Bí Ẩn Về Tiền Kiếp Hậu Kiếp – Chương 6

Chương 6

Để Quên hay Nhớ Lại Kiếp Trước

Nếu Có Luân Hồi, Tại Sao Lại Không Nhớ Tiền Kiếp?

Đây là câu hỏi đã được loài người đặt ra từ lâu khi vấn đề luân hồi được nêu ra. Nếu Luân hồi là có thật thì cho đến nay, nguyên nhân nào đã khiến cho con người nhớ lại hay quên đi cuộc đời trước đó của mình vẫn chưa hoàn toàn được giải thích và chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên không phải đó là nguyên nhân để phủ nhận vấn đề luân hồi. Vấn đề luân hồi là một vấn đề sâu xa tế nhị. Từ ngàn xưa, con người đã tìm cách lý giải vấn đề này. Trong nhân gian, không hiếm những lời giải thích tại sao lại quên những gì về tiền kiếp. Nếu giả dụ rằng có sự tái sinh thì nhớ lại kiếp trước sẽ gây được biết bao điều phiền toái trở ngại. Một người sinh ra nếu nhớ lại tiền kiếp của họ, người ấy sẽ tìm đến những gì liên quan đến bản thân họ ở quá khứ hơn là hiện tại. Thực tế trên thế gian đã có khá nhiều trường hợp xảy ra. Vì hiện tại họ mới chỉ sinh ra và rất mới lạ đối với những người mà họ nhận là cha, mẹ, anh em, bà con… Một thí dụ dể hiểu là khi một đứa bé ra đời và đến tuổi biết suy nghĩ, nếu đứa bé ấy nhớ lại tiền thân của mình là con của ông A, bà B thì dĩ nhiên khi lớn tình mẫu tử, phụ tử sẽ sống dậy nơi đứa bé và dĩ nhiên nó sẽ tìm đủ mọi cách để gặp lại cha mẹ cũ. Như vậy người mẹ hiện nay của đứa bé sẽ ra sao? sẽ đau đớn khổ sở, buồn rầu biết chừng nào? thí dụ ấy giống như tâm trạng của một cô gái ngày xưa về nhà chồng mà bao nhiêu kỷ niệm đẹp với người yêu dấu đều bỏ lại đằng sau trong khi người mà mình sẽ gọi là chồng thì lại là một người không quen biết do cha mẹ của tiền kiếp thì hình ảnh ấy sẽ lôi cuốn vô cùng không những vì tình cảm rằng buộc mà còn có thể là vì tò mò muốn biết sự thật về kiếp trước của mình ra sao.

Luật luân hồi quả báo quy định rõ ràng con người sẽ phải chuyển sinh qua nhiều kiếp và những gì họ phải trải qua như buồn đau khổ hận, tai nạn hoặc sung sướng hạnh phúc, giàu sang, đều do từ kết quả họ tạo ra từ kiếp trước. Hiện tượng luân hồi được xem như là một định luật. Tuy nhiên luật này dễ bị xáo trộn khi con người biết được rõ ràng mỗi kiếp của mình. Những bậc Đại Sư, những vị Cao tăng cũng chưa hẳn biết rõ tiền kiếp của mình. Những bậc Thiền giả có huệ lực cao khi tập trung tư tưởng mới có thể nhớ lại kiếp trước và xem đó như là những biến cố đã xảy ra trong những giòng đời trước đó của mình. Chính Đức Phật Thích Ca khi đang trên đường tìm đạo, vẫn chưa biết được tiền kiếp của mình, mãi đến khi chứng ngộ đạo pháp mới thấy được các kiếp. Nhờ ngài đã đắc được Túc Mạng Minh và Thiên Nhãn Minh, nhờ đó mà ngài nhớ lại được hàng ngàn tiền kiếp chuyển hóa trong trí như một cuộn phim quay ngược dòng thời gian.

Như vậy, chỉ những bậc siêu phàm mới có khả năng nhớ lại tiền kiếp, còn loài người hầu như tất cả đều chìm đắm trong tăm tối mê mờ không thấy, không biết những gì đã xảy ra ở những tiền kiếp của mình. Chỉ họa huần mới có những trường hợp dị biết lạ lùng như có những đứa bé mới 4, 5 tuổi kể lại tiền kiếp mình hay có người có khả năng khơi dậy những hình ảnh của kiếp trước nơi người khác.

Trong dân gian Việt Nam ta thường nghe kể lại chuyện những người chết đi sống lại kể các chuyện thác vào Địa Ngục. Những linh hồn này trước khi đi qua chiếc cầu khủng khiếp để đến chốn Diêm phù, họ đều được quỉ sứ cho ăn cháo. Cháo này gọi là Cháo Lú. Công dụng chính của Cháo Lú là để linh hồn người chết quên hết những gì về quá khứ của đời mình để dễ dàng cho việc đầu thai sau này, vì nếu không thì những linh hồn ấy vẫn còn mang nặng những nhớ thương tiếc nuối về cảnh cũ, người xưa, tình ruột thịt, máu mủ giữa cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái khiến lúc tái sinh luân hồi, họ lại tìm đến những gì liên hệ với tiền kiếp. Điều đó làm khó khăn trở ngại cho sự trả quả trong lần đầu thai lại này và cả những lần chuyển sinh khác nữa.

Câu chuyện truyền khẩu trong dân gian ấy nói lên phần nào sự quên đi tiền kiếp của mỗi người khi họ đầu thai. Tuy nhiên, như đã nói từ trên, từ cổ đại cho đến nay vẫn không hiếm những người có khả năng nhiều ít về sự nhớ lại những gì trong quá khứ. Trên thế gian có nhiều người có trí nhớ siêu đẳng và cao hơn nữa, có người có khả năng nhớ lại tiền kiếp như đã trình bày từ trước. Từ lâu, các nhà nghiên cứu về hiện tượng tâm thần như Freud, Jerome Kegan, Emest Havemann. William C.L.C. Macleod, Kripke.D.F.,Simons R.N… đều cho biết rằng tiềm thức là cái thâm sâu vi diệu nhất thuộc về lãnh vực tinh thần ở con người. Họ cố gắng nghiên cứu tìm hiểu những vùng sâu thẳm của tiềm thức, vì kinh nghiệm cho thấy, qua giấc mơ nhiều người đã quay về thời kỳ ấu thơ của mình rất rõ ràng tự nhiên như đang xem qua một cuốn album dán ảnh của họ chụp vào những giai đoạn từ ấu thơ đến khôn lớn. Những hình ảnh ấy vô cùng linh hoạt và rất chi tiết cả từ hình ảnh, màu sắc, cử chỉ, môi trường, sự việc xảy ra. Như thế rõ ràng là ở trong bộ não đã có những vùng giữ lại ký ức của mọi việc đã xảy ra từ lúc con người sinh ra. Theo nhà nghiên cứu nổi danh về vấn đề này là Hidtoring Tan thì trí nhớ được giữ lại trong những phân tử protein của tế bào não. Nếu có một năng lực nào làm khởi động các phân tử ấy thì các ký ức sẽ được phục hồi rõ nét. Từ lâu phương pháp thôi miên được áp dụng để làm khơi dậy những hình ảnh của quá khứ ấn nhập trong những vùng sâu thẳm của bộ não. Nếu khả năng của thuật thôi miên mạnh mẽ hơn nữa thì những hình ảnh của quá khứ xa xăm của một đời người sẽ hiện ra rõ rệt trong trí nhớ người đó và xa hơn nữa là tiền kiếp của người ấy. Nhiều thắc mắc về hình ảnh của tiền kiếp từ lâu đã được đưa ra. Người ta tự hỏi rằng tại sao trong bộ não một người lạ lại có tích chứa những hình ảnh của tiền kiếp trog khi người ấy sinh ra và lớn lên rồi già chết, bộ não ấy của một đời người lại ghi nhận những dữ kiện xảy ra từ những đời trước đó?

