Niệm Phật Thập Yếu – Chương VI

Tiết 36 Đối Trị Tham Vi Tế

Như trên đã lược nói qua sự tham ngũ dục thô phù dễ thấy. Ngoài ra còn mối tham nhiễm ẩn sâu vi tế, mà người tu cần phải lưu tâm. Chẳng hạn như số tiền trăm vạn không làm cho tham, nhưng số bạc triệu tỷ có thể khiến phải động tâm; sắc đẹp tầm thường dễ dàng lướt qua, song giai nhân tuyệt mỹ có năng lực giục người mê lụy. Cho đến các vị tu mà còn đắm ưa chuỗi tốt; tượng đẹp, hoặc cảnh giới lành, cũng thuộc về tâm tham nhiễm. Phải nên xem đó là những phương tiện, hoặc cảnh nhân duyên như huyễn, chớ sanh lòng tham trước. Để phân tích tâm trạng này, xin đưa ra ba câu chuyện với tánh cách hiểu dụ từ cạn đến sâu:

* Thuở xưa bên Trung Hoa có một vị quan nổi tiếng là thanh liêm, ai đưa vàng bạc lo lót, cũng đều nghiêm trách không nhận. Nhưng độ nọ, một nhà hào phú vì muốn nhờ giải quyết việc riêng có tánh cách đặc biệt, nên hối lộ đến mười vạn quan tiền. Vị quan liền thâu nhận. Sau đó người bạn hỏi duyên cớ, ông đáp: “Số tiền mười vạn có thể thông cảm với thần minh”, (tiền chí thập vạn khả dĩ thông thần). Vị quan trên chỉ có thể thanh liêm được với số tiền nhỏ, nhưng không thanh liêm nổi với số tiền quá lớn. Đây là lòng tham nhiễm ẩn sâu.

* Lại câu chuyện đời Minh. Một hôm Liên Trì đại sư ngồi nói chuyện với khách tăng. Ông khách than: “Người tu đời nay hầu hết đều đắm nhiễm về danh lợi. ” Đại sư nói: “Tôi thấy Ngài là bậc thanh khiết, vì từ trước đến nay đã chối bỏ hết danh lợi người ta đem đến cho mình.” Khách tăng nghe xong gương mặt thoáng lộ nét hoan hỉ. Vị tăng này tuy không thích những danh vọng thông thường, nhưng còn ưa được tiếng thanh cao tuyệt tục. Đây là tâm tham nhiễm thâm trầm vi tế.

* Thêm một chuyện trong thiền môn. Có bà lão nhiều đạo tâm, cất ngôi tịnh am lo đầy đủ tứ sự cúng dường ủng hộ một vị tham thiền tu niệm. Qua hai chục năm, một hôm bà lão dặn bảo cô con gái rằng: “Bữa nay, sau khi đem cơm cho sư thọ trai xong, con thừa lúc bất ngờ ôm ngay sư mà hỏi: “Lúc này như thế nào? Sư trả lời ra sao, con vào đây thuật lại cho mẹ rõ.” Cô con gái y như lời, ôm sư gạn hỏi. Sư đáp: “Khô mộc ỷ hàn nham, tam đông vô noãn khí.” Với câu này, ý sư muốn bảo: “Mình chẳng mảy may động tâm về sắc dục, ví như cây khô nương tựa gộp đá lạnh, lại ở vào ba tháng mùa đông, tìm một chút hơi ấm cũng không có.” Cô con gái trở vào thuật lại, lão bà không vui, bảo: “Thật uổng công ta hai mươi năm lo lắng, không ngờ chỉ ủng hộ một kẻ phàm phu!” Nói xong, lão bà ra đuổi nhà sư đi, rồi châm lửa đốt luôn cái am.

Thật ra, tu đến trình độ của sư, đời nay cũng ít có. Còn lão bà vốn một vị Bồ Tát, hành động đốt am là muốn khai ngộ cho thiền sư. Tại sao thế? Bởi sư tuy không động tâm về sắc dục, nhưng còn thấy mình thanh tịnh, còn trụ tâm nơi tướng vắng lặng không không của thiền định, tức chưa được đại triệt đại ngộ. Để phân tích thêm cho rõ, thiền môn có ba cửa ải phải vượt qua là: Bản Tham quan, Trùng quan và Lao quan. Người tu thiền tham thoại đầu đến khi phá được nghi tình, tỏ suốt ý tây lai, nhìn rõ mặt mày trước khi cha mẹ chưa sanh, tức đã vượt qua cửa ải thứ nhứt, gọi là “Phá Bản Tham”. Đến trình độ này, dù đã dứt được tưởng tâm hư vọng từ vô thỉ, nhưng còn cảnh giới năng sở đối đãi của quán trí, hãy chưa tuyệt tướng quên tình. Cho nên tuy đã vô tâm cùng thế sự, nhưng đối với đại đạo vẫn cách một lớp cửa dày dặn trập trùng. Cổ đức bảo:

Chớ gọi vô tâm nguyên thật đạo.
Vô tâm còn cách một trùng quan!

