Để Không Sa Vào Địa Ngục

Nhân ngày vía đắc đạo của Bồ Tát Địa Tạng ( 30- 7 âm lịch ) thử tìm hiểu Ái Thủ Hửu trong Thập nhị nhân duyên hầu hiểu thêm về tiến trình Nhân Quả để không sa vào Địa Ngục.

Nếu ai đã vào tuổi Thu Đông và đã từng trải qua những cơn đau do thấp khớp chắc chắn sẽ hiểu tiến trình tuần tự của được sự Sinh / Diệt của Già, Bệnh, Khổ. Tâm trong tiến trình Thập Nhị Nhân duyên ( nếu hành giả ấy có học qua về Phật Pháp ) lúc bấy giờ hành giả sẽ không muốn bị ràng buộc bởi tham ái hay bất mãn nào cả.. Lúc đó khi ngồi chiêm nghiệm lại cuộc đời mình, hành giả sẽ thốt ra ” Thì ra điều ao ước duy nhất khi đến với cuộc đời này chỉ là sẽ được sống hạnh phúc và chết bình an “.

Và… nhất là có dịp giao hữu mật thiết với người vừa qua đời ta sẽ thấy thấy rõ ràng Luật nhân Quả không bao giờ sai đối với bất kỳ ai, nhân đã gây ra như thế thì nghiệp quả phải thế, và chỉ chuyển hóa khi nào chính ta tự kiểm soát lại thái độ và hành vi của mình qua thân khẩu ý mà thôi !

Chư Tổ đã tìm cách khuyên dạy chúng sinh thật nhiều trong dân gian qua kinh Địa Tạng Bổn Nguyện.

Lễ Vu Lan 2020 ( Phật lịch 2564 ) vì lý do phong tỏa do nạn dịch Covid-19 tôi đã cùng quý Thầy đọc tụng trọn bộ kinh Địa Tạng Bổn Nguyện suốt 4 giờ livestream qua 4 buổi lễ và sau đó dùng hết thì giờ còn lại trong tuần để giải đáp những vướng mắc trong sinh hoạt hằng ngày… những gì mà từ lâu các bạn đồng đạo tôi thường cho tôi là lạc hướng… khi tin vào Kinh Địa Tạng không do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng. Nay thì tôi đã hiểu và đã Thấy…

Nhớ lại ngày hành hương Tứ Đại Danh Sơn năm 2012, được viếng thăm Cửu Hoa Sơn nơi mà ngày nay còn lưu lại nhục thân củaNgài Kim Kiều Giác ( vị Hoàng Tử của nước Tần La được cho là hoá thân của Địa Tạng Bồ Tát ) và hôm nay trong kinh Địa Tạng bổn nguyện, kính xin được tóm tắt về hoá thân và những lời đại nguyện trước khi vào chủ đề “Để không Sa vào Địa Ngục ” khi hiểu rõ Ái Thủ Hữu trong Thập Nhị nhân duyên, các bạn nhé!

Theo đó :

1- Vị Trưởng Giả sau khi có cơ duyên chiêm ngưỡng, đảnh lễ, được sự chỉ dạy của Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai.
Đã phát đại nguyện : ” Từ nay tới tận đời vị lai, tôi vì những chúng sinh tội khổ trong sáu đạo mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng sinh giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật quả “.

2- Người nữ dòng Bà La Môn nhiều phúc đức uy lực nhưng có mẹ không tin nhân quả, đã được Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai độ thoát cho mẹ nên cô đã phát đại nguyện trước Phật như sau : ” Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sinh mắc phải tội khổ, thì tôi lập nhiều phương chước làm cho chúng đó đều được giải thoát “.

3- Vị Vua Từ bi thương dân vào Thủa đức Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai ” Như Tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ được an vi đắc quả Bồ Đề, thời Tôi nguyện chưa chịu thành Phật “.

4- Thiếu nữ Quang Mục vào Thời đức Liên Hoa Mục Như Lai. Đã phát đại nguyện như sau : ” Từ nay nhẫn đến về sau trăm nghìn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà chúng sinh chịu tội khổ nơi địa ngục cùng ba đường ác đạo, Tôi nguyện cứu vớt chúng sinh đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh… những kẻ mặc tội báo như vậy thành Phật cả rồi, sau Tôi mới thành bậc Chính Giác “.