Trường hợp cần nhắc rằng từ lâu, các nhà nghiên cứu về óc não đã quan tâm đến vấn đề là bộ não con người là một thế giới lạ lùng mà sinh vật học mới lần bước vào một vài đoạn đường của nó mà thôi. Ngày nay, các nhà khoa học nhận thấy rằng từ lúc con người ra sinh ra cho đến khi họ qua đời, dù người ấy sống đến 100 tuổi đi nữa thì họ cũng chỉ tiêu thụ có một phần mười năng lực của bộ não. Vậy còn chín phần kia vẫn chưa dùng tới là bởi nguyên nhân nào? Phải chăng những phần kia còn tích chứa trong ký ức, hình ảnh, sự kiện của nhiều đời nhiều kiếp khác nữa. Chỉ khi nào có được sự kích động, khêu gợi do nguyên động lực nào đo mà làm phát sinh như sự thôi miên chẳng hạn thì những ký ức ấy mới lột rõ. Đôi khi những hình ảnh, sự việc xảy ra trùng hợp với những hình ảnh trong quá khứ xa xăm của tiền kiếp cũng khích động được.

Điều này giải thích sâu xa hơn những trường hợp vì sao có người thầy cái bánh xe lại khiếp sợ vì trước đó hay từ tiền kiếp họ đã bị một tai nạn khủng khiếp có liên hệ tới bánh xe như bị tra tấn bằng bánh xe, bị bánh xe cán qua người. Nhiều người đôi khi khủng hoảng sợ trước một vài, thứ như sợi dây, nhánh cây, con mèo, hoặc có khi sợ nước, sợ màu đen, sợ tiếng còi… là những thứ xét ra không có gì phải đáng hoảng sợ. Nhưng theo khoa tâm lý học thì sự hoảng sợ ấy đều có nguyên nhân vì có thể trước đó những thứ ấy đã là nguyên nhân gây nên những sự việc hệ trọng, đôi khi nguy hiểm tạo đe dọa trong quá khứ và hình ảnh ấy ăn sâu trong tiềm thức cho đến khi được khơi dậy lại từ những sự vật, hiện tượng liên quan.

Theo ông Edgar Cayce (người có khả năng khơi dậy những hình ảnh trong tiền kiếp của người khác) thì mỗi người đều tích trữ trong bộ não mình những ký úc tiềm tàng từ tiền kiếp. Qua nhiều kiếp, mỗi người đã trải qau những giai đoạn phức tạp khác nhau và đôi khi những hình ảnh trong ký ức ấy được hiện ra trở lại qua nhiều tác nhân như giấc mộng khi đang ngủ hay những hình ảnh khi đang thức hay mạnh mẽ hơn và rõ ràng hơn khi được kích động qua giấc ngủ thôi miên. Tiến sĩ Igo Xamolvich Lixevich (Nga Xô), nhà nghiên cứu về triết học Đông phương đã ghi nhân rằng:

“Không riêng gì ở các nước Đông Phương huyền bí mà ngay ở các nước Âu Châu và Mỹ Châu, đâu đâu cũng có những trường hợp lạ kỳ mà cho đến nay giới khoa học vẫn chưa giải thích được”.

Nhiêu người, nhất là con trẻ đã kể lại quãng đời về tiền kiếp của họ.

Các nhà khoa học hiện nay chỉ mới dựa vào các gen di truyền ở các nhiễm sắc thể trong tế bào và gọi từ trí nhớ gen hoặc giải thích qua hiện tượng tiềm thức là những gì mà ý thức con người không kiểm soát nổi hoặc qua những hình ảnh hay câu chuyện ngẫu nhiên nào đó để rồi tích tụ lại trong tiềm thức và khi gặp điều kiện hay bất chợt phát sinh vì ột tác đông của một sự thúc đẩy nào đó về tâm lý. Riêng đối với các nhà nghiên cứu siêu linh thì có một lý luận cho rằng: cái gọi là hồn của một chết nào đó đã nhập vào một người hác và nếu bị hồn khác xâm nhập lại yếu về năng lực tinh thần lẫn thể xác thì khi đó sẽ bị hồn mới nhập khống chế về điều trước tiên là kích động việc nhớ lại cuộc đời của người khác. Thật sự cho đến nay, vấn đề vẫn chưa được sự giải thích rõ ràng.

Vai Trò Của Thôi Miên Trong Vấn Đề Nhớ Lại Tiền Kiếp

Như miên được hiểu là những tác động để đưa một người nào đi vào giấc ngủ nhưng giấc ngủ này có vẻ khác thường vì người ngủ ấy không ở vào trạng thái ngủ của giấc ngủ tự nhiên bình thường mà thể hiện ở trạng thái vô cùng đặc biệt như đang đi vào cõi thế giới xa lạ nào đó, hoặc thấy những sự việc của quá khứ hay tương lai. Tuy ngủ nhưng người ấy vẫn thấy và vẫn nghe tất cả những gì diễn biến trong giấc ngủ. Thôi miên vì thế được nhiều người hiểu như là một trạng thái xuất hồn và người đi vào giấc ngủ thôi miên đôi khi thấy được những sự việc ngoài tầm mắt của họ.

Có người tự mình có thể làm cho mình tự đi vào giấc ngủ thôi miên. Tuy nhiên trường hợp ấy rất hiếm như trường hợp ông Edgar Cayce, người có khả năng lạ lùng về lãnh vực này. Còn phần lớn đều phải tập luyện kiên trì và phải có cái thiên tư, năng khiếu hay “điện lực” nào đó. Cũng có người, mà phần lớn đều phải được những người có khả năng như đã nói ở trên đưa mình vào giấc ngủ thôi miên. Người nổi danh về lãnh vực thôi miên là nhà nghiên cứu De Puységur (năm 1784). Nhưng khoa thôi miên đã thật sự phát triển, được lưu ý và công nhận là một sức mạnh của tinh thần torng khoa tâm lý học, thôi miên đã đi hẳn vào ngành y khoa và là một lợi khí vô cùng quan trọng trong phép tìm bệnh, chữa bệnh.

