Ba độc Tham Sân Si

Trong cuộc sống có rất nhiều thứ độc hại. Có loại chất độc làm cho con người trở nên điên đảo như thuốc độc, rượu, bia,… Có loại làm cho con người có cảm giác lâng lâng như xuất hồn ra khỏi xác, kích thích con người năng động hơn, rạo rực hơn và cuồng nhiệt, say mê hơn như thuốc phiện, ma túy, hồng phiến,…

,… Nhưng nguy hại hơn cả là ba thứ độc hại: tham – sân – si. Vì nó là cội nguồn sinh ra mọi thứ tội lỗi, là động cơ khiến con người tìm đến với các chất độc hại kể trên và là động lực lôi kéo con người vào đường tội lỗi, trôi lăn mãi trong luân hồi, sinh tử.

Hình tướng của tham:

Tham có nghĩa là ham muốn, tham lam. Tham là tâm lý chung của con người. Lòng tham của con người là vô cùng tận. Mọi người thường tham đắm vào năm món dục: tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, đồ ăn thức uống và sự ngủ nghỉ.

Đối với tiền của, ai cũng muốn mình có thật nhiều. Nói cho chính xác thì không phải con người tham tiền, tham của mà là tham những giá trị mà tiền của có thể mang lại cho họ. Vì tham tiền của mà con người phải làm lụng vất vả, khó nhọc, quần quật quanh năm suốt tháng, không có thời gian nghỉ ngơi. Cũng vì muốn có thật nhiều tiền của mà người ta đã bày mưu, tính kế, lừa dối, gạt gẫm nhau để thu lợi về phần mình, không hề quan tâm đến người khác. Vì thấy lợi trước mắt nên người ta bất chấp mọi qui định của pháp luật, không nghĩ đến đạo nghĩa, không từ mọi thủ đoạn, đánh mất nhân cách của mình. Trong sự tranh đoạt thì nhất định có kẻ thắng người thua, kẻ được người mất. Kẻ được thì vui mừng, hồ hỡi, người mất thì buồn khổ, tủi hận. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự đấu tranh. Một khi đã có nhiều tiền của thì lại lo đến chuyện cất giữ nó. Nhiều người quá ư vất vả trong vấn đề này. Họ phải lo khóa trong, khóa ngoài, phải thuê người bảo vệ mà vẫn chưa an tâm, đi đâu cũng nơm nớp lo sợ, sợ bị chấn lột, bị tống tiền,… Đấy là nói những người làm ăn chân chính. Còn những người làm ăn bất chính thì sự khổ sở và nỗi lo sợ của họ chồng chất rất nhiều. Họ luôn bị nỗi lo sợ ám ảnh, đến cả lúc ngủ cũng không yên tâm, lúc nào cũng có cảm giác như ngồi trên đống lửa, khiến họ ngồi trên đống của mà vẫn không có được một giây hạnh phúc.

Đối với danh vọng, địa vị, con người cũng ham muốn không cùng. Vì danh vọng và địa vị có thể đem đến cho con người uy tín, quyền lực và tiền của cho nên ai cũng muốn đạt được. Trong trường danh vọng, địa vị cũng không kém phần kịch liệt. Muốn có danh vọng, địa vị thì phải cố gắng, phải làm việc cật lực. Mà những địa vị cao trong xã hội thì đâu có nhiều, cho nên mọi người thường tranh dành lẫn nhau. Nhiều khi để đạt được địa vị, danh vọng, người ta phải bày mưu, tính kế, trù dập lẫn nhau, dẫm đạp lên nhau, đôi khi dùng đến cả những phương thức bạo động để đạt được địa vị trong xã hội. Và khi đã đạt được rồi vẫn thấy chưa yên, một mặt thì lo củng cố địa vị hiện tại, một mặt hướng đến địa vị cao hơn. Chính sự ham muốn quá mức này đã vắt kiệt sức lực và tâm lực của con người. Tổ tiên chúng ta đã nhận định: “Càng cao danh vọng càng dày gian lao”. Thế nhưng mọi người vẫn lao vào con đường tìm kiếm công danh, địa vị, chính vì thế mà khổ đau vẫn mãi bám theo bên mình.

Đôi khi vì miếng ăn mà dẫn đến thù hận nhau, chém giết lẫn nhau. Thật là bi thảm!

