Nguồn Sinh Lực Đạo Phật Qua Trung Bộ Kinh

Đức Phật không phủ nhận có lạc thọ trong đời sống tại gia, cũng như có lạc thọ cho người xuất gia; có hạnh phúc do tiền tài sắc đẹp, danh vọng đem lại, nhưng cũng có hạnh phúc do đời sống giải thoát xuất trần. Nhưng trong mỗi thứ cảm thọ ấy, đức Phật khuyên chúng ta nên phân tích, hiểu rõ ba điều: vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly. Khi mắt tiếp xúc sắc đẹp, ta cảm thấy dễ chịu, đó là vị ngọt của sắc khiến ta phát sinh lòng ham muốn đối với nó. Nhưng khi ham muốn ấy suy yếu, nghĩa là khi hết ham, hoặc khi nó bị cản trở, thì đấy là sự nguy hiểm của sắc, vì nó làm chúng ta đau khổ. Nếu khi tiếp xúc với sắc pháp, chúng ta biết rõ nó là vô thường nên không phát sinh ưa muốn, thì đấy là sự xuất ly đối với sắc. Ví dụ một người thấy người khác mặt mũi xinh đẹp, càng nhìn càng ưa, đấy là thấy vị ngọt của sắc. Nếu chưa học Pháp, người ấy đi từ sự ưa thích đến ái luyến, mong chiếm hữu làm của riêng mình mà không được nên sinh ra sầu khổ cay đắng ê chề khi thấy sắc đẹp kia ngoài tầm mình với tới: đó là nguy hiểm của sắc. Phàm phu là vậy, chỉ có đi từ vị ngọt đến nguy hiểm vì không biết có một con đường thứ ba. Nếu có học Pháp, người ấy sẽ nghiền ngẫm chân lý Phật dạy: sắc là vô thường, luôn luôn biến đổi để đi đến hủy diệt. Lại nữa sắc chỉ là thứ ngoài da, còn tính xấu nằm trong xương tủy; ham cái vẻ ngoài của một người khi chưa biết gì đến những thói xấu nết tốt của họ là một điều nguy hiểm. Thấy vậy bèn hết mê đắm; mặc dù vẫn còn thấy đẹp nhưng hết ham, không đến nỗi chết mệt vì sắc, chỉ nhìn mọi vẻ đẹp như nhìn cái ráng cầu vồng: đấy gọi là xuất ly.

Đối với người xuất gia, vị ngọt của cảm thọ là “vô hại tầm” ở cảnh giới sơ thiền, một trạng thái hỉ lạc do ly dục sanh, không còn tâm sân hận. “Này các tỷ kheo, trong khi vị tỷ kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú sơ thiền, có tầm có tứ, trong khi ấy, vị này không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai… vị ấy cảm thọ một cảm thọ vô hại. Này các tỷ kheo, tối thượng vô hại ấy ta nói là vị ngọt của cảm thọ (Kinh Đại khổ uẩn 13, Trung Bộ Kinh I). Sự nguy hiểm của cảm thọ là tính vô thường, biến đổi của cái cảm thọ vô hại này. Mặc dù cảm thọ vô hại là một hạnh phúc tối thượng so với dục lạc thế gian, nhưng nó cũng ở trong khổ uẩn vì vẫn còn chịu sự chi phối của vô thường, biến dịch. Do đó, sự xuất ly cũng cần thiết: ấy là không tham đắm, chấp trước cảm thọ ấy. Chính vì tham đắm vị ngọt của thiền lạc mà người tu thiền không thể tiến thêm, bị lạc vào hóa thành, một niết bàn giả tưởng. Quá trình tu tập là một quá trình giảm trừ đến chỗ cứu cánh: lên đến tứ thiền, thì cả tầm, tứ, hỉ, lạc đều bỏ, chỉ còn lại xả niệm thanh tịnh.

