Chìa Khoá Sống Thanh Thản

CHƯƠNG II: THÊM CHÚT NGHỊ LỰC

1. Hứng khởi trong công việc

Chúng ta ngày càng quan tâm đến mối liên hệ giữa công việc và lòng hứng khởi. Trong một cuộc sống mà công việc lúc nào cũng quá căng thẳng, chúng ta dễ cảm thấy nhàm chán, cáu gắt, bực bội với công việc của mình. Lòng hứng khởi trong công việc tiêu tan dần đi. Và do đó, hiệu quả của công việc cũng rất thấp. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn chúng ta đến chỗ bế tắc, công việc thì ngày càng chồng chất mà chẳng có việc nào giải quyết ra việc nào. Từ đó, chúng ta đánh mất luôn cả niềm vui cuộc sống. Lẽ ra, công việc phải là niềm vui sống và là cơ hội để thăng tiến, thì nó lại biến thành một nỗi lo nặng nề, luôn làm mình cảm thấy buồn bực, căng thẳng!

Hứng khởi là một trạng thái tâm lý, là một niềm vui bất tận làm cho mình cảm thấy công việc của mình là thú vị, vô cùng tuyệt diệu. Chúng ta không thể nhìn thấy sự hứng khởi, cũng như chúng ta không thể nhìn thấy lương tâm, nhưng chắc chắn một điều là chúng ta cảm nhận được nó. Và nó luôn ảnh hưởng quan trọng lên công việc và cuộc sống của chúng ta.

Hứng khởi ảnh hưởng đến cả sức khoẻ thể xác của chúng ta. Một người luôn sống trong trạng thái hứng khởi thì sẽ gìn giữ được sức khoẻ của bản thân tốt hơn là một người luôn sống trong trạng thái hoang mang, buồn bã. Ngay cả trong công việc, trạng thái hứng khởi cũng làm cho công việc của mình đạt hiệu quả cao hơn bình thường rất nhiều lần!

Vậy làm thế nào để chúng ta tìm thấy hứng khởi và duy trì được niềm hứng khởi dài lâu trong công việc của mình? Trả lời câu hỏi này liên quan đến rất nhiều vấn đề, từ óc tổ chức đến nhân sinh quan của bản thân mỗi người trong cuộc sống!

Hãy luôn tự nhủ rằng, mình không chỉ sống mà còn khát khao sống một cách trọn vẹn với niềm vui cuộc đời. Mình phải có trách nhiệm tạo ra cho mình sự hứng khởi trong công việc, vì công việc là của mình chứ không phải của ai khác, vì cuộc đời mình là của chính mình chứ không phải của ai khác. Niềm vui trong công việc sẽ đem lại cho mình hạnh phúc và thành công trong cuộc đời.

  • Sống chung với những người hứng khởi.

Trong mỗi tổ chức hay một tập thể đều tồn tại cái gọi là “bầu không khí tâm lý của tập thể”. Nếu may mắn được làm việc trong một tập thể tốt, có bầu không khí tràn đầy hứng khởi, tự nhiên bạn cũng sẽ luôn cảm thấy hứng khởi trong công việc. Bởi vì, bầu không khí tâm lý của tập thể có ảnh hưởng, tác động đến tâm lý của mỗi cá nhân. Nếu chẳng may phải làm việc trong một tập thể có bầu không khí ngột ngạt, khó chịu, bạn sẽ khó có thể cảm thấy vui vẻ trong công việc và sẽ chẳng bao giờ thăng tiến được. Tốt hơn hết là bản thân mình nên tìm một công việc khác xứng đáng với khả năng của mình hơn, hay một công việc khác mang tính độc lập cao hơn mà mình không còn phải bị lệ thuộc quá nhiều vào tập thể nơi mình làm việc.

  • Tạo niềm hứng khởi cho người khác.

Nếu như tâm lý của mỗi cá nhân đều bị ảnh hưởng bởi tâm lý của tập thể, thì trái lại, tâm lý của tập thể cũng chịu sự tác động, ảnh hưởng bởi tâm lý của mỗi cá nhân. Thay vì tìm cách chia rẽ, gây căng thẳng lẫn nhau, bản thân mỗi người nên chủ động tạo niềm hứng khởi cho cả tập thể nơi mình làm việc. Điều này đặc biệt có ý nghĩa nếu bạn là người lãnh đạo, người quản lý trong tập thể. Bạn chủ động tạo niềm hứng khởi cho các nhân viên thì công việc quản lý của bạn càng thành công, tổ chức của bạn ngày càng đi lên.

