Phật Nói Kinh Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng Phật

Đoạn trước có nêu danh từ bốn chúng và cũng kể rõ thành phần bốn chúng xuất gia, tại gia.

[27] Bốn đội binh hùng: Tức bốn thứ binh chủng: Binh lính đi bộ, binh lính đi ngựa, binh lính đi xe, binh lính cỡi voi. Ngày xưa, mỗi khi các nước có chiến tranh, các vua, quan thường sử dụng bốn loại binh chủng này.

Quang cảnh vua chúa quân binh các nước, cùng vô số nhân dân chen chúc nhau nghênh đón Đức Phật, quả là một quang cảnh chưa ai thấy. Đây có lẽ Đức Phật tạo một cơ hội để chúng sanh được cúng dường Ngài một lần cuối, trước khi Ngài Niết Bàn. Do căn lành này mà người trần thế sẽ hưởng phước báu Trời, Người, được gặp chư Phật, được các Đức Phật độ thoát nơi đời vị lai.

[28] Trời Phạm Thế: Danh từ này gọi chung các cõi trời thuộc Sắc giới, từ Sơ thiền đến Tứ thiền, gồm có 18 cõi trời. Những chúng sanh đã lìa tình dục, thành tựu Phạm hạnh, sinh lên các cõi trời này. Được sanh về các cõi này đều do hóa sanh, thân lượng rất lớn, tuổi thọ rất dài, cho nên các kinh thường gọi là Trường thọ thiện. Tuy thọ mạng dài lâu nhưng một khi phước báo đã mãn, sức định đã hết phải hạ sanh cõi trời Dục giới, hoặc sanh xuống thế gian để thọ quả báo. Bởi vậy Đức Phật vẫn gọi các Trời Trường thọ là một nạn trong tám nạn, trừ chư Bồ Tát và các Thánh giả trong Thanh Văn thừa. Mười tám cõi trời Sắc giới các kinh thường nói xin miễn trích thuật nơi đây.

[29] Cùng với đông đảo chư Thiên các trời: Câu này một lần nữa xác định, chư Thiên 18 cõi trời Sắc giới xuống rất đông đảo tiễn đưa Đức Phật, sự đông đảo ấy dường như số cát sông Hằng. Ở đoạn văn sau cũng nói “Các vị Thiên chúng cõi trời Tịnh Cư chật cả hư không.” Cõi trời Tịnh Cư thuộc Tứ thiên Thiên. Riêng trời Tịnh Cư mà đã chật cả hư không, huống chi các trời khác. Đủ thấy cuộc hội kiến giữa trời và người, đông đảo đến số vô lượng vô biên không sao tính kể. Đức Phật lại dùng thần lực khiến ra năm điều hy hữu để cuộc hội kiến này hoàn toàn thanh tịnh.

Văn trước có nói: “Do thần lực Phật cho nên cõi Diêm Phù Đề có năm điều hiếm có” năm điều đã được trình bày vừa qua. Do năm điều mà cuộc hội kiến giữa chư Thiên và loài người diễn ra trong sự thanh tịnh và Thánh thiện. Nếu Phật không dùng thần lực khiến có năm điều như thế, thì chư Thiên không chịu nổi cảnh sắc, mùi vị bất tịnh của thế gian, và kẻ nam, người nữ thấy dung sắc tuyệt đẹp của chư Thiên nam, nữ, người trần gian sẽ sanh tư tưởng dục nhiễm, khiến chư Thiên động tâm và không bằng lòng.

Văn kinh trên đây diễn lại một cảnh tượng thần tiên tuyệt vời. Vô lượng hằng hà sa chư Thiên, đem những gì quý giá nhứt cõi trời, cúng dường Đức Phật, người trần gian cũng đem các món quý nhất dâng cúng đức Như Lai. Đủ cho thấy Đức Phật là đấng Ứng Cúng, đấng Chánh Biến Tri, đấng Vô Thượng Sĩ, đấng Điều ngự Trượng phu, đấng Thiên Nhơn Sư v.v… Vậy mà hàng ngoại đạo si mê tà kiếp, từ xưa đến nay, cho rằng Đức Phật không bằng các hạng trời thần của họ. Nếu được đọc đến kinh tâm tán đởm, khóc hận cho sự u tối của mình từ trước đến nay. Kinh nguyện oai thần của Phật khiến họ được xem, được biết những sự việc này.

[30] “Đồ chúng ngoại đạo… quy y lễ kính”: Đến đây chúng ta có thể trực nhận phần nào thâm ý của Phật, khi Ngài lên cung trời nói pháp. Vì làm lợi ích cho chư Thiên, vì thêm lòng khát ngưỡng cho người đời, vì làm cho ngoại đạo tà kiến thấy rõ sức đại oai thần của Phật, mà phải bỏ tà về chánh, cho nên Đức Phật thị hiện những năng lực chẳng thể nghĩ bàn như thế. Ngày xưa kẻ ngoại đạo thấy được oai thần của Phật mà phát tâm quy y lễ kính. Ngày nay tuy Phật đã Niết Bàn nhưng pháp thân Phật vẫn là thường trụ bất biến. Hàng ngoại đạo một phen được xem nghe điều này, cũng nên phá bỏ chấp trước sai lầm, cải tà quy chánh, để khỏi phụ lòng đại Từ Bi của Phật, phụ tánh linh sẵn có của mình.

