Phật Nói Kinh Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng Phật

[1] Cây Ba Lợi Chất Đa La: Tên một giống cây đại thọ trên cõi trời Đao Lợi dịch là “Hương Biến Thọ.” Nghĩa là cây lớn có mùi hương ngạt ngào lan tỏa khắp nơi. Cũng có tên là “Thiên Thọ Vương” tức là chúa tể những loài cây trên trời. Cây này từ cành lá đến hoa trái đều thơm phức.Thân và tàng cây rất rộng che phủ cả một vùng mênh mông.

[2] Năm tướng suy hiện: chư Thiên trên trời Đao Lợi vị nào có năm tướng suy hiện ra, là điềm báo hiệu tuổi thọ đã sắp chấm dứt.

1. Hoa trên đầu héo

2. Y phục nhơ nhớp

3. Đổ mồ hôi nách

4. Thân hình hôi hám

5. Không ưa ngồi trên tòa. Mỗi khi năm tướng ấy hiện, là điềm báo trước vị trời ấy sau khi mạng chung sẽ bị đọa lạc.

[3] Nơi Phật đã ở trước đây: Tức là Tịnh xá Kỳ Hoàn, cũng gọi là Tịnh xá Kỳ Viên, tọa lạc tại ngoại ô thủ đô nước Xá Vệ, dưới thời cai trị của vua Ba Tư Nặc. Tịnh xá này do trưởng giả Cấp Cô Độc xây cất để dâng cúng Đức Phật và Thánh Chúng. Sử liệu ghi rằng Đức Phật ở nơi đây trong 25 năm. 1250 vị đại đệ tử mà các kinh thường nêu cũng thường ở Tịnh xá này. Tịnh xá Kỳ Hoàn rất rộng lớn, yên tĩnh, mát mẻ các bực vua, quan, trưởng giả thường tới lui nghe pháp, cúng dường Đức Phật và Thánh Chúng.

[4] “Giả sử những người thông minh trong đời”: Những người thông minh trong đời, thuật ngữ thường gọi là hạng “Thể trí biện thông”, tức hạng người có tài biện bác các sự việc thế gian, như các nhà luận sư, luật sư, các nhà triết học, văn học, khoa học, toán học… Kể cả những nhà mỹ thuật như điêu khắc, hội họa, chiêm tinh, địa lý, lịch số v.v… Họ chỉ có cái trí thông minh hiểu biết việc đời, bởi họ không tin hoặc không tu theo Phật Pháp, nên không khế hợp với “lậu tận trí” là cái trí tuệ xuất thế gian, cho nên gọi hạng người trên là thông minh thế gian.

[5] Thiên thần Tỳ Thủ Yết Ma: Tân dịch là Tỳ Thập Phược Yết Ma, vị này là bề tôi của trời Đế Thích, có khả năng biến hóa và làm ra các vật, các nghề khéo lạ. Thần này coi về phần kiến trúc. Tỳ Thủ Yết Ma, Hoa dịch là “Chủng chủng công nghiệp” nghĩa là: Chủ về các thứ nghề nghiệp. Sách Huyền Ứng âm nghĩa quyển 25 ghi “Trời Tỳ Thủ Yết Ma Trung Hoa dịch là “chủng chủng công nghiệp.” Ở Ấn Độ, người làm nghề mỹ thuật phần nhiều tế tự vị Thần này.

[6] Gỗ thuần Chiên đàn: Chiên đàn là một loại gỗ quý, có lẽ quý nhất trong các loại gỗ. Vừa cứng chắc, vừa thơm nức, không có mùi thơm nào sánh kịp. Gỗ này mọc ở xứ Ấn Độ. Trung Hoa và Việt Nam không có. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có đoạn nói: “Đốt một lò hương gỗ Chiên đàn, mùi thơm của nó lan cả thành Thất La Phiệt. Như vậy đủ biết thơm đến mức nào.”

[7] Ngồi kiết già phu: Tức là ngồi tréo hai chân lên nhau, như tượng Đức Phật ngồi mà ta thường thấy. Thế ngồi này còn gọi là Liên Hoa tọa, thế ngồi này rất vững, có thể ngồi một thời gian dài. Người tu thiền định thường tập ngồi kiết già.