5- Hoàng Tử Kim Kiều Giác (Kim Kyo Gak)
Địa Tạng Bồ Tát đầu thai làm hoàng tử nước Tân La (Triều Tiên ngày nay), sinh vào thời kì Võ Tắc Thiên ( cuối năm Đường Khai Nguyên, tức năm 719, Trung Quốc ), tên là Kim Kiều Giác, xuất gia từ nhỏ. Vì nghe danh của ngài Huyền Trang nên quyết định đến Trung Quốc vào thời Đường Huyền Tông, lên Cửu Hoa sơn tu hành, sau đó xây chùa thu nạp nhiều tín đồ, biến Cửu Hoa Sơn thành một thắng địa Phật giáo cực thịnh đương thời. Năm 99 tuổi, bỗng nghe một tiếng gọi mơ hồ thì biết mình sắp chết liền gọi đệ tử đến dặn dò, rồi ngồi vào trong chum mà viên tịch. Ba năm sau, mở nắp chum ra để an táng, thấy da thịt vẫn còn nguyên, sắc diện như khi còn sống, khi nhấc ra thì các khớp xương dao động thành tiếng lách cách. Phật giáo bảo đó là Bồ Tát truyền thế bèn đem thi thể đặt vào trong tháp, gọi tháp là Địa Tạng Nhục Thân tháp. Nhục Thân tháp còn gọi là Nhục Thân Bảo điện, tọa lạc tại đỉnh Thần Quang/

Và cũng từ kinh Địa Tạng bổn nguyện ta cũng có thể học được những lợi ích như sau.

Lợi ích cuộc sống hiện tại:

1. Những nguyện lớn mau chóng thành tựu.
2. Được trí huệ lớn.
3. Tiêu Trừ Tai Nạn.
4. Thoát Khỏi Hiểm Nguy.
5. Tiêu Trừ Tội Chướng, Bệnh Tật.
6. Được quỷ thần hộ vệ.

Lợi Ích cho kiếp sau:

1. Thoát Khỏi Thân Nữ.
2. Được Thân Xinh Đẹp.
3. Thoát Kiếp Nô Lệ.

Lợi ích lúc lâm chung:

1. Khi người thân sắp mất, chúng ta có thể niệm danh hiệu bồ tát hoặc tụng kinh Địa Tạng, làm nhiều việc thiện cho người đó.
2. Trong giai đoạn 49 ngày sau khi mất, việc Tụng Kinh Địa Tạng cho vong linh quá cố có thể giúp họ được siêu thoát.

Lợi ích với người đã quá vãng:

1. Siêu Độ vong linh: trong giấc ngủ nếu gặp ma quỷ, người lạ, các sự quái ác… chúng ta có thể chí tâm tụng kinh Địa Tạng.
2. Siêu độ, gặp lại người thân quá vãng.

Thật ra những lợi ích này đều đến từ Nhân Quả và nghiệp báo qua ý thức của ta trên Thân Khẩu Ý và nhất là cái Tâm Địa của mình ..

Bạn gửi Email, Rằng: “ vẫn mơ hồ giữa thương và ghét “

Bạn ơi !

Chính lòng tham ái tạo ra ghét,với thương
Dính mắc rồi khó nói chuyện nhân nghĩa
Hãy nhìn lại biết vì sao nghiêng phía
Mong với cầu… Thủ Hữu khó bình yên ! ( thơ HH )

Nhân được đọc bài giảng ( trích đoạn từ Thiền Sư Zaw Ti Ka Giảng tại Parami Dhamma Centre ngày 24/6/2018 ) kính xin mời quý đạo hữu cùng xem tiến trình Nhân Quả trong vòng xoáy của Lý Duyên Khởi này trong thiền tập cũng như trong mọi sinh hoạt hằng ngày để có sự kiên nhẫn, biết quan sát các cảm thọ và không để mình trôi lăn theo chuổi phản ứng của Luân hồi.

Ngài cho rằng nếu có chánh niệm và quan sát kỹ thì sẽ thấy những diễn biến nói trên chỉ là CHUỖI PHẢN ỨNG Tâm Sinh Lý bắt đầu từ lúc có sự XÚC, rồi sinh ra THỌ. Vì có Thọ nên sinh ra thích /ghét ( THAM ÁI ). Do có dính mắc Thích /Ghét (THỦ) đó làm cho cái Tâm luôn muốn hành động (Nghiệp HỮU). Chuỗi phản ứng này cứ tiếp diễn liên tục mỗi khi có Xúc ở 6 căn, và không có ai điều khiển cả.

