Vài Cảm Nghĩ Của Một Người Học Phật Về Thập Quảng Đại Hạnh Của Đức Phổ Hiền Bồ Tát

Hơn bảy năm nay từ khi mỗi ngày Tự thệ phát Bồ đề Tâm trước Chư Phật 10 phương tôi đã giữ mãi một tâm niệm là khi nào có dịp tán dương và tuỳ hỷ công đức của bất cứ Chư Phật, Bồ Tát hay một vị Cao Tăng hoặc các vị Chư Tôn Thiền Đức hãy cố gắng với sức mình để bày tỏ cùng đại chúng.

Và lần nào tôi cũng hoan hỷ ngồi trước bàn Phật khấn thầm ” Kính xin chư Phật xoa đầu con để con có thể dùng chút sức mọn tài hèn của mình để bộc bạch nỗi lòng “.

Trước bệ thờ ngưỡng mong Phật minh chứng
Xưng tán Công Đức , Hạnh Nguyện các Ngài
Lòng tịnh tín không lay chuyển kính tỏ bày
Vượt thát lầm mê nhanh khi vừa mộng tỉnh ( HH )

May mắn thay cứ mỗi lễ vía khi thì vài câu thơ, lúc thì một vài trang văn tôi đã có thể Xưng Tán tất cả hạnh nguyện của Chư Vị Bồ Tát và hôm nay nhân dịp Vía Đức Phổ Hiền Bồ Tát ( 21 tháng hai âm lịch ) kính xin phép các bạn đọc bốn phương cho phép tôi được trình bày vài cảm nghĩ của mình về Thập Quảng đại hạnh của Ngài mà chúng ta thường tụng trong mỗi lần Sám hối Hồng danh bạn nhé !

Tôi nhớ mãi trong phẩm thứ 28 của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Cố HT Thích Chơn Thiện đã luận giải như sau: ” Bồ Tát Phổ Hiền là vị Bồ Tát chung cho mọi chúng sinh luôn luôn có mặt khắp nơi để khích lệ che chở cho người tu tập kinh Pháp Hoa “.

” Đây là biểu tượng của sức mạnh ý chí, thực hiện giải thoát có mặt trong tâm thức hành giả có thể gọi đây chính là năng lực Tinh Tấn. Với sự khuyến phát tức là sự cổ vũ, động viên an ủi, khích lệ thì nơi nào có Bồ Tát Phổ Hiền đi ngang qua là nơi đó có sự chuyển động, nở hoa và trỗi nhạc. Hoa Giải Thoát sẽ nở rộ và nhạc Giải Thoát sẽ trỗi lên theo từng bước đi tu tập của hành giả. “

Tôi cũng học được thêm lời giải của Ngài Nikkyo Niwano như sau: ” Nếu Sư Tử được gọi là Vua của các loài thú tượng trưng cho SỰ THỂ NGHIỆM CHÂN LÝ của Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ tát thì Voi trắng sáu ngà của Bồ Tát Phổ Hiền đại diện cho NĂNG LỰC THI HÀNH. Voi chúa trắng 6 ngà còn tượng trưng cho sự thực hành rốt ráo của 6 sự toàn hảo ( Lục độ Ba la mật ) “. Giáo lý Ba La mật dạy ta phải thực hành chẳng những lợi ích cho chính mình mà còn cho tất cả những người khác.

Còn HT Thích Nhất Hạnh thì ” Chúng con xin học theo hạnh của Ngài là biết đem con mắt và trái tim đi vào cuộc sống
Chúng con biết mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi cử chỉ, mỗi nụ cười đều có thể đem lại hạnh phúc cho người “
.

Còn như những ai đã học Kinh Hoa Nghiêm đều biết Phổ Hiền Thập Quảng Đại nguyện hạnh chính là dùng để tán thán công đức thù thắng của Như Lai trong Hải Ấn Tam Muội.