[8] Chắc hơi giống Phật: “(Ưng thiểu tợ Phật). Thần Tỳ Thủ Yết Ma là “Tổ sư” của nghề điêu khắc, nhưng ông tự nghĩ rằng nếu ông có tạo ra tượng Phật, cũng chỉ hơi giống phần nào mà thôi. Vì thân Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, mỗi tướng, mỗi vẻ lại có vô số vẻ đẹp khác. Vẻ đẹp nào cũng có ánh sáng lấp lánh, vi diệu tuyệt vời, thì tượng vàng, tượng gỗ, tượng đá làm sao sánh bằng, do đó mà ông nghĩ rằng chỉ có thể giống Phật chút ít. Thiên thần Tỳ Thủ Yếm Ma còn tự lượng sức mình như thế, người trần gian làm sao tạc nổi tượng Đức Như Lai?

[9] Soạn lựa gỗ thơm, vai tự khiêng vác: (Tuyển trạch hương mộc, kiên tự hà phụ). Gỗ thơm là gỗ Chiên đàn như các tay thợ đề nghị. Nhà vua vào kho chọn lựa gỗ thơm và kê vai vào khiêng vác với các quan quân, khiêng một khúc gỗ bề dài hơn ba mét, rất là nặng nề. Hành động trên đây cho thấy, thời xưa những bậc minh quân tôn sùng Phật pháp rất là tột bực. Trên cương vị ngôi cao cực phẩm, quyền uy bực nhứt, vậy mà chẳng kể thân mình, hạ thấp mình xuống để cùng mọi người vun bồi phước đức. Vua chúa ngày nay mấy ai đã làm như thế?

[10] “Phạm Vương có thể sáng tạo thế gian”. Phạm Vương là một tên gọi khác của danh từ Đại Phạm Thiên Vương, là vị chủ tể cõi trời Đại Phạm ở Sơ thiền thuộc Sắc giới. Nhưng danh từ Phạm Vương cũng là danh từ chung, để gọi chư Thiên Sắc giới (gồm 18 cõi Trời).

Trong kinh đây nói: “Có những ngoại đạo thường tuyên bố rằng Phạm Vương có thể sáng tạo thế gian.” Thế thì, chữ Phạm Vương ở đây chỉ cho Phạm Thiên ngoại đạo. Sách Hành Sự Sao, ở cuối quyển 4 có nêu mười thứ ngoại đạo, trong có ngoại đạo nói: “Phạm Thiên là nguyên nhân sanh ra vũ trụ, chấp Phạm Thiên là “tạo vật chủ.” Hạng này có ba: 1. Phạm Thiên theo quan điểm các luận sư Phệ Đà. 2. Phạm Thiên theo quan niệm các luận sư phái Phệ Nữu (Tỳ Nữu Noa visnu). 3. Phạm Thiên theo quan niệm các luận sư phái thờ Na Hê Thủ La. Luận sư phái Phệ Đà cho rằng Phạm Thiên do trời Na La Diên sanh ra. Luận sư thờ Ma hê Thủ la cho rằng Phạm Thiên là Ứng thân của trời Ma Hê Thủ La.

[11] Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Già Da Diếp, Na Đề Ca Diếp: Ba vị này là anh em theo đạo Bà La Môn thờ lửa. Người anh cả là Ưu Lâu Tần Loa có 500 đệ tử. Già Da và Na Đề mỗi người anh có 250 đệ tử cộng chung là 1.000. Sau khi được Đức Phật hóa độ, ba anh em đem tất cả đồ chúng quy y theo Phật. 1.000 vị này thường đi chung, thường ở chung với Phật, từ Trúc Lâm Tịnh xá ở nước Ma Kiệt Đà, do vua Tần Bà Sa La xây dựng cúng dường cho đến đại Tịnh xá Kỳ Hoàn ở nước Xá Vệ, do ông Cấp Cô Độc xây dựng. Còn Ngài Ma Ha Ca Diếp, vị đại đệ tử đứng đầu của Phật, là ngoài số ba anh em ông Ca Diếp nói trên. Ngài Ca Diếp khi chưa xuất gia, Ngài là một danh sĩ lỗi lạc và là một nhà giàu có nhứt nhì ở thành Vương Xá.

