Bài Giảng Kinh A Di Đ

Trong kinh A Di Đà đã đề cập đến cõi Cực Lạc cách đây 10 muôn ức cõi Phật. Nói 10 muôn ức cõi Phật thì quá xa quá dài. Nhưng tâm chúng ta sống trong vọng tưởng nghiệp thức thì chúng ta nghĩ là dài xa như vậy. Thực ra không phải là dài xa ngoài khả năng chúng ta đâu. Không phải lâu xa vì tất cả mọi pháp đều từ trong tâm chúng ta mà biến chuyển ra. Nền khoa học ngày hôm nay con người đã thu ngắn không gian lại. Thật vậy nửa vòng trái đất chúng ta đi qua không lâu lắm. Con người ngày nay đã biết chế tạo những chiếc phi cơ phản lực, phi thuyền và đã chinh phục không gian. Những trang bị điện tử cách thật xa chúng ta chỉ cần bấm nút có thể liên lạc nhau và hiện bày trao đổi hình ảnh với nhau nhanh chóng. Dù thế giới Cực Lạc cách chúng ta 10 muôn ức cõi nhưng chúng ta đạt nhất tâm thì thế giới đó sẽ hiển lộ.

Nói về thế giới Cực Lạc để đối chiếu với cực khổ. Đó là chân lý tương đối. Hôm nay chúng ta sẽ học về thế giới y báo tức là cõi nước Cực Lạc. Nhĩ thời Phật cáo Trưởng lão Xá Lợi Phất:Tùng thị Tây phương quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực lạc kỳ độ hữu Phật hiệu A Di Đà, kim hiện tại thuyết pháp. Tạm dịch Phật bảo Ngài Trưởng lão Xá Lợi Phất Cách đây mười muôn ức cõi Phật có một thế giới có cói tên là Cực Lạc có một đức Phật hiệu là A Di Đà hiện đang thuyết pháp.

Xá Lợi Phất! Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc? Kỳ quốc chúng sanh vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc. Qua đoạn kinh văn nầy đức Phật nói Này Xá Lợi Phất tại sao gọi cõi ấy tên là Cực lạc? Bởi vì nước đó chúng sanh không có khổ mà chỉ toàn vui nên gọi là Cực lạc. Trong khi chúng ta ở cõi Ta Bà nhiều khổ mà ít vui. Nhưng chúng ta có vui chỉ là vui rồi đau khổ.

Nếu nói theo đối đãi thì ở bên nầy cực khổ thì bên kia là cực lạc. Mặc dù cõi Ta bà cũng vui nhưng:

Thú vui nẫy mầm cho đâu khổ
Trong sum vầy chứa đựng sự chia ly.

Khổ có nghĩa đen là đắng, nhưng nghĩa bóng là những điều bất như ý, không toại nguyện. Nói đến khổ thì hay đi kèm với đau: đau sinh ra khổ và khổ sinh ra đau. Đau liên hệ đến thân, khổ liên hệ với tâm, cả hai hòa huyện với nhau không thể tách ly. Phật giáo chia ra tam khổ hay bát khổ. Tam khổ là:

Khổ khổ là khổ chất chồng hết cái này đến khác như câu họa vô đơn chí mà phước bất trùng lai. Ốc lâu cánh lao liên dạ vũ, thuyền trì hội ngộ đả đầu phong nghĩa là nhà dột bị mưa đêm, thuyền đi nước ngược lại bão tố.

Hành khổ lá sự biến dịch không ngừng. Trong cơ thể ta các tế bào sinh diệt không ngừng nghỉ vì vậy xác thân ta cũng không ngừng biến chuyển sanh trụ dị diệt.

Hoại khổ: đây là giai đoạn cuối cùng đi đến tiêu tan đi đến chung cuộc toàn là khỗ não

Bát khổ là diễn tả chi tiết hơn về cái khổ. Đó là 4 cái căn bản khổ là sanh, lão, bệnh, tử, rồi cộng với ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ.

Đức Phật nói, nỗi khổ của chúng sanh trong cõi trần thế, nếu có hình tướng thì có thể chất đầy cả địa cầu này. Nước mắt của chúng sanh nếu dồn lại chắc phải nhiều hơn nước trong bốn biển đại dương. Ôn Như Hầu đã chẳng diễn tả nỗi khổ của con người triền miên tiếp diễn tả nỗi khổ của con người triền miên tiếp diễn tự thuở lọt lòng mẹ cho đến hơi thở cuối cùng.

 

Thảo nào khi mới chôn nhao,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra
Khóc vì nổi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu
Trắng răng đến thuở bạc đầu
Tử sanh kinh cụ làm đau mấy lần.

