Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa – Phần 2.2

Nguyên tác: Nalinaksha Dutt – HT. Thích Minh Châu dịch, Ấn hành 1971 (tái bản 1999)

Những lý do phải xem Sràvakayàna (Thanh văn thừa) là Tiểu thừa

Dù cho thái độ hòa giải của tập Saddharmapundarika, cố gắng nêu rõ các vị Nirvànagàmim (đã chứng Niết bàn Tiểu thừa) cuối cùng sẽ thành Nhất thế trí (Sarvajnas) và Tiểu thừa chỉ là một xảo phương tiện, điều rất rõ ràng là tập này cũng như các tập Ðại thừa khác đều có một thái độ kẻ cả và cố gắng xác nhận Ðại thừa cao thượng hơn Tiểu thừa rất nhiều.

Tập Sùtràlankàra nói rằng có bảy đặc tính, mà Ðại thừa phải được xem là lớn: Một là nền tảng (àlambana: duyên) là lớn vì kinh điển Ðại thừa rất sai biệt và vô số lượng. Thứ hai quả chứng (pratipatti) của Ðại thừa là lớn vì Ðại thừa thành tựu hai mục đích: Tự lợi và lợi tha. Thứ ba, kiến thức do Ðại thừa giảng dạy là sâu kín vì đi sâu vào Không tánh (nairàtmyabhàva) của cả nhân và pháp (pudgala và dharma). Thứ tư, Ðại thừa đòi hỏi nhiều khổ hạnh lớn, vì Ðại thừa đòi hỏi sự tinh tấn tha thiết trải nhiều đời, nhiều kiếp. Thứ năm Ðại thừa là lớn trong những vật liệu phương tiện, vì người theo Ðại thừa không cần phải rời khỏi cuộc đời, miễn rằng các vị này không bị ràng buộc vì đời. Thứ sáu Thành quả (Samudàgama) của Ðại thừa là lớn, vì Ðại thừa đưa đến bala (lực), vaisàradya (vô úy) và 18 àvenikadharmas (bất cộng pháp) (72). Thứ bảy và cuối cùng, Ðại thừa là lớn trong sự thi hành những trách nhiệm của đức Phật, nghĩa là trong sự trình bày về chứng quả Bồ đề (Sambodhi) và Ðại bát niết bàn (Mahàparinirvàna) (73).

Danh từ Hìnayàna (Tiểu thừa) cũng đủ nêu rõ địa vị thấp kém mà các nhà Ðại thừa dành cho Tiểu thừa. Danh từ thường dùng trong văn học Ðại thừa là Sràvaka (Thanh văn) và Pratyekabuddha (Ðộc giác). Những danh từ này không có màu sắc gì và những người Tiểu thừa cũng dùng chữ Sàvaka hay Sràvaka trong những danh từ Pakatisàvaka (Tự tánh Thanh văn), Aggasàvaka (Ðệ nhất Thanh văn), Sàvakasangha (Thanh văn tăng già), Sàvika (Nữ thanh văn) v.v… Danh từ Pratyeka (Pacceka) buddha (Ðộc giác Phật) cũng được các nhà Tiểu thừa thường dùng. Danh từ Hìnayana được dùng để chỉ rằng các hàng Thanh văn và Ðộc giác Phật là Hìnàdhimukta (hạ liệt) (74). Các vị này cũng được gọi là Pràdesika (tạp thừa) vì tâm trí các vị này chỉ có một cái nhìn phiến diện (pràdesika) chứ không tổng quát về sự thật (75).

Àsaya (khuynh hướng)

Tập Sùtràlankàra (Ðại trang nghiêm kinh) phân tích nêu rõ rằng vì hàng Thanh văn là hìnàdhimukta và do vậy sự tinh tấn, giảng dạy, công đức và thành quả của những vị này thấp kém nếu so sánh với các vị Ðại thừa (76). Chính do bản nguyện của mỗi người mà giáo pháp được giảng dạy, và chính do giáo pháp được giảng dạy mà chúng ta tinh tấn tu trì. Chúng ta gặt hái công đức tùy theo sự tinh tấn của mình và quả Bồ đề xứng lượng với công đức của chúng ta, hoặc Sràvakabodhi (Thanh văn giác), Pratyekabodhi (Ðộc giác) hay Mahàbodhi (Ðại bồ đề) (77).