[31] “Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc tự biến thân mình làm Chuyển luân vương”: Câu này cho ta thấy Ni Liên Hoa Sắc thần thông khó lường. Liên Hoa Sắc hiện thần biến tướng như thế, chẳng phải bản ý của bà muốn vậy. Bởi vì bà là một bậc đã thông đạt tạng pháp của chư Phật, lẽ đâu bà lại không biết những việc nên làm nên tránh, để phải bị quở trách của Phật ư? Chẳng qua bà muốn thị hiện để làm mô phạm cho Ni chúng đời sau đó thôi. Ngày nay Ni giới đã có người đòi hỏi “Tăng Ni bình quyền.” Sự đòi hỏi ấy thật buồn cười. Sức thần biến như Ni Liên Hoa Sắc, muốn lất lướt Tăng giới còn bị Phật quở nặng, huống kẻ dung thường mà mong vượt bực hay sao? Hãy xem mô phạm Ni Liên Hoa Sắc mà bớt cầu cao, đòi hỏi rắc rối.

[32] “Vua Ưu Đà Diên đầu đội tượng Phật”: Thật là một việc làm vô cùng cảm động, tiêu biểu tấm lòng thành kính tột độ. Tuy kinh văn nói như vậy, nhưng không hẳn là vua đội tượng trên đầu. Có thể nhà vua sai vệ sĩ khiêng tượng lên vai, còn mình thì cúi đầu đi dưới pho tượng đến trước đức Phật. Vì pho tượng cao 3m hoặc hơn nữa, ắt nặng nề, làm sao nhà vua đội lên cho nổi. Cũng có thể, do thần lực của Phật, khiến cho pho tượng nhẹ lại để vua đội lên chăng? Dầu sao đi nữa, cử chỉ của vua Ưu Đà Diên cũng tiêu biểu tấm lòng tôn sùng Đức Phật một cách tuyệt đối. Vua chúa thời xưa, tín tâm như thế, vua chúa đời này phỏng được mấy người quy y Tam Bảo? Trái lại có lắm vua quan, Tể tướng tàn hại Phật pháp, ra lệnh đập tượng, phá Tăng không chút nương tay. Nghĩ thật thương tâm.

[33] Thực hành vô lượng vô biên hạnh khổ khó làm khó nhẫn”: Vua Ưu Đà Diên dùng những lời trên để ca ngợi Đức Phật. Thật vậy, Đức Phật khi còn làm hạnh Bồ Tát, vì cầu Vô thượng Bồ Đề, Ngài đã làm những việc vô cùng khó khổ. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Đức Tỳ Lô Giá Na từ sơ phát tâm, tinh tấn không lui, đem bất khả thuyết thân mạng để mà bố thí. Lột da làm giấy, chẻ xương làm viết, chích máu làm mực, đập tủy làm nước, biên chép kinh luật của chư Phật quá khứ, chất chứa như núi Tu Di, bố thí đầu, mắt, tủy, não, da, thịt, tay, chân, nước, thành, voi, ngựa các vật sở hữu, cho đến ngày ngồi dưới cội Bồ Đề, thành đấng Chánh giác.” Hạnh khổ khó làm khó nhẫn là vậy.

[34] Ghi chú: Nơi quyển thượng này chỉ mới diễn thuật lại thời gian Đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết kinh và giáo hóa chư Thiên, cùng diễn thuật lại sự tạo tượng của vua Ưu Đà Diên, và việc chư Thiên, nhơn gian đưa đón Đức Phật trở xuống trần gian. Nơi quyển HẠ, Bồ Tát Di Lặc mới thay mặt Thánh phàm mà hỏi Đức Phật về những phước báo, công đức của việc tạo tượng.

[35] Đức Phật ngồi tòa sư tử: Đức Phật là đấng “Nhơn trung sư tử” là đấng oai hùng giữa loài người cho nên Ngài ngồi chỗ nào, lấy đức mà đặt tên chỗ đó là tòa sư tử, cũng như chỗ của Đế Vương ngồi gọi là Long tòa (bệ rồng). Luận Trí Độ quyển 7 nói: “…Đặt hiệu Sư tử nhưng thật ra chẳng phải con sư tử. Phật là đấng oai hùng giữa loài người, cho nên chỗ nào Ngài ngồi, hoặc giường hoặt đất, đều gọi là tòa Sư Tử.”

[36] Mười lực, Bốn Vô sở úy v.v…: Phật có vô lượng vô biên công đức nhưng nói gọn lại là 140 pháp Bất cộng, ấy là: 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp tùy hình, 4 Tinh hạnh, 10 Lực, 4 Vô úy, 3 Niệm xứ, 3 Bất hộ, Đại Bi (1), Thường không quên mất (1), Tri đoạn tập phân phiền não (1), và Nhứt thiết Chủng trí (1). Một trăm bốn mươi pháp này trong kinh Bồ Tát Thiên Giới, nơi phẩm 29 giải rất đầy đủ, các kinh sớ khác cũng có giải nhiều. Sở dĩ gọi Bất cộng là bởi, các bậc Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều chẳng chung cùng, dù có sống chung với Phật, cho nên gọi là Bất cộng.

