Triết Lý Và Thực Tiễn Của Pháp Môn Tịnh Độ

Triết lý và thực tiễn của Pháp môn Tịnh độ

(Châu Thế Long)

A. Triết lý

1. Pháp môn Tịnh độ là pháp môn duyên khởi, tức Như Lai tánh khởi pháp môn

Như Lai đã chứng quả Phật thanh tịnh, vô minh triệt đoạn, vĩnh viễn xa lìa sinh tử, chánh nhân Phật tánh hiển lộ, tịch quang chân cảnh hiện tiền. Thường an trụ trong Thường Tịch Quang, thọ nhận an lạc thanh tịnh. Tuy nhiên, vì đại sự nhân duyên lớn mà Phật xuất hiện ở đời, thực hiện hạnh nguyện hiển đại bi tâm. Phật A-di-đà lúc còn tu Bồ-tát hạnh, pháp danh là Pháp Tạng Tỷ-kheo, đứng trước Phật Thế Tự Tại Vương phát ra bốn mươi tám lời nguyện, cứu độ chúng sinh. Trải qua vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp tu hành, thực hiện thế giới Tịnh độ, để thực hiện bốn tám lời nguyện, mở bày Nhị thân, lấy danh hiệu A-di-đà làm con thuyền Bát-nhã, rộng độ mười phương chúng sinh được sinh về Tịnh độ. Nhân vì Phật với chúng sinh trong thế giới Ta-bà có nhiều nhân duyên, nên lấy pháp môn Tịnh độ mà dạy cho người được vãng sinh. Cũng chính vì nhân duyên đó mà Như Lai xuất hiện ở đời làm việc rộng độ chúng sinh. Cho nên, luận về nguyên lý căn bản, nên mới có tên gọi là pháp môn tánh khởi, hoặc có tên khác là Pháp giới duyên khởi (Như Lai tánh tức là chỉ cho Pháp giới tánh, Như Lai tánh khởi tức là chỉ cho Pháp giới duyên khởi. Trên mặt văn tự nghe như khác nhau, nhưng ý nghĩa chỉ có một). Pháp môn tánh khởi, hoặc pháp môn Pháp giới duyên khởi, đều có nghĩa chỉ cho sự cứu cánh. Song, để trình bày ý nghĩa thâm sâu đó cho một hành giả hiểu được thật khó biết dường nào. Ấn Quang đại sư còn gọi với cái tên khác là pháp môn đặc biệt. Pháp môn đặc biệt chỉ có bốn chữ, mà ý nghĩa thật phi thường. Di-đà Như Lai, lấy từ bi nguyện lực trực tiếp hiển hiện Nhị báo trang nghiêm, đích thân làm việc độ chúng sinh, sao dám xem là việc nhỏ được! Công việc đó tuyệt đối không có một công việc gì cao cả bằng. Cho nên, có tên gọi pháp môn đặc biệt là hoàn toàn xứng đáng. Trong Văn Sao Tịnh Độ, Đại sư Ấn Quang từng nói: “Nên biết pháp môn Tịnh độ, đầy đủ bốn Pháp giới, có sự tướng, sự sự Pháp giới vô ngại… cho nên mới gọi là yếu chỉ Tịnh độ. Sự tức là Lý, Lý tức là Sự, Lý Sự viên dung, khế hợp bản thể”. Bấy nhiêu lời vắn tắt đó của Đại sư cũng đủ chứng minh pháp môn Tịnh độ là Pháp giới duyên khởi, cũng là pháp môn Như Lai khởi tánh. Vô ngại tức là chỉ cho sự thông đạt tự tại, dung hợp với bản thể. Như tại thế giới Cực Lạc, có chim nói pháp, có cây bảy báu phát ra pháp âm vi diệu, người nghe liền niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Đó là do sự vô ngại dung hợp với lý vô ngại. Các giống chim ấy đều do A-di-đà Phật muốn cho pháp âm được lưu chuyển mà hóa hiện ra những cảnh như vậy. Đó là Lý vô ngại dung hợp với Sự vô ngại.

Lại nữa, ví như trong thế giới Cực Lạc, có ao Thất bảo, có nước tám công đức. Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe, đầy đủ các màu sắc, xanh, vàng, đỏ, trắng, hương thơm thanh khiết.

Lại nữa, nước đó lại có thiên nhạc, đất bằng vàng rồng, ngày đêm sáu thời, hoa Mạn-đà trên trời rơi xuống. Chúng sinh trong nước đó sáng sớm ra hứng đem đi cúng dường mười phương chư Phật, trưa lại trở về quốc độ dùng cơm, rồi đi kinh hành, đó đều chỉ cho sự vô ngại.

