Ý Nghĩa Tu Tập Bát Quan Trai Giới

BÁT QUAN TRAI GIỚI

A. MỞ ĐỀ:

Giáo pháp của Đức Thế Tôn thuyết giảng gồm có 84.000 pháp môn nhưng không ngoài ba pháp môn chính là “Giới, Định và Tuệ”.Trong ba môn học nầy thì giới là phần quan trọng, vì giới là nền tảng phát sanh định và tuệ. Nhờ có giới tâm mới được định, tâm định thì huệ mới phát sanh, huệ phát sanh mới dứt trừ được vô minh phiền não, vô minh phiền não có dứt trừ mới minh tâm kiến tánh và thành Phật. Nhưng giới cũng có nhiều thứ, có thứ cao, thứ thấp, có thứ áp dụng cho hàng xuất gia, có thứ áp dụng cho hàng tại gia Trong hàng xuất gia thì Sa di chỉ giữ 10 giới, Tỳ kheo giữ 250 giới, Tỳ kheo ni giữ 348 giới. Còn về Phật tử tại gia thì có Tam quy, Ngũ giới, Bát quan trai giới, Bồ tát giới. Trong đó Bát quan trai giới là Pháp tu thông dụng cho các hàng Phật tử tại gia. Vậy Bát quan trai giới là gì?

Bát quan trai giới là phương pháp tu hành của người tại gia áp dụng trong một ngày một đêm ( 24 giờ ).

B. CHÁNH ĐỀ:

I. Định nghĩa:

Bát quan trai giới, Pàli ngữ Uposatha Sila, Hán dịch là Cận trú giới, Cộng trú giới, Bát giới, Thiện trú giới … Thọ trì và tu tập Bát quan trai giới có từ thời Thế Tôn còn tại thế.

II. Duyên khởi và tu tập bát quan trai: Duyên khởi của việc tu tập Bát quan trai giới do sự phát nguyện tu học của nữ cư sĩ Visàkha. Theo Kinh Tăng Chi Bộ I, lúc Phật trú ở thành Savatthi, tại Pubbarama, nữ cư sĩ Visàkha trong ngày Bố tát đi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Đức Phật hỏi nữ cư sĩ có duyên sự gì mà đến tu viện sớm như vậy ? Nữ sư sĩ thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con thọ trì trai giới.Nhân lời thưa của nữ cư sĩ, Thế Tôn nói về ba loại trai giới: trai giới của người chăn bò, trai giới của Niganthà (Phái Lõa thể) và trai giới của bậc Thánh.

1. Này Visàkha, thế nào là trai giới của người chăn bò ? Ví như kẻ chăn bò, buổi chiều lùa bò về cho chủ, suy nghĩ rằng : “Hôm nay các con bò đã ăn cỏ và uống nước ở chỗ này. Ngày mai sẽ ăn cỏ và uống nước ở chỗ kia”. Cũng vậy, này Visàkha, có người giữ trai giới mà suy nghĩ : “Hôm nay, ta đã ăn loại thức ăn cứng và mềm này. Ngày mai, ta sẽ ăn các loại thức ăn cứng và mềm kia”. Như vậy, người ấy suốt cả ngày sống đồng hành với tâm tham dục, chẳng khác nào suy nghĩ của người giữ bò nên gọi trai giới của người ấy là trai giới người chăn bò.

2. Này Visàkha, trong ngày trai giới, các tu sĩ của phái Niganthà khuyến khích các đệ tử của họ như sau : “Này các ngươi, hãy quăng bỏ tất cả quần áo và nói như sau : Ta không có bất cứ vật gì, bất cứ chỗ nào, bất cứ ở đâu. Bất cứ vật gì, bất cứ chỗ nào, bất cứ ở đâu không có cái gì là của ta”. Được sống và thực hành như vậy, này Visàkha, trai giới của các Niganthà không có quả lớn, không có lợi ích lớn.

3. Và này Visàkha, trai giới của bậc Thánh là làm thanh tịnh nội tâm uế nhiễm với phương pháp thích nghi. Trong ngày trai giới, vị Thánh đệ tử niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí và niệm Thiên. Nhờ niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới… mà tâm phát sinh niềm thanh tịnh, các cấu uế phiền não nơi tự tâm lắng xuống và bị đoạn tận.