[37] “Nếu có người nào dùng những tơ, sợi thêu thùa tượng Phật…”: Đâu là Đức Phật chỉ cách tạo tượng. Người có đức tin trong sạch, tin Phật có vô lượng công đức như trên đã nêu, rồi dùng các vật liệu mà kinh đã dạy, hoặc tự mình thêu thùa, nấu đúc, hoặc thuê người khắc chạm, vẽ vời, đắp sơn… tạo thành hình tượng Phật, phước báo người ấy không thể nghĩ bàn, như văn kinh sau nói rõ. Điều đáng lưu ý là thường phải tư duy những công đức nhiệm mầu của Phật. Sự tư duy này là yếu tố căn bản để thành tựu công đức. Nhờ tư duy nên tự tâm phát sanh hạt giống vô lậu, chính hạt giống đó sẽ làm cái nhân để thọ phước về sau. Nếu chỉ dùng tiền bạc mua thỉnh, công đức sẽ ít ỏi.

[38] “Dùng những vật đó tùy phần sức mình tạo ra tượng Phật”: Đức Phật chỉ rõ các thứ vật liệu có thể dùng tạo tượng Phật, như Phật tử nào có tay nghệ thuật, có thể dùng các vật liệu kể trên mà tạo thành tượng, hình tượng lớn, nhỏ là do ý thích của mình. Các Phật tử nữ nếu giỏi thêu thùa cũng nên phát tâm thêu hình Đức Phật để dùng lễ lạy cúng dường. Trước đây chúng tôi có đọc qua một câu chuyện, một người phụ nữ đức tin thanh tịnh thường thêu tượng Phật, một hôm trong lúc đang ngồi thêu, trên đầu mũi kim bỗng hiện ra một viên xá lợi. Thật là một việc kỳ lạ Phật tử chúng ta hãy tin sâu lời Đức Phật dạy.

Chú thích: Toàn văn nửa trang trước và nơi trang này Đức Phật dạy rõ phước báo sanh thân của người tạo tượng Phật. Tổng quát gồm có những phước như sau:

1.Không sanh vào nhà nghèo nàn mà sanh vào giòng tộc Luân vương. 2. Không sanh vào nhà hèn hạ mà sanh nơi nhà quý tộc giàu lớn. 3. Không sanh ở chỗ sơn cước biên thùy mà sanh ở trung tâm văn minh. 4. Không sanh thời kỳ không có Phật Pháp mà sanh vào thời có Phật ra đời, hoặc có Phật pháp lưu thông. 5. Không sanh vào nhà tà tín, tà kiến mà sanh nơi nhà chánh tín. 6. Không sanh vào nhà hàng thịt, làm cho các nghề ác. 7. Không sanh vào hạnh Kỹ nữ thấp hèn, tôi tớ nô bộc, mà sanh vào hạng vương phi, công chúa. 8. Hoặc sanh cõi trời làm thân Đế Thích, Phạm Vương…

Đoạn trước tổng quát nói về tám thứ phước báo sanh thân của người tạo tượng. Đó là phần thân thể và danh vị. Đến đây Đức Phật nói về tướng mạo hình dáng. Người tạo tượng Phật sau được phước báo thân thể vẹn toàn, tướng mạo đoan nghiêm, có những nét đẹp như những nét đẹp nơi 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp tùy hình của Phật, và chư Bồ tát, chỉ thiếu tướng nhục Kế và tướng bạch hào, tướng chữ vạn… Các tướng tốt được kể trên đây, trong các kinh thường gọi là đại nhơn tướng hay đại trượng phu tướng. Trong kinh luận có chỗ nói: Bồ Tát phải tu nhiều kiếp mới được mỗi tướng tốt nơi thân. Vậy mà một người chỉ tạo tượng Phật lại mau chóng có những tướng ấy. Thế thì công đức tạo tượng không thể nghĩ bàn.

[39] “Tựa hồ như trời Na La Diên”: Na La Diên là tên một lực sĩ trên trời, hoặc là tên khác của trời Phạm Vương. Trong sách Pháp Hoa Nghĩa Sớ quyển 12 của Ngài Gia Tường ghi: “Ngài Chơn Đế nói: Na La dịch là người. Diên dịch là Gốc sanh ra. Phạm Vương là Tổ Phụ của con người cho nên gọi là “Cội gốc sanh ra” (Sanh bổn) Ngài Cưu Ma La Thập thì gọi Na La Diên là lực sĩ cõi Trời… Kinh Đại Nhựt Nghĩa Sớ quyển 10 nói Trời Tỳ Nữu có nhiều tên khác nhau mà tên Tỳ Nữu là một tên khác của trời Na La Diên. Cũng theo kinh Đại Nhật thì trời Na La Diên là hóa thân Phật, cũng là một trong mười chín Thần chấp Kim cang.

[40] “Những bệnh như vậy bốn trăm bốn chứng thảy đều không có”: Người tạo tượng Phật thành tựu đầy đủ những công đức thật là lạ lùng hiếm có. Ngoài những phước báu địa vị cao tôn, thân tướng vẹn toàn, thông minh trí tuệ, còn có những phước báu khác như: sức lực rất mạnh, khỏi tất cả bệnh, không các nạn dữ, khỏi các cực hình v.v… Nói chung là những nỗi khổ nơi thân mà một con người bình thường không sao tránh khỏi. Nếu người tạo tượng Phật, lại không mắc phải các nỗi khổ ấy. Về bốn trăm bốn chứng bệnh nhiều nơi đã giải.

