Chép Kinh Nhằm Nâng Cao Trí Lực

Được viết bởi biên tập viên Tomoko Otake của tờ nhật báo trên mạng, “Thời Báo Nhật Bản” (The Japan Times), và được đăng vào ngày 24 tháng 12, năm 2006

Giữa lúc phong trào đam mê về bất kỳ thứ gì có thể làm tăng thêm trí lực đang thịnh hành khắp cả nước – hoặc ít nhất giúp cho tầng lớp cao niên duy trì được các chức năng tâm trí – thì gần đây một phưong pháp thực tập trong nhà Phật tương đối khiêm tốn có mặt từ bao thế kỷ nay đang thu hút được nhiều sự chú ý.

Thực tế là, shakyo – nghĩa là ghi chép kinh điển Phật giáo – cho thấy là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa chứng bệnh lảng trí theo như cuộc nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi một giáo sư ở trường đại học Tohoku, Ryuta Kawashima, và liên đoàn các nhà xuất bản chủ yếu Gakken.

Giáo sư Kawashima, một chuyên gia nghiên cứu não bộ hàng đầu ở Nhật, đã đo lường độ hoạt động não của một nhóm người dân cao niên ở thành phố Sendai bằng cách lắp đặt thiết bị cảm biến (sensors) trên đầu họ nhằm giám sát những thay đổi trong các mạch máu não. Qua một ngàn cuộc thử nghiệm với những người tham dự, thì cuộc nghiên cứu tìm thấy rằng khi những người này đang biên tay kinh sách thì bộ não trở nên linh hoạt ở các vùng não nhất định nào đó hơn là khi họ thực hiện bất cứ gì trong số 160 loại công việc khác, bao gồm lăn tròn quả óc chó (walnut) trong lòng bàn tay, chơi trò thắt dây vào các ngón tay (cat’s cradle), hoặc là dán những mảnh giấy màu vào các bức vẽ.

Đạo Phật Thực Nghiệm

Đối với Shudo Miura, vị thầy Trú Trì của ngôi chùa Phật giáo Honjuin được đặt trụ sở ở Tokyo, thì sự kiện đó hầu như không có gì ngạc nhiên. Giải thích rằng shakyo là phương thức thực nghiệm hay vận dụng đôi tay nhiều nhất để thực tập Phật pháp, thầy Miura nói thêm, “Ngày nay nhiều người cảm nhận được nhu cầu khỏa lấp khoảng trống vắng tâm linh trong họ, và shakyo là cách dễ nhất để hiểu đạo Phật cho dù là người đó không biết gì về kinh điển.”

Thầy Miura cho biết là lịch sử shakyo có từ thế kỷ thứ tám khi mà hoàng đế Shomu cho xây cất các ngôi chùa khắp xứ Nhật, và nhu cầu biên chép kinh điển đột nhiên lan nhanh như nấm. Tất nhiên là không có máy in vào thời đó, nên các bản sao phải được viết tay.

Thầy Miura nêu rõ thêm là bản kinh thường được sử dụng nhiều nhất cho shakyo là “Hannya Shinkyo” (Tâm Kinh Bát Nhã), gồm có 276 chữ, được biết như là “Giáo Lý về Tánh Không” (The Doctrine of Emptiness). Bản kinh này cô đọng lại giáo pháp cốt lõi của Phật giáo Đại thừa và thật là phổ cập tại vì bản kinh ngắn gọn, có thể chép lại chừng một giờ.

Theo truyền thống xa xưa thì shakyo là công trình biên chép của các nhà sư đáng kính và quan lại, hay là của nhiều vị chuyên môn hóa về lãnh vực này. Nhưng rồi vào khoảng thế kỷ 11, các dòng dõi samurai (binh sĩ Nhật ở chế độ phong kiến) bắt đầu ghi chép kinh để cầu nguyện cho sự hưng thịnh của họ, theo như lời của thầy Miura. Từ đó trở đi, sự thực tập này lan dần sang lớp người bình dân, và trong thời buổi tân tiến này nhiều người thực hành shakyo để theo đuổi mục đích riêng biệt nào đó, như là được nhận vào trường học mà họ chọn lựa hoặc là cầu nguyện cho vong hồn ông bà tổ tiên hay cho mizuko (các thai nhi bị sẩy hay bị phá).