Từ xưa, các nhà y học, đã lưu tâm đến hiện tượng thôi miên, một hiện tượng liên quan đến tâm sinh lý, một hiện tượng cao siêu trong lãnh vực tinh thần. Đó là một năng lượng tinh thần có sức mạnh lạ kỳ trong phép trị liệu những bệnh thuộc lãnh vực tinh thần. Từ bác sĩ Petétin (1808) đến bác sĩ Braid đều chú trọng đến khoa thôi miên. Trước đó khoảng 300 năm, khoa thôi miên cũng đã được dùng để truy tầm nguyên nhân của tật bệnh. Về sau, bác sĩ Berheim đã chứng minh rõ ràng về khả năng của phương thức chữa bệnh và tìm bệnh nhờ thôi miên. Nhà vật lý học nổi tiếng Pháp là Patrick Drouot đã áp dụng phương thức thôi miên để trị bệnh và truy tìm bệnh.

Từ lâu, các nhà nghiên cứu về thôi miên cho thấy rằng khoa thôi miên có khả năng khơi dậy những gì thuộc về ký ức tiềm ẩn về những quá khứ xa xăm mà trí nhớ của con người bình thường không thể nhớ lại được. Ngày xưa, các nhà y học và tâm lý học ứng dụng sự kiện này vào việc chữa bệnh tâm thần. Họ truy nguyên do đâu làm phát sinh sự điên loạn, lo sợ, sầu bi, uẩn khúc, rối loạn tâm trí ở con người. Dần dần, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra được một điều mới mẻ kỳ lạ khác là đôi khi trong giấc ngủ thôi miên, con người còn có khả năng kể lại những hình ảnh lúc còn bé mà trước cả thời gian đó. Như vậy ý nghĩa sâu xa hơn nữa chính là tiền kiếp của người đó. Nữ bác sĩ Hoa Kỳ nổi danh chữa bệnh bằng phương pháp thôi miên để khơi dậy tiền kiếp là bà Edith Fiore. Bà Helen Wambach là nữ tiến sĩ, chuyên nghiên cứu về vấn đề luân hồi tái sinh cũng đã áp dụng phương pháp thôi miên để đưa người bệnh nhớ lại tiền kiếp.

Bác sĩ Alexander Cannon là một nhà nghiên cứu về bệnh lý liên hệ tới hiện tượng tâm lý đã khẳng định rằng: trước đây ông còn nghi ngờ về vấn đề liên quan đến hiện tượng tái sinh và nhất là những gì đã xảy ra trong quá khứ xa xăm của kiếp người đó nhưng về sau, qua hàng nghìn trường hợp được nghiên cứu cẩn thận ông không còn thấy mối nghi ngờ nào nữa về tác dụng của khoa thôi miên trong vấn đề khơi dậy tiềm năng của trí nhớ về những hình ảnh của tiền kiếp.

Các nhà nghiên cứu thôi miên cho biết não bộ con người được xem như là một máy phát điện hay một bình ắc quy. Đồng thời cũng là một bộ máy thu luồng sóng điện. Khi muốn đạt kết quả của thuật thôi miên, cần tập trung ở vùng trung tâm của sự tập trung tư tưởng hay chú ý. Người Ấn Độ từ xưa đã biết rõ điểm tập trung này. Điểm này được đánh dấu rõ ràng giữa 2 chân mày, thường người Ấn hay tạo một chấm đỏ ở trán nằm ngay ở điểm tập trung này.

Hiện việc áp dụng khoa thôi miên trong vấn đề khơi dậy quá khứ đã và đang được phát triển khắp nơi trên thế giới. Các cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu và trị liệu các loại bệnh thuộc nan y đang được mở ra ở nhiều nơi do các nhà nghiên cứu về thôi miên kết hợp với các nhà tâm lý học và y, bác sĩ. Cũng từ đó, các nhà nghiên cứu về hiện tượng tâm linh đã bắt đầu vững tin vào những gì mà từ lâu họ đang lần bước tìm hiểu: đó là hiện tượng nhớ lại tiền kiếp của mỗi người.

Tuổi Tác Và Khả Năng Nhớ Lại Tiền Kiếp

Như vậy, những gì gọi… là tiềm thức, là hình ảnh và trí nhớ trong tiền kiếp là điều không thể chối cãi. Từ đó vấn đề mỗi con người không thể nhớ lại tiền kiếp mình cũng được các nhà nghiên cứu về hiện tượng luân hồi giải thích như sau:

Ngay trong mỗi con người của chúng ta đôi khi cũng thường bị quên trong cả những việc vừa làm chớ không riêng gì những điều đã xảy ra từ tấm bé, có người tự hào mình nhớ hết những gì xảy ra hồi còn bé nhưng thật sự chỉ nhớ những hình ảnh và sự việc đại cương mà thôi chớ không thể nào nhớ chi tiết từng ngày từng giờ từng tháng từng năm cùng với mọi sự việc xảy ra. Theo các nhà não sinh học thì sự quên là điều rất cần thiết vì bộ não cũng cần được nghỉ ngơi. Não là một thư viện khổng lồ lưu trữ biết bao nhiêu sách vở và tài liệu của ký ức con người, mỗi giây, mỗi phút mỗi ngày, mỗi giờ đều có những hình ảnh, sự kiện khác được thu nhận, những gì trước đó phải được cho vào sâu trong tiềm thức sẽ là ký ức để dành chỗ cho những sự kiện khác đến. Vì thế sự quên đi là điều hiển nhiên. Chỉ khi nào cần đến hoặc được khơi dậy thì chúng mới hiện ra, vậy sự quên không có nghĩa là mất hẳn và sự quên nên được hiểu như một cuốn sách đang để vào sâu trong một ngăn nào đó của hộc tủ thư viện mà thôi. Từ lập luận đó ta mới thấy được tại sao con người không nhớ lại được tiền kiếp của mình, nhất là những hình ảnh, sự kiện lại xảy ra ở một thời gian quá xa.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu về trí nhớ thì khả năng nhớ lại của con người về những gì đã xảy ra thường thay đổi theo tuổi tác, thông thường người ta cứ tưởng rằng người già có trí nhớ phi thường. Thật ra, theo Jidith Randal và Steven Ferris, David Krech… thì người già thường nhớ rất lâu về tình cảm trong đời, nhất là tài năng của họ. Nguyên nhân chính là do sự nuối tiếc, luyến lưu. Nhưng thật sự trí nhớ ấy chỉ là tổng quát, đại cương chớ không sâu sắc. Cũng theo các nhà nghiên cứu này thì vào khoảng tuổi từ 50 đến 60, con người thường dễ quên và khó có được trí nhớ tốt lành. Đôi khi họ còn dễ quên ngay cả những việc mới xảy ra trong một thời gian ngắn thôi. Y học gọi đó là sự suy thoái về trí nhớ liên hệ tới tuổi (Age Associated Memory Impairment (AAMI).

