Thiền Sư Chân Nguyên Tuệ Đăng ( 1646- 1726 )

Thiền sư Chân Nguyên được xem như là nhân vật then chốt cho cuộc phục hưng Chánh pháp ở đàng Ngoài
Chân Nguyên (1647 – 1726), còn có pháp danh là Tuệ Đăng; là một thiền sư Việt Nam, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 36; và là người khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm đời Trần ở Đàng Ngoài ( từ Thanh Hoá ngược lên miền Bắc )

Phước duyên được tham khảo Lịch Sử VN Phật Giáo
Vào thế kỷ 17-18 đàng Ngoài thời Lê Trung hưng
Vị Cao Tăng Chân Nguyên đời Lâm Tế 36 quá lẫy lừng (1)
Khôi phục Thiền phái Trúc Lâm,
……..có công đóng góp vào văn học (2)

Đúng như kệ truyền nối pháp, tỏa sáng như châu ngọc (3)
Xuyên suốt hành trạng,
…….tầm ảnh hưởng cảm hoá được vua quan (4)
Mời xem Thiền Tịch phú …tư tưởng Thiền Bát Nhã, Kim Cang (5)
Lại tiên phong thi hoá các tích truyện thành Kệ hát (6)

Bài kệ thị tịch rõ bày phương cách được Tuệ giác (7)
Kính tán dương sự giáo hoá rất rộng sâu
Các giai tầng khác nhau thấm nhuần lý đạo mầu
Kính đảnh lễ nhà hoằng pháp lỗi lạc ….
…..Ngôi sao sáng của Phật Giáo Đại Việt !
Tâm nguyện …
…..phục hưng Trúc Lâm Phật giáo thành quả tốt đẹp !

Nam Mô Chân Nguyên Tuệ Đăng Thiền Sư tác đại chứng minh .

Huệ Hương

_____________________________

(1) Ngài họ Nguyễn tên thật là Nghiêm, tự là Đình Lân, người làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Câu chuyện về sự ra đời của Chân Nguyên được người đời nhắc lại đã đầy màu sắc huyền thoại. Chuyện kể rằng, một hôm, mẫu thân Chân Nguyên nằm mộng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ tặng cho bà một bông sen lớn. Bà giật mình tỉnh dậy và thấy trong người khang khác, từ đó bà mang thai. Tới giờ Ngọ ngày 11/9 năm Đinh Hợi, 1647, bà sinh ra một người con trai, đặt tên là Nguyễn Nghiêm, chính là thiền sư Chân Nguyên sau này.

Tới tuổi đi học, mẫu thân Nguyễn Nghiêm gửi con trai tới học chữ với một người cậu vốn là một giám sinh (tức người học ở trường Quốc tử giám). Nguyễn Nghiêm rất thông minh, học tới đâu nhớ tới đó, xuất khẩu thành chương nên được người cậu rất yêu quý.

Cả nhà ai cũng mong Nguyễn Nghiêm có ngày sẽ thành đạt làm quan. Tuy nhiên, tới năm Nguyễn Nghiêm 16 tuổi, khi đọc cuốn Tam Tổ Thực Lục, cuốn sách ghi lại cuộc đời và sự tích của ba vị tổ đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm, tới câu chuyện về tổ thứ ba là Huyền Quang từ bỏ chức trạng nguyên để đi tu, Nguyễn Nghiêm chợt tỉnh ngộ nói: “Cổ nhân ngày xưa dọc ngang lẫy lừng mà còn chán sự công danh, huống hồ ta chỉ là một chú học trò nhỏ”.

Do vậy, sau đó, Nguyễn Nghiêm quyết định từ bỏ việc học hành, quyết tâm đi tu. Tuy nhiên, mãi 3 năm sau đó, khi đã 19 tuổi, Nguyễn Nghiêm mới dứt bỏ được tất cả sự níu kéo cản trở của gia đình, xuất gia đi tu

Thật ra , Sinh ra trong thời ấy, người ta chỉ còn hai lựa chọn: Một là tiếp tay với những kẻ thống trị, để tiếp tục tạo thêm những thảm cảnh tang thương cho trăm họ. Hai là trở thành kẻ chống lại những thế lực đang cai trị và gây nên những cảnh tang tóc ấy.

