Đời Sống Sau Khi Chết – Chương 1 (LIFE AFTER DEATH)

MỤC LỤC

Vài nét về tác giả
Chương 1: Liệu có bất kỳ kiến thức chắc chắn nào không ?
Chương 2: Những sự kiện chân thực
Chương 3: Luyện Ngục
Chương 4: Cõi Trời
Chương 5: Nhiều gian nhà
Chương 6: Bạn bè của chúng ta ở trên Trời
Chương 7: Các Thiên thần hộ mệnh
Chương 8: Những con người hoạt động trong Cõi Vô Hình
Chương 9: Sự giúp đỡ người Chết

_______________________

VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ

Charles Webster Leadbeater sinh năm 1847 – 1934, là một giáo sĩ thuộc Giáo hội Anh quốc cho tới khi ông gia nhập Hội Thông Thiên Học vào năm 1883.

Ông đã sống một số năm ở Tích Lan làm việc để phục hưng Phật giáo. Năm 1893, ông bắt đầu việc khảo cứu bằng thần nhãn, thỉnh thoảng có hợp tác với bà Annie Besant là Hội trưởng thứ nhì của Hội Thông Thiên Học.

Những tác phẩm của ông hé lộ khía cạnh ẩn tàng của các sự vật và đời sống bên kia cửa tử. Những bài thuyết trình của ông trên khắp thế giới đưa ra một quan niệm mới cho cả ngàn người chiêm nghiệm.

Chính ông đã phát hiện ra tiềm năng vĩ đại của J. Krishnamurti, và đã giáo dục Krishnamurti nhằm vào công việc tương lai của đứa trẻ nầy.

_______________________

CHƯƠNG 1: LIỆU CÓ BẤT KỲ KIẾN THỨC CHẮC CHẮN NÀO KHÔNG?

Đề tài đời sống sau khi chết là một đề tài rất thú vị đối với tất cả chúng ta, chẳng những vì bản thân chúng ta chắc chắn là một ngày kia cũng phải chết, mà còn hơn thế nữa vì trong số chúng ta có lẽ ngoại trừ những người rất trẻ thì hầu như chẳng có ai mà không bị thần chết cướp mất (theo như ta gọi điều này) một người nào đó rất thân cận với chúng ta. Như vậy, nếu có bất kỳ thông tin khả dụng nào liên quan tới đời sống sau khi chết thì tự nhiên là chúng ta rất nôn nóng muốn có được thông tin đó.

Nhưng tư tưởng đầu tiên xuất hiện trong tâm trí của kẻ nào thấy một đề tài như thế thường là thắc mắc: “Liệu ta có thể biết chắc chắn điều gì về đời sống sau khi chết hay chăng? Tất cả chúng ta đều có được nhiều lý thuyết khác nhau trưng dẫn trước mắt mình về đề tài này do đủ thứ đoàn thể tôn giáo đưa ra, thế nhưng ngay cả những tín đồ sùng đạo nhất của các giáo phái này dường như cũng khó lòng mà tin được giáo huấn đó về vấn đề này, vì họ vẫn còn nói tới sự chết như là “Vị vua kinh hoàng” và dường như coi trọn cả vấn đề này đều bị bao quanh bởi sự bí mật và khiếp sợ. Họ có thể dùng thuật ngữ “Yên ngủ nơi Chúa Jesus”, nhưng họ vẫn còn dùng bộ quần áo đen và chùm lông vũ, cờ tang khủng khiếp và giấy mỏng viết thư ghê tởm có bờ mép màu đen, họ vẫn còn bao quanh sự chết với mọi chuyện vẽ vời đầy thù nghịch, và với đủ mọi thứ được trù tính để khiến cho nó dường như là u uẩn và khủng khiếp. Về vấn đề này chúng ta có một di sản tồi tệ; chúng ta đã kế thừa những sự khủng khiếp tang chế này từ cha ông của mình, và thế là chúng ta đã làm quen với nó, tuyệt nhiên không thấy nó thật là phi lý và quái gở. Về phương diện này, cổ nhân còn khôn ngoan hơn chúng ta, vì họ không gắn liền mọi cơn ác mộng u ám này với cái chết của thể xác – có lẽ một phần vì họ có một phương pháp hợp lý hơn nhiều để xử trí xác chết – một phương pháp chẳng những vô cùng tốt hơn cho người chết và lành mạnh hơn cho người sống mà còn không có những hàm ý rùng rợn liên quan tới sự thối rữa từ từ. Họ biết nhiều hơn chúng ta về sự chết ngay cả từ thời đó, và vì họ biết nhiều hơn cho nên họ than khóc ít hơn.