Ngược lại đối với người tuổi trẻ, nhất là con trẻ, bộ óc lại có khả năng phát triển về trí nhớ rất mạnh. Điều này phù hợp với việc nghiên cứu và khám phá của giáo sư tiến sĩ Ian Stevenson khi ông tìm hiểu về vấn đề Luân Hồi Tái Sinh qua con trẻ. Nhà khoa học này đã nghiên cứu qua hàng ngàn trường hợp về hiện tượng con người nhớ lại tiền kiếp của mình cũng như các nhà nghiên cứu John Van Auken, Shelley, Violet, Cerminara, Gina, Sparrow, Lynn… đã lưu tâm. Theo tiến sĩ Stevenson thì con trẻ có khả năng nhớ lại tiền kiếp của chúng rất lớn, bộ óc chúng có ưu điểm và trong thời kỳ thanh xuân tươi trẻ ấy có thể tự động tạo nên những hình ảnh kéo về từ quá khứ xa xăm (ở đây phải là tiền kiếp vì đối với trẻ con, 4, 5 tuổi quả thật chưa có quá khứ nếu xét theo đời hiện đại của nó) nhất là khi chúng gặp được những hình ảnh, sự kiện liên quan nào đó. Qua các tài liệu thu thập được từ năm 1960 trở về sau, tiến sĩ Stevenson đã có được một số lớn sự kiện lạ lùng phát sinh từ con trẻ khi chúng tự nhiên kể lại hay bộc lộ những gì liên quan đến tiền kiếp của chúng. Những trẻ con này thường chỉ ở khoảng 4, 5 tuổi mà thôi. Ở lứa tuổi mà khi xét đến cử chỉ, lời nói, sự nhận thức hay khả năng thì quả là không thể có được. Nhiều trường hợp lạ lùng nhưng có thật đã xảy ra qua các tài liệu mà tiến sĩ Stevenson đã thu thập được như em bé Duminda 6 tuổi ở làng Kandy (Sri Lanka), bé Thusitha, bé Tatu, hay bé người Thổ Nhĩ Kỳ… những em bé này đã kể lại tiền kiếp của mình ra sao, cha mẹ mình là ai, đã qua đời vì nguyên nhân nào… và kỳ dị hơn nữa là những em bé này đã cho thấy những bằng cớ chính xác rõ ràng về những gì mà chúng đã kể đến.

Trong vòng mấy mươi năm qua, vấn đề con trẻ nhớ lại những gì gọi là tiền kiếp đã được xem như là vấn đề có cơ sở khoa học chớ không còn là chuyện mê tín huyền hoặc nữa. Tuy nhiên có lẽ vấn đề khó giải thích và khó chứng minh nên từ xưa chưa có nhiều người, nhất là giới khoa học đứng ra nghiên cứu và cổ xướng rộng rãi. Mãi về sau mới có một số nhân vật nổi danh như bác sĩ Melvin More, nữ giáo sư Diane Komp và đáng lưu ý hơn cả là giáo sư, bác sĩ Ian Stevenson thuộc đại học Virginia (Hoa Kỳ), là người đã bỏ ra một thời gian dài để nghiên cứu về các trường hợp thuộc hiện tượng luân hồi tái sinh (Reicarnation) từ các con trẻ. Giáo sư tiến sĩ Ian Stevenson còn là nhà tâm sinh lý nổi tiếng ở đại học Charlottes Ville. Ôâng đã nghiên cứu 10.623 trường hợp có liên đến hiện tượng luân hồi, tái sinh trong đó có khoảng 40 trường hợp đầu thai xảy ra tại nước Pháp và một số rất lớn trường hợp đầu thai xuất hiện ở Ấn Độ. Ngoài những trường hợp xác nhận hiện tượng tự nhiên ngoại thể, ông còn kiểm tra qua các cuộc giải phẫu và mổ tử thi tại bệnh viện và nhờ đó mà có thể xác nghiệm được nhiều trường hợp lạ lùng về tiền kiếp như đương sự có dấu vết bẩm sinh trên cơ thể tương ứng với những gì đã xảy ra trong kiếp trước.

Có hơn 2500 trẻ con nhớ lại những gì của thời quá vãng, cái thời mà với lứa tuổi hiện tại của chúng (có trẻ chỉ mới 4, 5 tuổi) người ta không thể cho là ở trước đó một vài năm mà rất xa, có nghĩa rằng phải dùng tới chữ Kiếp Trước của chúng. Hơn nữa những gì mà các em bé này nhớ, kể lại, mô tả lại hoàn toàn không ăn nhập gì với hoàn cảnh và thời gian mà chúng đang sống ở hiện tại. Theo bác sĩ Stevenson thì các em này thường mở đầu bằng hai chữ “lúc đó” “hồi đó”. Điều đặc biệt là bác sĩ Stevenson đã luôn luôn để ý cân nhắc, gạt bỏ những gì có tính cách không đứng đắn với sự mô tả hoặc có sự liên hệ chỉ bảo của người lớn (có thể giúp cho con trẻ phát biểu những điều mà trí óc chúng không thể nào đã có sẵn, đã được khắc ghi). Ngoài ra, bác sĩ Stevenson còn lưu ý một sự kiện quan trọng khác, đó là dấu vết bẩm sinh trên cơ thể của các cháu bé (birthmarks) hoặc ngay cả những trường hợp quái thai (birth defets). Khi những cháu bé này nhớ lại tiền kiếp của chúng thì thường thường có sự liên hệ lạ lùng giữa sự kiện với dấu vết bẩm sinh hay dị tật mà chúng đã mang trên cơ thể.

Trẻ Con Và Vấn Đề Nhớ Lại Tiền Kiếp

Khi trả lời câu hỏi của giới báo chí về vấn đề tại sao lại tập trung nghiên cứu về vấn đề từ trẻ con hơn người lớn thì bác sĩ Stevenson cho biết như sau:

“Dĩ nhiên đây là điều ghi nhiều nghi vấn và còn dễ bị ngộ nhận vì phần đông mọi người đều cho rằng trẻ con không biết gì, nếu chúng phát biểu một điều gì đó thì có thể là do chúng đã học được, nghe được và đã nói theo như một con vẹt tập nói (do người lớn đã tập để chỉ vẽ cho nó) Nên những lời nói của con trẻ, nhất là các nhận định của chúng (các trẻ 4, 5 tuổi…) thường chẳng có giá trị nào… Tuy nhiên dưới mắt các nhà khoa học và nhất là các nhà sinh vật học thì vấn đề lại khác. Sở dĩ họ lưu tâm đến việc nghiên cứu con trẻ về vấn đề nhớ lại quá khứ hay tiền kiếp là do các lý do sau đây:

1) Trí óc con trẻ giống như một tờ giấy trắng, chưa có một ký ức, kỷ niệm ghi vào hơn nữa chúng cũng chưa đủ trình độ để có thể hiểu rõ về lý thuyết luân hồi, đầu thai của một tôn giáo nào… Vì thế những gì phát biểu, mô tả, trình bày từ con trẻ, đặc biệt với những vấn đề làm ta suy nghĩ ngạc nhiên và đặt nghi vấn đều là những vấn đề đáng quan tâm. Dĩ nhiên phải loại bỏ trường hợp con trẻ học nói hay được người lớn chỉ vẽ để nói lên những vấn đề người lớn (và giả sự rằng sự kiện này có thì chúng ta cũng dễ dàng nhận ra ngay). Vì thế khi con trẻ nói lên những điều, kể lại những chuyện về quá khứ mà chúng tự cho rằng mình đã trải qua thì rõ ràng có cái gì đó đáng để ta lưu tâm tìm hiểu vì với lứa tuổi của chúng không thể nào có được những hình ảnh, những kinh nghiệm cũng như những từ ngữ như chúng đã kể lại. Chỉ ngoại trừ chúng ta đã có một ký ức từ quá khứ xa xăm, hay từ tiền kiếp.