  • Thách thức trong công việc sẽ tạo đà cho hứng khởi.

Đừng bao giờ ngại những khó khăn, thách thức trong công việc, vì bất cứ công việc nào cũng chứa đựng khó khăn của riêng nó. Có thách thức, tức là bạn có cơ hội để chinh phục. Trong khi nỗ lực vượt lên những thách thức, bạn cảm nhận được niềm vui. Sự hứng khởi này rất tuyệt vời, giống như cảm nhận của những người tích cực tham gia một cuộc đua vượt chướng ngại vật vậy! Và cả sau khi đã vượt qua mọi thử thách trong công việc, sự hứng khởi vẫn ngân vang mãi trong tâm hồn của bạn…

  • Hứng khởi là một niềm tự hào của bản thân.

Cái khó nhất trong cuộc sống không phải là đạt được sự giàu sang hay quyền chức, mà là duy trì được sự hứng khởi. Biết bao người luôn cảm thấy đau khổ, buồn bực, không cảm thấy hứng khởi gì trong cuộc sống. Chúng ta phải quyết tâm sống làm sao để khi mọi người nhìn vào mình, bất kỳ ai cũng thèm khát có được sự hứng khởi như mình! Một khi mình luôn duy trì được sự hứng khởi của bản thân trong mọi cảnh ngộ, điều đó chứng tỏ mình là người có nghị lực hơn nhiều người khác, mình biết vượt lên chính mình, và đó chẳng phải là bản thân mình có một nhân cách rất đáng tự hào hay sao?

2. Xác định những mục tiêu tốt đẹp

Ước mơ phải được cụ thể hoá rõ ràng thành các mục tiêu khác nhau. Mỗi người trong chúng ta luôn mong muốn đạt được những mục tiêu trong công việc của mình. Chẳng hạn, muốn kinh doanh có hiệu quả hơn, muốn mức thu nhập cao hơn, hoặc muốn tìm một việc làm tốt hơn… Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp chúng ta không đạt được những điều mà chúng ta mơ ước. Tại sao vậy? Tại sao nhiều người rất thông minh, làm việc rất hăng hái, siêng năng chịu khó, nhưng họ vẫn không thành công trong những công việc mà họ dự định? Bởi vì họ chưa biết xác định cho mình những mục tiêu rõ ràng.

Những gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn đề ra cho mình những mục tiêu rõ ràng, tạo tiền đề cho bạn thành công:

  • Xác định rõ những gì mình mong muốn đạt tới:

Mục tiêu phải rất cụ thể. Nếu bạn muốn bán được nhiều hàng hoá hơn, thì có bao nhiêu mặt hàng mà bạn dự định sẽ bán thêm so với lượng hàng hoá lâu nay bạn vẫn bán? Nếu bạn muốn tìm một công việc khác tốt hơn, thì những đặc điểm của công việc mới đó là gì? Năng lực, tính cách của bạn ra sao? Có phù hợp với công việc đó hay không? Cơ hội để bạn tìm được công việc đó như thế nào?

  • Xác định một thời hạn cho mục tiêu đó:

Mục tiêu của bạn phải có thời hạn cuối cùng rõ ràng để bạn thực hiện. Mục tiêu là công việc có thực mà bạn sẽ thực hiện, chứ không chỉ đơn thuần là một niềm ao ước hay giấc mơ.

  • Xác định rõ những điều bạn tin tưởng khi vạch ra mục tiêu đó:

Bạn phải cảm nhận được rằng, mục tiêu mà bạn vạch ra sẽ có khả năng trở thành hiện thực. Nếu bạn còn do dự hoặc nghi ngờ không biết liệu những mục tiêu mình vạch ra có trở thành hiện thực được hay không, thì bạn không bao giờ chủ động bắt tay vào làm những việc cần thiết để biến mục tiêu của mình thành hiện thực.

  • Hiện thời mình đang ở đâu?

Hãy làm ngay một bảng đáng giá lại tình hình thực tế hiện tại của mình. Bạn không thể biết mình sẽ phải bắt đầu khởi sự từ đâu, sẽ bắt tay vào thực hiện những gì, nếu như bạn không xác định rõ tình hình thực tế của mình.

  • Những trở ngại nào mình phải vượt qua?

Những điều gì gây khó khăn cho mình trong quá trình vươn đến mục tiêu? Mặc dù không thể tiên liệu được hết những khó khăn đó, nhưng việc nhận thức trước một phần nào những khó khăn mà mình phải đương đầu sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc vạch ra cho mình một kế hoạch để đương đầu với những khó khăn đó.