Như vậy sự phân loại dựa lên trên Àsaya (khuynh hướng) của từng cá nhân. Các hàng Thanh văn hay Ðộc giác bị các nhà Ðại thừa khinh rẻ vì các vị này chỉ lo phần tự giác (àtmaparinirvànàsaya) mà không hướng đến sự dắt dẫn người khác đến Niết bàn, không kể đến tự thân. Vì các vị này chỉ hướng đến quả vị A-la-hán mà thôi chứ không hướng đến quả vị Phật cứu độ cho muôn loài, vì các vị này chỉ ao ước chứng được Dharmacaksu (Pháp nhãn) mà thôi, nên các vị này là Hìnàdhimukti (nghĩa là khuynh hướng hạ liệt). Lý tưởng tự giải thoát của các nhà Tiểu thừa đã bị tất cả học phái Ðại thừa đả kích với những danh từ hết sức quyết liệt như ích kỷ tâm linh (àdhyàtmika svàrthaparatva): Các nhà Ðại thừa, không có thiết thực mấy đi nữa, cũng phải được tán thán bởi tâm nguyện Paràrtha, nghĩa là hy sinh tự lợi để phục vụ lợi tha hay đặt phần tự lợi (78) dưới phần lợi tha. Tập Sùtràlankàra (79) dùng một ví dụ rất quen thuộc để chứng minh mục đích cao đẹp của Ðại thừa.

Yàtha punyam prasavate paresàm bhojanam dadat.
Na tu svayam sa bhunjànas tathà punyamathodayah

(Như công đức tôn giáo được tác thành nhờ cho kẻ khác đồ ăn chớ không phải nhờ ăn đồ ăn ấy, cũng vậy các nhà Ðại thừa hưởng nhiều công đức hơn nhờ giúp ngư?i khác chứng Niết bàn, chớ không phải chỉ lo Niết bàn cho chính mình như các nhà Tiểu thừa).

Lý tưởng này của Ðại thừa được tập Bhàgavata (80) đề cập đến khi Prahlàda nói rằng:

Pràyena devamunayah svavimuktikàmà
Maunam caranti vijane na paràrthanisthàt,
Naitàn vihàya krpanàn vimumuksa eko
Nànyam tvadasya saranam bhramato nupasye.

(Bạch Thế Tôn, nhiều khi các vị ẩn sĩ muốn lo tự giác, theo hạnh im lặng trong rừng sâu, không dấn thân lo đến lợi tha. Tôi không muốn chỉ lo phần tự giác mà bỏ quên những người khác. Tôi không tìm thấy cho tự ngã khắc khoải của tôi một chỗ quy y nào khác nơi Ngài).

Lý tưởng của các nhàÐại thừa chắc chắn rất cao thượng và có sức hấp dẫn mọi người rất mạnh mẽ, nhưng con đường thực hành để được giải thoát phải trải qua vô lượng vô số kiếp, con đường ấy không thể hấp dẫn tất cả mọi người.

Các nhà Tiểu thừa không phủ nhận sự phát nguyện thành Phật thật rất cao thượng, nhưng các vị này nghĩ rằng đối với những người có công đức và khả năng kém xa các vị Bồ-tát thời khuyên họ cố gắng tinh tấn để thành Phật thật là vô ích và không thiết thực. Lời buộc tội các vị Thanh văn không có những hành động lợi tha thật không chính xác. Câu kệ trong kinh Dhammapada (Pháp cú) (81):

Dhammadànam sabbadànam jinàti

(Bố thí pháp thắng hơn tất cả loại bố thí),

và lời dạy trong tập Dìgha Nikàya và trong Vinaya: (82)

“Caratha, bhikkahve, càrikam bahujanahitàya bahujanasukhàya lokànukampàya atthàya hitàya sukhàya devamanussànam”

(Hãy đi, này các Tỷ kheo, và truyền thuyết chánh pháp, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người).

Hai câu trên nêu rõ ràng các nhà Tiểu thừa không phải ích kỷ như các nhà văn Ðại thừa miêu tả. Ðiều mà các nhà Ðại thừa xem các vị Tiểu thừa là ích kỷ là vì các nhà Tiểu thừa trước khi nghĩ mình có khả năng giải thoát cho các người khác, chỉ sống trong phòng tu của mình mà lo phần tự độ. Chỉ sau khi chứng được chánh tri kiến, các vị này mới tự xem là đủ khả năng để giúp đỡ người khác chứng được trí tuệ tương tự. Nhưng trong khi các vị này đang còn trong thời tu tập, nghĩa là trước khi chứng quả A-la-hán, các vị này cũng đến thăm các nhà cư sĩ và giảng cho chúng những nguyên tắc cơ bản của đạo Phật; và những vị trưởng thượng cũng thâu nhận và dạy cho đệ tử tu tập những nguyên tắc cao siêu hơn về tôn giáo. Ðời sống của các Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên, Ðại Ca Diếp và các vị khác đã nêu rõ hành động vị tha (paràrthava) sau khi những vị này chứng quả A-la-hán. Trong kinh Lohicca có nói rằng chánh pháp cần phải được truyền bá, nếu không thì như vị vua tự thọ hưởng bao nhiêu bổng lộc của quốc gia riêng cho mình (83).