2) Con trẻ thật sự không có gian dối, sự gian dối được thu thập dần khi chúng lớn lên. Nếu chúng ta có điều gian dối thì khó mà không bị người lớn phát giác. Cũng vậy, nếu những gì con trẻ kể lại về cái gọi là tiền kiếp hay những gì chúng thấy ở một thế giới nào khác mà gian dối, bịa đặt thì thế nào cũng bị lộ.

3) Trình bày vấn đề, cốt lõi của vấn đề bao giờ cũng giống nhau dù trình bày nhiều lần vì thế các nhà nghiên cứu còn kiểm tra sự chính xác trong câu chuyện của con trẻ bằng cách yêu cầu chúng phát họa lại những gì chúng đã thấy để xem có sự sai lệch nào không. Xự kiện này giúp xác nhận lời trình bày của con trẻ là có cơ sở đúng đắn đáng quan tâm. (Như trường hợp bé Jemi lúc 11 tuổi đã vẽ lại những hình ảnh mà em đã thấy khi em bước vào ngưỡng cữa của sự chết nhưng chưa tiến hẳn vào tận cùng của thế giới khác. Tại đây em đã thấy một số hình ảnh lạ lùng như thấy những người mà trên đầu tỏa ánh hào quang, nhưng bước đi nhẹ nhàng lung linh và đặc biệt em còn thấy một số người đang nằm trong những cái hộp giống hộp bằng gương. Khi bác sĩ hỏi em có biết vì sao những người ấy nằm trong các hộp kính thì cho em biết: “đó là những người đang chờ đến lượt tái sinh”. Các hình mô tả lại những gì mà em đã thấy cho bác sĩ Melvin More xem đã được đăng tải lại rõ ràng trong nguyệt san Life số 3, volume 15, tháng 3 năm 1992.

4.) Phần lớn các sự kiện mà con trẻ đã kể về tiền kiếp của mình thường rất phù hợp với những gì mà chúng đã đề cập đến và sự kiện được mô tả rất trung thực và tự nhiên.

5. Qua các sự kiện thu thập được từ các nhà nghiên cứu về vấn đề kinh nghiệm gần gũi hay trải qua về cái chết (near death experience NDE) hay sự luân hồi, tái sanh (reincarnation) thì ở trẻ con sự kiện này thường xảy ra nhiều hơn người lớn.

Theo bác sĩ Stevenson thì nghiên cứu ở con trẻ có được lợi điểm hơn người lớn vì chúng có nhiều dữ kiện còn tồn tại trong lúc đang sống và thường dễ tìm kiếm, kiểm tra được những sự việc hay gia đình nào đó có liên hệ với vấn đề. Thường thì trong các báo cáo hoặc khi tiếp xúc với gia đình có hiện tượng nhớ lại tiền kiếp mà cháu bé là vai chính, bác sĩ Stevenson ghi nhận rằng: “Mẹ không phải là mẹ của con. Con muốn đến nhà mẹ ruột của con…” Và sau sự kinh ngạc của vấn đề cứ tiếp diễn mãi để rồi gia đình người mẹ có đứa con thường phát biểu câu khó hiểu ấy phải tìm cho ra sự thật và sự thật là rất phù hợp với những gì mà cháu bé đã mô tả. Có lần bác sĩ Stevenson nghe một người đàn bà kể chuyện về người con của bà ta mới lên 5 tuổi. Một hôm bà chuẩn bị đi chợ (chợ đi rất xa) thì cháu bé nói một cách tự nhiên: “Ồ! Mẹ phải lấy xe đi chớ! Con có xe mà. Mẹ không cần phải đi bộ tới chợ xa xôi. Chỗ con ở có xe, tài xế sẽ chở mẹ tới chợ…”

Cũng theo bác sĩ Stevenson thì đôi khi những con trẻ này lại có những thái độ, cử chỉ, lời nói hay sự lo lắng rất đặc biệt, sự kiện này có liên quan đến người đã được nhắc đến ở quá khứ hay tiền kiếp. Người ấy không ai khác hơn là cháu bé hiện tại. Nếu người ấy đã chết vì tai nạn sông nước hay những gì liên quan tới nước cháu bé này sẽ rất sợ nước. Nếu người đó bị bắn chết thì cháu bé rất sợ tiếng súng nổ hay trông thấy súng là hoảng sợ. Nếu người đó trước đây chết vì bị rắn cắn thì hiện tại cháu bé lại sợ rắn vì bị ám ảnh về những gì đầy ghê sợ từ tiền kiếp do rắn gây ra. Đôi khi đứa bé lại rất ham thích một loại thức ăn đặc biệt nào đó, hoặc màu sắc nào đó hay loại quần áo nào đó. Một trường hợp điển hình đã xảy ra tại Miến Điện. Một em bé đã kể lại tiền kiếp của mình. Lúc đó em là một quân nhân Nhật Bản và đã bị giết trong thế chiến thứ hai. Điều kỳ lạ là em rất thích uống trà đậm và thức ăn thường ngày của người Nhật, mặc dầu lúc này em là người Miến Điện, mà người Miến lại thích uống trà loãng. Theo sự nghiên cứu và phân tích tỉ mỉ của bác sĩ Stevenson thì có nhiều bé gái nhớ lại tiền kiếp của mình là trai và cũng có trường hợp có nhiều bé trai nhớ lại tiền kiếp của mình là gái và cũng từ đó chúng thích ăn mặc cũng như có cử chỉ dáng điệu phù hợp với phái tính trước đó. Nhiều người đã hỏi bác sĩ Stevenson rằng: trường hợp những người thuộc về Homo Sexuality (thuộc tính dục đồng giới tính, đồng tính luyến ái) có phải là do từ bản thân tiền kiếp có giới tính khác biệt hay không thì bác sĩ Stevenson đã trả lời rằng “Tôi nghĩ điều đó có thể có và cũng có một số biệt lệ, như vấn đề khác biệt nhau về phương diện sinh vật học…”

Trở lại vấn đề con trẻ có khả năng nhớ lại tiền kiếp thì bác sĩ Stevenson đã nêu ra trường hợp các trẻ con khi có khả năng ấy, thường hay mô tả rõ ràng chi tiết về cái chết của chính mình ở kiếp trước, sự kiện này thường xảy ra nhiều và có từ 60 đến 70 phần trăm trường hợp như vậy. Đặc biệt nếu cái chết xảy ra quá khủng khiếp hay do tự sát thì lại càng dễ đem lại sự hồi tưởng về cái chết và cách chết ở kiếp sau nơi đứa trẻ hơn. Khi đứa trẻ tái sinh thì lần này những ký ức khổ đau rùng rợn ấy sẽ làm nhớ lại và thôi thúc chúng tìm đến cội nguồn của kiếp trước và dường như muốn thấy lại những gì mà chúng đã làm hay đã trải qua.