Riêng Sư Phụ tôi ( Hoà Thượng Thiền Sư Viên Minh ) đã dạy:

Trong Tứ Diệu Đế, thập nhị nhân duyên sinh chính là tập đế, khổ đế. Thập nhị nhân duyên diệt chính là đạo đế, diệt đế. Vậy Thập nhị nhân duyên chỉ là cách nói khác của Tứ Diệu Đế, chứ không phải như người ta thường hiểu lầm Tứ diệu đế là pháp môn tu của Thanh Văn và Thập nhị nhân duyên là pháp môn tu của Duyên Giác. Chỉ vì trùng nhau chữ duyên mà người ta liên tưởng một cách sai lầm. Trên thực tế, Phật Thanh văn, Duyên giác hay Toàn giác cũng đều phải giác ngộ Tứ Diệu Đế mà trong đó đã bao hàm mười hai nhân duyên sinh và diệt.

Có hai cách hiểu thập nhị nhân duyên sinh:

– Một là hiểu như vòng luân hồi sinh tử trong ba đời (kiếp sống) quá khứ, hiện tại, vị lai.

– Hai là hiểu như tiến trình tâm-sinh-vật lý được điều động bởi vô minh, ái dục trong ba thời (thời gian) quá khứ, hiện tại, vị lai.

Bây giờ chúng ta sẽ lần lượt trình bày hai ý nghĩa trên của Thập nhị nhân duyên:

Trước tiên Thập nhị nhân duyên mô tả diễn biến của vòng luân hồi sinh tử trong ba đời:

Trong những kiếp quá khứ, do vô minh tức thiếu sáng suốt, không thấy sự that, chúng ta đã tạo các hành tức hạnh nghiệp, rồi thác sinh vào những cảnh giới tương ứng trong hiện tại. Kiếp sống quá khứ chấm dứt với tử tâm ( cuti ).

Sau đó thức tái sanh, tức là kiết sinh thức ( paṭisandhi-viññāṇa ) khởi lên nối liền với kiếp sống hiện tại.
Thức này còn gọi là hương ấm thuộc về danh ( tâm ), kết hợp với tinh cha huyết mẹ thuộc về sắc (thân), tạo thành sự sống của cái phôi gồm đủ hai yếu tố danh và sắc nên gọi là danh sắc.

Dần dần cái phôi lớn lên, sắc hình thành mắt, tai, mũi, lưỡi, thân gọi là ngũ căn, và danh hình thành từ thức gọi là ý căn. Năm căn hoà hợp với ý căn tạo thành tác dụng của lục nhập, tức là sáu cơ quan tiếp nhận đối tượng của chúng.
Khi hình thành một thai nhi đủ điều kiện ra khỏi bụng mẹ, hài nhi ra đời và lục căn bắt đầu tiếp xúcvới lục trần. Tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Sự tiếp xúc giữa căn trần vừa xảy ra thì liền có thọ, tức là những cảm giác khổ, lạc, xả, hỷ và ưu. Nói đến xúc tức là đã bao hàm các thức, vì vậy ở đây:

– Nhãn thức thọ xả.
– Nhĩ thức thọ xả.
– Tỷ thức thọ xả.
– Thiệt thức thọ xả.
– Thân thức thọ khổ và lạc.
– Ý thức thọ hỷ, ưu và xả.

Đã có khổ, lạc, xả, hỷ… thì liền có ưa, ghét khởi lên. Đó là ái. Ở đây ái chính là dục ái, hữu ái, phi hữu ái (đến đây mới có ưu) hoặc dục ái, sắc ái, vô sắc ái như chúng ta đã nói trước đây.

Khi đã có ưa, ghét ( ái ) thì ưa sinh đam mê, ghét sinh hiềm hận. Sự nắm giữ, duy trì ái như vậy gọi là thủ. Nói rõ hơn, thủ có 4 loại:

– Dục thủ là nắm bắt lục dục.
– Kiến thủ là chấp giữ quan niệm.
– Giới cấm thủ là chấp giữ hình thức, nghi lễ.
– Ngã luận thủ là chấp giữ quan niệm bản ngã, linh hồn.

Do chấp thủ tư kiến, tư dục, hình thức và bản ngã mà chúng ta tạo nghiệp. Đó chính là hữu. Hữu tức là tạo tác để trở thành (bhava, becoming), có nghĩa là tạo nghiệp bất thiện, thiện và bất động.

Ái có dục ái, sắc ái, vô sắc ái nên hữu ( nghiệp ) cũng có dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, nghĩa là tạo nghiệp để tái sinh trong tương lai ở ba cõi sáu đường.

– Nghiệp bất thiện thì tương lai tái sinh trong bốn đường khổ: địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, a-tu-la.

– Nghiệp vừa thiện vừa bất thiện thì tương lai tái sinh vào cõi người.

– Nghiệp thiện thì tương lai tái sinh trong các cõi trời dục giới như Tứ đại thiên vương, Đao lợi, Dạ-ma, Đâu-suất, Hoá lạc thiên, Tha hoá tự tại thiên.