[12] Có thể ở giáo pháp của ta chưa diệt trở lại: Giáo pháp của Phật truyền bá trong thế gian, cổ nhân thường chia làm ba thời kỳ:

a. Chánh pháp 500 năm.

b. Tượng pháp 1.000 năm.

c. Mạt pháp 5.000 (có chỗ nói 10.000 năm).

Cộng chung ba thời kỳ như thế là sáu ngàn rưỡi năm, hay 11.500 năm. Trong khoảng thời gian sáu ngàn rưỡi năm sau Phật nhập Niết Bàn trở lại, gọi là “thời gian giáo pháp của Phật chưa diệt trở lại.”

[13] Nhu thuận nhẫn: Nhu thuận là Tâm nhu, trí thuận. Đối với lý thật tướng tâm không trái, không nghịch, cho nên gọi là Nhu thuận. Hay an trụ nơi vị thứ của mình nên gọi là Nhân. Kinh Duy Ma Cật nơi Phẩm “Cúng Dường” nói: “Nghe pháp như vậy được Nhu thuận nhẫn.”

Nhu thuận nhẫn lại là một trong ba pháp nhẫn được nói trong kinh Vô Lượng Thọ Phật, Ba Pháp nhẫn đó là: Âm hướng nhẫn, Nhu thuận nhẫn và Vô sanh pháp nhẫn. Ba pháp nhẫn này ý nghĩa rất sâu xa, ở đây chỉ xin lược nêu vậy.

[14] “Chỉ trừ một nghiệp mà hiện thân chịu…”: Chi tiết này cho chúng ta biết: vua Ưu Đà Diên thân mắc nghiệp báo. Vậy nghiệp báo gì? Chắc chắn là nghiệp báo nói ngọng hoặc nói đớt. Sở dĩ mắc quả báo này, là do đời trước ông đã dùng lời nói ác, chê bai nhạo báng Thánh nhơn nào đó, cho nên hiện thân mắc báo như thế.

[15] “Ngay khi sau đó các vua nước lớn như vua A Xà Thế v.v…”: Đoạn văn này cho thấy rằng, vua Ưu Đà Diên tạo tượng vào lúc vua A Xà Thế đã quy y Tam Bảo, tức là vài ba tháng trước khi Đức Phật Niết Bàn (kinh Niết Bàn). Trong kinh Địa Tạng, nơi phẩm “Xưng danh hiệu chư Phật.” Đức Phật cũng có nói “Ta gần Niết Bàn” (ngô tức Niết Bàn.)

[16] “Đức Như Lai đã vì mẹ diễn nói kinh gì? Diễn nói kinh Địa Tạng. Đây là một chi tiết liên quan đến kinh Địa Tạng. Cho thấy kinh Địa Tạng được Đức Phật nói trong lúc Ngài gần Niết Bàn. Do đây mà biết, kinh Địa Tạng thuật lại những điều Đức Phật diễn nói tại Thiên cung, kinh này thuật lại những diễn biến khi Đức Phật vắng bóng và sau khi Phật từ trên Trời Đao Lợi trở xuống thế gian.

[17] Hưởng lạc thú Trời: Lạc thú cõi Trời không nằm ngoài năm món dục lạc, đó là: Của cải, sắc đẹp, danh dự, ăn mặc, ngủ nghỉ. Tuy vậy, chư Thiên đó hóa sanh, cho nên cung điện, nhà cửa để ở, y phục, món ăn, thức uống v.v… cũng đều tùy phần phước báo của mỗi người mà tự nhiên hóa sanh, không phải tạo tác, xây dựng mới có như loài người ở thế gian. Tuổi thọ, mạng sống của chư Thiên lại lâu gấp trăm ngàn lần tuổi thọ của người thế gian hiện tại, và năm món dục lạc cũng tuyệt vời hơn người trần gian, cho nên chư Thiên tha hồ hưởng thụ không biết chán ngán, do đó mà quên tu tập trí tuệ Vô lậu xuất thế gian.