Như vậy, có ham muốn là có đau khổ, còn ham muốn là còn khổ đau, ham muốn càng nhiều thì khổ đau càng lắm. Lòng tham khiến cho con người phải khổ đau cả trong hiện tại lẫn tương lai.

Hình tướng của sân:

Sân là nóng giận. Có thể là do mong cầu mà không được toại ý nên sinh nóng giận, và cũng có thể là do người khác làm trái ý, phiền lòng mình nên nổi giận. Có loại nóng giận bộc phát ra ngoài và có loại thì âm ỉ cháy bên trong.

Loại nóng giân bộc phát ra ngoài thì rất là tai hại. Mỗi khi cơn giận nổi lên thì người ta không còn kiểm soát được cử chỉ, hành vi của mình. Những lúc như thế thì không có việc gì mà họ không dám làm, họ có thể giết người, đánh đập, chửi mắng vô cùng thô bạo. Họ vung tay, múa chân, đi đứng vô cùng bạo ngược, nói năng bất hảo, mặt đỏ mắt trừng,… Có những người chồng, người cha, trong cơn nóng giân đã đánh vợ, đánh con đến độ phải chết hoặc gây ra thương tích, trở thành phế nhân, và khi tỉnh lại thì sự đã rồi, thế là quãng đời còn lại của anh ta phải sống trong ân hận, khổ đau, day dứt mãi không thôi.

Tuy nhiên, do loại nóng giận này biểu lộ ra bên ngoài nên người khác dễ dàng nhận biết được, nếu đối tượng là người khéo léo, nhã nhặn, có khả năng làm chủ bản thân tốt thì có thể chuyển đổi được tình thế, xao dịu được cơn giận của đối phương.
Đối với những người có khả năng kiềm chế, làm chủ bản thân, khi gặp chuyện trái ý, nghịch lòng, khi bị kích động, sự nóng giân vẫn phát sinh, nhưng họ đủ mạnh để ghìm sự nóng giận ấy vào trong lòng. Đây là kiểu nóng giận của Hoạn Thư:

“Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao”

Vì lòng giận được ghìm vào, âm ỉ cháy trong lòng nên họ không có những hành động thô bạo. Điều này giúp cho người nóng giận tránh được những hành động nông nỗi trong cơn giận dữ và dễ dàng hóa giải lòng giận hơn nếu họ biết tu tập. Còn nếu như hạng người này mà thiếu tu tập thì họ trở nên vô cùng thâm hiểm, họ hành động âm thầm làm cho đối phương không biết đâu để phòng tránh. Một khi cơn giận cứ âm ỉ cháy trong lòng thì nó làm tổn hại bản thân rất nhiều. Nó làm cho con người trở nên trầm cảm, u uất và dễ phát sinh các chứng bệnh tâm thần và đấy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh đau bao tử, bệnh ung thư. Vì sự u uất lâu ngày nó làm cho bao tử tiết ra nhiều chất axít hơn bình thường và dễ kết tụ thành những khối u ở trong cơ thể.

Nói chung, cả hai loại nóng giận đều đem lại tai hại và đau khổ cho cả mình và người trong hiện tại lẫn tương lai. Sự nóng giận làm tiêu tan bao nhiêu hạnh lành, đánh mất nhân cách, uy tín của bản thân. Đức Phật có dạy: “Một niệm sân hận khởi lên, đốt cháy cả khu rừng công đức”.

Về hình tướng của si:

Si là không sáng suốt, không có trí tuệ, không thấy rõ pháp Tứ đế, không thấy được tính vô thường, vô ngã của các pháp. Trong Tam độc thì si là cội gốc sinh ra hai thứ kia. Có nghĩa là do si mê nên sinh tham trước, do si mê mới sanh nóng giận.

Điều si mê trước nhất của con người là chấp thân ngũ uẩn này là thật, là của ta (chấp ngã). Chính vì thấy thân này là thật nên thấy những cái liên hệ với thân này cũng là thật luôn (chấp ngã sở). Do cái thấy như vậy cho nên luôn tìm cầu mọi thứ để thỏa mãn sự mong cầu của thân, lo trang sức cho thân. Nhưng sự mong cầu của thân thể thì không có giới hạn nên sự thỏa mãn ấy cũng không có điểm dừng lại. Chính vì thế mà nó lôi cuốn con người vào vòng xoáy của nó, làm cho tâm trí con người càng thêm mờ mịt, thân thể ngày càng bạc nhược. Ham muốn không được thì sinh nóng giận, khi đã đạt được thì phải lo bảo vệ. Nhưng hễ có kẻ được thì tất có người mất, từ đó sanh ra hai trạng thái tâm lý khác nhau, đối kháng nhau giữa người với người và dẫn đến làm khổ nhau mãi.