  • Mình cần thêm những kiến thức gì?

Để thực hiện mục tiêu này, trình độ kiến thức hiện tại của mình đã đủ chưa, và mình phải học thêm một số kiến thức nào nữa? Chẳng hạn, muốn bán được nhiều hàng hoá hơn, mình phải học thêm những kiến thức nào về thị trường, về tiếp thị?…

  • Mình có thể hợp tác với ai? Với những tổ chức nào?

Bạn khó có thể thành công nếu tự mình làm tất cả mọi chuyện. Bạn cần phải hợp tác với những người khác. Vậy đâu là những người bạn có thể tin cậy và hợp tác được? Và làm cách nào để có thể hợp tác được với họ?

  • Mình sẽ gặt hái được những lợi ích gì?

Viết rõ ra giấy những lợi ích mà mình có thể gặt hái được sau khi đạt được mục tiêu mà mình đã vạch ra. Những hấp dẫn về lợi ích chính đáng đó sẽ thúc đẩy bạn hăng hái nhiều hơn khi bắt tay vào thực hiện mục tiêu mà bạn đã định.

  • Có một kế hoạch chủ động.

Phải xác định những bước đi thật cụ thể mà mình cần phải làm để vươn tới mục tiêu. Sau đó, đem hết sức mình để thực hiện mục tiêu.

  • Hình dung trước một phần kết quả.

Bạn có thể hình dung khá chi tiết hình ảnh về bản thân mình nếu bạn đã sẵn sàng vươn tới mục tiêu. Chẳng hạn như: bạn muốn được lượng hàng hoá nhiều hơn, thì hoạt động kinh doanh của bạn sẽ mở rộng như thế nào? Những hình ảnh này sẽ ăn sâu vào tiềm thức của bạn, thúc đẩy bạn vươn tới mục tiêu đã định.

3. Sống lạc quan

Những va chạm, cũng như những bi kịch của cuộc sống luôn xảy đến với bất cứ ai, với những người lạc quan nhất, cũng như với cả những người bi quan. Nhưng sự khác nhau là ở chỗ, những người lạc quan luôn biết vượt qua những bi kịch đó hơn là những người bi quan.

Những người lạc quan, nhờ nhận thức được tầm quan trọng của việc rút kinh nghiệm từ những thất bại trong quá khứ, nên họ học tập được những bài học quý giá, vượt qua được những trở ngại để rồi từ đó tiếp tục vươn lên. Những người bi quan thì trái lại, thường tìm mọi lý do để bào chữa cho những thất bại của mình, có khi họ còn tự thuyết phục mình rằng việc đó cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều để mà phải cố gắng, nên họ buông xuôi luôn cuộc sống của mình. Tuy nhiên, những người lạc quan không phải ngay từ lúc sinh ra là đã có ngay tính lạc quan quý giá như vậy, mà phải có quá trình rèn luyện. Dưới đây là một vài cách để bạn vượt qua những cạm bẫy của tính bi quan:

  • Đương đầu với những tư tưởng tiêu cực của bạn:

Bạn hãy bắt đầu bằng việc viết ra giấy bất cứ vấn đề tiêu cực nào đang gây rắc rối hoặc ngăn cản bạn đạt được “các mục đích cao đẹp” mà bạn cho rằng mình có thể đạt được một cách chính đáng. Chẳng hạn như: một cái xe mới mà bạn đang rất muốn mua nhưng chưa mua được; mái nhà dột chưa sửa sang lại được; một lô một lốc hoá đơn chưa thanh toán được; gia đình thiếu thốn, túng quẫn; ông “sếp” ở cơ quan có vẻ như đang trù dập bạn… hoặc bất cứ thứ gì mà bạn cho rằng đã đưa đẩy bạn vào “hoàn cảnh tồi tệ” như hiện tại.

Tiếp theo, bạn hãy viết ra trên phần còn lại của tờ giấy những điều mà bạn có thể cân nhắc lại một cách khách quan hơn. Có phải những chuyện này thực sự ngăn cản bạn cải thiện hoàn cảnh hiện tại, hay chúng luôn là nguyên nhân khiến bạn tự dập tắt ngọn lửa hăng hái của mình? Chỉ một khi bạn đánh giá đúng được những vấn đề vướng mắc của mình, thì bạn mới có thể xác định mình cần phải làm gì để tháo gỡ những vấn đề đó.