[41] “Nghiệp lành, nghiệp dữ đều chẳng mất mát”: Vì sao các nghiệp lành dữ chẳng mất? Vì mỗi chúng sanh đều có đủ tám thức, từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và mạt na thức đều huân vào thức A lại gia Tàng thức (thức thứ 8). Tàng thức này vô hình, vô tướng nhưng rộng lớn không có ngắn mé. Tuy không hình tướng nhưng nó có công năng duy trì vô lượng vô biên kiếp trở lại. Khi nhân duyên đã thuần thục thì những hạt giống ấy bị truyền tống ra ngoài (hiện hành), làm cho chúng sanh cảm chịu vô lượng sự khổ vui. Tuy Tàng thức đủ vô lượng chủng tử thiện ác, nhưng không phải là chẳng thể phá hoại. Một khi dụng công quán chiếu thì những “chủng tử” ấy có thể bị phá diệt, hoặc mất tác dụng. Bởi ý nghĩa này nên các nghiệp đều bất định và có thể chuyển đổi.

Chú thích: Văn trên Đức Phật dạy tạo tượng để sám hối quả báo nghèo nàn, yểu mạng, tàn tật. Tạo nghiệp thế nào mà mắc các báo đó? Do chẳng gieo trồng căn lành trong ruộng phước Tam Bảo. Do không cấp giúp người nghèo, nên bị quả báo túng thiếu, nghèo nàn. Do đời trước ưa giết hại những loài chim hay thú chạy, nên mắc báo tuổi thọ sẽ ngắn ngủi. do chê bai Phật Pháp, nhạo báng Hiền Thánh, nhục mạ người tu hành, cho nên mắc quả báo tật nguyền. Nếu tự xét biết tội cũ, phát tâm tạo tượng, lễ lạy sám hối các tội lỗi trước, thề không tạo lại, tức có thể chuyển đổi quả xấu trong hiện đời nay, không hẳn phải đợi đến đời vị lai. Trong hàng tại gia đã có nhiều Phật tử, làm đúng điều này, kết quả rất đúng như kinh dạy.

[42] “Nghiệp có ba thứ”: Kinh đã trình bày về ba loại nghiệp. Thuật ngữ thường gọi là Hiện báo, Sanh báo, Hậu báo. Hiện báo là làm dữ làm lành thì ngay trong đời này qua đời sau hoặc 10 đời 100 đời sau mới chịu quả báo. Hậu báo là đời nay tạo lành tạo dữ nhưng qua vô số kiếp sau mới chịu quả báo. Còn Định nghiệp và Bất định nghiệp là, giả sử tạo nghiệp nặng quyết định sẽ đọa địa ngục, nhưng nhờ sám hối, tạo các công đức có thể khỏi đọa địa ngực nhưng phải chịu nghiệp nhẹ hơn bị lao ngục thế gian, đó là Định nghiệp. Bất định nghiệp đại để cũng như vậy.

[43] Địa ngục vô gián: Vô gián nghĩa là không gián cách, không dừng nghỉ. Người tạo năm thứ tội hay một trong năm tội như trên, quyết đọa địa ngục mà dự hành hạ không dừng. Có năm điều: 1. Chịu khổ đêm ngày cho đến nhiều kiếp không lúc nào dứt. 2. Một người cũng chật, nhiều người cũng chật. 3. Khí cụ hành tội nhiều loại ghê gớm, đều là bằng đồng, bằng sắt, bằng đá, bằng lửa hành hạ tội nhân. 4. Chẳng kể đàn ông, chẳng luận đàn bà, Trời, rồng, thần, quỷ, Mường mán, giàu, nghèo, Tội hành nghiệp cam phải đồng chịu quả. 5. Từ khi mới vào đến trăm ngàn kiếp, một ngày một đêm muôn lần chết, muôn lần sống, cầu mong một niệm tạm dừng chẳng được, trừ khi nghiệp mãn mới được chuyển kiếp. Bởi lẽ triền miên, nên gọi là vô gián. Ta nên lưu ý, tất cả hành tướng ấy đều do tâm biến hiện ra cả.

Văn trước nói đến kẻ bất tín, đối với chánh pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là chánh pháp. Đây thuộc về tội bất tin. tội này do người cố ngang bướng mà ra. Tội phá kiến nặng hơn tội bất tín. Phá kiến là phá hỏng tri kiến chơn chánh của mình, hoàn toàn bác bỏ diệu lý Phật tánh sẵn có nơi tự tâm. Đức Phật gọi hạng này là “Nhứt xiển đề” nghĩa là tự đánh mất giống Phật. Hạng này mãi mãi chịu khổ, khó thể giải thoát. Nếu tin mình có Phật tánh nhưng vì bướng bỉnh không chịu thua người chánh lý, thì tội này nhẹ hơn tội phá kiến.