Tiếp theo là sự mê chấp tâm lý, ý thức vốn sanh diệt, biến đổi luôn luôn, thế nhưng chúng ta lại mê chấp là thường hằng, bất biến. Thực ra, những thứ ấy do sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh cùng với sự tham gia của sáu thức mà sinh ra. Chúng thay đổi, chuyển động luôn luôn. Thế mà chúng ta vẫn bám vào cái giả hợp ấy cho là tâm mình. Khi đã chấp vào sự giả hợp ấy là tâm mình rồi thì mình nghĩ gì, suy tư điều gì cũng đều cho là đúng, là hay, là hợp lý, rồi bảo vệ ý kiến, quan điểm của mình, phản bác ý kiến, quan điểm của người khác. Đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh sự đấu tranh, chống đối lẫn nhau.

Mỗi người đều có duyên nghiệp riêng biệt, có hoàn cảnh sống khác nhau, tiếp thụ những nền văn hóa, giáo dục khác nhau nên thật khó có sự giống nhau trong suy tưởng. Vì thế, mọi người cần phải biết dung hòa lẫn nhau, bổ sung cho nhau và tôn trọng lẫn nhau. Có như thế mới tạo nên cuộc sống ý vị. Giả như mọi người đều đồng nhất quan điểm với nhau, đơn điệu như nhau thì còn đâu là cuộc sống, còn đâu nữa sự phong phú, đa dạng của cuộc đời?!

Đối trị ba độc:

Như trên chúng ta đã biết, si mê là cội rễ của ba thứ độc hại.. Chúng ta phải luôn luôn quán chiếu vạn pháp là vô thường, tất cả đều vận hành theo qui luật thành-trụ-hoại-không. Hễ có sanh thì có diệt, có tụ hội thì có ly tan. Tất cả đều nương nhau mà tồn tại theo tính duyên sinh, nương vào nhau mà sinh khởi, cái này có mặt vì cái kia có mặt, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt. Mọi sự mọi vật đều không có thực thể, không có tính vĩnh hằng. Chúng chỉ có mặt khi hội đủ nhân duyên và khi các duyên chia lìa nhau thì chúng cũng theo đó mà tan hoại. Một khi đã biết thân này là giả hợp, là tạm bợ thì chúng ta sẽ thấy những thứ xung quanh ta cũng là giả hợp, tạm bợ mà thôi. Nhờ sự thấy biết này mà chúng ta không tham đắm, không chấp trước. Do vậy mà khổ đau được vơi đi dần. Ngay thân ta còn tạm bợ, huống gì những thứ danh vọng hảo huyền,. Cho nên chúng ta sẽ không tham cầu, không nổi nóng vì những lời bất hảo, những sự trái ý, nghịch lòng nữa.

Tam độc là nguyên nhân làm cho chúng sanh đau khổ, bất an và không có hạnh phúc; là động lực thúc đẩy chúng sanh tạo các ác nghiệp và cứ thế mà trôi lăn mãi trong luôn hồi lục đạo, lặn hụp trong biển khổ sanh tử không biết ngày nào ra khỏi; là nguy cơ dẫn đến chiến tranh, tàn hại lẫn nhau, phá hủy môi trường tự nhiên và làm ô uế môi trường xã hội.

Là những người học Phật, hành theo hạnh của Phật, chúng ta phải tu tập để chuyển hóa dần dần tham, sân, si ở trong lòng. Có như thế chúng ta mới có thể kiến tạo cho mình một đời sống hạnh phúc, an vui và góp phần đem hạnh phúc, an vui đến cho mọi người, làm cho cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội ngày thêm tươi đẹp, ngày càng hạnh phúc và an lành hơn.

Thiện Tâm

http://thientam.vn/index.php?nv=News&at=article&sid=1410

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.