Lại nữa, Đại sư Thần Thời có nói rằng: “Pháp môn Tịnh độ là Pháp giới duyên khởi”, điều đó chứng tỏ pháp môn Tịnh độ, lý nghĩa thật thâm sâu biết dường nào (tham khảo Tịnh Độ Thập Yếu, Đại sư Ngẫu Ích tuyển định). Vậy mà Mâu Thị Tam lại dám phê bình tánh khởi của kinh Hoa Nghiêm và bốn trí vô ngại là hư vọng, chẳng qua là giả lập mà có. Thật không ngờ ông ta lại cho rằng lý trung tánh là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Như Lai tánh bao hàm vạn pháp, vạn lý, trong Pháp giới tất cả các thiện đức, tự nó cũng có hàm chứa Phật tánh mà vô ngại. Mâu cho rằng lý tánh là nhân, Trịnh Minh Đạo lại cho rằng nhân là đồng thể của đức, họ tranh luận với nhau bất phân thắng bại, ai cũng bảo thủ ý kiến của mình. Thật ra, tất cả sự tranh luận đó bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa, do Lý không thông nên dẫn đến Sự có chướng ngại, chỉ chấp trước vào Lý mà bỏ Sự. Mười phương ba đời chư Phật, thể cũng như đạo đều giống nhau, thuyết pháp độ sinh cuối cùng đều quy về Bồ-tát đạo, đó là duyên vô ngại. Chúng ta nói Tây Phương Cực Lạc Tịnh độ. Mâu lại cho rằng thế giới Cực Lạc là thế giới của các vị thần, trong tâm lại không tin có thế giới Cực Lạc. Thật ra, thế giới chúng ta hiện đang sống, theo kinh gọi là thế giới Ta-bà. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký, đoạn Phật thọ ký cho Phú-lâu-na, có nói: “Nay ở đây quốc độ này (tức là thế giới Ta-bà), được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (tức là chỉ cho quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đức Phật đó lấy số thế giới Tam thiên đại thiên nhiều như số cát sông Hằng mà làm thành một cõi Phật). Đất làm bằng bảy thứ báu, thẳng bằng như bàn tay… Lầu đài bằng bảy thứ báu, đầy dẫy trong đó. Cung điện của các vị trời ở gần trên hư không, người cùng trời giao tiếp với nhau (cụ thể là chỉ cho sự hòa hợp giữa trời và người). Trong đó không có các đường dữ (tức là chỉ cho bốn đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la). Tất cả đều do hóa sinh, không có dâm dục… Nhân dân nước đó thường dùng hai thức ăn: một là Pháp hỷ thực, hai là Thiền duyệt thực. Có vô lượng vô số nghìn muôn ức Na-do-tha các chúng Bồ-tát đặng sức thần thông lớn, bốn trí vô ngại, khéo hay giáo hóa các loài chúng sinh… Kiếp tên là Bửu Minh, nước tên là Thiện Tịnh”. Điều đó, có thể chứng minh cho thế giới Cực Lạc. Thế giới Ta-bà vốn đầy dẫy tội lỗi, thế nhưng đến khi Phú-lâu-na thành Phật thì cũng tại thế giới này lại được thực hiện thành một thế giới lý tưởng không có bốn đường ác. Tại thế giới Cực Lạc, Lý cũng như Sự vô ngại. Vô ngại tức là không có sự mâu thuẫn, ngược lại nếu có mâu thuẫn thì không được gọi là vô ngại. Đức Phật là người chứng ngộ vạn pháp trong vũ trụ nhân sinh. Những lời Ngài nói ra đều là những sự thật, điều đó đã được Ngài thốt lên ngay sau khi thành đạo. Lạ thay, tất cả các chúng sinh vốn có Phật tánh như nhau nhưng vì vô minh che lấp nên không thể nhận ra được. Những gì Ngài chứng ngộ đều có sẵn trong vũ trụ nhân sinh, cũng như những phát minh của các nhà khoa học về các hiện tượng vật lý vốn đã có sẵn trong cuộc sống, chớ không phải họ tự sáng chế ra mà họ chỉ căn cứ vào các thí nghiệm để rồi cuối cùng đưa ra kết luận về những phát minh đó. Sự chứng đạo của đức Phật cũng như thế. Ngài chỉ nói ra những hiện thực của vũ trụ. Nếu lấy cái nhìn thiển cận, với một trí óc đầy tham sân như chúng ta để đánh giá lời dạy chư Phật, nếu phê bình sai chắc chắn sẽ mang tội lớn. Vì lời dạy của đức Phật vốn được chư Thiên cũng như Hộ pháp ủng hộ. Đức Phật A-di-đà phát bốn mươi tám lời nguyện độ chúng sinh trong mười phương, quang minh của Ngài vô lượng vô biên chiếu khắp mười phương, không có một chướng ngại. Mười phương hằng hà sa số các chư Phật đều tán thán công đức không thể nghĩ bàn của Phật A-di-đà. Tinh thần Pháp giới duyên khởi của Phật A-di-đà cũng không có một chướng ngại, vốn hòa hợp với lý tưởng mười phương thế giới.