Ở một kinh khác, kinh Sợ hãi và khiếp đảm (Trung Bộ Kinh I) chúng ta được nghe đức Phật trình bày rốt ráo nguyên nhân nỗi sợ hãi âm thầm đè nặng trên tâm thức con người muôn thuở. Chúng ta sợ đủ thứ: sợ chết, sợ khốn khổ, sợ đói rét, sợ uy quyền, sợ cô độc, sợ bị chê bai chỉ trích, và trên tất cả, hình như chúng ta rất sợ sự thật. Vì sợ hãi chúng ta lao mình vào công việc làm ăn, vào các thú tiêu khiển, lập gia đình, gia nhập các đoàn thể, nỗ lực tạo mãi tiền của, danh vọng, tri thức, tài khéo, cốt làm sao để chứng minh mình không phải là một con số không dưới mắt mọi người và nhất là dưới mắt mình. Nhưng cảm giác khó chịu về số không vẫn còn mãi đấy. Càng lao tâm lao lực, cuộc sống chúng ta càng bận rộn chừng nào, với càng nhiều bạn bè sở hữu, quyến thuộc chừng nào, chúng ta càng thấy rõ sự nghèo nàn cô độc vô vị trống rỗng của nó chừng nấy, khi mà chúng ta bắt buộc một mình đối diện với cuộc tử sinh của chính mình. Vì sợ hãi, chúng ta tạo ra những thần linh bất diệt để có thể đặt niềm tin tưởng của chúng ta vào đấy, để có chỗ bám víu ở giữa một thế giới đầy dẫy những lọc lừa tráo trở. Rồi chúng ta gán cho thần linh ấy đủ các tính xấu của chúng ta, nghĩa là cũng đầy ngã chấp nhỏ nhen, có thể rất từ bi với một tín đồ trung kiên, nhưng cũng có thể rất độc ác với kẻ nào phản bội. Tuy vậy, chúng ta thà có một tín ngưỡng bất toàn hơn không có gì cả. Voltaire nói: “Nếu Thượng đế không thật có, thì cũng cần phải tạo ra một Thượng đế.”. Như những con cừu nằm xích lại gần nhau để tìm hơi ấm, chúng ta cũng ưa quần tụ, gia nhập hội này đoàn nọ, vì không thể chịu được mặc cảm cô đơn. Chúng ta nói tiếng nói của tập thể, ưa thích và lựa chọn giống như sự ưa thích và chọn lựa của mọi người, để khỏi bị xem là “không giống ai”. Quả thế, vì sợ hãi cô độc, chúng ta thà làm một con cừu ngoan ngoãn trong bầy cừu ấm áp hơn là làm một vì sao cô độc trên nền trời giá băng.

Đức Phật không chấp nhận những giải pháp tạm bợ mà chúng ta thường dùng để đối trị nỗi sợ hãi âm thầm ngự trị trong ta. Ngài đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, tìm những nguyên nhân sâu xa của nó để có thể nhiếp phục sợ hãi. Những nguyên nhân ấy theo lời đức Phật dạy, là những thói xấu cố hữu trong ta như tham, sân, si, hôn trầm, thụy miên, giao động, hoài nghi, khen mình chê người, lười biếng thất niệm, hanh danh lợi, thân nghiệp, khẩu nghiệp, ‎ý nghiệp không thanh tịnh, mạng sống không thanh tịnh: “Này các tỷkheo, những vị Sa môn, Bà la môn nào có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp không thanh tịnh, có mạng sống không thanh tịnh, những tôn giả Sa môn hay Bà la môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có mạng sống không thanh tịnh… Ta tự quán sát mạng sống hoàn toàn thanh tịnh này, cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn khi sống trong rừng núi.”

“Này Bà la môn, những Sa môn hay Bà la môn nào có tâm sân hận, ác ý, sống tại các trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu…những tôn giả Sa môn hay Bà la môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi khiếp đảm bất thiện khởi lên…Những Sa môn hay Bà la môn nào giao động, tâm không an tịnh, những Sa môn, Bà la môn nào còn ham muốn lợi danh, tiếng tăm…những Sa môn, Bà la môn nào thất niệm, không chú ý…những Sa môn, Bà la môn nào không có tâm định tĩnh, tâm bị tán loạn mà sống tại các trú xứ vắng trong rừng núi hoang vu…những tôn giả Sa môn, Bà la môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi khiếp đảm bất thiện khởi lên…” (Kinh Sợ hãi và Khiếp đảm, Trung Bộ Kinh I)

Một trong những phản ứng thông thường của chúng ta trước sự sợ hãi là chạy trốn: “tẩu đào vi thượng sách”. Sự chạy trốn mang nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta trốn vào trong những cuộc vui, trốn vào trong những công việc, hội hè đình đám, đoàn thể, bạn bè, để khỏi phải đối mặt với hư vô và với chính mình: ngồi thiền sở dĩ rất khó khăn là vì thế, chúng ta phải đối diện với chính mình trong khi độc cư thiền tịnh. Chỉ có những bậc giác ngộ mới có thể sống hoàn toàn cô độc, đối diện với chính mình mà không phát sinh cảm giác khó chịu, trái lại cảm nhận một lạc thọ, hạnh phúc thuần túy. “Này chư hiền, ta có thể không di động thân thể, không nói lên một lời, sống cảm giác thuần túy lạc thọ luôn trong một ngày một đêm… luôn trong hai ngày hai đêm… Cho đến luôn trong bảy ngày bảy đêm… ” (Kinh Tiểu khổ uẩn). Như người ca kỹ trong thơ Xuân Diệu ngày xưa, nỗi sợ hãi lớn nhất của ta là phải chạm mặt với chính mình: “Chớ để riêng em phải gặp hồn em”:

 “Em sợ lắm giá băng tràn mọi nẻo

Trời đầy trăng lạnh lẽo buốt xương da.”