Nhưng có sự sắp đặt diệu kỳ của Bắc Tông Đại Thừa là hai ngày lễ vía của Đức Quan Thế Âm và Ngài Phổ Hiền lại rất gần nhau chỉ cách có hai ngày. Như vậy phải chăng với biểu tượng của Quan Thế Âm Bồ Tát là Từ Bi thì phải theo sau là biểu tượng của một ĐẠI HẠNH thục tiền của Ngài Phổ Hiền thì ta mới kết tập được một sức mạnh tâm linh và hướng dẫn được hành vi của mình.

Và như vậy điều quan trọng là cách chúng ta phải sống cuộc sống hàng ngày của mình ra sao ? Chúng ta có khả năng yêu thương được mọi người hay không đó mới là điều quan trọng.

Vì tất cả mọi mặt trong cuộc sống của chúng ta đều có liên quan mật thiết với nhiều người khác và một tình thương đẹp phải là một tình thương trong đó có sự hiện diện của lòng hy sinh.

Đó chính là giải thoát được những xiềng xích của Ngã và Ngã sở, là sự đổ vỡ của thế giới hữu ngã, là sự vắng mặt của Tham, Sân, Si.

Do vậy với 10 đại nguyện của Phổ Hiền Bồ tát:

” Nhất giả lễ kính Chư Phật,
Nhị giả Xưng tán Như Lai,
Tam giả quảng tu cúng dường,
Tứ giả sám hối nghiệp chướng,
Ngũ giả tuỳ hỷ công đức,
Lục giả thỉnh chuyển pháp luân,
Thất giả thỉnh Phật trụ thế,
Bát giả thường tuỳ Phật học,
Cữu giả hằng thuận chúng sinh,
Thập giả phổ giai hồi hướng.

Tôi đã bắt đầu thật chậm với Nhất giả và Nhị giả để đạt cho được lý tưởng cao siêu nhất và sự thành dạt cao nhất về tâm linh bằng sự niệm tưởng các phẩm chất của Đức Phật. Từ lâu tôi đã học qua các Chư Tôn Đức rằng ” Yêu mến và kính tin Phật là việc làm có ý nghĩa nhất bởi vì Ngài hiện thân cho mục đích của chúng ta ( chúng ta sinh ra để học hỏi và phát triển trí tuệ nhưng để làm được việc đó chúng ta phải có một tấm lòng rộng mở và một nội tâm cao thượng ) “.

Đức Phật còn là bậc Đạo Sư của chúng ta. Một khi chúng ta càng hiểu nhiều về Đức Phật và càng kính yêu Ngài thì tất cả những điều còn lại đều nằm trong pháp hành của chúng ta và cuộc sống này luôn là tịnh lạc và thế giới Ta Bà chính là cõi Tây Phương của Đức Phật Di Đà hay Cõi Tịnh Diệu của Ngài Phổ Hiền bạn nhỉ !

Nhân lễ vía Đức Thập Quảng Đại Nguyện Vương Phổ Hiền Bồ Tát kính xin được dâng lên Ngài vài vần thơ xưng tán như sau:

Lời xưng tán đến Đức Phổ Hiền Bồ Tát
Con ngưỡng mong một ngày thiêng liêng nào đó,
Bất khả tư nghỉ Ngài giảng pháp trong mơ…
Nghĩa thâm sâu từ lâu chưa hiểu bao giờ,
Nay khai mở được nhờ niềm tin tịnh tín !

Đây chân lý vi diệu con hằng trân kính,
Năm vóc gieo đảnh lễ khắp mười phương
Quy hướng một lòng Thập Quảng Đại Nguyện Vương.
Phát tâm Bồ Đề, thực hành Thanh Tịnh Đạo !

Lời xưng tán dù vẫn chưa hoàn hảo …
Quy y rồi Tâm sẽ truyền Tâm,
Lĩnh hội thông đạt giáo lý thậm thâm.
Ngày thiêng liêng ấy dù phải chờ hàng vạn kiếp!

Nam mô Thập Quảng Đại Nguyện Vương Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát!

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.