2. Tâm làm Phật thì tâm là Phật

Lý tưởng văn hóa mười phương thế giới, sở dĩ hòa hợp vì giữa tâm Phật và tâm Phật có sự tương tức tương nhập với nhau, hiển phát bốn trí vô ngại. Tâm vốn là nguồn gốc của vạn pháp trong thế giới, cũng là nguồn gốc của nền văn hóa tinh hoa của nhân loại. Bản tâm của chúng sinh cùng với bản tâm của chư Phật vốn đồng thể vô ngại. Song, chúng sinh vì hiện tiền bị nghiệp thức làm chướng ngại, nên sự hiểu biết có chướng ngại, bị cục bộ trong phạm vi nhỏ bé. Chư Phật Thế Tôn là những người đã đạt được sự hiểu biết cùng khắp không thể đo lường. Chư Phật là “người biết đạo, khai đạo và dạy đạo” (kinh Pháp Hoa, quyển thứ ba, phẩm Dược Thảo Dụ). Nhưng vì mục đích xuất hiện ở đời là vì muốn rộng độ tất cả chúng sinh. Chúng sinh chỉ cần thực hành lời Phật dạy, nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền và tương lai nhất định được thấy Phật. Đức Thế Tôn còn dạy: “Các đức Phật Như Lai chính là Pháp giới thân, in sâu vào tâm tưởng của hết thảy chúng sinh. Vì vậy, trong khi tâm các người tưởng Phật, thì tâm ấy tức là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp theo thân hình đức Phật. Tâm đó làm Phật, cũng tức tâm đó là Phật. Sự hiểu biết chân chính cùng khắp không thể đo lường của chư Phật, đều từ nơi tâm tưởng mà sinh ra. Vì thế, các người phải chăm lòng buộc niệm lại” (kinh Quán Vô Lượng Thọ). Tổ thứ mười hai Liên tông, Triệt Ngộ đại sư, có nói: “Tâm làm Phật thì tâm là Phật, so với việc trực chỉ bản tâm, kiến tánh thành Phật của Thiền tông hoàn toàn khác nhau”. Vì sao? Vì việc kiến tánh thì khó, thế nhưng tâm làm Phật thì tâm là Phật thì lại dễ! Thế nào gọi là kiến tánh? Kiến tánh là ly khai ý thức của tâm, vọng tưởng điên đảo nghĩ suy theo trần cảnh. Người muốn dừng những phân biệt của tâm, muốn tâm không khởi niệm khi đối duyên xúc cảnh, chuyện đó đâu có dễ làm, vì những tập khí chúng sinh trong chúng ta đã tích chứa nhiều đời nhiều kiếp không thể tính kể. Nếu đối duyên xúc cảnh mà không khởi niệm, giữ cho tâm được sáng suốt đâu có dễ làm. Kiến tánh là xa lìa ý thức của tâm, trí tuệ quang minh phải hiển lộ thì mới được gọi là kiến tánh. Như thế nào tâm làm Phật thì tâm là Phật? Là tâm trì niệm danh hiệu Phật, quán y chính trang nghiêm của Phật, tức là tâm làm Phật, điều này dễ. Kinh còn nói: “Khi tâm các người tưởng Phật, thì tâm ấy là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, há chẳng phải tâm tưởng Phật thì tâm là Phật hay sao! Cho nên, người niệm Phật thì nhất định thấy Phật”.

Trong kinh Lăng-nghiêm, chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông, Bồ-tát Đại Thế Chí có nói: “Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ nhớ con. Nếu con trốn tránh, dù mẹ có nhớ cũng chẳng có lợi ích gì; nếu con nhớ mẹ, như mẹ nhớ con, thì mẹ con đời đời không xa cách nhau. Nếu chúng sinh đem tâm nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tại hay tương lai chắc chắn thấy Phật, cách Phật không xa, chẳng cần tu thêm bất kỳ một phương tiện nào khác mà tự nhiên tâm được khai ngộ… Gốc tu hành, nhân địa của con là ngộ được Vô sinh pháp nhẫn. Nay, con nguyện ở thế giới này để nhiếp hóa mọi người vãng sinh Tịnh độ. Nay Phật hỏi viên thông, con vốn không lựa chọn, chuyên thâu nhiếp sáu căn, khiến cho Tịnh niệm nối liền liên tục, được vào Tam-ma-địa (Tam-muội) đó là thứ nhất”.

Căn cứ vào những lời kinh điển trên, chúng ta có thể rút ra ba điểm:

* Một là niệm danh hiệu A-di-đà và quán y chính trang nghiêm của Phật thì tâm là Phật. Trong thời khóa tụng niệm mỗi ngày hay dù làm tất cả công việc gì, nếu tâm chúng ta nghĩ Phật, niệm Phật thì tâm là Phật. Do tâm chuyên chú vào danh hiệu Phật nên tâm bị tác động bởi công đức rộng lớn không thể nghĩ bàn của Phật. Những trần cấu vọng tưởng sẽ không có cơ hội nuôi dưỡng, dần dần chân tâm sẽ hiển lộ. Nếu tâm cứ vọng tưởng theo trần cảnh thì chân tâm khó mà hiển lộ.

* Hai, nếu tâm từ sáng đến chiều đều nhớ Phật niệm Phật, thì không cần tu thêm một pháp môn nào cả, mà tâm tự nhiên được khai ngộ, tâm được khai ngộ đó là minh tâm kiến tánh.