Này Visàkha, trong ngày trai giới, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: “Cho đến trọn đời, các vị Thánh đệ tử không sát sinh, không trộm cướp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không ăn phi thời, không ca hát và xem nghe cùng xoa ướp dầu thơm, không nằm giường cao và rộng lớn. Cũng vậy, ngày nay và đêm nay, ta cũng từ bỏ, không sát sinh, không trộm cướp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không ăn phi thời, không ca hát và xem nghe cùng xoa ướp dầu thơm, không nằm giường cao và rộng lớn. Ta theo gương các vị A-la-hán, sẽ thực hành trai giới”.

Như vậy, này Visàkha, đây là Thánh trai giới, thực hành Thánh trai giới có quả lớn và có lợi ích lớn, đưa người thọ trì trai giới đi đến quả Thánh.Xuất phát từ việc phát tâm thọ trì trai giới của nữ cư sĩ Visàkha, Phật chế định Bát quan trai giới và pháp thức này được truyền trì cho đến ngày nay.

Muốn phát tâm thọ trì Bát quan trai giới, trước hết người thọ phải đầy đủ nhân cách của hàng Phật tử tại gia, tức đã quy y Tam Bảo và giữ gìn năm giới (Cận sự giới). Vì rằng nếu chưa thực hành đầy đủ các chi phần của Cận sự giới thì người ấy chưa đủ đức tin và lòng ái kính Tam bảo để tiếp nhận và lãnh thọ Cận trú giới hay Bát quan trai giới. Càng không thể thọ Cận trú giới khi chưa lãnh thọ Cận sự giới vì giới thể của biệt giải thoát luật nghi không đủ cơ sở để thành tựu.

Vì thế, trong nghi thức thọ Bát quan trai trước khi truyền Bát giới bao giờ cũng phải kinh qua pháp thọ trì Tam quy để đầy đủ tư cách tiếp nhận giới thể của Cận trú giới.Mặt khác, theo pháp thức thọ giới Bát quan trai thì bắt buộc phải thỉnh ít nhất một vị Tỳ-kheo để làm giới sư truyền giới. Giới sư ngồi ở vị trí cao, truyền giới và giới tử phải ngồi ở vị trí thấp hơn, lãnh thọ giới. Việc tiếp nhận giới Bát quan trai không như Cận sự giới (Năm giới) có thể tiếp nhận một trong năm chi phần mà bắt buộc phải lãnh thọ trọn vẹn tám chi phần. Nếu không thọ đủ tám chi thì Cận trú giới bất thành. Truyền và thọ Bát giới nếu không đúng pháp thức như trên thì giới thể vô biểu của Cận trú không thể phát sinh và không đủ khả năng phòng hộ cho người thọ viên mãn Cận trú giới. Không có trường hợp tự thọ giới Bát quan trai.

Do đó, nếu địa phương của các Phật tử chưa có chùa và Tăng Ni thì muốn thọ Bát quan trai phải đi đến nơi khác đầy đủ các điều kiện như đã nêu để lãnh thọ và tu tập.Người Phật tử phát nguyện thọ giới và tu tập Bát quan trai là từng bước tập sự, sống phạm hạnh theo đời sống của người xuất gia. Công đức tu tập của việc thọ trì Bát quan trai trong một ngày một đêm rất lớn.
Vì rằng, người tu tập Bát quan trai giới tuy lấy tịnh hạnh làm cốt lõi, thú hướng đến tịch tịnh của Niết-bàn nhưng chỉ vỏn vẹn trong một ngày một đêm.

Ngoài thời gian ấy ra, họ vẫn đứng trên nền tảng trau dồi chánh hạnh và phụng sự Tam bảo của người Phật tử. Trong khi đó, người xuất gia đã hoàn toàn ly dục, sống trọn đời phạm hạnh, nỗ lực hàng phục phiền não, hướng tới đời sống giải thoát hoàn toàn của một vị Thánh A-la-hán. Như vậy, trên nguyên tắc, cùng một thời gian là một ngày một đêm dù là người Phật tử tu tập Bát quan trai trọn vẹn, công đức của họ vẫn không thể sánh với công đức của người xuất gia.

