như Lai”.

– Đúng vậy. Phàm cái gì có hình tướng đểu là giả dối hư huyễn không thật, tất nhiên không có cái thứ gì tồn tại mà không hoại diệt. Dù đó là thân Phật cũng thế. Mà bệnh cũng có nghĩa là hoại diệt. Tất cả đều nằm trong phạm trù sanh diệt vô thường hết. Tuy nhiên, nếu thấy các tướng mà mình nhận rõ chẳng phải tướng thật, thì đó mới thấy được thể tánh Như Lai. Bởi Như Lai là nghĩa bất sanh bất diệt. Cũng trong Kinh Kim Cang Phật nói bài kệ:

Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán

Nghĩa là:

Tất cả các pháp hữu vi
Đều như mộng, huyễn, bọt, bóng
Đều như sương, như điện chớp
Cần phải luôn quán sát như thế.

Như vậy, mọi vật trên đời không có gì là chơn thật cả. Thân người là do duyên hợp mà thành. Đã do duyện hợp thì bản chất của nó không thật. Kinh nói: “Một đại không hòa thì cả trăm thứ bệnh sanh ra.” Dù cho thân Phật cũng không ngoài định luật: Sanh, già, bệnh, chết hay sanh, trụ, dị, diệt. Đệ có hiểu không? Khi nhận hiểu như thế, thì bệnh cũng là một cơ duyên tốt để mình gắng chí niệm Phật. Bệnh, cảnh tỉnh mình phải ý thức đến sự vô thường. Có nhiều khi nhờ bệnh mà mình mới hồi tâm chuyển ý lo tu hành. Chớ còn mạnh khỏe rồi mình cứ lo loay hoay làm hết công việc nầy đến giải quyết công việc nọ. Cứ thế, ngày lại tháng qua, cho đến khi tử thần gọi đến, thì ôi thôi! đã quá muộn màng rồi! Nên bệnh cũng là một hiện tượng thức nhắc mình cố gắng tinh tấn tu hành. Có nhiều người nhờ bệnh mà họ quyết chí niệm Phật, khi lâm chung họ được vãng sanh. Điều nầy, sử sách cũng đã ghi lại rất nhiều. Đệ có biết không? Thôi nãy giờ đệ cũng đã mệt rồi hãy nằm xuống nghỉ ngơi cho khỏe…

Thích Phước Thái

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.