Lục Vân Tiên

Đoạn này đến thứ Nguyệt Nga,
Hà Khê phủ ấy theo cha học hành.
Kiều Công lên chức thái khanh,
Chỉ sai ra huyện Đông Thành chăn dân.(245)
Ra tờ khắp hết xa gần,
Hỏi thăm họ Lục tìm lần đến nơi.
Khiến quân đem bức thư mời,
Lục ông vâng lệnh tới nơi dinh tiền.
Kiều công hỏi chuyện Vân Tiên.
Lục ông thấy hỏi bỗng liền khóc than.
Thưa rằng: “Nghe tiếng đồn vang,
Con tôi nhuốm bệnh giữa đàng bỏ thây.
Biệt tin từ ấy nhẫn nay,(246)
Phút nghe người hỏi dạ này xốn xang.
Kiều công trong dạ bàng hoàng,
Trở vào nói lại với nàng Nguyệt Nga:
“Lục ông nói lại cùng cha,
Duyên con rày đã trôi hoa giạt bèo.
Riêng than chút phận tơ điều,(247)
Hán Giang chưa gặp Ô Kiều lại rơi”.(248)
Nàng rằng: “Phải thiệt như lời,
Xin cha sai kẻ mời người vào trong”.
Nguyệt Nga đứng dựa bên phòng,
Tay ôm bức tượng khóc ròng như mưa.
Công rằng: “Nào bức tượng xưa,
Nguyệt Nga con khá đem đưa người nhìn”.
Lục ông một buổi ngồi nhìn,
Tay chân mặt mũi giống in con mình.
Chuyện trò sau trước phân minh,
Lục ông khi ấy sự tình mới hay:
Thương con phận bạc lắm thay,
Nguyền xưa còn đó con rày đi đâu?”
Nguyệt Nga chi xiết nỗi sầu,
Lục ông thấy vậy thêm đau gan vàng.
Kiếm lời khuyên giải với nàng:
“Giải cơn phiền não kẻo mang lấy sầu.
Người đời như bóng phù du,(249)
Sớm còn tối mất công phu lỡ làng,(250)
Cũng chưa đồng tịch đồng sàng,(251)
Cũng chưa nên nghĩa tào khương đâu mà.
Cũng như cửa sổ ngựa qua,
Nghĩ nào mà ủ mặt hoa cho phiền”.
Nàng rằng trước đã trọn nguyền,
Dẫu thay mái tóc phải nhìn mối tơ”.
Công rằng chút nặng tình xưa,
Bèn đem tiền bạc tạ đưa cho người.
Lục ông cáo tạ xin lui:
“Tôi đâu dám chịu của người làm chi.
Ngỡ là con trẻ mất đi,
Hay đâu cốt cách còn ghi tượng này.
Bây giờ con lại thấy đây,
Tấm lòng thương nhớ dễ khuây đặng nào.
Ngửa trông đất rộng trời cao,
Tre còn măng mất lẽ nào cho cân”.
Lục ông từ tạ lui chân,
Kiều Công sai kẻ gia thần đưa sang.
Nguyệt Nga nhuốm bệnh thở than,
Năm canh lụy ngọc xốn xang lòng vàng:
“Nhớ khi thề thốt giữa đàng,
Chưa nguôi nỗi thảm lại vương lấy sầu.
Công đà chờ đợi bấy lâu,
Thà không cho gặp buổi đầu thời thôi.
Biết nhau chưa đặng mấy hồi,
Kẻ còn người mất trời ôi là trời.
Thề xưa tạc dạ ghi lời,
Thương người quân tử biết đời nào phai.
Tiếc thay một đứng anh tài,
Việc văn việc võ nào ai dám bì.
Thương vì đèn sách lòng ghi,
Uổng công nào thấy tiếng gì là đâu.
Thương vì hai tám tuổi đầu,
Người đời như bóng phù du lỡ làng.
Thương vì chưa đặng hiển vang,
Nước trôi sự nghiệp hoa tàn công danh.
Thương vì đôi lứa chưa thành,
Vùa hương bát nước ai dành ngày sau.(252)
Năm canh chẳng ngớt giọt châu,
Mặt nhìn bức tượng ruột đau như dần.
Dương gian nay chẳng đặng gần,
Âm cung biết có thành thân chăng là”.
Kiều công thức dậy bước ra,
Nghe con than khóc xót xa lòng vàng.
Khuyên rằng: “Con chớ cưu mang,
Gẫm trong còn mất là đàng xưa nay.
Đờn cầm ai nỡ dứt dây,
Chẳng qua con tạo đổi xây không thường”
Nàng rằng: “Khôn xiết nỗi thương,
Khi không gãy cánh giữa đường chẳng hay.
Nay đà loan phụng lẻ bầy,
Niệm nghiêng gối chích phận này đã cam.
Trăm năm thề chẳng lòng phàm,(253)
Sông Ngân đưa bạn Cầu Lam rước người.
Thân con còn đứng giữa trời,
Xin thờ bức tượng trọn đời thời thôi”.
Kiều công trong dạ chẳng vui:
“Con đành giữ tiết trọn đời hay sao?”
Có người sang cả ngôi cao,
Thái sư chức trọng trong trào sắc phong.
Nghe đồn con gái Kiều công,
Nay mười sáu tuổi tơ hồng chưa vương.
