Bùn và nước – Vấn đạo với Bassui (1327-1387)

Hỏi: Thế nào là ý nghĩa của câu nói trong kinh: “Nếu có người nào làm năm hành trì như sau: thọ trì, đọc tụng, tuyên dương, và ghi chép lại kinh này sẽ được công đức vô lượng vô biên?”

Bassui: “Ðó có nghĩa là người ấy đã kiến tánh thành Phật, ngay bây giờ và ở đây. Thọ trì là nói về bản tánh của Tâm. Bản tánh này đều như nhau nơi thánh cũng như phàm. Trong mỗi người chúng ta đều vốn đã có sẵn chân tánh tròn đầy. Tin tưởng và hiểu sự quan trọng của chân tánh ấy là ý nghĩa của đọc tụng kinh. Dứt trừ mọi diễn giải biện luận và tuyệt mọi tư tưởng, khai ngộ bản tánh của mình là ý nghĩa của tưyên dương kinh. Ðược thọ ký khai ngộ là ý nghĩa của ghi chép kinh.”

Hỏi: Nếu năm hành trì ấy đều chỉ là ở nơi một tâm và không cần đến ngôn ngữ, lý do gì khiến có nhiều kinh thuyết lời Phật giảng như vậy?

Bassui: “Nếu không có những kinh đó, làm sao những người còn chấp nơi tướng có thể học được rằng không có pháp nào là ở ngoài tâm?”

Hỏi: Nếu năm hành trì ấy đều là như vậy với bất cứ kinh nào, tại sao hầu hết người ta lại chọn kinh Pháp Hoa?

Bassui: “Năm chữ tựa đề Diệu Pháp Liên Hoa Kinh đều đã bao hàm năm hành trì đó như sau:

Thọ là ở trong ý nghĩa chữ Diệu
Trì là ở trong ý nghĩa chữ Pháp
Ðọc tụng là ở trong ý nghĩa chữ Liên.
Tuyên dương là ở trong ý nghĩa chữ Hoa.
Ghi chép lại là ở trong ý nghĩa chữ Kinh.”

Hỏi: Làm sao “Thọ” lại có ý nghĩa “Diệu” được?

Bassui: “Diệu là bản tánh cố hữu của tất cả mọi chúng sinh. Nó là chủ của sáu căn. Bản tính sẵn có này thọ nhận tất cả các pháp, tuy vậy nhưng không có ai là người thọ nhận và cũng không có gì được thọ nhận cả. Ðó là nguyên tắc căn bản của chữ “Diệu”. Vì thế “thọ” có nghĩa là “Diệu”.

Hỏi: Làm sao “trì” có liên hệ với ý nghĩa của “Pháp”?

Bassui ngừng lại một chút rồi nói: “Ngươi có hiểu ta vừa nói gì không?”

Hỏi: “Thưa, không hiểu.”.

Bassui: Pháp luôn luôn hiển hiện, không che dấu ở đâu cả. Tất cả những gì có hình tướng đều có liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi một người có ước nguyện muốn được giải thoát và quay về quán chiếu vào bản tánh của mình, những đám mây bao phủ của cảm xúc sẽ tan đi, những đợt sóng phân biệt sẽ ngừng lại, và sự hiểu biết sẽ rõ ràng sáng tỏ. Lúc đó ta sẽ nhận ra rằng Diệu Pháp là bản tính sẵn có của tất cả các vị Phật cũng như của chúng sanh. Ðó là sự trong sáng thanh tịnh hoàn toàn.

Tuy rằng tánh ấy ở trong vô minh và mê lầm, nhưng nó không hề bị dính nhiễm. Cũng giống như hoa sen sống trong bùn mà vẫn giữ được bản tính thuần khiết, vì thế nên được gọi là “đọc tụng”. Ðóa hoa tượng trưng cho sự giải thoát. Bản tính vi diệu này, trọng tâm cho sự giác ngộ, là vượt ngoài mọi thứ bậc và phân loại. Nhưng sau khi vừa khai ngộ lần đầu, sự hiểu biết của người học đạo có thể là hời hợt, cũng có thể là sâu xa.

Có kiến thức rõ ràng sáng suốt và hiểu được tinh yếu của lý đạo rồi, cũng chưa phải là đã nhập được vào cảnh giới giác ngộ thực sự. Ðó mới chỉ là cái bóng phản chiếu của ánh sáng thôi, mới chỉ là vị khách đứng ở ngoài cổng. Khi đã buông bỏ hết mọi kiến thức, đã quên đi những khái niệm phân biệt, khi đóa hoa sen giác ngộ đã lần đầu tiên được nở ra, mười chặng đường của Bồ Tát mới có thể được hoàn thành và kinh nghiệm khai ngộ đã qua mới thấm thấu được. Lúc đó tri kiến Phật sẽ hiển hiện rõ ràng.

Những nụ hoa hàm tiếu của đóa sen sẽ hé mở và rơi rụng như những thứ hiện ra rồi mất đi trong cuộc sống. Khi người học Ðạo đã đến được tới đó, họ mới bắt đầu có đủ tư cách để thuyết pháp Phật và độ lại được cho người khác. Vì lý do này, tuyên dương pháp Phật được xem như là ngang với đóa hoa sen. Khi chân lý này được hiểu đến, dấu ấn của các vị Phật xưa sẽ được truyền đến tâm ta, cũng tựa như một bản kinh xưa được ghi chép lại toàn bộ trên một tập giấy mới sẽ cho ra một ấn bản y hệt như vậy. Vì thế, “ghi chép” lại được coi như là ngang với chữ Kinh. Kinh cũng là một tên gọi khác cho tâm, trong đó mang vô số những ý nghĩa khác thường.

Như thế, chúng ta thấy rằng năm sự hành trì này chỉ là một cách nói bóng bẩy cho việc áp dụng phương pháp dạy Ðạo mà thôi. Ðức Phật dùng phương pháp ấy để làm sáng tỏ cái tâm quý báu độc nhất vô nhị, và chỉ cho những phàm nhân thấy rằng kiến tánh được tức là thành Phật.

Những phàm nhân nào sai lầm đi tìm Ðạo ngoài tâm của mình, không biết rằng chính nơi họ đã có sẵn Phật, thì cũng giống như những đứa trẻ lầm lạc quên mất mẹ của mình. Vì thế, khi tinh tấn hành trì năm điều này, bạn sẽ nhận ra được cái tâm duy nhất ấy. Ðừng thèm muốn những thứ dư thừa của người khác trong khi bỏ mất đi viên ngọc quý giá chính mình đang đeo trên cổ.”

Hỏi: “Viên ngọc quý giá đang đeo trên cổ đó là gì?”

Bassui: “Khi rồng gọi, mây sẽ hiện ra. Khi hổ gầm, gió sẽ thổi.”

Ngọc Bảo (Trích dịch từ Daily Zen Journal)

http://vinhnghiem.de

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.