* Ba, điều nhiếp Lục căn, Tịnh niệm liên tục, đắc Tam-ma-địa, nhiếp tâm niệm Phật. Ấn Quang đại sư có nói: “Niệm Phật cần nên nhiếp tâm, vọng niệm từ tâm mà khởi, âm thanh từ miệng mà lưu xuất. Do đó, niệm Phật cần phải niệm từng câu từng chữ rõ ràng, tai nghe rõ ràng. Câu niệm Phật từ trong tâm mà lưu xuất, một khi Nhĩ căn được nhiếp phục, thì các căn còn lại không thể hướng ngoại, nhanh chóng đưa đến nhất tâm bất loạn, điều mà Bồ-tát Đại Thế Chí gọi là điều nhiếp Lục căn, Tịnh niệm tương tục, được Tam-ma-địa, đó là đệ nhất, tức là điều đó vậy” (xem Văn Sao Tịnh Độ quyển 1).

Việc niệm Phật, điều quan trọng là phải từ tâm phát khởi, từ miệng mà lưu xuất. Miệng niệm từng câu từng chữ rõ ràng, tai nghe từng câu từng chữ rõ ràng. Việc này ban đầu tuy khó, cần phải dụng công lâu ngày mới có được kết quả. Một khi Nhĩ căn có sự tập trung vào danh hiệu, thì vọng niệm không thể xen tạp vào được. Đôi tai chúng ta có tác dụng đón nhận và phân tích âm thanh từ bên ngoài. Nếu một khi tai chuyên chú vào danh hiệu, tâm không phân tán, mà tâm cũng nghe từng câu từng chữ rõ ràng,; tâm, miệng, tai phối hợp cùng niệm, thì việc nhất tâm thật không khó khăn gì.

3. Một niệm hiện tại là nhân của việc thăng trầm trong vui khổ

Tâm đầy đủ của linh tri, niệm là hoạt động của linh tri. Là người tu học Phật pháp, điều căn bản là phải nắm bắt được những hoạt động của linh tri. Triệt Ngộ đại sư có nói: “Phàm phu hầu hết đều có niệm. Tâm thể không có niệm chỉ có Phật là người duy nhất chứng được. Từ hàng Đẳng Giác trở xuống đều có niệm. Phàm phu chúng ta khi khởi một niệm đều nằm trong phạm vi của Thập pháp giới, không có niệm nào thoát khỏi phạm vi Thập pháp giới. Mỗi một niệm khởi làm duyên cho việc thọ sinh”. Nếu đã biết được lý như vậy mà không khởi niệm Phật thì người đó chưa được gọi là người hiểu đạo. Nếu tâm chúng ta khởi đại từ, đại bi, công đức y chính trang nghiêm, đồng thời tâm cùng tương ưng với vạn đức hồng danh, tức là niệm Pháp giới Phật. Tâm tương ưng với Lục độ Vạn hạnh của Bồ-tát tức là niệm Pháp giới Bồ-tát. Tâm tương ưng với Thập nhị nhân duyên là niệm Pháp giới Duyên giác. Lấy tâm vô ngã và quán sát Tứ đế đó là niệm Pháp giới của Thanh văn. Hoặc cùng tương ưng với Tứ thiền Bát định, cho đến Thượng phẩm Thập thiện là niệm Pháp giới cõi Trời. Nếu tâm tương ưng với Ngũ giới thì đó là niệm Pháp giới cõi người. Nếu tu tập các thiện pháp, tâm hay ôm lòng sân hận, cống cao, hơn thua đó là đã rơi vào Pháp giới A-tu-la. Tâm nghĩ Hạ phẩm Thập ác, tức là đọa vào Pháp giới súc sinh. Hoặc tâm hay ôm lòng keo kiệt bỏn sẻn, tương ưng với Trung phẩm Thập ác, tức là rơi vào Pháp giới ngạ quỷ. Nếu tâm tương ưng với Thượng phẩm Thập ác, tức là đọa vào Pháp giới địa ngục. Thập ác gồm có: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời thêu dệt, nói lời thô ác, nói lưỡi đôi chiều, tham lam, sân hận, si mê. Ngược lại, là Thập thiện. Biết được như vậy rồi, trong đời sống thường ngày, chúng ta phải luôn xem xét, kiểm điểm xem tâm chúng ta rơi vào Pháp giới nào, có như vậy mọi người mới không để cho tâm khởi lên những niệm ác, gây hại cho người và mình. Nếu ta để cho tâm suy nghĩ thường xuyên các niệm xấu, chắc chắn hiện tiền cũng như trong tương lai khó mà tránh được những nghiệp xấu.