[18] “Các người phiền não rất nặng”. Người ở trần gian do tu bố thí, cúng dường, sau khi mệnh chung, có hai con đường để họ sanh đến. Một là, sanh lên cõi trời Dục giới hoặc Sắc giới. Hai là, sanh lại trong loài người làm bực trưởng giả, vua chúa, quan quyền. Sanh lên cõi trời, dù hưởng vui vi diệu nhưng cội gốc phiền não, vận sẵn có đủ và Tùy phiền não vẫn còn dày đặc. Cội gốc phiền não là: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi. Tùy phiền não là: Phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siễm, hại, kiêu v.v… Do đó Đức Phật khuyến cáo “Phiền não rất nặng.”

[19] A Tu La: Dịch là không đoan chánh. Có nghĩa là dung mạo xấu xí, còn gọi là “không có rượu.” Quả báo của loài này không có rượu để uống. Tân dịch là A Tố Lạc, là hạnh phi Thiên, ý nghĩa ở chỗ quả báo loài này giống như trời song chẳng phải trời. A Tu La thuộc loài thần, thường cùng Đế Thích chiến đấu. A Tu La là một ngả trong sáu ngả, (lục đạo), một chúng trong tám chúng mà các kinh thường nêu. Những chúng sanh tạo cái nhân bố thí nhưng nhiều sân hận, nhiều ngã mạn, nhiều nghi ngờ, sau sanh trong loài này. Cung điện của A Tu La thường ẩn sâu trong lòng núi lớn trên mặt đất. Lưng chừng núi Tu Di, cách đảnh núi 1.000 do tuần cung điện của vua A Tu La là Tỳ Ma Chất Đa La cư trú tại đó.

[20] “Xá Chỉ phu nhơn”: Xá Chỉ nghĩa là đáng yêu. Xá Chỉ là tên bà phu nhơn của Trời Đế Thích, nhơn tên của Đế Thích mà đặt là Xá Chỉ Bát Đế. Xá Chỉ vốn là con gái của A Tu La. Đàn ông của A Tu La thì xấu xí, người nữ của A Tu La lại rất đẹp đẽ. A Tu La vương thường chiến đấu với Thiên chúng, nhưng con gái của vua A Tu La nhan sắc khuynh thành, nên Thiên Đế Thích vẫn cứ cưới cô này làm vợ. Câu chuyện phu nhơn Xá Chỉ vì cớ ghen tức xúi cha gây hấn, làm cho tiên A Già Bà vô cớ bị ngờ như trong kinh đây nói, chuyện ấy hơi dài dòng, không thể thuật hết ra đây.

Thì ra, người dưới trần gian hơn thua kiện cáo, chiến tranh chém giết, việc ấy đã đành. Chư Thiên cõi trời cũng ghen tương đố kỵ, đánh đấm sát hại, gây ra bao nhiêu cảnh “động trời”!

[21] Bốn sức Thần túc: Tức tứ Thần túc hay tứ Như ý túc. Đây là bốn món hay là bốn hạnh phẩm được tu trong 37 phẩm Trợ đạo. Tứ thần túc là bốn năng lực của thiền định. Thần là nghĩa linh diệu. Túc là nghĩa nương vào, vì nương nơi sức thiền định, sanh ra năng lực của thân, tức sử dụng thân theo ý muốn, tâm như ý muốn. Bốn thần túc gồm có: 1. Dục thần túc hay Dục như ý túc. 2. Cần thần túc hay Tinh Tấn như ý túc. 3. Tâm thần túc hay Nhứt tâm như ý túc. 4. Quán thần túc hay Quán như ý túc. Gọi một cách chung chung thì bốn thần túc tức sáu thông: Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Thần túc thông, Lậu tận thông. Danh từ này các kinh đã giải rất nhiều, nơi đây chỉ lược nêu, xin giảm bớt phần giải rộng.

