Vài Cảm Nghĩ Chân Thành Nhân Ngày Thầy Giáo ( 20/11 )

Những ngày qua, khi được chứng kiến những buổi tưởng niệm của những môn đồ pháp quyến, những phương cách mà những đệ tử tri ân Sư Phụ ( Thầy ) đã vĩnh viễn ra đi vào cõi vĩnh hằng như Cố HT Thích Như Ý và Cố Đại Trưởng Lão HT Thích Trí Quang … lòng tôi chợt xao xuyến lạ kỳ, thao thức từng đêm nhìn lại những vị Thầy mình đã được học hỏi từ lúc ấu thơ rồi bước vào Đại Học sau đó ra trường đời và bước vào Đạo …

Lạ kỳ làm sao nơi nào đã từng trải nghiệm … ngẫm lại sao thấy mình may mắn quá, vị nào cũng ban cho mình những tâm huyết, … truyền trao những lời răn dạy dù khiển trách nhưng chứa tất cả lòng từ bi muốn đệ tử mình thành danh nên người …

Bổng dưng ngàn giọt lệ rơi xuống không kịp … tôi cứ để như vậy mà lòng như hoan hỷ với hạnh phúc mình đã và đang có … rất nhẹ nhàng lại dường như rất vi diệu làm sao …

Bất chợt nhìn, quá nửa đời trải nghiệm,
Từng vị Thầy đáng trọng, kính, quý trân.
Ngàn phương cách … khó đền đáp tri ân,
Mượn ngôn ngữ trần gian… chân thành tác bạch ! ( thơ của Huệ Hương )

Người xưa dạy: “ Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý ”, nghĩa là, hòn ngọc thô kia nếu chẳng được mài giũa thì cũng chẳng thành món đồ trân quý được, con người ta không học qua thầy hay bạn tốt, qua nghịch cảnh của đường đời thì chẳng thể hiểu đạo lý làm người…

Nhân ngày Thầy giáo sắp tới (20/11) kính xin mượn những gì đã học được qua những lời dạy của những bậc đáng kính trong thế tục và trong Đao Pháp để các bạn cùng tôi nhận ra những hương vị khôn cùng mà lòng tưng bừng nở rộn niềm vui nhé.

Đọc qua trang mạng nhà của HT Viên Minh chợt thấy lời giải đáp trong một câu hỏi dường như giúp tôi hiểu thêm vài điều về tình thương của một người Thầy và một người đệ tử … mời bạn xem và có đồng cảm như mình không, bạn ơi !

Tình thương của người thầy đối với đệ tử có nhiều loại:

1) Thương yêu chỉ vì hay để đệ tử tuân phục mình.

2) Thương yêu bảo bộc và nuông chiều quá đáng làm đệ tử hư hỏng.

3) Thương yêu để lấy lòng đệ tử hoặc để thu phục nhiều đồ chúng.

4) Thương yêu nhưng chỉ khai tâm cho đệ tử biết tự giác, biết trải nghiệm khó khăn, biết nhẫn nại, tinh cần và sáng tạo…

Còn đệ tử cũng có nhiều loại:

1) Đệ tử chỉ biết tuân phục theo khuôn mẫu của thầy.

2) Đệ tử ù lì vì ỷ lại vào thầy.

3) Đệ tử chỉ biết lấy lòng thầy.

4) Đệ tử biết tự giác, nhẫn nại, tinh cần và sáng tạo đúng pháp chứ không rập khuôn. Vậy cũng còn tuỳ cách thương yêu của thầy và cách học tập của tử chứ không phải thầy nào cũng thương yêu sai hay trò nào cũng ù lì cả đâu, phải không con?

http://www.trungtamhotong.org/index.php?module=faq

Các bạn đã tìm thấy tình thương nào Thầy dành cho mình và mình thuộc vào loại đệ tử nào chưa? Và cho phép mình tản mạn những đôi điều về trường đời và trường Đạo bạn nhé. Sau đây là những lượm lặt và sưu tầm trong những năm tháng, lính cùng chia sẻ như sau:

Cổ nhân thường dạy: Vật họp theo loài, người phân theo nhóm, bạn bè cũng chính là gương mặt đại diện của chúng ta và một đạo tràng mà mình tu tập dưới sự chỉ dẫn của một vị Thầy lại càng hiện rõ nét nhất.

– Nhân cách của một con người chính là sự bảo đảm cho tương lai của chính mình, là tấm vé thông hành sáng giá nhất.

– Nhân cách ở đây bao hàm cả sự thấu hiểu về tình yêu thương, thấu hiểu sự trân quý, thấu hiểu sự thiện đãi bản thân. Và cũng là sự thấu hiểu thiện đãi vạn sự vạn vật, tôn trọng người khác.v.v….

– Một người có kiến thức phong phú luôn luôn là người có sức hấp dẫn, không chỉ có vậy nó còn giúp họ thêm phần tự tin. Kiến thức của nhân loại như biển trời rộng lớn, và thông thường nhân cách của người ấy phần nhiều có liên quan đến kiến thức của bản thân họ.

Do vậy một vị Thầy mà mình may mắn gặp được phải chăng có nhiều kiến thức nhân loại và trí tuệ Đạo Pháp thể hiện qua sự khiêm tốn, bao dung có thể nói, chính là việc một bậc đại trí ấy đã thể hiện được 2 phần công đức mà chúng ta cần lãnh hội và học hỏi.

– Phần thứ nhất: Không ngã mạn, kiêu căng, không để tâm đến sự đời, một lòng chuyên chính tu hành cốt sao có được thành tựu, làm lợi lạc bản thân và lợi tha cho chúng sinh. Mọi sự thiệt hơn đều không màng đến, công danh, nổi tiếng xem nhẹ cả 10 phần.

– Phần thứ hai: Công đức có được qua việc trợ giúp, đồng hành giúp người khác ngộ đạo, với người đã tu đạo thì cùng phát triển thêm. Là công đức vì lợi lạc quần sinh, vì mọi người đặng cùng thành Phật.

Hẳn ai trong chúng ta từng được nghe rằng: ” Người ta bảo một vị thầy như người chèo đò, người chèo đò thầm lặng mà bền bỉ, hiền hòa đưa bước học trò “. và ” Nghề dạy học là một nghề cao quý, bởi những người thầy người cô đem đến tri thức, nhân cách và xây dựng tương lai cho học trò “.

Thì trong đường Đạo một vị chân tu còn hơn thế nữa, các Ngài đã giáo hoá cho những đệ tử luôn có được một tâm linh quang minh, chính đại hào sảng và thanh khiết cũng như luôn dạy bảo rằng đó mới là mục đích chính của cuộc sống này. Như vài điều mà luân lý đã dạy ” Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn. kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình “.

Nếu kể hoài còn biết bao điều để mình xưng tán cho đủ, kính xin mượn vài vần thơ sau kính xin chúc các Vị Thầy của chúng ta luôn khinh an, tịnh lạc và luôn mạnh khỏe để tiếp tục dìu dắt chúng em trên con đường học tập.

Biết cảm tạ thế nào ân tình sâu nặng !
Người đã mang ánh sáng đến đời con,
Vượt đắng cay, phiền lụy chất hơn non …
Người giúp con tìm sức mạnh nội tai.

Phải có duyên … nghe được lời răn dạy,
Chắp tay xưng tán Thầy, lời lẽ kính thương.
Ngày nay đây tạm vững bước trên đường ….
Đời, Đạo nguyện tri ân Thầy …. miên viễn.

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.