Thiền Sư Vô Ngôn Thông

Thiền Sư Vô Ngôn Thông (đã mang phương pháp đốn ngộ của Tổ Sư Thiền để thành lập dòng Thiền mới tại VN vào năm 820).

Phương pháp đốn ngộ là một phương pháp mà Thiền Sư Vô Ngôn Thông đã đem giảng dạy ở Việt Nam nhờ thời gian được tu tập với Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải và đã hoắt nhiên đại ngộ sau hơn 10 hạ lạp tiệm tu, lễ Phật …

(Thiền Sư Vô Ngôn Thông (759 – 826), là một vị Thiền sư Trung Quốc, đệ tử của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải. Năm 820, sư qua Việt Nam, ở tại chùa Kiến Sơ, thành lập phái thiền Vô Ngôn Thông và phái thiền này kéo dài được 17 thế hệ )

Tích sử Tổ Sư dòng thiền mới tại Việt Nam … lòng ngưỡng kính !
Vô Ngôn Thông nào phải tên thế tục, pháp danh (1)
Người đời tán dương hạnh điềm đạm, rõ việc ngọn ngành
Đã 10 năm hạ … xuất gia chưa? Phật là gì ? mịt mờ bế tắt ? (2)

Nhờ khiêm hạ được thiện tri thức thượng căn dẫn dắt !
Gặp được minh sư Bách Trượng … đốn ngộ đại thừa ( 3)
Đất tâm không còn phủ che cỏ dại … kiến chấp dư thừa (4)
” TÂM ĐỊA NHƯỢC KHÔNG, HUỆ NHẬT TỰ CHIẾU “

Trong tích sử có ghi lại nhiều điểm trọng yếu!
Hạnh nguyện xuất gia và kiến tánh sơ tâm (5)
Từ tiếng Dạ do gọi tên … chính xác không sai lầm
Khiến nhớ lại :
con ngỗng trong bình, cứu lừa không dùng dây ra khỏi giếng (6)

Đấy chính là … sự thường trụ hiện tiền của TÁNH BIẾT (7)
Mà Thiền sinh không phải nương dựa tìm cầu
Rốt ráo của Thiền : soi rọi tự bản tâm, chiêm nghiệm lắng sâu ( 8)
Nhìn thấy được Phật nơi mình … Niết Bàn, Giải thoát !

Tâm là Phật, Tâm sanh Pháp … nguyên tắc truyền thừa gắng … đạt ! (9)
Tại chùa Kiến Sơ ( VN ) đệ tử Cảm Thành được nối pháp! (10)

Nam Mô Vô Ngôn Thông Thiền Sư tác đại chứng minh.

Huệ HươngMelbourne 24/6/2021

______________________________

(1) Sư họ Trịnh quê ở Quảng Châu, xuất gia tại chùa Song Lâm xứ Vũ Châu. Tánh Sư điềm đạm ít nói mà thông minh, nên thời nhân gọi là Vô Ngôn Thông.

Sư lễ Phật, có một Thiền khách đến hỏi:
– Tọa chủ lễ đó là cái gì?
Sư đáp:
– Là Phật.
Thiền khách bèn chỉ tượng Phật hỏi:
– Cái này là Phật gì?
Sư không đáp được.

(2) Đến tối, Sư y phục chỉnh tề đến lễ Thiền khách, thưa:
– Hôm nay Thầy hỏi, tôi chưa biết ý chỉ thế nào?
Thiền khách hỏi:
– Tọa chủ được mấy hạ?
Sư thưa:
– Mười hạ.
Thiền khách bảo:
– Đã từng xuất gia chưa?
Sư càng thêm mờ mịt.

(3) Thiền khách khuyên Sư đồng đến tham vấn với Mã Tổ. Đi đến Giang Tây nghe tin Mã Tổ đã viên tịch, bèn đến yết kiến Bách Trượng Hoài Hải.
Một hôm trong giờ tham vấn, có vị Tăng hỏi Bách Trượng:
– Thế nào là pháp môn đốn ngộ của Đại thừa?
Ngài Bách Trượng đáp:
– Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu.
Nghe câu này, Sư hoát nhiên đại ngộ.

(4) lời dạy của Tổ Bách Trượng đã được diễn giải như sau :