Nhà siêu tâm lý Banglopp đã đặt câu hỏi rằng: Phải chăng những người bị chết bất đắc kỳ tử lại thường nhớ rõ về thời gian và những gì đã xảy ra cho họ ở kiếp trước trong khi họ đã bước hẳn vào cuộc đời mới khác ở một con người khác. Phải chăng qua cái chết bất ngờ của tiền kiếp, vì chết không theo đúng quy luật của tự nhiên (sinh, lão, bệnh, tử) nên đã khiến linh hồn thoát khỏi thể xác một cách bất ngờ và chính sau cái chết bất ngờ ấy, đã khiến cho về sau khi hồn nhập vào thân xác mới khác vẫn còn giữ được sự liên quan mật thiết với những gì của thời quá vãng…

Trường Đại học Delhi ở Ấn Độ đã hợp tác với Đại học Virginia của Hoa Kỳ trong vấn đề nghiên cứu những sự kiện đặc biệt về con người. Một thống kê mới nhất cho thấy các trẻ nhỏ thường có khả năng phát lộ về các hiện tượng siêu tâm lý và phần lớn các trẻ này thường cho thấy được phần nào “quá khứ xa xăm của chúng”. Quá khứ đây được hiểu như đã xảy ra trước khi đứa bé chào đời hay nói khác hơn là tiền kiếp. Các nhà nghiên cứu cho rằng, do sự tình cờ, con người có thể biết được những điều lạ lùng hé lộ qua câu chuyện của các trẻ nhỏ về những gì đã xảy ra trước lúc đứa bé ấy sinh ra. Thường thì các trẻ nhỏ có số tuổi từ 3 đến 7 là hay nhạy cảm và có khả năng “nhớ lại”. Càng lớn lên, thì khả năng “nhớ lại” những gì đã xảy ra ở thế hệ trước sẽ không rõ ràng hay không còn.

Theo thống kê thì có đến 82% tổng số trường hợp là các đứa trẻ nói trên khi kể lại “quá khứ” đã nhớ lại được tên tuổi mình lúc đó. Đại Đức Ấn Độ K. Sri Dhammananda đã ghi lại trong bộ sưu tập của mình về vấn đề Tái sinh chuyện một em bé 7 tuổi có tài chữa bệnh và chế thuốc rất hay. Khi được hỏi bé trả lời một cách rất tự nhiên: “Trước đây, tôi không phải như bây giờ, lúc ấy tôi là một thầy thuốc danh hiệu là Jules Alpherese và tôi đã chữa bệnh, điều chế thuốc giúp rất nhiều người. Giờ đây, dù ở thân xác khác, tôi vẫn tiếp tục làm được điều mình mong ước.

Những Người Đi Vào Quá Khứ.

Vấn đề khả năng nhớ lại tiền kiếp càng ngày càng được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và hy vọng trong tương lai chắc chắn con người sẽ còn thu thập được thêm nhiều sự kiện mới lạ hữu ích khác và từ đó mà mối nghi ngờ hoang man về những gì gọi là tiền kiếp, về tái sinh về luân hồi sẽ không còn là một vấn đề phải bàn cãi nữa.

Điều cần lưu ý thêm là song song với hiện tượng nhớ về tiền kiếp xa xăm, hiện nay các nhà nghiên cứu còn quan tâm hơn nữa về một số hiện tượng khác tương tự đó là hiện tượng thấy trước những sự việc trong quá khứ và cả trong tương lai nữa.

Mùa hè năm 1901 có hai người phụ nữ tên là Eleanor Jourdain và Anne Moberly đi thăm các lâu đài nổi tiếng của Pháp. Nơi họ say mê nhất qua sách vở báo chí và nhất là qua tài liệu lịch sử là Điện Versailles. Ngôi biệt điện nguy nga vĩ đại nổi danh thế giới qua các triều đại vua chúa vàng son của nước Pháp được xây dựng bởi vua Louis thứ XIII và sau đó được các vua Louis kế tiếp phát triển thêm. Ngay bước xây cất đầu tiên, ngôi biệt điện này đã tiêu phí hết 100 triệu đô la chớ không phải tính theo tiền phật lăng. Hàng năm du khách đến thăm điện Versaille rất đông nhưng hai phụ nữ này chỉ thích tự mình đi thăm không qua một tổ chức hay một phái đoàn du lịch nào. Họ không muốn bị lệ thuộc vào nhiều hoàn cảnh và thời gian đi lại vì họ rất thích nghiên cứu lịch sử. Với một cuốn chỉ nam du lịch Pháp bỏ túi, hai người đàn bà này đã lần mò để đến những nơi mà họ thích tìm hiểu.

Đầu tiên, cả hai lên ô tô và khi ô tô tới bến đáng lý họ đã đến nơi nếu họ quẹo tay mặt nhưng họ lại xuống xe và đi tiếp một đoạn đường khá xa. Sau đó họ thấy một con đường nhỏ, một con đường vắng tanh, đó là con đường đất dẫn vào một đám cây xanh ngắt. Sẵm óc tò mò và thích du lịch thám hiểm, hai người đàn bà với túi xách trên tay đi lần theo con đường. Không gian êm lắng lạ thường, xa xa là khu rừng thông ngút ngàn. Họ phân vân và có cảm giác mình bị lạc đường. Nhưng họ thấy có nhiều ngôi nhà nông dân đằng xa rồi thấy bên đường cái cào sắt và cái xẻng đặt gần chiếc xe cút kít. Họ gặt nhiều người trên đường lúc đầu là hai người đàn ông mặc áo choàng màu xám xanh, rồi nơi thềm một túp lều, cô Jourdain thấy một người đàn bà lớn tuổi đang đứng với một cô gái trẻ. Sau vài phút, họ lại gặp một người đàn ông cũng mặc áo choàng và đầu đội mũ rộng vành. Người đàn ông này có gương mặt lầm lì, xam xám và điểm những chấm rỗ hoa. Bà Anne Moberly định hỏi thăm đường nhưng thấy dáng dấp vẻ nghiêm khắc của người đàn ông này nên không hỏi nữa thì vừa lúc đó có một người đàn ông từ xa chạy lại đứng trước mặt họ và có vẽ sốt sắng:

– Tôi có thể dẫn các bà đi nếu các bà cho phép!?