[44] “Như có chúng sanh hoại pháp thân Phật”: Hoại pháp thân Phật nghĩa là không tin mình có Phật tánh, Phật tánh này là tánh bản nhiên thanh tịnh sẵn đủ nơi tất cả chúng sanh. Chư Phật chứng suốt bản tánh này, gọi là Như Lai Tạng hay Như Lai pháp thân, Pháp thân nghĩa là lấy pháp giới tánh làm thân. Pháp giới tánh là tánh linh diệu sáng suốt, trùm khắp mười phương ba đời, không một vật gì ngoài nó, Pháp tánh này vô hình vô tướng, chẳng thuộc cái có, chẳng thuộc cái không, nên rất khó nhận, khó hiểu, do đó những ngoại đạo chấp chặt thần ngã không tin nổi pháp này. Bởi vậy với chánh pháp họ cho là phi pháp, chẳng phải pháp cho là pháp.

[45] Nơi trang trước Ngài Di Lặc hỏi về tội trộm cắp vật của Phật, vật của Tăng, câu Phật chỉ dạy. Vật trong tháp Phật thì dễ hiểu. Đây xin giải sơ ba loại vật của Tăng. Vật thường trụ là những bất động sản và những tiện nghi của chùa như bàn ghế, giường tòa… Chư Tăng bên ngoài đến ở được phép sử dụng nhưng không được đem đi. Vật bốn phương Tăng: Cũng gọi là vật chiêu đề. Đó là những món tiêu thụ như rau quả, gạo, muối… Chư Tăng bên ngoài đến ở, có thể được chia phần và được phép đem đi. Vật hiện tiền Tăng là những món đã được chu cấp cho cá nhân mỗi Tăng sĩ đang sống trong cộng đồng Tăng trong một chùa. Người trộm cắp những vật của chúng Tăng sẽ chịu quả báo địa ngục vô gián (kinh Địa Tạng).

[46] “Ở trong Phật pháp mà phạm khí tội”: Khí tội thuật ngữ gọi là tội Ba la di. Khí là vứt bỏ, là bị loại khỏi Tăng số. Người phạm một trong những tội này kể như mất Tăng cách, sẽ sanh đến chỗ cực xấu chịu nhiều thống khổ lâu dài. Khí tội bên Tăng có bốn: Dâm, Đạo, Sát, Vọng. Bên ni có tám: Bốn pháp đầu như bên Tăng, hai pháp sau thuộc tội đồng lõa che dấu, và thuận theo sống chung với người mắc tội. Theo luật của Tỳ kheo, một khi phạm khí tội, không cho tác pháp sám hối. Về tội Ba la di của Bồ Tát có mười pháp, nếu phạm phải, được phép đối trước tượng Phật, Bồ Tát sám hối cho đến khi nào thấy hảo tướng thì tội ấy diệt, nhưng cần phải thọ lại mới không mất giới Bồ Tát (Lược giải).

[47] Ba Thừa pháp: Danh từ ba thừa văn trên đã nêu. 1. Thanh Văn lấy pháp bốn Thánh Đế làm thừa. Nghĩa là vận dụng tâm sáng suốt chứng bốn Thánh đế, nhập Chơn không Niết Bàn, không bị sanh tử trở lại. 2. Duyên Giác thừa hay Bích Chi Phật thừa: Duyên Giác lấy pháp Thập nhị nhân duyên làm thừa. do vận tâm sáng suốt chứng Pháp không chơn như, thoát ly hệ phước sanh tử, gọi là Duyên Giác thừa. 3. Bồ Tát thừa hay Phật Đại thừa: Do tu Thập độ vạn hạnh trong vô lượng vô số kiếp, thành tựu 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp, thành tựu mười Lực, tứ Vô sở úy… Nói chung là 140 pháp bất cộng (như trước đã giải) và vô lượng vô số pháp môn chẳng thể nghĩ bàn. Đó mệnh danh là Bồ Tát thừa hay Phật Đại thừa.

[48] “Vua Ba Tư Nặc nương oai thần Phật…”: Sau khi Đức Phật nói về những công đức chẳng thể nghĩ bàn của việc tạo tượng Phật, công đức ấy có thể diệt những nghiệp như: Thoát cảnh gông cùm lao lý, khỏi cảnh nghèo nàn tật nguyền, thoát cảnh khổ nặng bởi năm tội vô gián, thoát tội bất tin, phá kiến, thoát tội trộm vật thường trụ, thoát tội Tứ khí (Ba la di)… Trong hội có một số những người chưa phát tâm Đại thừa đâm ra nghi ngờ. Phật dùng thần lực khiến vua Ba Tư Nặc thưa hỏi để Ngài giải đáp. Sự gia bị này cho ta thấy Đức Vô sở úy của Như Lai, biết chúng sanh nghi ngờ, cứ mở rộng cho họ thưa hỏi mà không hề sợ sệt khỏa lấp như những hàng ngoại giáo khác.