  • Thường xuyên theo dõi và bổ sung kế họach của mình:

Bạn có tập trung vào mục đích và lý tưởng sống của mình không? Bạn có thiếu lòng tự tin khi theo đuổi các kế hoạch nhằm đạt đến lý tưởng của bạn? Và liệu bạn có từ bỏ những kế hoạch của mình quá sớm ngay khi vừa chạm trán với những trở ngại đầu tiên? Bạn có bền lòng trước những trở ngại từ tuần này sang tuần khác không? Bạn có biết chấp nhận những khó khăn, thiệt thòi trước mắt để phấn đấu cho lý tưởng sống của mình không? Và liệu bạn có dễ dàng từ bỏ những kế hoạch tiếp theo khi đã đạt được một vài mục tiêu trước mắt?

  • Bạn có thực sự tin tưởng một cách đúng đắn vào chính bản thân mình không?

Những người bi quan thường trầm trọng hóa những vấn đề của họ một cách vô lý. Bạn hãy tự hỏi mình xem, mức thu nhập của mình hiện nay liệu có quá tồi? Hay vẫn có thể bảo đảm cho cuộc sống nếu như mình biết tiết kiệm và có kế hoạch chi tiêu một cách hợp lý hơn? Có đúng là “sếp” đang nhắm vào mình thật hay không?… Nhìn chung, bất cứ khi nào bạn có những suy nghĩ vô lý, bạn hãy chỉnh đốn lại những suy nghĩ của mình, bằng cách tìm kiếm những nguyên nhân và giải pháp hợp lý nhằm từng bước giải quyết vấn đề, hơn là cứ tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc nôn nóng muốn rằng mình phải thành công ngay. Khi gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống, bạn phải luôn nghĩ rằng chính mình hiểu rõ hơn ai hết về nguyên nhân của những trở ngại đó, và phải tin rằng mình sẽ tìm được giải pháp cho những trở ngại của mình. Hãy luôn nhớ rằng, những người lạc quan luôn học tập được kinh nghiệm quý giá từ những thất bại của họ, và họ biết dùng những kinh nghiệm này để thay đổi cuộc sống.

  • Không nhất thiết phải chú ý mãi vào những điều trở ngại:

Bạn hãy tự hỏi mình rằng, liệu có thực sự cần thiết không khi mình cứ phải hướng sự chú ý vào những điều trở ngại? Bất cứ ai cũng có thể vạch lá tìm sâu, nghĩa là bất kỳ ai cũng tìm thấy những điều khó khăn, tiêu cực ở xung quanh mình cả! Tuy nhiên, chẳng có lý do gì để chúng ta cứ mãi hướng sự chú ý của mình vào những trở ngại tiêu cực cả! Nếu bạn không thể thay đổi ngay những tình huống tồi tệ trong một sớm một chiều, thì cũng đừng chú ý mãi vào nó, cứ tạm chấp nhận nó và dần dần bạn sẽ thay đổi nó.

  • Vượt lên chính mình:

Sau mỗi lần đương đầu với nghịch cảnh, bạn hãy nhìn lại lòng tự tin của mình. Một khi có lòng tự tin, bạn sẽ nâng cao được khả năng đối phó với nghịch cảnh, thay vì cảm thấy bơ vơ và tuyệt vọng. Thường xuyên đối phó với nghịch cảnh sẽ giúp bạn chủ động tìm ra giải pháp khả thi cho những khó khăn của bạn. Như vậy, bạn trở thành một người có nghệ thuật sống lạc quan trong mọi hoàn cảnh và bạn xứng đáng gặt hái được những thành công chân chính trong cuộc đời.

4. Xây dựng quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp

Bạn có bao giờ cảm thấy chán nản, buồn phiền vì những thất bại trong quan hệ với đồng nghiệp không? Thực ra, những lúc chúng ta lỡ phải lâm vào tâm trạng như vậy thì đấy cũng chính là những khoảnh khắc rất tuyệt diệu của cuộc sống, bởi chúng ta có thể nhìn lại chính mình, nhìn lại quá khứ để rút ra những kinh nghiệm sống hữu ích, ngay trong ngày hôm nay và trong tương lai. Đó cũng là lúc để bạn suy tư về những ý tưởng dưới đây:

  • Biết quý trọng những tình cảm của người khác dành cho mình trong cuộc sống:

Tình yêu thương của người khác làm cho ta tăng thêm sức mạnh tâm hồn. Hãy nhớ lại những lần mình đã lỡ có những ứng xử vụng về, khiến đồng nghiệp hiểu lầm, và mình đã lỡ đánh mất những tình cảm tốt đẹp mà người khác dành cho mình. Sau đó, hãy tự cam kết với chính mình rằng, từ hôm nay mình sẽ luôn biết trân trọng những tình cảm mà các bạn đồng nghiệp dành cho mình, và cố gắng không bao giờ để xảy ra những chuyện hiểu lầm nào nữa!