Báo hiệu cuộc sống của kiếp người nơi trần thế bằng tiếng khóc chào đời: “Khổ quá, khổ quá” ngay thuở ban đầu lọt lòng mẹ. Và tiếp theo đó là chuỗi dài của những ngày tháng thăng trầm phiền muộn, lo âu dập dồn không biên giới, như khói sóng mù tỏa trên biển cả ngút ngàn, với sóng dồi gió dập man man vô tận, mà con người lặn hụp trong đó không biết bao giờ yên nghỉ. Thi sĩ Đoàn Như Khuê đã hình dung biển khổ của kiếp người trần thế qua bài thơ:

Bể khổ mênh mông sóng ngập trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi!
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió
Ngoảnh lại cùng trong biển khổ thôi!

Ngoảnh lại cùng trong biển khổ thôi!
Nổi chìm, chìm nổi biết bao người
Kiếp người nghĩ cũng lênh đênh quá
Qua cánh bèo trôi mặt nước thôi!

Từ khi chúng ta mới chào đời đã:

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Ai bày trò bãi bể nương dâu,
Trắng răng đến thuở bạc đầu,
Tử, sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần. 

Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc,
Lớp cùng thông như đúc buồng gan,
Bệnh trần đòi đoạn tâm toan,
Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da. 

Gót danh lợi bùn pha sắc xám,
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu,
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê. 

Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ,
Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu,
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh.

Chúng ta biết rõ ràng kiếp nhân sinh là khổ, hữu thân hữu khổ vì vậy phải nhàm chán cảnh Ta bà ngũ trược nầy mà tu tập hầu và hân nguyện vãng sanh về cõi Cực Lạc với y báo và chánh báo thù thắng. Chúng ta nên biết cửa thiền người ta còn gọi là cửa không còn gọi là cửa bát nhã. Như vậy chúng ta bước vào cửa chùa là đi vào cửa không. Không đây không phải không có gì hết nhưng là không có tự tánh và do các duyên thì hợp thành nên thể tánh vốn không thật. Đây là tánh không của vạn pháp. Muốn thấy ông chủ phải bước qua cửa không nghĩa là không có cái chấp nhứt, phải tập buông xả thì mới trở về với tánh không nầy được. Đây là cách chúng ta tu tập theo hạnh bồ tát, Phật.

Đến đây chúng ta tìm hiểu câu kinh văn. “Hựu Xá Lợi Phất! Cực Lạc quốc độ, thất trùng lan thuẫn, thất trùng la võng, thất trùng hàng thọ, giai thị tứ bảo, châu tráp vi nhiễu, thị cố bỉ quốc danh vi Cực Lạc

Nghĩa là: Lại còn đây nữa Xá Lợi Phất, cõi nước Cực Lạc bảy lần dậu rào, bảy lần lưới giăng, che bằng bảy hàng cây, tất cả bằng châu báu chung quanh, bởi thế nước kia gọi là Cực Lạc. Đây là y báo của của cõi Cực Lạc. Y báo chỉ chung là cảnh vật, nếu chiếc tự y là nương, báo là đáp trả lại.

Thí dụ chúng ta có chút phước đức được sang Úc sống. Ở đây môi trường tốt hơn trong khi có nhiều quốc gia khác môi trường không được tốt, đầy bụi bậm ô nhiễm, vệ sinh rất tệ. Trên thế giới hiện nay có nhiều quốc gia tân tiến nhưng cũng có những quốc gia còn lạc hậu. Chúng ta sống trên quả địa cầy này, nhà cửa sơn hà đại địa đều là y báo, chúng ta nương vào y báo để sống. Y báo cõi Ta Bà chúng ta sống là uế độ, nếu có sạch chỉ trong tương đối mà thôi. Chúng ta nói nước Úc sạch vì so sánh với những nước dơ. Nếu ta sống trong môi trường ô nhiễm thì bệnh hoạn sẽ nãy sanh. Nếu chúng ta sống trong môi trường tốt, cảnh vật xung quanh tốt thì sự sống chúng ta về phương diện vật chất sẽ tốt đẹp hơn. Vì vậy chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ vì đó là sự sống của chúng ta. Nếu chúng ta vô tình phái hoại môi trường thì chúng ta tự sát. Nhà cửa, chung quanh chúng ta dọn dẹp sạch sẽ chính là làm cho môi trường được tốt. Y báo tác động cho chánh báo rất nhiều. Chánh báo dĩ nhiên là chủ, phần lớn cảnh vật của y báo đều do chánh báo tạo ra. Thí dụ căn nhà là y báo do con người là chánh báo tạo ra. Y báo tốt đẹp thì ảnh hưởng chánh báo tốt đẹp. Thí dụ nhà dơ, bừa bải thì chúng ta sống ngột ngạt. Vì vậy chúng ta cần tạo y báo tốt đẹp rất là cần thiết.