[49] “Khất thực chẳng được, bát không trở về”: Vua Ba Tư Nặc thuật lại bảy “nạn” đã qua để Phật giải nghi cho đại chúng. Trong 40 năm thuyết pháp độ sanh, Đức Phật thị hiện gặp bảy trường hợp trên, ngòai ra còn có mấy trường hợp nữa như sự phao vu của Tôn Đà Ly, Chiên Giá Ma Ni… Phật thị hiện chịu các “nạn” nhằm khích lệ dụ tấn, an ủi bốn bộ đệ tử và khắp chúng sanh, để chúng sanh thấy rằng Trí tuệ vô biên, phước đức vô lượng như Ngài mà còn có lúc phải trả Dư báo, huống kẻ phàm phu đầy dẫy vô lượng tội lỗi làm sao tránh khỏi. Những sự thị hiện này chính là phương tiện nhiệm mầu hay khéo của Đức Phật. Nơi đoạn văn sau, Đức Phật thố lộ cho chúng ta biết rõ ràng về những phương tiện của Ngài.

[50] “Ta nhớ quá khứ cách vô lượng kiếp… Lúc đó ta còn tham, giận, si mê…”: Còn tham, giận, si mê tức còn ở địa vị phàm phu, chưa được quả vị Hiền, Thánh (Tam Hiền, thập Thánh tức 40 thứ bực Bồ Tát). Theo lời Phật dạy, nếu ước lượng thời gian thì sự lâu xa không biết cơ man mà kể. Thời kiếp lâu xa như vậy trong kinh thường gọi là “Bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần số kiếp” nghĩa là kiếp số nhiều như số bụi nhỏ của bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật. Một cõi Phật (Phật sát) phạm vi tối thiểu là một tỳ thái dương hệ. Thế thì Bồ Tát từ khi mới phát tâm, đến lúc thành Phật, phải qua vô lượng số kiếp.

[51] “Ta thuở quá khứ cấp giúp vô lượng món ăn thức uống, tiền tài châu báu…”: Đức Phật Thích Ca trong thời gian tu Bồ Tát hạnh, qua vô lượng trăm ngàn muôn ức vô số kiếp, Ngài bố thí chúng sanh nào là nước, thành, vợ, con, món ăn, thức uống, các thứ châu báu, y phục, voi, ngựa, xe cộ v.v… cho đến đầu, mắt, tủy, não, tay, chân, xương, thịt, da, máu… Thứ nào cũng nhiều như cát trong đại địa. Kinh Đại Bửu Tích chép: “Như Lai bố thí máu huyết cho chúng sanh, nhiều như nước trong bốn biển lớn, bố thí da, thịt, tay chân… Mỗi mỗi đồng như cõi Diêm Phù Đề (quả đất). Đức Phật đã gieo nhơn như vậy, tất nhiên chẳng thể có quả báo thiếu ăn, thiếu uống…”

[52] “Chư Phật Như Lai là thân thường hằng, là thân pháp tánh”: Các Đức Như Lai pháp thân biến hư không pháp giới, nhưng chúng sanh phàm phu thấy thân Đức Như Lai chỉ cao hai mét,hình tướng là một Tỳ kheo. Sở dĩ như thế, là do kiến phần năng duyên của phàm phu cạn cợt cho nên thấy sắc thân Phật nhỏ. Cái thấy đó là tận lượng ảnh hiện. Đức Phật cũng tùy tâm lượng của chúng sanh phàm phu, Thanh Văn mà hiện thân liệt ứng. Kỳ thật, thân Phật rộng lớn sánh đồng hư không, làm sao có các sự khổ nạn?

[53] Từ lúc vua Ba Tư Nặc nêu lên bảy nạn, cầu Phật quyết nghi. Đến đây chúng ta được nghe Đức Phật tiết lộ những sức phương tiện sâu kín hay khéo của Ngài, khi thị hiện ra đời khai sáng đạo giáo dẫn dắt chúng sanh. Từ bấy lâu nay hầu hết Phật tử chúng ta, khi đọc đến các chuyện kể trên, có lẽ đều tin chắc đó là sự thật hiển nhiên bất di bất dịch. Ngày nay khi gặp kinh này chúng ta, mới vỡ lẽ ra rằng Đức Như Lai thị hiện nghiệp huyễn để đối trị tâm huyễn vọng của chúng sanh, đưa chúng sanh đến cảnh giới chơn thật, thường hằng: Nếu Phật không thố lộ bản hoài độ sanh của Ngài như trong kinh này, chúng ta khó biết được đâu là sự thật!

[54] “Thường muốn mê hoặc tất cả mọi người, lại cũng bị người lừa gạt trở lại”: Bồ Tát Di Lặc vì thương xót nữ lưu có các tập khí sâu nặng khó dứt khó bỏ, cho nên nêu để cầu Đức Phật chỉ dạy đường lối chuyển nghiệp, phương pháp dứt trừ. Nữ lưu dẫu có “bí quyết” chinh phục lòng người, nhưng kết cuộc rồi sự thua thiệt tự mình gánh chịu. “Đau đớn thay phận đàn bà, lời rằng bạc mệnh vẫn là lời chung” (Nguyễn Du). Nữ giới phát tâm tinh tấn tu hành vẫn có thể vượt phàm làm Thánh. Nhưng cần xét rõ “sở đoản” chính mình, buông bỏ cá tánh ghen hờn, quyến rũ, phát tâm tạo tượng, để mau thoát khỏi thân phận nữ lưu.