Một Sát-na chỉ xảy ra trong nháy mắt. Tham Huyền Ký, quyển thứ 3 có nói: “Trong một nháy mắt có đến sáu mươi Sát-na”. Như vậy, trong một nháy mắt thôi, tâm của chúng ta đã có thể khởi ra sáu mươi niệm. Kinh Đại Bát-nhã có chép: “Người sống trên thế gian này, trong một ngày một đêm đã có thể khởi lên tám nghìn bốn mươi vạn niệm”. Điều đó cho thấy, vọng niệm trong tâm chúng ta khởi lên liên tục không bao giờ dừng nghỉ. Vì vậy, không cho niệm khởi là điều quan trọng. Không cần phải bàn nhiều, phương pháp đối trị vọng niệm không gì khác hơn là dùng chánh niệm để đối trị lại vọng niệm. Niệm Phật là phương pháp giúp chúng ta giữ được chánh niệm hơn hết. Trong Luận Đại thừa có nói: “Nhớ Phật niệm Phật, là con đường tắt đạt đạo nhanh nhất”. Đại sư Ấn Quang cũng có nói: “Pháp niệm Phật là bối trần hợp giác, là diệu pháp đệ nhất phản bản quy nguyên” (Văn Sao Tịnh Độ). Người niệm Phật đến phút lâm chung, nếu tâm giữ được chánh niệm phân minh thì quyết định được vãng sinh không nghi ngại. Chánh niệm ở đây tức là chỉ cho tâm nhớ Phật, niệm Phật. Tâm không rời danh hiệu, thì tâm không có một mảy may tâm niệm tham ái, sân hận. Lâm chung chánh niệm phân minh, trong khoảng Sát-na được Phật tiếp dẫn vãng sinh Tịnh độ. Người muốn được như vậy, không gì khác hơn là trong đời sống hằng ngày, phải giữ cho tâm chánh niệm niệm Phật, tạo thành thói quen, không được lơ là chểnh mảng.

4. Người niệm Phật tâm lực cần phải chuyên nhất

Tâm lực, vốn là nguồn sức mạnh không thể nghĩ bàn. Tiếc thay, nhân loại không biết dựa vào đó mà tinh tấn tu hành, phát huy diệu dụng của tâm. Trong Pháp giới, vật lực đã rất lớn, mà tâm lực lại càng lớn hơn.
Sau đây là biểu đồ:

* Vật lực xuất phát từ tâm: Tâm lực là tánh rộng lớn của vạn pháp vạn vật. Tâm lực là nguồn gốc phát sinh tất cả vật lực.

* Vật lý hiện đại đã phát hiện ba nguyên lý về vật chất:

1. Vật chất hằng biến đổi

2. Không cố định

3. Vật chất có sóng âm

Chánh tri kiến của Phật: sắc (vật chất) tức là không, không tức là sắc.
Nhìn chung, hiện nay tất cả nhân loại đều sợ hãi về sức mạnh công phá vĩ đại của nguyên tử. Thật ra, nguồn nguyên tử đó cũng từ tâm lực mà phát sinh. Tâm lực chính là năng lực, sức mạnh nguyên tử cũng từ tâm lực mà có. Chúng ta chỉ cần y theo Phật pháp chí thành tu hành đến ngày thành Phật, thì thần lực của tâm có thể đạt đến cảnh giới tối cao không thể nghĩ bàn. Lúc đó, tha hồ mà biến đổi Tam thiên đại thiên thế giới.

Kinh Pháp Hoa, quyển thứ tư, phẩm Hiện Bảo Tháp lại có chép rằng: “Đức Phật Đa Bảo đã diệt độ, toàn thân ở trong tháp, bản nguyện đã viên mãn liền vọt lên khen ngợi kinh Pháp Hoa”. Đức Phật Thích-ca bảo rằng: “Phật Đa Bảo có thệ nguyện rộng lớn, đức Phật nào muốn đem thân ta mà chỉ bày cho bốn chúng, thời các vị Phật của nước đó phân thân ra nói pháp ở các nước trong mười phương đều phải nhóm họp ở một chỗ”. Bấy giờ, đức Phật Thích-ca, từ lông trắng giữa chặng mày, phóng ra một luồng hào quang, rộng chiếu khắp sáu phương: Đông, Nam, Tây, Bắc, trên, dưới. Lúc đó, các đức Phật phân thân trong mười phương, đều bảo chúng Bồ-tát: “Các Ngài phải qua chỗ của đức Thích-ca Mâu-ni, để cúng dường tháp báu của Đa Bảo Như Lai”. Lúc bấy giờ, cõi Ta-bà liền biến thành thanh tịnh, đất bằng lưu ly, cây báu trang nghiêm. Đó là lần biến hóa thứ nhất.

Đức Phật chỉ lưu lại chúng trong hội Pháp Hoa, dời các hàng trời người đi chỗ khác. Lúc đó, các đức Phật ở phương Đông đã nhóm họp, ngồi xếp bằng trên tòa Sư tử, như thế lần lượt đến khắp đầy cả Tam thiên đại thiên, mà ở thân Phật của đức Thích-ca Mâu-ni phân thân ra khắp cả mười phương mà vẫn chưa hết. Lúc đó, Phật Thích-ca vì muốn dung thọ các vị Phật của mình phân thân, nên ở nơi tám phương lại biến thành hai trăm muôn ức Na-do-tha cõi nước, đều làm cho thanh tịnh. Hai trăm muôn ức, tám phương lại kết thành một nghìn sáu trăm vạn thiên thế giới, rồi biến các nước đó thành một nước của Phật. Đó lần thứ hai Phật biến hóa.
Vì các đức Phật sẽ đến ngồi, nên ở tám phương lại biến hóa thành hai trăm muôn ức Na-do-tha cõi nước, đều làm cho thanh tịnh. Đó là lần biến hóa thứ ba.