III. Lợi ích tu Bát Quan Trai:

Nếu quý Phật tử tu tập thọ trì Bát Quan trai giới thì được nhiều sự lợi ích lớn, như trong Kinh Tăng Chi phẩm “Những Ngày Trai Giới” Đức Phật có dạy: “Này các Tỷ kheo, ngày trai giới, thành tựu tám chi phần được thật hành như vậy, thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn, có biến mãn lớn. Đến như thế nào là quả lớn? Đến như thế nào là lợi ích lớn? Đến như thế nào là rực rỡ lớn? Đến như thế nào là biến mãn lớn? Ví như, này các Tỷ kheo, có người áp đặt chủ quyền cai trị trên mười sáu quốc độ lớn này tràn đầy bảy báu, như Anga, Magadha, Kàsì, Kosala, Vajjì, Mallà, Cetì, Vamsà, Kurù, Phancàlà, Mácchà, Sùrasenà, Asskà, Avantì Gandhàrà, Kambojà. Nhưng chủ quyền ấy không bằng một phần mười sáu của một ngày trai giới thành tựu tám chi phần. Vì cớ sao? Nhỏ nhoi, này các Tỷ kheo, là chủ quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư thiên.Năm mươi năm của một đời người, này các Tỷ kheo, bằng một đêm một ngày của chư thiên bốn thiên vương. Ba mươi đêm của một đêm ấy làm thành một tháng, mười hai tháng của tháng ấy làm thành một năm. Năm mươi năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên Bốn thiên vương. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ kheo : “Ở đây có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi thực hành trai giới thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên Bốn thiên vương”. Do vậy, Ta nói : “Nhỏ nhoi thay là chủ quyền của loài Người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên”.Một trăm năm của một đời người, này các Tỷ kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng. Mười hai tháng của tháng ấy làm thành một năm. Một ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: “Ở đây có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi thực hành ngày trai giới thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên cõi trời Ba mươi ba”. Do vậy, Ta nói: “Nhỏ nhoi thay là chủ quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên”.Hai trăm năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một ngày một đêm của chư Thiên ở cõi trời Yàma. Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng… làm thành một năm. Hai ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên ở cõi trời Yàma. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo:“Ở đây… được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Yàma”. Do vậy, Ta nói… với hạnh phúc chư Thiên.Bốn trăm năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên ở cõi trời Tusità (Đâu-suất-đà). Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng, ba mươi tháng của tháng ấy làm thành một năm. Bốn ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên ở cõi trời Tusità. Sự kiện này có xảy ra… với hạnh phúc chư Thiên.Tám trăm năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên ở cõi trời Hóa Lạc. Tám ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên ở cõi trời Hóa Lạc. Sự kiện này có xảy ra… với hạnh phúc chư Thiên.
Mười sáu trăm năm của một đời người, này các tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng. Mười hai tháng của tháng ấy làm thành một năm. Mười sáu ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: “Ở đây có người đàn bà hay người đàn ông, sau khi thực hành ngày trai giới, thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Tha Hóa Tự tại”. Do vậy, Ta nói : “Nhỏ nhoi thay là chủ quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên”.

C. KẾT LUẬN:

Như chúng ta thấy qua bài kinh trên Đức Phật dạy về sự lợi ích của người thọ trì Bát Quan trai là pháp tu vô cùng quý báu cho hàng cư sĩ tại gia. Trong thời gian tu hành ấy, thân, khẩu và ý của người thọ giới hoàn toàn thanh tịnh, tuy chỉ có 24 giờ mà còn cao quý hơn cả đời người không biết tu hành. Tuy lượng rất ít mà phẩm lại nhiều vô cùng. Do đó, quý Phật tử cần nên tinh tấn mà thọ trì Bát Quan trai giới, để sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi trời hưởng được nhiều phúc lạc.Trong kinh Ưu Bà Tắc Giới, Phật dạy Sujàta: “Công đức tu tập trai giới là không thể nghĩ bàn, tất cả mọi tội ác đều tiêu diệt, chỉ ngoại trừ tội ngũ nghịch”. Ngài còn dạy, người nào thọ trì Bát quan trai giới, người ấy sẽ được niềm vui vô lượng của cõi trời và cõi người. Luận Đại Trí Độ khuyên người thọ trì Bát quan trai giới nên phát Bồ-đề tâm mà tu tập. Vì dù chỉ tu tập trai giới trong một ngày một đêm nhưng với tâm nguyện rộng lớn vô biên thì cũng hơn tu tập cả đời với tâm hữu hạn.Như vậy, công đức tu tập Bát quan trai giới rất lớn, nhưng trọng tâm vẫn là phước báo nhân thiên, chứ chưa đặt nặng vấn đề giải thoát sanh tử, thành tựu phạm hạnh của bậc Thánh A-la-hán như người xuất gia. Và tất nhiên, công đức tu tập Bát quan trai giới trong một ngày một đêm không thể nào sánh bằng công đức tu tập của chư vị Tôn túc trong một năm.

Tuệ Giác – Tịnh xá Lộc Uyển

Theo tinhxalocuyen.net

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.