Bà Anne và cô Jourdain cảm thấy vui vui và họ cảm ơn người đàn ông đã ngỏ ý muốn dẫn đường cho họ. Họ qua một cây cầu nhỏ bắt ngang qua một con suối mà tiếng nước suối đổ sao nghe xa xăm nhẹ nhàng như xem qua màn ảnh chỉ có hình mà không có tiếng động. Người đàn ông dẫn họ qua cầu rồi từ biệt. Trước mặt hai người là một khoảng yên tĩnh khác. Một người đàn bà đang trầm ngâm ngắm những bức tranh mà bà đang vẽ. Họ gặp hai người đàn ông đi tới, yên lặng và nhẹ nhàng như hòa vào cái tĩnh mịch của vùng đất mà họ đang đi qua. Đâu đâu cũng muốn nhuốm vẽ thâm trầm, lặng lẽ. Khi vừa đến một căn nhà gần cuối đường họ mới nghe thấy quang cảnh ồn ào vui vẻ phát ra, họ nhìn vào và biết đó là một cuộc đám cưới linh đình. Một người đàn ông bước ra đưa cao ly rượu chào đón họ…

Hai phụ nữ cảm thấy mỏi chân và họ ngồi lên một tảng đá lớn bên hàng cây râm mát để nghỉ mệt, Gần chiều họ quay trở về. Điều kỳ dị là con đường họ đi qua còn đó nhưng tất cả những gì họ thấy đều như tan biến cả, không còn ngôi nhà ồn ào náo nhiệt, không còn người đi lại, chẳng thấy túp lều ở đâu và cả xe cút kít và cào xẻng… Hai người phụ nữ trở về Ba Lê (Paris) mỗi người đều mang tâm trạng hoang mang kỳ lạ về những gì mình đã thấy. Họ thì thào hỏi nhau như sợ nói to ra sẽ động tới những gì linh thiêng huyền diệu nhất. Họ xem các tập ghi chép của nhau và xác nhận rằng mọi người đều thấy rõ ràng những hình ảnh xảy ra trước mắt mình không có gì sai lệch.

Điều kỳ dị là họ nhớ lại những căn nhà xưa, những túp lều và cách trang phục của những người mà họ gặp. Xem lại bản đồ và sách chỉ dẫn, họ thấy không thể có vùng đất nào như họ đã đi qua có trong tài liệu cả. Hơn nữa những gì họ thấy không thể nào có được vào thời đại họ đang sống nhất là những kiểi mũ, nón áo quần mà họ đã thấy ở những người mà họ đã gặp. Tài liệu lịch sử cho biết những gì mà họ đã thấy chỉ có ở thời đại cách xa thời đại họ đến gần 200 năm.

Khi đọc kỹ lại nhật ký của nhau, hai phụ nữ thấy có một điều lạ là trong khi bà Anne Moberly thấy người phụ nữ ngồi vẽ tranh bên kia cầu thì cô Jourdain lại không thấy. Còn khi Jourdain thấy người đàn bà lớn tuổi và cô gái ở túp lều thì bà Anne Moberly lại không thấy. Nơi mà hai phụ nữ trước đó quyết định viếng thăm là khu nghỉ mát nổi tiếng Petit Triamom, đó là khu nghỉ hè của hoàng hậu Marie Antoinette.

Bà Anne Moberly và Jordain cảm thấy như họ đã hặp phải một trường hợp dị thường. Nếu chỉ một người đơn độc gặp phải hoàn cảnh ấy thì có thể họ sẽ cho là một giấc mơ qua hay là một ảo giác (hallucination) mà họ đã trải qua. Nhưng ở đây chính cả hai người đều đã cùng đi và cùng thấy những cảnh tương tự như nhau (chỉ ngoại trừ hai sự kiện vừa kể trên). Vậy có cái gì đó lạ lùng đã xảy ra và đã, đang hiện diện kề cận bên những gì gọi là cõi thế gian. Phải chăng cái quá khứ vẫn nằm mãi bên cái hiện tại?

Vốn là người thích mạo hiểm, tìm tòi, nghiên cứu, hai phụ nữ ấy quyết định thử lại một chuyến du hành đến khu nghỉ mát Petit Trianon lần nữa. Họ lại đi vào con đường nhỏ yên lặng. Khi gần đến công viên đầy hoa lá, họ bổng nghe tiếng nhạc thoang thoáng và từ xa xa có hai người công nhân đội mũ màu xanh đỏ đang củi lên chiếc xe nằm gần một mô đất cao.

Sau đó, cả hai phụ nữ đến gặp người trông coi khu nghỉ mát Petit Trianon. Người này sau khi nghe hai cô gái kể lại mọi sự họ đã trông thấy (cũng như những gì gọ đã ghi chép lại trong nhật ký) thì chỉ lắc đầu và nói: “Tôi xin phát biểu là tất cả những gì hai cô đã trình bày đều là của quá khứ vì tôi là người trực tiếp coi sóc khu này đã lâu năm, tôi chưa bao giờ trông thấy những người như đã kể, hơn nữa, với những áo quần nhà cửa, vật dụng ấy thì chỉ có thể thấy được cách đây hơn một thế kỷ mà thôi.” Nhân thấy những gì mìng kể lại đều khó được ai chấp nhận hay giải thích. Cả hai phụ nữ lại đến khu Versailles lần nữa. Nhưng lần này, tất cả những gì mà họ đã đi qua, đã trông thấy đều không còn nữa. Họ chỉ còn một quyết định là đến thư viện lớn nhất là viện chuyên chuyên về lịch sử để tìm lời chứng nhận và giải đáp qua tư liệu mà thôi. Tại đây, qua các tài liệu lịch sử, phong tục học và xã hội học của nước Pháp, họ ghi nhận lại rằng những trang phục mà họ đã thấy qua những người xuất hiện ở Petit Trianon là trang phục của thời đại vua Louis. Nơi họ đến là khi qua cầu là nơi hoàng hậu Marie Antointte đến nghỉ ngơi vào mùa hè. Người phụ nữ ngồi bên giá vẽ tranh mà bà Anne Mobely thấy chính là hoàng hậu Marie Antoinette.

Câu chuyện lạ lùng mà Eleanor Jourdain và Anne Mobrly đã trải qua chẳng bao lâu lôi cuốn một số nhà nghiên cứu về các hiện tượng siêu hình. Các nhà sưu tập sử liệu cũng đã góp phần tìm hiểu về những gì mà tập bút ký của hai phụ nữ này có ghi lại. Trong một bản tài liệu lịch sử người ta thấy có nhắc đến túp lều ở Trianon, nơi đây có hai người sinh sống là một cô bé 14 tuổi và người mẹ của cô.

Người đàn ông gương mặt nghiêm khắc với những chấm rổ là người quen thân của hoàng hậu đến nghỉ mát vào mỗi dịp hè ở khu này. Riêng về cây cầu mà hai phụ nữ đi qua với dòng suối êm dịu như mơ nay không còn thấy thì lại có một tài liệu được phát hiện vào năm 1913 qua một bản đồ vẽ chi tiết những địa điểm, địa danh của vùng Petit Trianon do chính người làm vườn của hoàng hậu Marie Antoinette vẽ, trên bản đồ này có vẽ hình cây cầu bắt qua một con suối.

Như thế, mọi thứ mà hai phụ nữ Moberly và Jourdan thấy lần lần đều đã được xác nhận và như thế, rõ ràng họ đã một đôi lần đi vào quá khứ mà họ không ngờ. Điều cần biết thêm là hai phụ nữ này đều là những nhà trí thức Bà Anne Moberly là hiệu trưởng của trường College St. Hugh thuộc đại học Oxford, cô Eleanor Jordan là nhà nghiên cứu sử và là giảng viên về ngôn ngữ Pháp. Hai người này không phải là dân Pháp. Họ đến tham quan nước Pháp vào mùa hè năm 1901. Tư liệu về câu chuyện của họ hiện nay vẫn còn lưu trữ tại thư viện Bodleian của đại học Oxford.