Và Nguyễn Nghiêm đã có cái may mắn là đọc được cuốn “Tam tổ thực lục” và tìm thấy con đường giải thoát khác cho một chàng trai mới lớn như mình. Tam tổ Huyền Quang đã từng đỗ Trạng Nguyên, nhưng chán mùi công danh phú quý, nên quyết chí đi tu. Câu chuyện của tổ Huyền Quang là một sự gợi mở rất lớn đối với Nguyễn Nghiêm, giúp ông tìm ra con đường đi cho mình trong lúc đang bế tắc: Đó là con đường xuất gia, một lòng tu Phật, tìm sự tĩnh tâm cho riêng mình.

Đầu tiên, Nguyễn Nghiêm lên chùa Hoa Yên vào yến kiến sư trụ trì ở chùa này là thiền sư Tuệ Nguyệt. Tuệ Nguyệt vừa nhìn thấy Nguyễn Nghiêm bước vào hỏi ngay: “Ngươi ở đâu đến đây?” Nguyễn Nghiêm bình thản nói: “Vốn không đi lại”.

Tuệ Nguyệt biết Nguyễn Nghiêm có cốt chân tu, có thể trở thành một pháp khí hoằng dương thiền pháp sau này, do vậy quyết định làm lễ xuống tóc cho Nguyễn Nghiêm và ban cho ông pháp danh là Tuệ Đăng. Tuy nhiên, Tuệ Nguyệt không may viên tịch sớm. Nguyễn Nghiêm và bạn đồng môn là Như Niệm phát nguyện thực hành hạnh đầu đà, đi du ngoạn khắp nơi để tham vấn Phật pháp.

Một thời gian sau, Như Niệm đổi ý trở về trụ trì ở chùa Cô Tiên. Còn lại một mình Nguyễn Nghiêm tiếp tục cuộc du ngoạn tham học của mình. Sau đó, Nguyễn Nghiêm tới chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương tham vấn thiền sư Minh Lương, vốn là đệ tử chân truyền của Thiền sư Chuyết Chuyết.

Khi Nguyễn Nghiêm vào yết kiến, chưa đợi Minh Lương hỏi gì ông đã hỏi ngược lại Minh Lương rằng: “Câu bao năm dồn chứa ngọc trong đấy, hôm nay tận mắt thấy thế nào’ nghĩa là sao?”.

Thiền sư Minh Lương không trả lời, đưa mắt nhìn thẳng vào Nguyễn Nghiêm. Nguyễn Nghiêm cũng đưa mắt nhìn thẳng lại Minh Lương. Bỗng nhiên, trong giây phút ấy, Nguyễn Nghiêm liền tỉnh ngộ, sụp xuống lạy Minh Lương.
Thiền sư Minh Lương nói: “Dòng thiền Lâm Tế ta trao cho ông, ông nên kế thừa làm thạnh ở đời”. Sau đó, thiền sư Minh Lương đặt cho Nguyễn Nghiêm pháp hiệu là Chân Nguyên và đọc cho ông một bài kệ phó pháp rằng: Mỹ ngọc tàng ngoan thạch Liên hoa xuất ứ nê Tu tri sinh tử xứ Ngộ thị tức Bồ-đề. Nghĩa là: Ngọc quý ẩn trong đá Hoa sen mọc

từ bùn Nên biết chỗ sinh tử Ngộ vốn thật Bồ-đề.
Cũng bắt đầu từ đây, cái tên Chân Nguyên bắt đầu gắn bó với cuộc đời của chàng thanh niên Nguyễn Nghiêm.
Sau khi được tâm ấn từ Thiền sư Minh Lương, Chân Nguyên thụ giới Tỳ-kheo. Một năm sau, Chân Nguyên lập đàn thỉnh ba đức Phật (Phật Thích-ca, Di-đà, Di-lặc) chứng đàn, thụ giới Bồ-tát và đốt hai ngón tay nguyện hành hạnh Bồ-tát.