Do bởi tính chất tu tập của shakyo, thầy Miura nhấn mạnh rằng, ta không nên coi shakyo như là thuật viết chữ đẹp (calligraphy). Trong phương pháp shakyo, thầy Miura giải thích thêm, quan trọng là sự thành tâm – chứ không phải là phẩm chất của chữ viết.

“Bạn nên quan sát chữ viết bằng đôi mắt mình, và cố gắng viết mỗi một chữ cho ngay thẳng, cứ như là bạn đang thỉnh mời đức Phật vào trong tâm mình vậy,” thầy Miura giải bày cặn kẽ. “Theo cách đó, bạn sẽ cảm nhận rõ là kỳ thực bạn cùng đồng là một với đức Phật.”

Thầy Miura mở cửa chùa hằng ngày – chùa này là một công trình kiến trúc hiện đại, đúc bằng bê tông, nằm trên đường lộ đông đúc náo nhiệt thuộc vòng đai số 7, trong quận Ota của thủ đô Tokyo – cho mọi người ghé vào và thực hành shakyo từ 9 giờ sáng tới 4 giờ chiều.

Khỏi Phải Lo Lắng Nghĩ Ngợi

Trong suốt cuộc viếng thăm mới đây ở ngôi chùa đó, tôi được thấy một nhóm người ở trong một căn phòng chánh và lớn, đang yên lặng chép kinh từ đầu tới cuối, từ phải sang trái, trên giấy washi thời xưa của người Nhật, qua việc sử dụng những cây bút fude, có thân viết đầy mực, và “ngòi bút” là lông ngỗng cứng, nhưng hơi dễ uốn.

“Tôi cảm thấy thật an tịnh, và trong lúc tôi viết, thì tâm trí tôi không lo lắng nghĩ ngợi gì cả,” một bà 70 tuổi ở gần chùa đã phát biểu như vậy. Một bà khác ở độ tuổi lục tuần thì nói rằng các người trẻ tuổi cũng nhận được lợi lạc từ shakyo – không nhiều quá cho sự tập luyện có tính cách tôn giáo, mà chỉ là để “giữ tâm họ khuây khoả, thanh thản.”

Được hỏi nếu thầy Miura có bất kỳ mẹo vặt nào dành cho những người mới thực tập lần đầu tiên, Thầy ngẫm nghĩ chốc lát, rồi đáp: “Hãy cố gắng chú tâm, đừng để cho bị gián đoạn bởi các cú điện thoại hay bởi những sự sao lãng khác cho đến khi bạn chép xong một hàng, chừng 17 chữ. Tôi cũng khuyên là trước khi bạn khởi sự, bạn nên sắp xếp gọn ghẽ căn phòng mình và thắp nhang, thay vì hối hả viết tháu bản kinh trên giường hay nơi nào đó. Và cố gắng giữ tâm mình trong sáng; đây chính là thời gian rèn luyện tâm trí.”

Ngoài ngôi chùa Honjuin của thầy Miura ra, còn có một số chùa của các môn phái Phật giáo khác nữa ở Nhật có cung cấp shakyo cho khách đến viếng chùa. Cho những ai thích thực hành ở nhà, thì bộ đồ dùng shakyo, gồm có bút lông, mực, và giấy, có bày bán ở các cửa hàng văn phòng phẩm hoặc là trên mạng lưới trị giá từ khoảng 6 ngàn đồng yên Nhật trở lên.

Để biết thêm tin tức về shakyo (bằng tiếng Nhật thôi), bao gồm một bản danh sách chùa chiền ở bên Nhật có dành sẵn chương trình thực tập shakyo, xin hãy tham viếng trang nhà

http://www.syakyou.com.
 
Có thể liên lạc về bài dịch với Tâm Diệu Phú (tamdieuphu@gmail.com)

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.