Chú thích: Đức Phật được gọi là đấng Nhứt Thế Chúng Tri, biết suốt cùng tận nghiệp tánh chúng sanh. Ngài xem tất cả chúng sanh bằng con mắt từ bi bình đẳng, không hề có sự phân biệt nam nữ. Vì chỉ rõ sự hơn kém sai biệt giữa căn cơ chúng tánh mà Đức Phật nói đến nguyên nhân, cũng như chế định giới luật, để phù hợp với nghiệp tánh mỗi hạng. Nếu không như thế, thì nữ giới khó thể tu hành. Chúng ta thấy rõ cá tánh kiêu sa nhiễm trước của nữ lưu thật nặng, nghiệp ái sâu dày dồn chứa mãi lên cho nên hằng chịu thân nữ. Tuy nhiên trên cương vị phàm phu luân hồi có nam, có nữ, những gì thuộc phẩm hạnh cao quý của nữ nhơn, Đức Phật vẫn đề cao và không phủ nhận.

[55] Sau khi nói căn nguyên người nữ, do ái nhiễm nặng nên hằng chịu thân nữ. Tiếp đến Đức Phật dạy về căn nguyên người nam, do tạo bốn nghiệp sau chịu thân nữ. Kinh Báo Phụ Mẫu Trọng Ân dạy: “Đời trước thường hay lui tới tự viện cúng dường Tam Bảo, hộ trì Tăng chúng, cho nên được thân nam tử.”. Đời nay nếu dùng giọng nữ réo gọi Thánh nhơn, chê người khác, nhỏ mọn ganh ghét người giỏi hơn mình… Tạo bốn nghiệp trên sau mất thân nam, phải chịu thân nữ. Văn trên nói đến “các vị Thánh nhơn” Thánh nhơn ở đây chỉ cho các bực Tu Đà Hoàn hướng, Tu Đà Hoàn quả, Nhứt Lai hướng, Nhứt Lai quả, Bất Hoàn hướng, Bất Hoàn quả, A La Hán hướng, A La Hán.

[56] Huỳnh môn: Tiếng Phạn gọi là Bát tra a tỳ đàm. Trung Hoa dịch là “người khuyết căn.” Trong luật có ghi năm loại huỳnh môn. 1. Sanh huỳnh môn: Từ khi sanh ra, tướng thì con trai, nhưng khuyết nam căn. 2. Huỳnh tàn huỳnh môn: Do vợ lớn vợ nhỏ ghen tương cắt bỏ khi tuổi còn ấu thơ. 3. Cát khước huỳnh môn: Do vua, quan, thâu người vào cung cấm, cắt bỏ để phòng bị thê thiếp cung nhơn. 4. Đố huỳnh môn: Do thấy người khác hành dục, khi đó thân căn sanh khởi. 5. Bán nguyệt huỳnh môn: Nửa tháng như người nam, nửa tháng không phải nam.

Hạng huỳnh môn như trên thường bị chứng bệnh mà người thường gọi là “đồng tính luyến ái”. Con số người này ngày nay rất nhiều, có thể gây các chứng bệnh thời đại mà giới y học Đông Tây đều khó chữa trị.

[57] Thân hai hình: Khi thì đàn ông khi thì đàn bà. Nghĩa là khi xúc chạm người nam, dục tướng dấy khởi, bỗng nhiên biến thành người nữ. Khi thân cận người nữ, dục tướng dấy khởi, bỗng thành thân nam.

Trước đây, khi nghe nói và xem trong kinh nói đến điều này, chúng tôi rất phân vân chưa rõ hư thực thế nào. Về sau có người thuật lại cùng chúng tôi rằng “thân hai hình” lại có thật. Chừng đó chúng tôi mới tin chắc điều này. Đời trước tạo nhân nào, đời sau chịu quả ấy. Đức Phật là đấng Nhứt Thiết Trí biết suốt ngắn mé nghiệp tánh của chúng sanh. Điều Ngài nói ra không bao giờ sai lầm. Được nghe những lời Phật dạy, chúng ta hãy tránh tạo những cái nhân thấp kém như trên, để vị lai khỏi chuốc lấy quả báo thấp hèn như kinh đã dạy.

[58] “Tâm họ thường sanh ái dục của nữ”: Sự ái dục giữa nam nữ là một định luật vốn có tự ngàn xưa, không mấy ai tránh khỏi. Tuy vậy trong đạo phu thê phải có tiết độ chừng mực, vừa để bảo tồn thọ mạng, vừa bảo vệ hạnh phúc ở đời. Người nam nếu dâm dục thường xuyên, sau khi chết sẽ đọa địa ngục giường sắt cột đồng. Tự thấy mình nằm trên giường sắt, có những trụ đồng, gương soi biến thành chó cắn xé, thiêu đốt tội nhơn, tội nhơn chịu những thống khổ như thế trải qua nhiều kiếp. Những hành tướng này đều từ bốn đại, năm uẩn và tang thức biến hiện, không phải thật. Trời đặt để địa ngục như thế. Đạo lý của Phật thuyết minh vạn pháp duy tâm là vậy.