Chính là ý này. Nhà sư trên tuy đã đạt đến cảnh giới khá cao, nhưng hãy còn trụ tâm nơi tịnh tướng. Đây cũng là một sự tham nhiễm vi tế, mà người tu cần phải dứt trừ.

Người niệm Phật cũng thế. Phải rõ tất cả sắc tướng đều như huyễn, dù tu đến cảnh giới nhứt tâm, thấy hoa sen báu, các tướng tốt, hoặc chư Phật Bồ Tát hiện thân, nên biết đó chẳng qua là do nhân lành cảm quả lành, cứ an nhiên đừng đắm nhiễm tham trước, cũng không nên phủ nhận. Như vậy mới gọi là hiểu ngộ lý: “Như thật bất không” của tạng tâm.

Mục B. Lược Đàm Về Sân Phiền Não

Tiết 37 Phương Pháp Đối Trị Sân

Trong các phiền não, duy có sân hận tướng trạng rất thô bạo, phá hoại hành giả mạnh mẽ nhứt. Nên người xưa đã bảo: “Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai.” Câu này có nghĩa: khi khởi một niệm giận hờn, tức đã mở muôn ngàn cửa chướng ngại. Chẳng hạn như lúc đang niệm Phật, ta chợt tưởng đến người ngoài bạc ác khắc nghiệt xấu xa, đối đãi với mình nhiều điều không tốt; hoặc nhớ việc người thân cận phản phúc gây rối làm khổ mình, liền buồn giận bức rức không an. Từ nơi tâm trạng đó, miệng tuy niệm Phật, nhưng lòng phiền muộn, vọng tưởng sôi nổi. Có người bỏ chuỗi thôi niệm, xuống nằm gát tay suy nghĩ vẫn vơ. Có kẻ lại buồn tức đến quên ăn bỏ ngủ, muốn gặp ngay người đó la hét một hồi, hoặc tìm cách trả thù cho đã giận. Tâm niệm sân hận nó phá hại người tu đến như thế.

Muốn đối trị giận hờn, phải khởi lòng từ bi. Kinh Pháp Hoa nói: “Lấy đại từ bi làm nhà, nhu hòa nhẫn nhục làm áo giáp, tất cả pháp Không làm tòa ngồi.” Phải nghĩ rằng: ta cùng chúng sanh đồng là phàm phu chìm trong biển khổ sanh tử, tất cả đều do nghiệp phiền não, mà phiền não vốn hư huyễn không có thật. Như một niệm sân hận, trước khi chưa khởi nó từ đâu đến, lúc tan rồi lại đi về đâu? Khi giận hờn ta tự làm khổ cho ta trước, vì đã nổi lửa phiền não thiêu đốt lấy mình, mà cũng không thể cải hóa làm lợi lạc chi cho người. Như thế có phải là si mê vô ích chăng? Lại nên nghĩ: người có hành động xấu làm tổn hại cho ta, kẻ đó vì mê muội đã gây nhân ác tất phải chịu quả khổ. Họ đáng thương hơn là đáng giận, bởi nếu sáng suốt biết rõ lẽ tội phước, tất không khi nào lại dám làm điều ấy. Ta là Phật tử, phải áp dụng giáo lý đức Thế Tôn để tự cởi mở sự ràng buộc oan trái cho mình, vì mục đích tu hành là cầu sự giải thoát an vui, chớ không phải tìm lối khổ. Đối với hành động tàn hại đó, ta phải xót thương tha thứ, nhu hòa nhẫn chịu và xem mọi việc đều hư huyễn không không. Nên nhớ lời cổ nhơn: “Lửa sân si tam độc, đốt hết rừng công đức. Muốn hành Bồ Tát đạo, giữ thân tâm nhẫn nhục.”

Từ bi là nước tịnh mát mẻ, rưới tắt lửa phiền não. Nhẫn nhục là áo giáp bền chắc ngăn tất cả mũi tên độc. Pháp không là ánh sáng phá tan khói mù tối tăm. Biết dùng ba điều này để dứt trừ sân hận, tức đã vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai vậy.

