Cúng Dường Hữu Hình Và Cúng Dường Vi Tế

Trong một buổi giảng pháp tại Thiền viện Vạn Hạnh, thành phố Đà Lạt, ngài Jigme Pema Wangchen, vị hóa thân đời thứ 12 của Gyalwang Drukpa, lãnh đạo dòng truyền thừa Drukpa Tây Tạng, có nói: “Cúng dường giúp bạn tích lũy công đức. Chúng ta nghèo khó bởi vì chúng ta không cúng dường; chúng ta chỉ không ngừng khư khư giữ cho mình, bởi vậy chúng ta nghèo khó”. Mới nghe thì điều này có vẻ khó lĩnh hội. Vì điều ngài khai thị đồng nghĩa với việc một người tích cóp tiền của để phòng khi có bệnh cho chính mình, nhưng lại vô tư cho đi phần lớn số tiền đó thì bệnh tật sẽ không gõ cửa cái thân thể vật lý của người ấy nữa. Hoặc có những người hàng ngày chỉ chăm chút khẩu phần ăn của mình sao cho có đủ chất dinh dưỡng không cần biết đến ai nhưng lại vướng phải vô số bệnh tật, trong lúc có những người khác thản nhiên ăn uống đạm bạc chay tịnh mà cứ lo cho người khác thì lại chẳng biết gì đến bệnh tật. Thật khó đủ nội lực tâm linh nhận chân điều đó. Điều đó dẫn tôi đến những suy nghĩ về việc cúng dường.

Trước nhất hãy nhận diện bản chất cúng dường của nhiều đối tượng thời nay. Năm ngoái tôi đi Phú Thọ, tiện đường ghé vào ngôi chùa mới được trùng tu. Trước sân chùa có hồ rộng, bên phải từ ngoài vào có trồng một cây bồ đề nhỏ. Dưới gốc được ai đó cúng dường hòn non bộ đá tổ ong trắng rất đẹp. Đẹp mà không đẹp. Những chỗ trơn tru nhẵn thín của hòn non bộ cao khoảng một mét đó thì tên vợ tên chồng, cả tên con, đều được khắc lên. Sẽ chẳng sao nếu hòn non bộ ấy thật cao lớn, để cho bốn dòng chữ ghi nhận họ và tên kia, khách viếng thăm phải vòng quanh mới vô tình trông thấy.

Sát tường bao của ngôi chùa này, bên trái là mái che dài chừng mười mét, nơi đặt các bia công đức. Tôi xem tấm bia lớn nhất, kích cỡ khoảng 7m x 1,2m, họ tên và số tiền được khắc đầy đủ, người ít nhất hai trăm ngàn, người nhiều vài ba triệu. Tôi làm một phép tính, tổng số tiền, thật bất ngờ, nó khoảng 15 triệu, đủ mua tấm bia và trả công thợ chạm. Tức họ cúng dường chỉ để dựng tấm bia đó ghi tên mình vào… lịch sử!cung-duong-huu-hinh-cung-duong vi-te

Giữa năm 2011 này có Đại lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ ở Quảng Trị được rất nhiều các bậc Đại sư và quan chức tham dự; rất nhiều doanh nghiệp lớn chung tay tài trợ. Một việc tri ân đầy ý nghĩa như vậy, nhưng đến giờ chót nghe tin Ban tổ chức dẫu tìm nhiều cách vẫn không thể truyền hình trực tiếp theo như kịch bản, một vài “mạnh thường quân” đã nổi cồ yêu cầu rút lại tiền tài trợ. Vậy ra cái sự cúng dường kia là kinh doanh thương hiệu chứ tâm nguyện gì đâu! Thu nhỏ lại, không ít cá nhân tung tiền làm từ thiện với mục đích đưa mặt mình trên tivi, chưa tính đến chuyện tiền của họ có trong sạch? Nếu là tiền mồ hôi nước mắt, việc từ thiện ấy do trừ đi khoản mua danh lên tivi, họ vẫn được phần trăm công đức; nếu tiền không chính mạng, không ngoại trừ họ còn tích thêm nghiệp. Đồng quan điểm với Đức Phật, Chúa Giê-su từng phán trong Bài giảng trên núi: “Khi con làm phúc của gì, chớ cho tay trái biết việc tay phải làm” (Kinh Tân Ước). Có như vậy người đó mới nhận được “trăm phần trăm” công đức, và còn hơn thế nữa.