Về sau, Chân Nguyên lại được truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm, là hai ngôi chùa lớn của phái Trúc Lâm.

Tới năm 1684, Chân Nguyên dựng đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Quỳnh Lâm theo kiểu mẫu đài Cửu Phẩm Liên Hoa mà Thiền sư Huyền Quang đã dựng trước kia ở chùa Ninh Phúc.

Tới năm 1692, lúc 46 tuổi, Chân Nguyên được vua Lê Hy Tông triệu vào cung để tham vấn Phật pháp. Vua khâm phục tài đức Chân Nguyên, ban cho ông hiệu Vô Thượng Công và cúng giàng áo cà-sa cùng những pháp khí để thừa tự.
Năm 1722, lúc 76 tuổi, Chân Nguyên được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống, tức chức Quốc sư thời đó và ban hiệu Chánh Giác Hòa Thượng. Có thể nói, trong suốt thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, Chân Nguyên là thiền sư có danh tiếng và uy vọng bậc nhất.

(2) Và cũng giống như Tam tổ Huyền Quang đã viết Vịnh vân yên tự phú khi đang trụ trì tại chùa Long Động trên núi Yên Tử, Thiền sư Chân Nguyên cũng đã viết Thiền tịch phú khi sống ở đây. Thiền tịch phú là một bài phú Nôm về chùa Long Ðộng. Bài phú này ngoài việc được Thiền Phổ phiên âm đăng trong Ðuốc Tuệ số 7 (ra ngày 21-1-1936 tại Hà Nội), còn được HT.Thích Thanh Từ phiên âm trong Thiền tịch phú giảng giải, và Lê Mạnh Thát phiên âm trong Chân Nguyên Tuệ Đăng toàn tập

(3) Thiền sư Minh Lương (Đời pháp thứ 35, tông Lâm Tế / thuộc Đàng Ngoài , người đã truyền kệ nối pháp cho Thiền Sư Chân Nguyên đời thứ 36

Sư phụ Minh Lương của Thiền Sư Chân Nguyên ở núi Phù Lãng, nghe Hòa thượng Chuyết Công từ Trung Hoa sang, bác thông kinh sử, thấu triệt Tâm tông, . Chuyết Công hứa khả và truyền tâm ấn cho.
Sau khi đắc pháp, Sư trở về trụ trì chùa Vĩnh Phúc núi Côn Cương ở Phù Lăng

Đến khi sắp tịch, Sư truyền pháp cho Thiền sư Chân Nguyên, nói kệ rằng:

Ngọc quí ẩn trong đá
Hoa sen mọc từ bùn
Nên biết chỗ sanh tử
Ngộ vốn thật Bồ-đề.
(Mỹ ngọc tàng ngoan thạch
Liên hoa xuất ứ nê
Tu tri sanh tử xứ
Ngộ thị tức Bồ-đề.)

Trao kệ xong, Sư bảo đệ tử: “Nay ta trở về.” Nói dứt lời, Sư thị tịch. Đệ tử xây tháp ở núi Phù Lãng thờ Sư.

(4) Khoảng nửa cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, Thiền sư Chân Nguyên đã xuất hiện như một ngôi sao sáng trên bầu trời Đại Việt. Ngài đã cùng với hàng môn đồ và các bậc cao tăng khác hết sức nỗ lực phục hưng tinh thần Phật giáo Trúc Lâm và xương minh Phật Pháp tại Đàng Ngoài.