Các người trước ngưng các duyên, thôi nghĩ muôn việc, thiện và bất thiện thế gian và xuất thế gian, tất cả các pháp chớ ghi nhớ, chớ duyên niệmbuông bỏ thân tâm khiến cho tự tại, tâm như gỗ đá chẳng còn phân biệt, tâm vô sở hành.
Tâm địa nếu không thì huệ nhựt tự hiển, như đám mây tan thì mặt trời hiện ra.
Hễ ngưng nghỉ tất cả phan duyên những hình thức tham sân, ái thủ, cầu tịnh đều sạch đối với ngũ dục, bát phong chẳng bị lay động, chẳng bị kiến văn giác tri trói buộc, chẳng bị các cảnh xấu đẹp mê hoặc, tự nhiên đầy đủ thần thông diệu dụng, ấy là người giải thoát. Đối với tất cả cảnh giới, tâm chẳng tịnh chẳng loạn, chẳng nhiếp chẳng tán, thấu qua tất cả thanh sắc, chẳng có trệ ngại gọi là đạo nhân.
Thiện ác thị phi đều chẳng tác ý, cũng chẳng mến một pháp, cũng chẳng bỏ một pháp, gọi là người đại thừa. Chẳng bị tất cả thiện ác, không hữu, cấu tịnh, hữu vi vô vi, thế gian xuất thế gian, phước đức trí huệ ràng buộc, gọi là Phật huệ. Thị phi tốt xấu, đúng lý sai lý, các tri kiến tình thức đều sạch hết, chẳng có trói buộc, chẳng có giải thoát, nơi nơi tự tại, gọi là bồ tát mới phát tâm liền lên địa vị Phật.

(5) Thế nào là xuất gia ?
Xuất gia theo nghĩa đen là ra khỏi nhà. Nhưng đầy đủ thì xuất gia mang ba ý nghĩa chính:
Xuất thế tục gia: chỉ cho người đó quyết lòng vứt áo ra đi, từ bỏ những tình cảm, những lòng thương yêu thân bằng quyến thuộc của mình, chấp nhận ra đi và ra đi tìm đạo, chân lý, con đường chân lý, hay để phụng sự.
Xuất phiền não gia: là qua quá trình tu tập người này đã điều phục được tất cả phiền não: tham, sân, si, ích kỷ, đố kỵ, thù hận, ghen tuông, thủ đoạn, lừa đảo, mánh mung, … tất cả những thói hư tật xấu này, mà người tu tập cần phải điều phục.
Xuất tam giới gia: Và khi đã chấm dứt mọi phiền não vượt ra ngoài sự chi phối, ràng buộc của ba cõi: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Đây là những từ ngữ chuyên môn có phân tích thì cũng mơ hồ lắm, nhưng đại khái để giải thoát ra khỏi cuộc đời này, cái đó gọi chung là xuất tâm giới gia.
Như vậy đủ ý nghĩa này thì chúng ta gọi là xuất gia. Một người ra khỏi nhà nhưng chưa chắc gì ra khỏi phiền não. Mà phiền não chưa chắc ra khỏi thì làm sao ra khỏi nhà tam giới?

Thế nào là Kiến tánh sơ tâm để giải thích cho tên chùa KIẾN SƠ
SƠ TÂM “Nơi tâm của sơ cơ đầu có nhiều khả thể, nhưng nơi tâm của người chuyên môn thì có ít.”
Sơ tâm là cái tâm hồn nhiên, ban đầu của một người khi mới bước vào Đạo
Do vậy trong nhà Thiền dù chú tiểu hay đã là Hoà Thượng cũng nên luôn giữ được sơ tâm .
Kiến theo nghĩa rộng ngụ ý sự hiểu biếttoàn triệt giáo lý Phật giáo; nhưng trong nhà Thiền chữ đó không những biểu thị sự hiểu biết các nguyên tắc và chân lý Thiền, mà còn ngụ ý cả cái nhìn thức tỉnh phát xuất từ kinh nghiệm “Ngộ”. Kiến theo nghĩa này, có thể được hiểu là “thấy thực tại” hoặc “một cái nhìn về thực tại”. Nhưng trong khi Kiến có nghĩa là nhìn thấy thực tại, nó không hàm ý “sở hữu”, hay “khắc phục” thực tại.
Một chăm ngôn Thiền nói: “Lý tuy đốn ngộ, Sự phải tiệm tu”. Nói cách khác, sau khi đã đạt được Ngộ người ta vẫn phải tu luyện để đưa nó đến mức chín muồi, cho đến khi đạt được đại cơ đại dụng.

(6) Một hôm, Sư bảo Huệ Tịch đem giường (ghế bố ngày nay ) lại. Huệ Tịch đem đến.
Sư bảo:
– Đem lại chỗ cũ.
Huệ Tịch vâng theo.
Sư hỏi:
– Cái giường ở bên này là vật gì?
– Không vật.
Sư gọi:
– Huệ Tịch!
Huệ Tịch đáp:
– Dạ!
Sư bảo:
– Đi!

Cũng như khi Thày Huệ Tịch đến với Tổ Quy Sơn có hỏi
” Làm thế nào để một con lừa trong giếng sâu 100m thoát ra được mà không cần dùng đến dây “
Thì Ngài Quy Sơn chỉ gọi ” Huệ Tịch ” và Thầy DẠ
Thế là Ngài Quy Sơn bảo ” con vật đã ra khỏi giếng “

Tương tự với câu hỏi của Hoàng Lục Công và Tổ Qui Sơn về con ngỗng nuôi trong lọ bình khi còn nhỏ và bây giờ nó lớn làm sao chui ra khỏi bình ?
Chỉ một tiếng Dạ sau khi Ngài Qui Sơn gọi ” Hoàng Lục Công ” là con ngỗng đã chui ra được

(7) – Khi không khởi tâm muốn biết mà vẫn biết một các tự nhiên đó là tánh biết. Khi khởi tâm muốn biết hoặc muốn có thái độ phản ứng lại với đối tượng như gọi tên, đánh giá, lý luận, so sánh, muốn phải là, mong sẽ là v.v… chính là tướng biết. Thí dụ vô tình nghe một âm thanh đó là tánh biết nghe, sau đó khởi tâm muốn nghe lại xem đó là tiếng hót con chim gì thì đó là tướng biết nghe.