Điều đầu tiên mà chúng ta phải nhận thức về sự chết đó là: đây là một sự cố hoàn toàn tự nhiên trong quá trình sinh hoạt của ta. Điều này ắt phải là hiển nhiên ngay tức khắc đối với chúng ta, vì nếu chúng ta có tin vào một đấng Thượng Đế là một bậc Từ phụ, thì chúng ta nên biết rằng một số phận vốn xảy ra cho tất cả mọi người như là sự chết ắt không thể là điều xấu xa, và cho dù chúng ta ở trên thế giới này hoặc đã chuyển sang thế giới bên kia, thì chúng ta cũng đều an toàn trong vòng tay của Ngài. Chỉ nội nhận xét này không thôi ắt cũng đã cho ta thấy rằng sự chết không phải là một điều gì đó dễ sợ, mà chỉ là một bước cần thiết trong cuộc tiến hóa của ta. Thông Thiên Học cũng chẳng cần đến với các nước theo Ki Tô giáo và giảng dạy rằng sự chết là một người bạn chứ không phải một kẻ thù. Việc đó cũng không cần thiết trừ phi Ki Tô giáo đã quên hết phần lớn truyền thống tốt đẹp của riêng mình. Nó đã đạt đến mức coi ngôi mộ là “Dòng suối mà không một kẻ lữ khách nào quay về từ đó”, và việc băng qua dòng suối là một bước nhảy vào đêm tối và một cõi hư vô dễ sợ nào đó mà chưa ai biết tới. Về vấn đề này cũng như nhiều vấn đề khác, Thông Thiên Học có một phúc âm dành cho thế giới phương Tây; nó phải loan báo rằng vượt ngoài ngôi mộ không hề có một vực sâu u ám mà ta không vượt qua nỗi, thay vào đó chỉ có một thế giới ánh sáng và sự sống mà ta có thể biết được một cách trọn vẹn và chính xác giống như những đường phố ở đô thị của chính chúng ta. Chúng ta đã tự tạo ra cho mình sự u buồn và khủng khiếp giống như những đứa trẻ tự nhác mình bằng những câu chuyện ma, và chúng ta chỉ cần nghiên cứu những sự kiện trong trường hợp này thì mọi đám mây nhân tạo đó sẽ biến đi ngay tức khắc. Sự chết không phải là một ông vua khủng bố nơi chốn âm ty, không phải là một bộ xương cầm lưỡi hái cắt đứt sợi chỉ sự sống, mà đúng hơn là một vị thiên thần cầm một chìa khóa vàng để mở cửa cho chúng ta bước vào một cuộc sống viên mãn hơn và cao siêu hơn cuộc sống của ta.

Nhưng tự nhiên là người ta sẽ hỏi: “Điều này thật là đẹp đẽ và thi vị, nhưng làm sao chúng ta có thể biết chắc được nó quả thực là như thế?” Bạn có thể biết nó theo nhiều cách khác nhau; có nhiều bằng chứng sẵn có để trao cho bất kỳ người nào mất công thu thập bằng chứng. Phát biểu của Shakespeare quả thật là đáng chú ý khi chúng ta xét thấy rằng ngay từ buổi bình minh của lịch sử và nơi mọi xứ sở mà ta chẳng biết gì, các khách lữ hành luôn luôn đã từ bên kia ngôi mộ trở về và hiện hình ra với đồng loại của mình. Có nhiều bằng chứng về sự hiện hình như thế (người ta gọi chúng như vậy). Có một lúc việc chế nhạo tất cả những câu chuyện đó mang tính cách thời thượng, song giờ đây không còn như vậy nữa vì các nhà khoa học như ngài William Crookes (người khám phá ra kim loại Thallium và phát mình ra bức xạ kế Crookes) cùng với ngài Oliver Lodge (nhà khoa học vĩ đại) và những nhân vật công quyền lỗi lạc như ông Balfour, cố Thủ tướng Anh, đều đã gia nhập và hoạt động tích cực trong một Hiệp hội được tạo lập để khảo cứu về những hiện tượng như thế. Ta hãy đọc những phúc trình công tác của Hội Khảo cứu Tâm linh thì ắt thấy được một điều gì đó làm chứng cho việc người chết quả thực có trở về. Ta hãy đọc những quyển sách như Chuyện Ma Có Thực của ông Stead hoặc Kẻ Ẩn Mình của Camille Flammarion, thì ắt thấy rằng có nhiều bài tường thuật về những sự hiện hình ra – không phải cách đây hàng thế kỷ ở một xứ xa xăm nào đó, mà là ở đây và ngay bây giờ trong đám chúng ta – cho những người vẫn còn sống; ta có thể thẩm vấn những người này và họ có thể làm chứng cho thực tại trong kinh nghiệm của mình.