  • Học tập những điều tốt từ những người bạn đồng nghiệp:

Bất cứ người nào chúng ta gặp trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp với mình, cũng có thể có một điều tốt nào đó đáng để mình phải học tập. Chỉ nên nghĩ đến điều tốt đó của họ thôi, và học tập điều tốt đó, chứ tuyệt nhiên đừng nghĩ nhiều đến những tật xấu của họ. Hãy luôn tìm kiếm, nhận ra điều tốt, học hỏi và thực hành điều tốt.

  • Tìm kiếm những người đồng nghiệp cùng chí hướng:

Trong cuộc sống, có những công việc mà bạn có thể tự mình làm được, nhưng cũng có những công việc đòi hỏi phải có sự hợp tác, chung sức của những người khác. Tìm kiếm được những người cùng chí hướng với mình, bạn chẳng những sẽ có người cùng hợp sức để thành công, mà họ còn có thể chia sẻ cùng bạn những mối lo, những trăn trở trong công việc.

  • Những mối quan hệ tốt với đồng nghiệp:

Làm cùng một ngành nghề, bạn và đồng nghiệp của bạn có thể có sự cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ở đây phải được hiểu là sự cạnh tranh lành mạnh, là cơ hội để cùng cố gắng vươn lên chinh phục những đỉnh cao mới trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp, chứ không phải là triệt tiêu lẫn nhau. Những mối quan hệ tốt với đồng nghiệp sẽ làm cho chúng ta luôn cảm thấy thoải mái, dễ chịu và đầy cảm hứng trong công việc.

  • Ích lợi của những xung đột với đồng nghiệp:

Những xung đột với đồng nghiệp trong công việc là khó có thể tránh khỏi. Đó sẽ là những cơ hội để chúng ta nhìn lại chính mình, rèn luyện tính kiên nhẫn, thấu hiểu người khác, chấp nhận và tha thứ cho người khác.

  • Phục vụ người khác tức là phục vụ chính mình:

Bạn phải luôn nghĩ như vậy thì bạn mới thành công và cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình. Chẳng hạn, khi chúng ta tự nguyện giúp đỡ đồng nghiệp, chúng ta sẽ trở thành một người được nhiều bạn đồng nghiệp quý mến, trân trọng. Bạn làm kinh doanh, nếu hết lòng phục vụ khách hàng thì chính khách hàng sẽ đem lại sự giàu có cho bạn.

  • Thân thiện với đồng nghiệp:

Đây không phải là chuyện dễ thực hiện. Dẫu biết rằng, không phải bất cứ đồng nghiệp nào của bạn cũng là người dễ thân thiện, nhưng dù cho anh ta (hoặc chị ta) có là người mang tính cách oái oăm đến mức nào, bạn cũng hãy cứ đối xử tốt, tỏ ra cao thượng và thân thiện với họ trước. Điều này giúp bạn dễ giảm stress, dễ vui cười với mọi người hơn, và cảm thấy thanh thản trong lòng mình. Với thời gian, những đồng nghiệp “khó tính” của bạn cũng sẽ hiểu đúng về bạn. Còn nếu họ vẫn mãi không thể hiểu đúng hoặc không chịu hiểu đúng về bạn thì đó là lỗi của họ.

  • Quy luật của sự quan tâm lẫn nhau:

Hãy nhớ rằng, nếu bạn không quan tâm đến người khác, thì người khác cũng sẽ không bao giờ quan tâm đến bạn. Nếu bao lâu bạn còn thờ ơ với những đau khổ của người khác, thì đừng bao giờ tự hỏi hay trách móc vì sao thiên hạ lại ngoảnh mặt với những khổ đau của mình. Ngay cả khi bạn quan tâm đến người khác, vẫn còn chưa chắc được người khác quan tâm lại, huống hồ gì bạn lại trách móc một cách vô lý như vậy?

  • Biết nhận lỗi:

Khi bạn đã lỡ phạm một lỗi lầm nào đó đối với người khác, đưa ra lời xin lỗi là một hành động hoàn toàn đúng đắn, chứng tỏ bạn có một nhân cách trưởng thành. Hoàn toàn không có gì là yếu ớt, là xấu hổ trong chuyện nhận ra lỗi lầm của mình và biết bày tỏ lời xin lỗi với người khác.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.