Ngài Wangchen cũng phân chia ra những hình thức cúng dường: “Cúng dường cũng không chỉ nhất thiết là những phẩm vật mà bạn cúng dường lên Thượng sư, chư Phật, chư đại Bồ-tát hay lên Tăng già, có thể thậm chí cúng dường đến cả chúng sinh”. Tôi xin mạn phép nói rõ hơn chút: Nếu có thể, hãy cúng dường cho những súc vật như chó mèo lợn gà… Nếu như biết có một con chó nhà hàng xóm bị gia chủ thường xuyên bỏ đói, đêm đông phải nằm ngoài thềm lạnh, tôi sẽ tìm cách cúng dường cho con chó tội nghiệp ấy. Giả sử nếu như phải lựa chọn, thì thay vì cúng dường cho một vị sư, tôi có thể cúng dường cho một cậu học trò hiếu học khó khăn.Hoặc, nếu buổi sáng nào đó tôi nhờ con đi mua cho mình tô bún chay, bưng về giữa đường nó thấy một bà già đói, động lòng liền cho, tôi sẽ xoa đầu nó khen con đã làm được một việc lớn. Nhưng, dĩ nhiên thay vì bảo con mua giùm tô bún khác, tôi nên nhịn ăn sáng hôm ấy.

Đến đây thì đụng ngay đến cúng dường vi tế. Một kênh truyền hình tỉnh nọ có chương trình “Nối nhịp nghĩa tình”, những gia cảnh được giới thiệu quả quá bi đát. Ai chưa giúp được gì cho họ, thì hãy nên hạ khẩu phần ăn của mình xuống. Bình dân. Đó có thể hiểu là cúng dường vi tế. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, thời mới ra loại mì tôm Tân Bình vỏ bằng giấy. Nhà bảy thành viên, anh trai tôi đi buôn phải góp trong vòng mười ngày mới mua nổi 6 gói để chia ăn cùng một lúc. Bây giờ không ít người đã đoạn tuyệt với mì tôm để chuyển qua bún cháo cho buổi sáng, hoặc nếu có ăn mì tôm cũng cho vào đó các loại thực phẩm hạng sang. Người biết cúng dường vi tế không bao giờ chê bát mì tôm suông trong lúc có được mì tôm ăn sáng vẫn là mơ ước của rất nhiều con người phải nhịn đói hoặc ăn khoai sắn, cơm nguội để đến trường và lao động. Bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giê-su phát biểu: Người giàu muốn lên nước Chúa khó như con lạc đà chui qua lỗ kim. Đến nước Phật thì còn gian nan hơn.

Đã là con người thì luôn phải vắt cạn tâm sức và trí tuệ lao động để phục vụ và cống hiến cho lợi ích chung. Ngẫu nhiên họ trở thành giàu có. Giàu có cả về vật chất lẫn tâm hồn. Ừ, thì cứ tích lũy. Chả sao. Nhưng thử tham khảo đề xuất này xem sao:

– Người giàu cứ làm giàu, cứ dự trữ phòng tuổi già bệnh tật, nhưng khi con cái đã có công ăn việc làm, hãy nên viết di chúc chỉ để lại cho chúng một phần nhỏ gia sản, số còn lại hiến cả cho việc từ thiện. Như vậy, người giàu đã chuyển hóa tiền vào ngân hàng công đức, và hẳn nhiên đây là cách duy nhất để họ dùng thẻ đa năng rút được công đức ấy ở kiếp sau.

NHUỴ NGUYÊN – TẠP CHÍ VĂN HOÁ PHẬT GIÁO SỐ 140

http://vanhoaphatgiaoblog.com/

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.