Như vậy, trong ba lần biến hóa mà đã có tám phương Tịnh độ, ba vạn hai nghìn muôn ức Na-do-tha các nước, lại có thể dung chứa mười phương phân thân của chư Phật. Các đức Phật đều sai các thị giả của mình qua thăm viếng đức Thích-ca Mâu-ni. Các đức Phật trụ trong hư không, đều thấy đức Đa Bảo Như Lai, ở trong tháp ngồi tòa Sư tử, toàn thân như vào cảnh Thiền định. Ba vạn hai nghìn muôn ức Na-do-tha các nước, đều do thần lực của chư Phật biến hóa ra. So sánh hoạt động của nguyên tử với thần lực của chư Phật làm sao mà bằng cho được. Qua đó, chứng tỏ rằng tâm lực luôn thắng vật lực, vạn pháp đều do tâm, điều này chúng tôi đã có trình bày trong bài viết Vạn Pháp Duy Tâm, xin quý vị tham khảo. Chỉ có thần lực của chư Phật là xứng đáng cho chúng ta nương tựa. Người niệm Phật cần phải có tâm lực chuyên nhất, tha thiết liễu sinh thoát tử, tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên, nhất định sẽ được vãng sinh. Một khi đã được vãng sinh rồi thì chuyện thành Phật không còn gì để lo ngại.

Tổ thứ hai Liên tông, Thiện Đạo đại sư, khuyên người chỉ niệm danh hiệu A-di-đà Phật. Lại có người gạn hỏi: “Sao Hòa thượng không dạy người quán tưởng Phật mà chỉ dạy chuyên trì danh thôi, chẳng hay có ý gì?”. Ngài đáp: “Chúng sinh đời nay phần lớn chướng nặng tâm thô, thần thức tán loạn. Trong khi đó, cảnh Tịnh độ rất tế diệu, nên quán tưởng khó thành tựu. Chính vì thế, đức Phật xót thương nên chỉ dạy niệm Phật. Tại sao? Vì xưng danh hiệu là việc dễ làm, nếu có thể giữ mỗi niệm nối nhau không dứt, tu như thế suốt đời thì mười kẻ niệm mười kẻ sẽ vãng sinh, trăm người tu trăm người về Tịnh độ. Tại sao thế? Vì không có duyên tạp bên ngoài nên dễ được chánh niệm, vì cùng với bản nguyện của Phật hợp nhau. Không trái với kinh giáo, thuận theo lời Phật và chư Thánh chỉ dạy. Nếu bỏ chuyên niệm Phật mà tu xen tạp những hạnh khác, thì trong trăm ngàn người chỉ hy vọng ba bốn kẻ được vãng sinh. Tại sao? Vì duyên tạp niệm khiến cho mất chánh niệm, không khế hợp với bản nguyện của Phật. Vì trái với kinh giáo và lời chư Phật, chư Thánh dạy, hệ niệm không tiếp nối nhau, tâm không thường nhớ Phật. Vì thân tuy hành đạo mà tâm lại tương ưng với lợi danh, vì thích theo duyên tạp mà làm chướng ngại chánh nhân vãng sinh của mình và người. Các hàng ngoại đạo, tục có kiến giải không giống nhau, như kẻ thích chuyên tu, người ưa tạp hạnh. Nếu như chuyên tâm niệm Phật thì mười người niệm đều vãng sinh cả mười. Nếu như tu tạp niệm mà tâm không chí thành thì trong ngàn người tu khó mong được một. Nguyện xin tất cả hãy nên chín chắn mà suy nghĩ kỹ. Lại nữa, người niệm Phật khi đi, đứng, nằm, ngồi phải cố gắng nhiếp tâm, ngày đêm chớ rời danh hiệu, quyết giữ câu niệm Phật cho đến hơi thở cuối cùng. Như thế thì đến giây phút mãn phần, niệm trước vừa thọ chung, niệm sau liền vãng sinh Cực Lạc. Từ đây, vĩnh viễn hưởng được sự vui pháp lạc vô vi mãi cho đến ngày thành Phật. Há là chẳng đáng vui sướng ư?”. (Tham khảo Tịnh Độ Thánh Hiền, quyển thượng, tập 2)

Tương truyền, Đại sư Thiện Đạo là hóa thân của Phật A-di-đà. Mỗi khi Ngài niệm Nam mô A-di-đà Phật thì có một tia hào quang từ nơi miệng Ngài phóng ra. Ngài niệm Phật từ mười câu cho đến trăm câu đều có hào quang như vậy. Do tâm lực của Ngài đã thành tựu nên mới có việc hiển hiện những điều kỳ diệu như thế. Qua đó, cũng đủ chứng minh cho chúng ta thấy diệu dụng của niệm Phật. Một khi chúng ta chuyên chú nhiếp tâm niệm danh hiệu A-di-đà Phật, thì khiến cho tâm lực tập trung chuyên chú vào một chỗ, tạo nên một năng lực chánh niệm rất lớn và hiện hữu mọi lúc mọi nơi, thì sự kiện “niệm trước vừa thọ chung, niệm sau vãng sinh Cực Lạc” là việc có thể thực hiện, lời nói đó hoàn toàn không sai trái. Do đó, trong thời tu tập mỗi ngày, chúng ta phải định cho mình một thời khóa công phu rõ ràng. Nếu công việc thật sự bận rộn, trong nghi lễ của thời khóa công phu, chỉ cần tụng kinh A-di-đà, chú vãng sinh, đọc bốn mươi tám lời nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ là đủ. Đối với các kinh luận khác không nhất thiết phải đọc. Sau đó đọc kệ tán Phật, tiếp theo là niệm đức hồng danh, niệm vạn câu hoặc trên vạn câu. Ngoài thời khóa chính ra, những lúc bình thường miệng cũng không xa lìa danh hiệu Phật, Tịnh niệm liên tục, có như thế mới đạt đến nhất tâm bất loạn. Người niệm Phật cần phải có tâm chuyên nhất, có tinh tấn, không nên vì một nhân duyên nào mà phế bỏ công phu. Hãy xem việc niệm Phật là công việc quan trọng nhất, tâm luôn tha thiết liễu sinh thoát tử, có như thế mới thành tựu việc vãng sinh. Một khi tâm có tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên sẽ tạo nên tâm lực rất lớn không gì bì kịp, vì tâm lực có diệu dụng không thể nghĩ bàn. Người niệm Phật một khi đạt được tâm lực đó thì không khác gì tâm lực của chư Phật trong mười phương.

