Diệu Âm, Quán Thế Âm

Mãi tới khi bước vào tuổi thu tôi mới có duyên được quay về nương tựa với Tam Bảo và nhờ được theo đúng con đường Phật đi mà ngày nay tôi đã nhận thức được nhiều sai sót hiểu lầm ngày xưa tôi chưa thấy đươc.

Nhà phố ở Saigon trước kia đều dài 12 tới 15 m và rộng 6, 7m nên phần trước thường làm phòng khách và phòng học hay phòng ăn chung nhau nên bàn thờ thường là một cái kệ được gắn trên cao. Ba tôi có lẽ gốc người Tiều vì tôi mang họ Lâm của Ông , nên trên kệ thờ tôi thường thấy có hai bức tranh, cao trên cùng là Quan Thế Âm, dưới sát tranh Phật Bà là tranh 3 người mà đứng giữa là Quan Công.

Thờ là thờ vậy thôi chứ tôi ít thấy ai trong nhà dâng nước thường xuyên vì nhà tôi đông người nên ồn lắm và tôi dạo đó gần thi Trung học đệ nhất cấp nên cũng bắt chước mấy ông anh tôi đi ngủ sớm và khuya vặn đồng hồ báo thức để ôn bài.

Có những khuya dù đã được uống một chút cà phê được tôi để dành từ phần điểm tâm sáng của ba tôi , vậy mà tôi vẫn thường hay ngủ gục và lạ là mỗi lần như thế là tôi linh cảm rằng có một luồng sáng nào đó từ kệ thờ chiếu thẳng vào tôi và tự nhiên tôi choàng dậy và rửa mặt rồi học bài mau thuộc lắm. Tôi hỏi má của bạn tôi ở gần nhà thì bà đáp “Vậy là con được Mẹ độ rồi đó, sau này có việc gì nguy khốn con nhớ niêm PHẬT BÀ QUÁN THẾ ÂM nghe con” và sau này bà còn cho tôi quyển kinh nhò gọi là kinh cứu khổ và những chuyện linh ứng khi niệm hồng danh Phật Bà Quan Âm.

Dòng thời gian trôi nhanh và tôi sau chuyến vượt biên đều thấy linh ứng khi cầu cứu Phật Bà và cho tới 1985 khi dọn nhà từ thành phố hẻo lánh của Queensland về Melbourne để chúng tôi học lại hầu chuyển đổi bằng cấp Đại học mà mình đã có, cả gia đình chúng tôi 4 người trên một chiếc xe hơi củ và một hình tranh vẽ Quan Thế Âm do má tôi thỉnh ở chùa VN cho tôi đem theo khi đi vượt biên.

Làm sao có thể tả được bao nhiêu sợ hãi khi vượt qua những đoạn đường đèo giữa sương mù sáng sớm trên Toowoomba còn được gọi là ĐỈNH SƯƠNG MÙ, ấy vậy mà 4 người chúng tôi đều râm ran Nam Mô Dại Từ Đại Bi Cứu khổ Cứu nạn Quan thế Âm bồ tát và nhờ thế xe chúng tôi qua khỏi những khúc quanh hiểm nghèo.

Giờ đây mỗi khi đọc kinh Phổ Môn đến đoạn
DIỆU ÂM , QUÁN THẾ ÂM
PHẠM ÂM HẢI TRIỀU ÂM

Là mắt tôi lệ nhoà vì tôi hiểu được rằng Quán thế Âm bà lắng nghe tiếng cầu cứu của muôn loài chúng sinh để cứu vớt , không chỗ nào mà Ngài không hiện, không một thời khắc nào mà Ngài bỏ qua vì Ngài đã phát thệ nguyện nhập thế cứu khổ ban vui cho chúng sinh mà lại còn phóng quang để tiếp dẫn các hương linh về Cực lạc Tây phương.

Tôi thường tụng kinh Phổ Môn lắm, nhưng không hiểu sao tôi lại thích đến chùa vào các lễ vía của Ngài để được lập lại sau lời Thầy Trụ Trì rồi cùng nhau dâng lên Ngài 12 lời thệ nguyên dù tôi nay đã hiểu Diệu Âm là tiếng huyền diệu, tiếng của cởi lòng thâm sâu thầm kín của chúng ta phải quay về bên trong mà nghe (Phản văn, Văn tự tánh) đó là tiếng nói của Tâm, tiếng nói Vô Thanh, tiếng đó lớn hơn sấm sét của Phạm Thiên, tiếng gầm của sóng biển, và tôi vẫn tin rằng HỮU CẦU TẤT ỨNG với điều kiện mình hết sức thành tâm vì có câu “Lòng chân thành luôn là yếu tố cần thiết để đạt tới sự giao cảm”.

Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát , con kính dược dâng lòng thành nầy đến Ngài.

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.