Kinh Sùtràlankàra không bỏ lỡ cơ hội này để chứng minh sự ích kỷ của các nhà Tiểu thừa. Tập này nói rằng các hàng Thanh văn (Sràvaka) không dạy tín đồ phải phục vụ kẻ khác (paràrtha) mà chỉ dạy làm thế nào cho tự thân chứng được nirvid (nhàm chán thế tục), viràga (vô tham) và vimukti (giải thoát). Tập này kết luận rằng một giáo lý dạy ích kỷ không thể trở thành lợi tha vì được dạy cho kẻ khác, vì giáo lý ấy khuyến khích tự lợi, tự giải thoát. Do vậy, giáo lý ấy là một yàna (thừa) ích kỷ (84).

Upadesa (giảng dạy) và Prayoga (tinh tấn)

Như vậy tự nhiên Upadesa và Prayoga tùy thuộc với Àsaya (khuynh hướng) (85). Một nhà Tiểu thừa không cần phải phát triển Bodhicitta (Bồ đề tâm) và cố gắng tu các hạnh Ba-la-mật. Các nhà Tiểu thừa không cần như các vị Bồ-tát phát nguyện đương chịu sự đau khổ vô lượng kiếp ở địa ngục hay ở Yamaloka, làm con vật hay con trùng để đưa tất cả chúng sanh đ?n nirupadhisesanirvànadhàtu (vô dư y Niết bàn) (86). Sự điều hòa đời sống theo giới luật Pràtimoksa (giới bổn), sự thực hành các bổn phận trong Bát chánh đạo và sự giác ngộ lý Tứ đế và lý Duyên khởi là vừa đủ với các vị này. Sự nhận thức thế giới không có tự ngã hay không có gì thuộc tự ngã là vừa đủ và các vị này không cần phải tìm hiểu thực hành tánh của Sùnyatà (chơn không), chân lý tối hậu.

Upastambha (huân tập công đức)

Muốn trở thành một vị Bồ-tát, cần phải có đủ công đức trong những đời trước. Trừ phi và cho đến khi những công đức ấy đạt đến mức độ cần thiết do các nhà Ðại thừa đòi hỏi, một chúng sanh không thể trở thành một vị Bồ-tát hay thu hoạch được những lợi ích thiết thực của giáo lý Ðại thừa. Các nhà Tiểu thừa có một quan điểm hoàn toàn khác hẳn. Theo tập Puggala Pannatti, người nào phạm ngũ nghịch (ànantarika) thời không thể nào giải thoát được (87), ngoài ra mọi người khác đều có thể giác ngộ, thời gian dài ngắn tùy theo từng người. Do vậy nên không có đòi hỏi upastambha chất chứa công đức trong phương trình giải thoát của Tiểu thừa. Tất cả mọi loại, trừ năm loại ngũ nghịch trên, đều có thể giải thoát. Các nhà Tiểu thừa đạt mục đích của mình bằng cách xa lánh các hoạt động thế tục, còn các nhà Ðại thừa đạt mục đích trên bằng những hoạt động thế tục, nhưng tâm trí luôn luôn không tham đắm thế sự.

Kàla (thời gian)

Vì các nhà Tiểu thừa không cần đến upastambha và vì àsaya của những vị này chỉ là giải thoát chứ không phải là thần lực đặc biệt của một đức Phật, nên thời gian (kàla) đòi hỏi bởi một nhà Tiểu thừa để đạt mục đích tương đối ngắn hơn thời gian của một vị Bồ-tát (88). Tập Sùtràlankàra gợi ý rằng một nhà Tiểu thừa có thể đạt được mục đích trong ba đời. Ðây nói đến sự tin tưởng của Tiểu thừa cho rằng trải qua bảy đời, có thể đạt được mục tiêu, năm trong bảy đời này phải trải qua trong thánh quảDự lưu (Srotàpanna) (89). Tập Sùtràlankàra trong khi tính đến số tái sinh để ra ngoài bốn lần tái sinh dự bị cho giai đoạn Dự lưu cuối cùng. Cách tính này đôi khi cũng được một số Tiểu thừa chấp nhận (90).

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.