5. Nguyện và nguyện cảm ứng đạo giao

Đức Phật A-di-đà tu Bồ-tát thừa phát bốn mươi tám lời nguyện. Phàm có chúng sinh nào chí tâm xưng niệm danh hiệu của Ngài, hoặc nghe danh hiệu của Ngài, cho đến phát đại Bồ-đề tâm (nguyện lực). Nguyện lực của Ngài đã thành tựu rồi, Ngài trải qua muôn kiếp tu hành, nhẫn lực tu hành thành tựu sáu Ba-la-mật, siêng năng tu Bồ-tát vạn hạnh (hạnh lực). Hạnh lực của Ngài đã viên mãn rồi, lại thành tựu Chánh báo quả vị Vô Thượng Bồ-đề và Y báo là nước Cực Lạc trang nghiêm (công đức lực). Ba yếu tố: nguyện lực, hạnh lực, công đức lực hòa hợp tạo nên thần lực danh hiệu không thể nghĩ bàn. Ngài dùng danh hiệu A-di-đà làm con thuyền Bát-nhã, cứu độ chúng sinh. Chúng sinh tin Phật niệm Phật, phát tâm đại Bồ-đề thành Phật độ chúng sinh. Nguyện vãng sinh Tịnh độ để được sự giáo hóa của chư Phật, luôn luôn lấy lời nguyện đó hồi hướng về Phật A-di-đà. Do vậy mà có sự cảm ứng đạo giao giữa nguyện lực của chúng sinh và nguyện lực của Phật. Để có được sự cảm ứng đạo giao, người niệm Phật cần phải có tâm tin sâu, nguyện lực phải tha thiết, hành trì phải chuyên nhất, cầu Phật lực từ bi thương xót, gia hộ độ trì thoát ly sinh tử, tiếp dẫn vãng sinh Tịnh độ, tu tập cho đến ngày thành Phật, trở lại Ta-bà rộng độ chúng sinh đồng thoát ly sinh tử, đồng sinh Tịnh độ, vĩnh kiếp không còn sợ thối chuyển.

Ngẫu Ích đại sư có nói: “Phải tin vào Phật lực mới có thể tin sâu công đức của danh hiệu, phải có tin Trì danh mới có thể tin bản tánh không thể nghĩ bàn của chúng ta. Người có đầy đủ tâm tin sâu như vậy, mới có thể phát nguyện rộng lớn. Người niệm Phật chỉ cần ghi nhớ hai chữ “Tín, Nguyện”. Vì Tín Nguyện là kim chỉ nam của pháp môn Tịnh độ, chấp trì danh hiệu là chánh hạnh. Nếu người có Tín Nguyện kiên cố, đến phút lâm chung chỉ cần mười niệm tâm không rối loạn thôi cũng được vãng sinh. Người không có Tín Nguyện dù cho niệm Phật đến trình độ gió thổi không động, mưa rơi không thấm, kiên cố vững chắc như tường đồng, lũy sắt cũng không được vãng sinh. Phàm là người tu Tịnh nghiệp không thể không biết điều đó”. (Tham khảo kinh A-di-đà Yếu Giải do Đại sư trước tác). Ngài còn nói rằng: “Người có được vãng sinh hay không vãng sinh, cũng tùy thuộc nơi chỗ có Tín Nguyện hay không có Tín Nguyện, phẩm vị cao hay thấp là tùy thuộc ở chỗ hành trì sâu hay cạn”.