– Nghiệp bất động thì tương lai tái sinh trong các cõi sắc giới, vô sắc giới, tuỳ theo khả năng thiền định của mỗi người.

Khi đã tái sinh thì lại tạo nghiệp và đưa đến lão tử (già chết), cứ thế sinh sinh tử tử trong vòng luân hồi lẩn quẩn triền miên.

Tóm lại, từ vô minh đến ái dục, từ tạo nghiệp đến gặt quả, từ tái sinh đến già chết, đó là những gì được mô tả rõ ràng qua các yếu tố điều kiện phát sinh trong vòng luân hồi của thập nhị nhân duyên. ( trích trong Thúc Tại Hiện Tiền ).

Như vậy

Luân hồi do tâm tạo
Không tạo: Tâm Bất Sinh
Báo thân tuy nhập diệt
Pháp thân còn hiển minh. ( HT Viên Minh )

Hãy trở về kinh Địa Tạng Bổn Nguyện với yếu nghĩa viên dung của hai chữ Địa Tạng vương Bồ tát

Địa Tạng Vương Bồ tát là một trong 6 vị bồ tát quan trọng của Phật giáo Đại thừa. 5 vị còn lại là các Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát và Di Lặc Bồ tát.

Địa Tạng Vương Bồ Tát là một vị Bồ Tát đại từ đại bi thệ nguyện độ thế rất rộng lớn. Ngài là giáo chủ của cõi U Minh. Địa là đất. Tạng là trùm chứa. Bồ Tát có lập đại nguyện tế độ tất cả chúng sinh cũng như đất là nơi nương tựa cho muôn sự muôn vật nên gọi là Địa. Cũng có người lý giải nghĩa của chữ “Địa” nương theo Kinh Địa Tạng có viết: “ U Minh Giáo Chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát ”. Vì cách sử dụng từ ngữ trong kinh điển hết sức sát nghĩa và rõ ràng nên “ Bổn ” là Bổn tâm, “ Tôn ” là tôn quý, “ Địa ” là tâm địa, “ Tạng ” là Như Lai tạng. Như vậy, chỉ có Bổn tâm mới là tôn quý nhất, đó là kho Như Lai tạng tâm địa. Chỉ có Bổn tâm mới làm chủ được cõi u minh, tức là làm chủ cõi địa ngục tham – sân – si của chính mình.

Và cách để làm chủ cõi địa ngục này là cố gắng diệt chuỗi thập nhị nhân duyên từ Vô Minh ( trích đoạn thập nhị nhân duyên – tác giả HT Viên Minh ).

Giả sử chúng ta đang ngồi đây hay đi lui đi tới như thế này trong tình trạng hoàn toàn tỉnh thức, hoàn toàn sáng suốt, không mê muội, và hoàn toàn tĩnh tại, nghĩa là không bị vô minh và hành chi phối. Nếu bây giờ có một đối tượng khởi sinh, chẳng hạn như tai nghe một âm thanh hay mắt thấy một hình sắc, nhờ ở trong trình trạng tự chủ, ổn định ( tịnh ) và sáng suốt, tỉnh thức ( minh ) nên thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ đều được soi sáng trong định tuệ. Khi cảm giác và tri giác trong sáng, chính xác, không bị ảo giác, ảo tưởng xen vào thì hành động sẽ không bị chi phối bởi ái, thủ, hữu nữa, và vì vậy sẽ không còn nhân tạo tác sinh – lão – tử trong tương lai, nghĩa là toàn bộ chuỗi sinh tử hay vòng luân hồi chấm dứt.

Vậy thập nhị nhân duyên diệt vừa có nghĩa là chấm dứt vòng luân hồi sinh tử trong ba đời,mà cũng có nghĩa là chấm dứt sinh tử luân hồi ngay khi sự sống đang vận hành, vì luân hồi sinh tử chỉ là ảo ảnh đối với sự sống đích thực. Nói cho dễ hiểu là ngay khi chúng ta đang nói năng, hành động, suy nghĩ mà vẫn hoàn toàn sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì chúng ta đang thoát khỏi sự trói buộc của vòng sinh tử luân hồi do vô minh ái dục sinh sử.

Đây chỉ là những ý nghĩ thô thiển đến từ những cơn đau nhức hành hạ từ xương và khớp mà chạnh lòng nghĩ tới nghiệp quả nhiều đời.

Nhân ngày vía thành đạo của Địa Tạng Vương Bồ Tát kính xin chia sẻ và nhớ về sự điều phục cái Tâm mình và nguyện sẽ chuyển hoá để không sa vào địa ngục.

Chắc các bạn cũng đồng ý như thế,

Trân trọng Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.