Nhiều tài liệu nói về những hiện tượng trở lại quá khứ hiện nay đã được nhiều nhà nghiên cứu và những trung tâm nghiên cứu hiện tượng siêu hình sưu tầm và lưu trữ tại nhiều nơi trên thế giới.

Khi nhắc đến vấn đề đi vào quá khứ, người ta không thể quên những chuyện lạ có thật do Hans Holzer, một nhà nghiên cứu về các hiện tượng siêu tâm lý kể lại như sau: Năm 1964, một người đàn ông tên là Robert Cory (một con người khá nổi tiếng trong làng văn học nghệ thuật Hoa Kỳ) đã lái xe trên đường đến Los Angeles. Hôm đó trời quang đãng. Vì đường xa nên khi đến địa phận Oregon thì trời vừa tối nhưng ông Cory vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Bỗng nhiên một trận bão tuyết nổi lên gặp lúc xe ông đang trên dốc núi. Ông Cory buộc lòng phải ngưng xe lại để quan sát tình hình vì tuyết đổ liên tục và đường lại cheo leo. Ông vừa xuống xe thì thấy từ xa có một ánh sáng chiếu như có đèn ai đang mở dò đường. Ông Cory liền cho xe chạy đến đó xem thử. Tại đây chẳng có ai. Mọi vật hoàn toàn yên lặng. Chỉ có bảng chỉ đường sáng loá như được chiếu sáng bởi một nguồn sáng nào từ đám mây. Theo bảng chỉ đường, ông Cory cho xe chạy xuống núi và cuối cùng ông thấy trước mặt một vùng có nhà cửa và mà đường sá thì có vẻ cũ kỹ, đầy ổ gà sồi sụp. Ông dừng xe lại trước một ngôi nhà bằng gỗ rộng lớn mà ông nghĩ đó là khách sạn. Ông Cory quyết định nghỉ đêm tại đây vì trời còn xấu. Ông bước vào ngôi nhà lớn ấy. Dọc hành lang ngôi nhà lớn ấy được trang hoàng bằng những chiếc đầu các loài thú. Có những tấm bằng gỗ tróc sơn nứt nẻ có ghi các năm 1800.

Điều kỳ dị ngôi nhà vắng vẻ lạ lùng không một bóng người. Ông định trở ra nhưng lại thấy có lửa cháy bập bùng ở lò sưởi phòng khách lớn lên lại đẩy cửa bước vào. Trời lạnh như cắt nên ông cần được sưởi ấm. Ông đến bên lò sưởi và ngồi lên chiếc ghế dài. Cạnh đó ông thấy cái bàn nhỏ, trên bàn đặt cái điện thoại mà nhìn kỹ thì đây là điện thoại quá xưa cũ mà hầu hết các cơ sở làm ăn khắp nước Mỹ chẳng bao giờ tìm thấy có, đó là loại điện thoại phải quay số rườm rà trước khi gọi. Tuy nhiên, ông Cory cũng phải dùng đến cái điện thoại này để gọi về nhà báo tin cho người thân. Nhưng cái máy hình như không còn hoạt động nữa. Ông Cory cảm thấy mỏi mệt và buồn ngủ, bỗng nhiên trong cái vắng vẻ yên lặng ấy ông bỗng nghe có tiếng động, tiếng động rất nhẹ và ông thấy một ông già đang từ tầng lầu trên đi xuống. Ông Cory tưởng đó là người quản lý khách sạn. Nhưng nhìn kỹ lại, ông cụ giống như một người nông dân ở vùng quê xa xôi nào đó vì nhìn lối ăn mặc và cử chỉ thấy ông ta thật vụng về thô lỗ cục mịch vô cùng. Ông cụ lầm lì đi đến bên lò sưởi và coi sự xuất hiện của ông Cory là tự nhiên. Có lẽ vì đây là một khách sạn Thế rồi ông Cory ngủ thiếp đi trên ghế dài. Sáng hôm sau, ánh nắng xuyên qua cửa kính chiếu vào mắt khiến ông Cory chợt tỉnh. Ông thấy có nhiều người xuất hiện trong khách sạn mà phần lớn là những người già. Nhiều người nhìn ông nhưng có vẻ lơ đãng không quan tâm. Ông Cory đã đến bên những người ấy để hỏi về ngôi làng xa lạ và luôn tiện hỏi thăm có trạm xăng nào ở gần đây không? Ông mơ màng như thấy ít người đáp lời và nếu có thì những lời nói của họ không có mạch lạc hoặc chẳng có ăn nhập gì với câu hỏi mà ông đã nêu ra cả. Ông Cory cảm thấy hoang mang trong lòng. Cái cảm giác trống vắng, lẻ loi, lạ lùng bỗng đến với ông thật nhanh theo giòng linh cảm. Ông hỏi: Đây là đâu? xin các ông vui lòng cho tôi biết hiện tôi đang ở đâu đây? Có vài người bước tới nhìn ông và hình như có người cầm tay ông, ân cần vỗ về và chỉ đường cho ông rồi sau cùng nói: Ông đừng sợ! Chẳng có gì phải sợ cả!

Ông Cory chợt nhớ tới chiếc xe, ông chạy ra khỏi khách sạn. Chiếc xe ông vẫn còn đó. Ông mở cửa xe và nổ máy chiếc xe chuyển động và ông Cory vội vã như muốn thoát một nơi thâm trầm kỳ bí chưa từng thấy này. Chiếc xe băng qua những con đường gập ghềnh. Ông Cory thấy một vài người lầm lũi bước đi 2 bên đường. Những người này ăn mặc những áo quần mà hình như ông chỉ thấy đâu đó trong sách vở, từ điển. Ông Cory có cảm tưởng như đó là những kiểu áo quần ở thời đại xa xưa nào đó. Điều kỳ dị hơn nữa là trong khi lái xe ra khỏi vùng này, ông có cảm giác như xe đang di chuyển trong lớp sương mờ.

Về sau, câu chuyện có thật mà ông Cory đã trải qua được nhiều nhóm nghiên cứu về những vấn đề không thể giải thích ghi nhận. Người ta không loại bỏ việc xác định lại vùng hoang dã, nơi ông Cory đã lái xe đến đó và vùng dân cư cùng ngôi nhà lớn mà ông đã bước vào ngủ qua một đêm. Tài liệu lưu trữ tại thư viện lớn ở đây cho biết xưa kia đây là một vùng thưa dân, nhưng có ngôi nhà Bưu điện Quốc gia lớn tên là US Post Office National, Indianna. Đó là khoảng những năm 1850, 1851, 1852.v.v… Rồi tám mươi năm sau đó, nghĩa là vào năm 1930 thì nơi đây biến thành bệnh viện lớn dành cho các cựu chiến binh. Vậy, rõ ràng ông Cory đã tình cờ đi ngược dòng thời gian và vào thời quá vãng cách thời đại ông cả trăm năm.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.