Cái “không vô biên” ấy thật là dễ sợ, nó có thể làm chúng ta chết ngạt trong đó như một phi hành gia chết rũ khi bay ra ngoài quỹ đạo của trái đất.

Đức Phật đối trị sợ hãi bằng cách nhìn thẳng vào nó, không trốn chạy vào một việc làm khác, một tư thế khác, một thái độ khác như lối xử sự thông thường của chúng ta, “Này Bà la môn, trong bất cứ hành vi, cử chỉ nào của ta mà khiếp đảm sợ hãi xảy đến, thì ngay trong hành vi cử chỉ ấy, ta diệt trừ nỗi sợ hãi khiếp đảm…Trong khi đi kinh hành qua lại, mà sợ hãi khiếp đảm đến, thì ta không đứng, không ngồi, không nằm mà ta diệt trừ sợ hãi khiếp đảm ấy ngay trong khi ta đang kinh hành qua lại.” (Kinh Sợ hãi và khiếp đảm).

Do sợ hãi, chúng ta thường bóp méo sự thật cho nó hợp với sở thích của chúng ta, như người điên trong tập Cuồng nhân nhật ký của Gogol luôn luôn tưởng tượng mọi sự đều tốt đẹp, có ảo tưởng rằng mình là hoàng đế và nhà thương điên là cung điện. Đức Phật không thế. Đối với Ngài sự thật là sự thật, dù nó xấu xa hay đẹp đẽ, cần phải được thấy đúng như bản chất của nó: “Này Bà la môn, có một số Sa môn, Bà la môn nghĩ rằng ngày là đêm, đêm là ngày. Ta nói những Sa môn, Bà là môn ấy sống trong si ám…Ta nghĩ rằng đêm là đêm, ngày là ngày”. Chúng ta nhớ đến một câu trong kinh Pháp cú, đức Phật dạy:

“Nó đánh tôi, mắng tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi,
Ai ôm hiềm hận ấy,
Oán thù không thể nguôi.”

Một điểm đáng lưu ý ở đây là đức Phật không dạy chúng ta nên tưởng tượng sự lăng mạ thành ra sự ngợi khen hay tưởng tượng sự đánh đập thành ra sự ve vuốt. Ngài chỉ dạy đừng ôm giữ tâm niệm ấy nghĩa là hãy xả bỏ, cho qua để khỏi rước thêm khổ, tự hại mình: Một lời khuyên thực tiễn, khôn ngoan.

Trong kinh Ví dụ cái cưa, đức Phật dạy tỷ kheo theo dù có bị cưa xẻ thân thể ra từng mảnh từng đoạn, cũng đừng ôm lòng sân hận mới đúng là đệ tử của Ngài. Nếu ta chấp chặt từng lời từng chữ thì thấy lời dạy này thật khó mà thực hành. Kỳ thực lời dạy này rất thâm thúy hiểu theo nghĩa bóng: Dù không ai cưa xẻ, cái cưa Vô thường cũng đang cưa xẻ thân ngũ uẩn này từng giây từng phút cho đến khi nó hoàn toàn tan thành tro bụi. Vậy thì, còn sống hơi thở nào, hãy sống trong chính niệm, an lạc, đừng nổi sân vì những chuyện bất bình mà chuốc thêm đau khổ trong khi đang bị vô thường cưa dần tới nấm mồ hoặc lò hỏa thiêu.

Không một lời dạy nào của đức Phật là không liên hệ trực tiếp đến việc tìm hiểu con người chúng ta, thân tâm chúng ta, với những vấn đề của nó. Bản chất của dục, nguyên nhân của dục, con đường thoát ra khỏi dục được đề cập một cách chi ly. Sự sống sở dĩ là khổ chính vì con người vốn đã đau khổ vì già, bệnh, chết, lại còn đi chuốc thêm vào mình những cái phải chịu sự chi phối của già, bệnh, chết: sắc đẹp, danh vọng, tài sản. Nếu chúng ta biết ngay trong đời sống khổ đau này, với thân xác khả hoại này, đi tìm, gần gũi, thân cận những cái không già, bệnh, chết, thì đó là ta đã đạt được niết bàn, bất tử ngay trong sinh tử. Cái đó là chánh pháp tối thượng. Cho nên, đức Phật dạy rằng tài sản của người xuất gia là chánh pháp tối thượng này.

Thích Nữ Trí Hải

http://buddhahome.net/phatphap/tongquat/

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.