[59] “Có năm thứ xẻn”: Năm thứ xẻn lận trong kinh thường gọi là ngũ xạn. 1. Trụ xứ xạn: Nghĩa là chỉ ta riêng ở chỗ này, không dung chứa người khác. 2. Gia xạn: Chỉ ta vào ra nhà này, không cho người khác ra vào. 3. Thí xạn: Chỉ riêng ta nhận của bố thí này, không cho kẻ khác nhận lấy. 4. Dư tán xạn: Chỉ riêng ta được nhận sự khen ngợi này, không cho người khác nhận lấy. 5. Pháp xạn: Chỉ riêng ta hay biết nghĩa lý sâu xa của kinh ấy, không cho người khác hay biết. (Thành Thật luận quyển 12). Kinh đây có khác một điều nhưng điểm đại khái vẫn đồng như trên.

[60] “Có năm nhân duyên làm cho chúng sanh, sanh chỗ man di ở chốn biên cương”: Trong năm nguyên nhân làm cho con người sanh vào chỗ nạn thì một nhân đầu “chẳng sanh tịnh tín đối với ruộng phước Tam Bảo” có thể thông cả Tăng tục. Bốn nhân duyên sau, riêng nói đến hàng ngũ xuất gia. Bởi vì, đi giáo giới Tỳ kheo Ni hay đi giáo thọ Tăng ni, là việc làm của một Sa môn Tỳ kheo. đến như chia rẽ Tăng chúng thành ra hai bộ, hoặc tối thiểu ly gián chia rẽ hai thầy Tỳ kheo, khiến cho bất hòa… Đó là những sai trái từ bức Sa môn.

[61] “Năm thứ nhân duyên thường bị nhiều người chán ghét xua đuổi, cả đến người thân cũng không ưa gặp”: Năm nhân duyên này bởi lỗi vọng ngữ. 1. Nói hai lưỡi, tức là đến người này nói xấu người kia, đến người kia nói xấu người này, khiến lìa ân nghĩa, khêu gợi tranh đấu, cho đến đi xúi giục hai nước đánh nhau. 2. Nói hung ác, tức nguyền rủa, hỗn ẩu mắng nhiếc nhục mạ người. 3. Nhiều sự tranh chấp, tức hay câu mâu hơn thua kinh cãi chống đối, không nhường nhịn người. 4. Nhiều sự giận dỗi, Tánh tình nóng nảy, việc gì trái ý là mất bình tĩnh giận dữ quát tháo om sòm. 5. Giỏi nói bóng bẩy châm biếm, mỉa mai hạ giá trị người. Bởi những nhân duyên này sau mắc quả báo bị người chán ghét, xua đuổi, bà con cũng không ai ưa.

[62] “Chư Phật có vô lượng vô biên phước đức thù thắng… vô lượng vô biên tam muội giải thoát”: Các Đức Như Lai từ khi phát tâm tu Bồ Tát đạo, cho đến thành Phật, các Ngài trải qua không biết bao nhiêu thời kiếp lâu xa. Kinh nói trải qua ba vô số kiếp, đó là nói một cách tóm tắt mà thôi, nếu nói một cách nghiêm túc, thì sự lâu xa đến hàng trăm vạn a tăng kỳ kiếp, hay vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp. Trong thời gian đó các Ngài tích lũy vô biên phước đức, thành tựu vô biên trí tuệ, thần biến, phương tiện, giáo hóa chư Bồ Tát và khắp muôn loài chúng sanh khắp các cõi nước trong mười phương, cùng tột ngắn mé nơi đời vị lai, đó là nghĩa vô biên pháp công đức. Những pháp công đức này không thể dùng trí lực của phàm phu, La Hán hay trí lực của chư Bồ Tát, Tam Hiền, Thập Thánh mà biết đến. Kinh Pháp Hoa nói ‘Giả sử đầy thế gian đều như Xá Lợi Phất, cùng suy lường trí Phật chẳng biết được chút phần…” Nơi đoạn văn trên Đức Phật đưa ra một con số “kinh khủng” như thể để chúng ta có một khái niệm trừu tượng về những công đức của chư Phật. Những công đức này chúng ta không thể tìm thấy nơi pháp sanh diệt hữu vi, vì nơi thể tướng dụng rộng lớn vô biên của chư Phật hiện ra, cho nên nó khắp giới. Sở dĩ chúng sanh được lợi ích là căn cứ nơi thiện căn phước đức của chúng sanh mà có lợi ích, chư Phật không hề có tác ý riêng tư. Bản thể của chư Phật đã vô hình, thì diệu dụng cũng vô tướng.

Trước đây nêu rằng chư Phật có vô lượng vô biên trí tuệ, tam muội giải thoát, tổng trì… và người tạo tượng Phật sẽ diệt vô lượng tội, thành tựu vô lượng phước. Qua điều này, đa số tin rằng toàn do tha lực. Chúng ta không phủ nhận lý ấy, nhưng ta cũng nên tin rằng tâm lực chúng ta có phát động thì mới cảm ứng tha lực ở ngoài. Tự lực có phát động mới chiêu cảm tha lực do đó toàn tha tức tự. Bởi vì Phật với chúng sanh thể tánh bình đẳng bất nhị, do đó khi chúng ta vận dụng khả năng tuệ giác một phần, chính là ta gặt hái một phần dụng lực chẳng thể nghĩ bàn của chính tự mình. Đại thừa Công đức là đây vậy.

Theo quangduc.com

http://chuaminhthanh.com

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.