[22] “Ganh tỵ” là nghĩa của hai chữ tật đố. Thấy người khác có tài đức, có nhan sắc, của cải, có thế lực hơn mình rồi không ưa thích họ, không muốn họ hơn mình, ấy là ganh (tật). Thấy kẻ khác có nhan sắc, có danh dự rồi không ưa thích, không ưa như thế gọi là tỵ, là ghét (đố). Cá tánh này vốn từ gốc tham mà ra. Nhưng chữ tham chỉ cho tư tưởng, hành động chiếm đoạt sở hữu, nhưng không ước muốn những gì người khác hơn mình. Tham là một món độc trong ba độc, là phiền não gốc. Tật đố là một trong mười món tùy phiền não bực thượng. Tùy phiền não có tất cả là hai mươi món (lược). Tùy phiền não bực thượng có mười món như đã giải ở trước.

[23] “Các Đức Như Lai sanh trong loài người”: Các Đức Phật thị hiện sanh giữ nhân loại tu hành thành bực Chánh giác, chuyển Pháp luân và nhập Niết Bàn v.v… Đều có những nguyên do sâu sắc chánh đáng. Đại để những nguyên do ấy là:

1. Loài người có đủ trạng thái khổ vui, một khi thức tỉnh chân khổ, cầu vui phát tâm tu hành, lại mau có kết quả hơn chư Thiên, chư Thần.

2. Chư Phật sanh trong loài người, cho nên sau khi Niết Bàn mới lưu Xá Lợi cho nhân gian, thiện thượng, Long cung. Vì nếu sanh nơi Thiên cung là do hóa sanh, nên khi thị tịch cũng sẽ hồn diệt, không có Xá lợi để lại cho đời.

3. Nếu sanh nơi Thiên cung, Long cung, con người sẽ không hay biết, nên không thể tu hành theo Phật.

4. Thị hiện giữa loài người có cha mẹ, vợ con nhằm khích lệ con người, nếu noi theo Ngài tu hành, tức có thể được giải thoát như Ngài.

[24] “Trong khoảng chớp mắt đã đến cõi Diêm Phù Đề”: câu này chỉ cho sức Thần túc thông của Tôn giả Đại Mục Kiền Liên. Trước đây giải sơ về tứ Thần túc trong đó có Thần túc thông. Ở đoạn này cho thấy sức Thần túc của ngài Mục Liên. Từ cung trời Đao Lợi (trên đỉnh núi Tu Di trở xuống đến mặt đất này, có thể xa trên 400 ngàn cây số theo khoa học, từ mặt đất lên cung trăng là 385.000 cây số, vậy mà Tôn giả Đại Mục Kiền Liên trong khoảng chớp mắt đã xuống mặt đất. Ôi! Thần thông trí tuệ của Thánh nhân chẳng thể suy lường. Thật ra, Thần túc thông của ngài Mục Liên còn hơn thế nữa, không phải chỉ chừng đó.

[25] Trước hết họ nhóm tại thành Vương Xá: Đây ta có thể hình dung cổ thành Tăng Già Thi hẳn là rộng rãi bao la, mới có thể dung nạp một số lớn người nhiều như biển rộng, gồm ít nhất bốn hoặc năm nước, từ hạng vua quan cho đến thứ dân. Như vậy, đây quả là một cuộc nghinh đón chưa hề có trong nhân loại, kể về trước đó và lúc sau này. Thế mới biết Đức Như Lai, là đấng “Trời trong Trời”, đấng “Thánh trong Thánh.” Là đấng đưa đường cho cả trời, người, là đấng cha lành của cả muôn loài. Tiếc rằng ngày nay nhân loại không được diễm phúc chứng kiến và nghinh đón Ngài như xưa.

[26] Cùng với bốn chúng: Bốn chúng ở đây thuộc bên chúng Ni. Đó là: Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di ni và Cận sự nữ. Danh từ bốn chúng nguyên chỉ cho bốn bộ đệ tử xuất gia, tại gia của đạo Phật, gồm có: Chúng Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo Ni, chúng Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ. Nếu kể thêm chúng Thức xoa ma na, chúng Sa di, chúng Sa di Ni nữa sẽ thành bảy chúng. Nhưng chúng Sa di nhiếp về Tỳ kheo, Chúng Thức xoa và Sa di Ni nhiếp về Tỳ kheo Ni. Cho nên nói gọn lại còn 4 chúng. Văn trên nói bốn chúng là bốn chúng thuộc bên Ni.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.