– Ngoài danh và sắc (sắc thân và tâm thức) tương tác tạo ra hiện tượng sinh diệt, vô thường, còn có Tánh biết và Niết-bàn không bị ảnh hưởng bởi danh sắc. Danh và sắc tuỳ duyên mà có sinh có diệt còn Tánh biết và Niết-bàn thì không sinh, không diệt.
Tánh biết thường trú hiện tiền còn gọi là THỂ TÁNH TỊNH MINH , là cái mà học giả cần phải nhận được nơi mình nó luôn hằng hữu

(8) Sau, Sư về Quảng Châu trụ trì tại chùa Hòa An. Có người hỏi:
– Thầy phải Thiền sư chăng?
Sư đáp:
– Bần đạo chẳng từng học thiền.
Sư lặng thinh giây lâu, gọi người kia.
Người kia đáp:
– Dạ!
Sư chỉ cây tòng lư (cây móc).

Như vậy
Thiền là trở về chính mình, hiểu mình, làm chủ được cảm xúc, tỉnh táo trong suy nghĩ, chủ động mọi hành vi.
Thiền không cần phải học Thiền tìm cách gạt qua một bên tất cả những vấn đề và những thảo luận phụ thứ và chỉ thẳng vào , và nhìn Thực Tại.

(9) Năm Canh Tý niên hiệu Nguyên Hòa thứ mười lăm đời Đường (820), Sư sang An Nam ở chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng, huyện Tiên Du Bắc Ninh. Ở đây trọn ngày, Sư ngồi xây mặt vào vách, suốt mấy năm mà không ai biết, chỉ Thiền sư Cảm Thành (trụ trì chùa này) biết Sư là vị Cao tăng đắc đạo trong nhà thiền. Cảm Thành hết lòng kính trọng tôn thờ Sư làm thầy.
Một hôm, Sư gọi Cảm Thành đến bảo:
– Ngày xưa Tổ sư là Nam Nhạc Hoài Nhượng khi sắp tịch có dặn mấy lời:
Tất cả các pháp đều từ tâm sanh
Tâm không chỗ sanh, pháp không chỗ trụ.
Nếu đạt tâm địa chỗ trụ không ngại
Chẳng gặp thượng căn dè dặt chớ dạy.
(Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sanh
Tâm vô sở sanh pháp vô sở trụ.
Nhược đạt tâm địa sở trụ vô ngại
Phi ngộ thượng căn thận vật khinh hứa.)

Nói xong, Sư chấp tay thị tịch, nhằm năm Bảo Lịch thứ hai đời Đường (826). Cảm Thành rước Sư lên hỏa đàn, thu hài cốt xây tháp thờ ở núi Tiên Du.

(10 ) Thầy Cảm Thành xưa có tên là Lập Đức , trụ trì chùa Kiến Sơ ( Bắc Ninh ) tương truyền đã có giấc mơ , một giấc mơ rất là lạ lùng. Có một nhân vật hiện ra trong giấc mơ và nói rằng: Thầy nên nhận làm trụ trì chùa đó đi, tại vì sau này chùa sẽ trở nên một trung tâm tỏa chiếu hào quang cả nước. Khi thức dậy, thầy tin ở giấc mộng đó cho nên thầy nhận lời làm trụ trì và thầy tụ tập một số người xuất gia để tu học. Chính ngôi chùa đó là nơi thầy Vô Ngôn Thông tìm tới. Có lẽ thầy Lập Đức cũng còn trẻ, cũng không vướng víu vào chuyện chùa chiền. Vì vậy cho nên thầy Vô Ngôn Thông tới và trong vòng hai năm trời thầy không giảng dạy gì cả, thầy chỉ sống trong chúng và ngồi thiền mà thôi.
Thầy Lập Đức lại có nhận xét rất tinh vi. Thầy nói đây là một vị cao tăng. cho nên thầy tiếp đãi vị cao tăng đó với tất cả tấm thịnh tình của một người tri kỷ. Vì vậy mà đến năm thứ ba thì thầy Vô Ngôn Thông bắt đầu nói chuyện và dạy cho thầy này. Sau đó thì thầy Vô Ngôn Thông truyền pháp cho thầy Lập Đức, rồi đặt tên lại cho thầy là Cảm Thành, tại vì thầy Vô Ngôn Thông cảm tấm lòng rất thành khẩn của thầy Lập Đức. (theo Đại thụ trong vườn thiền của HT Nhất Hạnh )

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.