Tiết 38 Cách Đoạn Tuyệt Thị Phi

Hàng phàm phu vì chưa chứng vào chân tâm bình đẳng, còn ranh giới phân biệt giữa ta và người, nên trong đời sống, sự hơn thua phải quấy khen chê có đến muôn ngàn, không ai tránh khỏi. Dù cho chư Phật Bồ Tát vì lòng đại bi thị hiện giữa cõi trần để độ sanh, cũng phải chịu cảnh thị phi thương ghét. Cổ ngôn có câu:

Thùy nhơn bối hậu vô nhơn thuyết.
Na cá nhơn tiền bất thuyết nhơn!

Lời này ý nói: “không có ai chẳng bị kẻ khác chỉ trích chê bai sau lưng, nhưng ở trước mặt người ta không nói ra mà thôi.” Đây là câu thành ngữ xác thật, do sự kinh nghiệm của người xưa.

Những sự thị phi làm cho hành giả, nếu không sáng suốt bình tỉnh, nhiều khi phải xao động sanh phiền não, rất chướng ngại cho đường tu. Cho nên ở đây nêu ra vấn đề này để tìm cách phá giải. Muốn dứt trừ thị phi, phải y theo ba sự kiện:

* Điều thứ nhứt: phải xét sửa lỗi mình, đừng nhìn nói lỗi người. Ví như con trâu đen thấy cò trắng đứng trên mình thì để yên; khi con quạ bay đến đậu lại lấy sừng quơ đuổi; nó không ngờ mình còn đen nhiều hơn con quạ. Phàm phu cũng thế, thích lời khen, ghét tiếng xấu, ưa bươi móc điều dở của người, không dè mình cũng nhiều lỗi lầm, chẳng có chi là tốt đẹp! Cho nên nguyên tắc của người tu là phải tự phản tỉnh xét sửa lấy mình, đừng nên nhìn nói điều dở của người . Xét sửa lỗi mình thì càng ngày càng sáng, nhìn nói lỗi người tất càng gây thêm việc trái oan.

* Điều thứ hai: khi bị sự thị phi khinh báng, nên an nhẫn, đừng tìm cách biện minh. Ví như tờ giấy trắng bị vết mực làm lem, cứ để yên, nó chỉ dơ một chỗ đó rồi lần lần phai nhạt; nếu lấy đồ lau chùi, tất sẽ hoen ố cả toàn diện. Luận Niệm Phật Bảo Vương Tam Muội nói: “Bị oan ức chớ cầu biện minh, nếu biện minh tất oán hận càng sanh.” Bởi người đã cố tâm nói xấu, ta biện minh tức là cho kẻ đó nói sai, dĩ nhiên sẽ sanh sự oán thù tranh cãi, mà vô tình lại làm cho quần chúng hay biết, và để ý nghi ngờ mình. Thông thường, người mới tu hay thấy mình phải kẻ khác quấy. Người tu hơi lâu, thấy mình và kẻ khác đều có phải có quấy. Người tu càng lâu, duy chỉ thấy mình quấy. Tại sao thế? – Bởi khi việc khinh báng xảy ra, nếu hiện tại mình không sai quấy tất kiếp trước cũng lỗi lầm, nên đời nay phải chịu quả. Giả sử kiếp trước ta không có biệt nghiệp trực tiếp gây nên lỗi, thì cũng do cộng nghiệp tội ác, mới đồng sanh trong cõi ngũ trược này. “Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.” Lời của cụ Nguyễn Du nói, cũng thầm hợp với lý đạo.

* Điều thứ ba: người tu phải giữ vững lập trường, tin chắc lý nhân quả, đừng xao động vì tiếng hay dở bên ngoài. Kinh Pháp Cú nói: “Ngọn núi cao đứng vững giữa cơn giông tố. Người chân chánh an nhiên giữa tiếng thị phi.” Tất cả tiếng khen chê bên ngoài không làm cho ta tốt hoặc xấu, siêu hay đọa, mà tốt xấu siêu đọa đều do nơi ta. Nếu ta gây nhân lành dù người có khinh là xấu xa tội ác, ta vẫn được siêu thăng. Trái lại, ta gây nhân ác, tuy người quí trọng ngợi khen, ta vẫn phải chịu đọa lạc. Do hiểu lẽ này, một thiền sư Việt Nam đã viết ra những lời thi ý tứ rất thanh tân siêu thoát:

Thị phi ngôn trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn!
Hoa lạc, vũ tinh, sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

Tạm dịch:
Thị phi tiếng rụng theo hoa sớm
Danh lợi lòng băng với bão đêm!
Mưa tạnh, hoa rơi, non vắng vẻ
Chim kêu xuân lại quá bên thềm.

Đừng quan tâm đến danh lợi thị phi, hãy để cho nó rơi theo hoa sớm, lạnh với mưa đêm, rồi tan biến lần lần. Kìa một tiếng chim kêu, một mùa xuân đã qua, sao ta không lo tu tập?

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.