Chúng ta tu tập thân tâm chúng ta là y báo và hoàn cảnh sống xung quanh là y báo. Ngôi chùa là y báo, Phật chúng ta thờ là y báo, bởi vì tất cả những thứ đó chúng ta nương vào những thứ đó mà tu. Lúa gạo thực phẩm con người tạo ra đều là y báo. Nếu không có đất làm sao chúng ta sống được, cơm đâu ăn. Đối với các vi trùng thì thân thể chúng ta là y báo của chúng. Nhờ thân chúng ta mà chúng nương tựa vào để tồn tại. Loài cá thì sông biển ao hồ là y báo hay môi trường sống của chúng.

Chúng ta thăm bất cứ quốc gia nào y báo sẽ đập vào mắt chúng ta trước và sau đó là chánh báo. Nhìn hoàn cảnh sống, sinh hoạt của họ chúng ta có thể đánh giá người dân của họ có tiến bộ hay không. Chúng ta có dịp du lịch sang Singapore thấy nhà của đường xá công viên của họ thật là sạch sẽ khang trang. Chánh báo đẹp nên tạo ra y báo đẹp và ngược lại. Nhìn chánh báo biết y báo ngược lại nhìn y báo biết chánh báo.

Nhìn một đoàn thể tu học người ta biết chánh báo như thế nào. Môi trường chúng ta tu tập như thế nào thì chúng ta biết y báo như thế nào. Chùa nầy do chánh báo xây dựng và nương vào y báo nầy để tu học, Như vậy y báo và chánh báo tương quan và tương duyên nhau rất chặt chẽ không thể tách rời ra.

Cõi Cực Lạc mà đức Phật diễn tả nó là một xã hội cao cấp. Nhân dân bên đó đều là các bậc thượng thiện nhân là những vị cao đức không có tâm ác độc như những con người ở cõi Ta Bà. Do đức Phật A Di Đà và nhân dân bên đó có những đặc tính siêu phàm nên tạo ra một y báo thù thắng toàn châu báo tạo thành.

Đức Phật là con người giác ngộ, ngài tỉnh thức trong từng lời nói và hành động. Ngài sống trong định. Nếu chúng ta tập tành được những phút giây tỉnh thức là chúng ta đi trên con đường mà Phật đã đi. Nếu ta đi lệch con đường Phật Bồ tát đi là chúng ta đi theo hướng tà. Hàng ngày chúng ta phải quán chiếu nội tâm mình vừa khởi lên niệm xấu ác thì chúng ta dập tắt ngay đó là người biết tu. Chúng ta học kinh A Di Đà để biết cõi Cực Lạc ở Tây Phương với y báo trang nghiêm thắng diệu vô cùng chúng ta phải nhàm chán cõi Ta Bà đau khổ mà chúng ta đang nặng mang để cố gắng tu tập mà về cõi bên kia. Chúng ta nhàm chán Ta Bà mà nguyện về cõi Cực Lạc hoàn toàn thanh tịnh. Hơn thế nữa bên cạnh chúng ta là những bạn lữ không còn phiền não buồn giận, được như vậy thì đạo lực chúng ta càng ngày càng gia tăng. Người xưa thương dạy: Gần mực thì đen gần đèn thì sáng nếu chúng ta về cõi đấy thì ngày viên thành Phật quả sẽ không xa. Từ xưa đến nay Phật, Bồ Tát tiếp tục xuất thế và thường xuyên hóa hiện trong cõi đời khẩn thiết khuyến hóa độ sanh, những mong người đời tỉnh ngộ tu tâm dưỡng tánh để sớm hồi đầu về bến giác, để thoát khỏi luân hồi sanh tử. Nhưng người đời vì vô minh, tham ái, lấy giả làm chơn, nhận giặc làm con, sống theo tình thức ngũ dục, đuổi bắt lợi danh tình ái thế gian bẩn nhơ mộng huyễn, cảnh còn thì vui, cảnh mất thì buồn, mà vẫn mê muội chẳng ý thức cảnh đời vốn đã không thật. Buồn vui theo cảnh trần hợp tan, sống chết trôi lăn theo nghiệp thức dẫn dắt.

Chúng ta đang sinh hoạt trong đạo tràng Quang Minh quả là một thắng duyên. Chúng ta gọi nhau là bạn nhưng mà bạn sen trong khi đó người ta bên ngoài là bạn đời. Bạn sen hơn bạn đạo bởi vì sen là thanh thịnh, tinh khiết và có hương thơm. Bạn sen là chánh báo, những người cùng sinh hoạt trong một y báo có nghĩa là cùng một môi trường tu tập để tiến đến một đạo tràng lý tưởng. Chúng ta hãy bỏ đi ganh tị đố kỵ mà hãy thương yêu nhau. Mong sao mỗi người chúng ta là một đóa sen và kết hợp lại thành một tràng hoa sen đẹp đẽ, thơm tho thì quý hóa vô song.

 Nam Mô A Di Đà Phật

Chủ giảng: Thích Phước Thái – Ghi lại bởi Minh Quang

Ngày 20 tháng 04 năm 2014 = Tại chùa Quang Minh. Melbourne, Australia.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.