Thái sư dùng lễ vật sang,
Mượn người mai chước kết đàng sui gia.(254)
Kiều công khôn ép Nguyệt Nga,
Lễ nghi đưa lại về nhà thái sư.
Thái sư chẳng biết rộng suy,
Đem điều oán hận sớm ghi vào lòng.
Xảy đâu giặc mọi hành hung,
Ô Qua quốc hiệu binh nhung dấy loàn.(255)
Đánh vào tới ải Đồng Quan,
Sở vương phán hỏi lưỡng ban quần thần:
“Sao cho vững nước an dân,
Các quan ai biết mưu thần bày ra?”
Thái sư nhớ việc cừu nhà,
Vội vàng quỳ xuống tâu qua ngai vàng:
“Thuở xưa giặc mọi dấy loàn,
Vì ham sắc tốt phá tàn Trung Hoa.
Muốn cho khỏi giặc Ô Qua,
Đưa con gái tốt giao hoà thời xong.
Nguyệt Nga là gái Kiều Công,
Tuổi vừa hai tám má hồng đương xinh.
Nàng đà có sắc khuynh thành,
Lại thêm rất bực tài tình hào hoa.
Đưa nàng về nước Ô Qua,
Phiên vương ưng dạ chắc là bãi binh”.
Sở vương nghe tấu thuận tình,
Châu phê dạy sứ ra dinh Đông Thành.
Sắc phong Kiều lão thái khanh:
“Việc trong nhà nước đã đành cậy ngươi,
Nguyệt Nga nàng ấy nên người,
Lựa ngày tháng chín hai mươi cống Hồ”.
Kiều công vâng lệnh nhà vua,
Lẽ nào mà dám nói phô điều nào?
Nguyệt Nga trong dạ như bào,
Canh chầy chẳng ngủ những thao thức hoài.
Thất tình trâm nọ biếng cài,
Dựa mình bỏ xả tóc dài ngồi lo:
“Chiêu Quân xưa cũng cống Hồ,
Bởi người Diên Thọ hoạ đồ gây nên(256)
Hạnh Ngươn xưa cũng chẳng yên,
Bởi chưng Lư Kỉ cựu hiềm còn nghi.(257)
Hai nàng chẳng đã phải đi,
Một vì ngay chúa một vì thảo cha.
Chiêu Quân nhảy xuống giang hà,
Thương vua nhà Hớn nàng đà quyên sinh.
Hạnh Ngươn nhảy xuống Trì Linh,
Thương người Lương Ngọc duyên lành phui pha.
Tới nay phận bạc là ta,
Nguyện cùng bức tượng trót đà chung thân.
Tình phu phụ nghĩa quân thần,
Nghĩa xa cũng trọn ơn gần cũng nên.
Nghĩa tình nặng cả hai bên,
Nếu ngay cùng chúa lại quên ơn chồng.
Sao sao một thác thời xong,(258)
Lấy mình báo chúa lấy mình sự phu”.
Kiều công thương gối đương lo,
Nghe con than thở mấy câu thêm phiền.
Kêu vào ngồi dựa trướng tiền,
Lấy lời dạy dỗ cho tuyền thân danh:(259)
“Chẳng qua là việc triều đình,
Nào cha có muốn ép tình chi con”.
Nàng rằng: “Con kể chi con,
Bơ vơ chút phận mất còn quản bao.
Thương cha tuổi hạc đã cao,
E khi ấm lạnh buổi nào biết đâu.
Tuổi già bóng xế nhành dâu,
Sớm xem tối xét ai hầu cho cha?”
Công rằng: “Chẳng sá việc nhà,
Hãy an dạ trẻ mà qua nước người.
Hôm nay đã tới mùng mười,
Khá toan sắm sửa hai mươi tống hành”.
Nàng rằng: “Việc ấy đã đành,
Còn lo hai chữ ân tình chưa xong.
Con xin sang lạy Lục ông,
Làm chay bảy bữa trọn cùng Vân Tiên.
Ngõ cho ơn ngãi vẹn tuyền.
Phòng sau xuống chốn huỳnh tuyền gặp nhau”.
Kiều công biết nghĩ trước sau,
Dạy cho tiền bạc cấp hầu đưa đi.
Lục ông ra rước một khi,
Nguyệt Nga vào đặt lễ nghi sẵn sàng.
Ngày lành giờ ngọ đăng đàn.
Ăn chay nằm đất cho chàng Vân Tiên.
Mở ra bức tượng treo lên,
Trong nhà cho tới láng giềng đều thương.
Nguyệt Nga cất tiếng khóc than:
“Vân Tiên anh hỡi suối vàng có hay”.
Bảy ngày rồi việc ma chay,
Lại đem tiền bạc tạ rày Lục ông:
“Trông chồng mà chẳng thấy chồng,
Đã đành một nỗi má hồng vô duyên.
Rày vua gả thiếp về Phiên,
Quyết lòng xuống chốn cửu tuyền thấy nhau.
Chẳng chi cũng gọi là dâu,
Muốn lo việc nước phải âu việc nhà.
Một ngày một bước một xa,
Của này để lại cho cha dưỡng già”.
Lạy rồi nước mắt nhỏ sa,
Ngùi ngùi lạy tạ bước ra trở về.

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.