Vì vậy, không chỉ chú trọng đào tạo tăng tài mà Thiền sư Chân Nguyên còn quan tâm tới việc hoằng Pháp độ sinh, nhất là giáo hóa tầng lớp vua, chúa, quí tộc, quan lại, sĩ phu, trí thức…

Bằng trí tuệ giác ngộ siêu việt, với Đạo hạnh sáng trong, Ngài đã cảm hóa được vua Lê Hy Tông, Lê Dụ Tông, chúa Trịnh, hoàng thân, quốc thích, quan lại trong triều.

Năm 1692, Thiền sư Chân Nguyên được vua Lê Hy Tông mời vào cung để tham vấn Phật Pháp. Với phong thái tự tại, định tĩnh, Thiền sư đã đối đáp linh hoạt, nhanh nhạy và trả lời khúc triết những điều thắc mắc của nhà vua. Vì vậy, vua rất khâm phục tài đức của Ngài. Vua ra chiếu chỉ ban cho Ngài danh hiệu Vô Thượng Công. Nhân đó, vua cũng cúng dường Thiền sư Chân Nguyên áo cà sa cùng những pháp khí để thờ tự

Năm 1722, lúc ở tuổi 76, Thiền sư Chân Nguyên được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống, lại ban mỹ hiệu Chánh Giác Hòa thượng. Sự kiện này cho thấy uy tín và tầm ảnh hưởng to lớn của Ngài đối với vua cũng như triều đình lúc bấy giờ. Được Ngài giáo hóa, vua Lê Dụ Tông đã cho trùng tu, tôn tạo ba ngôi bảo tháp của tam Tổ Trúc Lâm tại chùa Côn Sơn và các thắng tích Phật giáo khác. Ngoài ra, các phật sự ích đời, lợi Đạo của Ngài đều được vua cùng triều đình rất mực ủng hộ.

Thiền sư Chân Nguyên còn khéo cảm hóa chúa Trịnh và thân tộc của ông. Nhờ đức giáo hóa của Ngài mà chúa Trịnh và thân tộc rất ủng hộ Phật Pháp. Các phật sự của Ngài đều được vua Lê, chúa Trịnh, hoàng tộc hết lòng phò trợ.
Đặc biệt, nhiều người trong dòng dõi vua Lê, chúa Trịnh sau khi thấm nhuần Phật lý đã phát tâm xuất gia, trở thành tu sĩ Phật giáo.

(5) Quan niệm về Thiền của Chân Nguyên có nhiều sắc thái đặc biệt mới lạ. Nó là sự dung hòa giữa hai nền tâm linh của Ấn Độ và Trung Hoa, tổng hợp trở thành tư tưởng Thiền có nhiều tính chất của dân tộc.
Chân Nguyên cho rằng, then chốt của việc đạt được giác ngộ là thắp sáng liên tục ý thức của mình về sự hiện hữu của tự tính “trạm viên” đó là nguồn gốc chân thật của mình.

Ý thức trọn vẹn được điều này thì tất cả những tương quan hành động, ý tưởng của ta tự nhiên đi vào con đường giác ngộ mà không cần phải s

Tu thiền là cốt giúp hành giả “hồi quang phản chiếu”, quay đầu lại nhận ra chân tâm sáng suốt lặng lặng chiếu soi của mình. Khi đạt đến cảnh giới “ngộ vô sở đắc” thì cũng là lúc hành giả đã vượt qua mọi chướng ngại, biến từ tâm bình thường thành cái tâm vô trụ an nhiên, tự tại mà không còn bị vật dục sai khiến. Một khi hành giả đã chấp nhận “Phật tại tâm” thì sẽ thấu hiểu rõ rằng, muốn tìm Phật thì phải tìm lại bản tâm chứ không phải đi tìm những cái ở bên ngoài. Phật tính chân như giống như non xuân nước biếc tròn đầy trước mắt, có thể nhìn thấy, chỉ cần minh tâm kiến tính thì chỗ nào cũng có thể ngộ ra, không phải tìm đâu xa. Điều quan trọng là hành giả cần có ngộ tính, bản thân thể giải và tinh tấn tu hành; một khi hiểu thấu được không và có, thì rừng thiền mặc sức ruổi rong. Tất cả các pháp đều còn nằm trong trạng tướng khi tâm còn phân biệt, chấp trước. Nếu một khi tâm không còn chạy theo hay không bị vướng mắc bởi cảnh trần, thanh tịnh rỗng rang thì đâu đâu cũng đều là Phật cảnh. Và cảnh Phật ấy được vẽ lên với một hình ảnh thật uy nghiêm:

“Trước án tiền đẳng kinh ba bức, tố khảm mã não xa cừ;
Trên thượng điện thánh tượng mấy tòa, vẽ vàng san hô, hổ phách;
Thần Bát bộ Kim cương đứng chấp, trấn phò vua ai thấy chẳng kinh;
Tượng tam thân bảo tướng ngồi bày, ủng hộ chúa cõi nào dám địch.
Tả A Nan đại sĩ, vận sa hoa sặc sỡ vân vi;
Hữu Thổ địa Long thần, mặc áo gấm lổ lang xốc xếch.( xem Thiền Tịch phú )

(6) Với vai trò là Tăng thống, sự giáo hóa của Ngài càng trở nên sâu rộng. Ngài cảm hóa được mọi giai tầng trong xã hội. Chính họ đã trở thành lực lượng hậu thuẫn mạnh mẽ cho tâm nguyện phục hưng tinh thần Phật giáo Trúc Lâm của Ngài.

Ngay với tăng, ni, phật tử, Thiền sư Chân Nguyên cũng linh hoạt thi thiết các phương tiện thích ứng với từng căn cơ nhằm giúp họ hướng thiện và hướng thượng. Để thực hiện việc giáo hóa này, Ngài đã trước tác nhiều thể loại sách cho hành giả theo các pháp môn khác nhau ứng dụng tu tập. Tuy phương tiện có đa dạng, nhưng Ngài vẫn hướng người tu học khai ngộ bản tâm, thấu suốt bản tính, chứng nghiệm Tịnh độ hiện tiền. Từ đây, nhiều hành giả tu tập có kết quả và chính họ trở thành lực lượng nòng cốt thúc đẩy công cuộc phục hưng tinh thần Phật giáo Trúc Lâm.

Đặc biệt, Thiền sư Chân Nguyên là người đi tiên phong trong việc thơ hóa các tích truyện Phậtgiáo dưới hình thức “kể hạnh”. “Kể” là kể chuyện, “hạnh” là hành trạng của các vị Bồ tát, Tổ sư. Các trước tác của Ngài theo thể loại này gồm có: Đạt Na thái tử hạnh, Nam Hải Quan Âm bản hạnh, Hồng Mông hạnh… Nhìn chung, văn học “kể hạnh”, “hát kệ” với hình thức thơ lục bát truyền thống dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ nên đã đi sâu vào lòng quần chúng phật tử.

(7) Năm 1726, khi Chân Nguyên bước vào tuổi 80, ông cho triệu tập đệ tử dặn dò và nói kệ truyền pháp, kệ rằng:

Hiển hách phân minh thập nhị thì,
Thử chi tự tánh nhậm thi vi.
Lục căn vận dụng chân thường kiến,
Vạn pháp tung hoành chánh biến tri.

Nghĩa là:

Bày hiện rõ ràng được suốt ngày,
Đây là tự tánh mặc phô bày.
Chân thường ứng dụng sáu căn thấy,
Muôn pháp dọc ngang giác ngộ ngay

Đọc xong bài kệ, Chân Nguyên bảo với chúng đệ tử rằng: “Ta đã 80 tuổi, sắp về cõi Phật”. Đến đầu tháng 10, ông nhuốm bệnh và đến sáng ngày 28 cùng tháng đo thì viên tịch, thọ 80 tuổi. Môn đồ làm lễ hỏa táng thu xá-lợi chia thờ hai tháp ở chùa Quỳnh Lâm và chùa Long Động.

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.