Phật pháp chú trọng ở chỗ cảm ứng. Cũng không nằm ngoài đặc điểm đó, sự cảm ứng là Thật tướng Pháp giới vốn bao trùm khắp Pháp giới hư không, không có sự ngăn ngại, vì nó vốn nhân duyên tương cảm, nương tựa nhau, tương ứng mà có. Tại sao sự cảm ứng trong Phật pháp lại rất đặc biệt như vậy? Vì Phật pháp vốn có pháp tánh trong sạch thanh tịnh, do đó thế giới thần linh rất ưa chuộng. Nó vốn không có sự chướng ngại như các tôn giáo khác. Nói đúng hơn, Phật pháp thể tánh của nó rất thanh tịnh bình đẳng, luôn hướng chúng sinh về con đường chân thiện mỹ, nên rất được chư Phật, cũng như thế giới thần linh ưa thích và hộ niệm. Đức Phật A-di-đà khi còn là Pháp Tạng, sau khi đứng trước Phật Thế Tự Tại Vương phát bốn mươi tám lời nguyện rộng độ chúng sinh và sau khi nói kệ xong, lúc bấy giờ, khắp các cõi đất sáu lần chấn động, chư Thiên rải hoa lên Ngài cúng dường, tự nhiên có tiếng âm nhạc trong hư không vang lên khen ngợi và chứng quyết Ngài nhất định sẽ thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (kinh Vô Lượng Thọ). Đó là sự biểu hiện sự thật chứng của Pháp giới Thật tướng đối với lời phát nguyện của Pháp Tạng Tỷ-kheo. Chỉ có chư Phật mới thấy được điều đó, phàm phu chúng ta không thể thấy được. Lại nữa, đức Phật A-di-đà tu Bồ-tát thừa, trải qua nhiều kiếp tu hành, công đức của Phật đã viên mãn, Ngài đã thành Phật, lời nguyện lớn của Ngài đã thành tựu một thế giới Tịnh độ. Trong thế giới Tịnh độ có vô lượng vô biên công đức trang nghiêm như: lầu gác, ao báu, hoa sen, cây báu, đất bằng vàng ròng, lưới châu… tất cả những loại trang nghiêm đó không chỉ một tay Phật có thể xây dựng được mà do một phần cảm ứng của thế giới thần linh, thế giới chư Phật mà thành tựu một thế giới Tịnh độ trang nghiêm như vậy. Trong đó, tâm nguyện xây dựng thế giới Tịnh độ, rộng độ chúng sinh của Phật A-di-đà đóng vai trò chính. Có gieo nhân ắt sẽ gặp quả cảm ứng. Nhân ví như hạt giống, quả ví như hoa quả. Người tu pháp môn Tịnh độ cũng như thế, lấy Tín–Nguyện–Hạnh làm nhân. Từ nhân được gieo đó, Phật A-di-đà mới biết để đến tiếp dẫn vãng sinh, để giáo hóa thành Phật là quả. Tín Nguyện của pháp môn Tịnh độ được ví như sóng điện từ phát đi từ đài phát thanh, Phật A-di-đà tiếp nhận luồng sóng đó mới có thể định hướng chúng sinh đang Tín Nguyện cầu về nước Ngài, dựa vào đó Ngài mới có thể định vị chúng sinh đang ở phương hướng nào để đến tiếp dẫn. Người niệm Phật sở dĩ được vãng sinh cũng nhờ vào sự phát khởi tin sâu, nguyện thiết mới có cảm ứng đạo giao. Trong Pháp giới có vô lượng vô biên sự thật chứng của chư Phật, công đức trang nghiêm các Ngài không thể nghĩ bàn, mười phương hằng hà sa chư Phật đều quy hướng Tịnh độ.

Vì vậy, có chúng sinh nào phát tâm niệm Phật, các Ngài đều hết sức tán thán và đồng hộ niệm cho người đó đạt được quả Bất thối chuyển A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Điều đó có thể chứng minh rằng, nếu người niệm Phật phát khởi tin sâu, nguyện thiết chắc chắn sẽ thành tựu vãng sinh Tịnh độ. Vì có sự cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn của chư Phật đối với chúng sinh. Do đó những ai từ trước đến nay chưa phát tâm niệm Phật hãy nhanh chóng phát khởi tín tâm, chắc chắn sẽ được vãng sinh Tịnh độ.

Tổ thứ sáu Liên tông, Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư, là vị Thiền Tịnh song tu. Ngài có trước tác cuốn Vạn Thiện Đồng Quy, đó là một tác phẩm có giá trị về Tịnh độ. Ngài được xem là hóa thân của Phật A-di-đà. Sau khi Đại sư viên tịch, có một vị Tăng từ miền Lâm Xuyên đến, trọn cả năm luôn đi kinh hành và lễ bái tháp của Đại sư. Có người lấy làm lạ nên hỏi vị Tăng đó, vị Tăng đáp rằng: “Năm trước tôi bị đau nặng, thần thức rơi vào cõi u minh, thấy bên tả vua Diêm Vương có thờ tượng của một vị Hòa thượng, tôi thấy vua Diêm Vương đang cung kính quỳ lạy tượng ấy, tôi thử hỏi nguyên do, mới biết đó là tôn tượng của Diên Thọ đại sư ở chùa Vĩnh Minh tại Hàng Châu. Ngài đã vãng sinh về nơi Thượng phẩm của cõi Cực Lạc. Vua Diêm Vương do cảm kích trọng đức hạnh của Ngài nên mới tác tượng lễ lạy cúng dường như vậy”. Qua đó, cho chúng ta thấy được sự cảm ứng của Phật pháp còn cảm ứng đến cả nơi địa ngục, vì cảm ứng của Phật pháp vốn chu biến khắp cả Pháp giới hư không. Vì vậy, người niệm Phật nếu có tâm Tín Nguyện càng thành khẩn chắc chắn sẽ có cảm ứng đạo giao.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.