Một đường lối khác tìm bằng chứng về đời sống sau khi chết là việc nghiên cứu thần linh học hiện đại. Tôi biết rằng có nhiều người nghĩ là chẳng có chi để phát hiện theo đường lối này ngoại trừ sự gian lận và lừa đảo; nhưng bản thân tôi có thể làm chứng cá nhân rằng không phải như thế đâu. Trong một vài trường hợp có thể có – thậm chí đã có – sự gian lận và lừa đảo; tuy nhiên tôi xin mạnh dạn khẳng định rằng đằng sau điều này có những sự thật lớn lao vốn có thể phát hiện được do bất cứ người nào sẵn lòng dành trọn sự kiên nhẫn và thời gian cần thiết để phát lộ chúng. Lại nữa, ở đây ta có một kho tài liệu lớn lao để mà nghiên cứu hoặc nếu người nào thích thì bản thân y có thể khảo cứu trực tiếp giống như chính tôi vậy. Nhiều người có thể không sẵn lòng mất công dành nhiều thời gian đến như thế; tốt thôi, đó là chuyện của họ. Nhưng nếu họ không chịu khảo sát thì họ không có quyền chế nhạo những kẻ nào đã chứng kiến, và do đó biết rằng những sự việc này là chân thực.

Một đường lối thứ ba để tìm bằng chứng mà người ta rất khuyến khích tán thành đối với kẻ nghiên cứu Thông Thiên Học, đó là việc trực tiếp khảo cứu. Mọi người đều có bên trong bản thân những năng lực tiềm tàng, những giác quan chưa phát triển, nhờ vào đó ta có thể trực tiếp nhận biết được thế giới vô hình, và bất cứ kẻ nào chịu khó triển khai những quyền năng này, thì trọn cả thế giới bên kia cửa tử sẽ mở rộng ra như ánh sáng thanh thiên bạch nhật. Khá nhiều người Thông Thiên Học đã phát triển được những giác quan nội tại này và tôi muốn nêu ra trước mắt bạn những bằng chứng thu thập được như thế. Tôi thừa biết rằng đây là một lời rêu rao đáng chú ý, một lời rêu rao mà bất kỳ giáo sĩ nào, bất kỳ nhà thờ nào cũng chẳng dám nêu ra khi y trình bày phiên bản của mình về những trạng thái sau khi chết. Y ắt bảo rằng: “Giáo hội dạy như thế” hoặc “Thánh kinh nói như thế”, nhưng y chẳng bao giờ nói rằng: “Khi tôi nói với bạn thì tôi đã nhìn thấy chuyện đó và biết rằng nó là đúng sự thật”. Nhưng trong Thông Thiên Học, chúng tôi có thể nói hoàn toàn dứt khoát với bạn rằng cá nhân trong nhiều người chúng tôi biết rõ điều mà mình nói, vì chúng tôi đang bàn tới một loạt nhất định sự kiện mà chúng tôi đã khảo cứu, và đến lượt bản thân bạn cũng có thể khảo cứu. Chúng tôi trình bày với bạn điều mà chúng tôi biết, thế nhưng chúng tôi xin nói với bạn rằng: “Nếu bạn không tán thành điều này là cực kỳ có lý thì bạn đừng bằng lòng với những lời quả quyết của chúng tôi; bản thân bạn hãy khào sát những sự việc này rốt ráo đến mức tối đa, nhiên hậu bạn mới ở vào vị thế nói với những người khác một cách đầy thẩm quyền giống như chúng tôi”. Nhưng đâu là những sự kiện mà những cuộc khảo cứu đó đã tiết lộ cho chúng ta?

Charles Webster Leadbeater – Tâm Như dịch ( Theo chuabuuchau.com.vn )

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.