Đức Phật Được Tôn Vinh

Nhằm giúp quý độc giả có một khái niệm về đức Thế Tôn qua sự đánh giá của những người đồng thời với Ngài, người viết xin trình bày một số lời phát biểu tôn vinh đức Phật mà các kinh điển còn lưu truyền cho đến ngày nay.

1. Đức Phật chư thiên ca ngợi

Bấy giờ, Thiên chủ Đế Thích (Sakka) ở Tam Thập Tam Thiên hoan hỉ khi thấy tám pháp như thật của Thế Tôn, liền nói với chư Thiên đang hiện diện như sau:

(1)Nầy chư Thiện hữu, các vị nghĩ thế nào? Phải chăng đức Như Lai phát tâm tu hành vì hạnh phúc, an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương đời, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và nhân loại? Một vị đạo sư đầy đủ các đức tính như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ cũng như trong hiện tại, ngoại trừ Thế Tôn.

(2)Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng chánh pháp, một thứ chánh pháp cho đời hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, luôn luôn hướng thượng, chỉ có người trí mới hiểu thấu.

(3)Đức Thế Tôn đã khéo giải thích các pháp thiện, bất thiện, có tội, không có tội, cần phải tuân theo, cần phải từ bỏ, hạ liệt và cao thượng.

(4)Đức Thế Tôn đã khéo giải thích con đường dẫn đến Niết-bàn cho các đệ tử.

(5)Đức Thế Tôn đã khéo đào tạo được chúng thiện hữu, hiếu học, đang đi trên lộ trình, các lậu hoặc đã đoạn tận, đạt được Thánh đạo.

(6)Đức Thế Tôn thọ nhận lợi dưỡng cúng dường một cách tri túc, danh tiếng Thế Tôn được vang xa.

(7)Đức Thế Tôn nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy.

(8)Đức Thế Tôn đã vượt khỏi nghi ngờ, diệt trừ do dự, mọi tư duy đều chân chính, hướng đến phạm hạnh.

Này chư hiền, một vị đạo sư đầy đủ tám đức tính như vậy, thật khó tìm được trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ đức Thế Tôn. (1)

Thiên Tử Mànava Gàmiya cảm hứng đọc lên bài kệ tán thán Phật:

 ti thành Vương Xá

“Trong tất cả ngọn núi,
Ở tại thành Vương Xá
Ngọn núi Vipula
Được xem là tối thắng.

… Trong tất cả tinh tú
Mặt trăng là tối thắng.
Giữa Thiên giới, địa giới
Phật là bậc tối thắng.” (2)

2. Đức Phật được vua chúa ca ngợi

Vua A-xà-thế(Ajatasattu) sau khi gây ra tội lỗi tày đình, sát hại phụ vương để soán ngôi, trong lòng đang vị những mặc cảm tội lỗi dày vò. Vua đã đích thân đi hỏi các vị giáo trưởng ngoại đạo về lẽ nhân quả tội phước; nhưng không một ai trả lời cho vua thoả mãn. Cuối cùng, vua đi đến yết kiến Thế Tôn, nêu lên những thắc mắc của mình, và được Thế Tôn phân tích, giảng giải, khiến vua rất hài lòng, phấn khởi, bèn thốt lời ca ngợi:

“Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị đổ ngã, phơi bày những gì bị che khuất, chỉ đường cho những kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy các sự vật. Cũng vậy, chánh pháp đã được đức Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Chúng Tỷ- kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử. Từ nay cho đến mệnh chung, con trọn đời quy ngưỡng”. (3)

Đó là lời ca ngợi thống thiết của vua Ajatasattu, và sau đây là cử chỉ thành kính cũng như lòng ngưỡng mộ khác thường của vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) đối với đức Phật:

–   Sau khi vua Pasenadi nước Kosala bước vào căn nhà, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, lấy tay xoa chung quanh chân Thế Tôn, rồi tự xưng tên: “Bạch Thế Tôn! Con là vua Pasenadi  nước Kosala.”

Thế Tôn hỏi: “Do thấy những gì mà đại vương lại hạ mình tột bực đối với thân này, và biểu lộ tình thân ái quá đáng như vậy?”

–   Bạch Thế Tôn! Con thấy nhiều vị Sa-môn, Bà-la-môn hành trì phạm hạnh có giới hạn trong một thời gian, rồi trở về thế tục, thụ hưởng 5 thứ dục lạc; trái lại, các Tỷ-kheo đệ tử của Thế Tôn thực hành phạm hạnh viên mãn cho đến trọn đời, cho đến hơi thở cuối cùng. Do đó, con có ấn tượng tốt đẹp đối với Thế Tôn: “Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác, Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, chư Tăng đệ tử của Thế Tôn khéo tu tập hành trì.”

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Ở ngoài đời, con thấy vua chúa cãi lộn với vua chúa, Sát-đế-lợi cãi lộn với Sát-đế-lợi, Bà-la-môn cãi lộn với Bà-la-môn, gia chủ cãi lộn với gia chủ, cha mẹ cãi lộn với con cái, anh em ruột thịt, bạn bè cãi lộn với nhau … Còn ở đây, con thấy các Tỷ-kheo sống với nhau hoà thuận, thân mật, không tranh cãi, như nước hoà với sữa, nhìn nhau bằng cặp mắt ái kính. Bạch Thế Tôn! Ngoài đây ra, con không thấy một nơi nào khác có đời sống phạm hạnh thanh tịnh viên mãn như vậy. Do đó, con kính ngưỡng Thế Tôn.

…Lại nữa, bạch Thế Tôn! Con là vua Sát-đế-lợi, đã làm lễ quán đỉnh, có quyền sinh sát trong tay, thế mà khi con ngồi xử kiện, đôi lúc có người dám ngắt  lời con, mặc dù con đã ra lệnh không được ngắt lời. Còn nơi đây, con thấy trong khi Thế Tôn thuyết giảng cho hàng trăm đồ chúng mà không một ai gây ra tiếng động. Có lần, một đệ tử ho lên một tiếng, thì liền có người bạn đồng phạm hạnh khẽ đập vào đầu gối và nói: “Tôn giả hãy im lặng, chớ có làm ồn. Bậc Đạo sư của chúng ta đang thuyết pháp.” Do vậy, con khởi lên ý nghĩ: “Thật vi diệu thay, thật hy hữu thay, chúng Thích tử này thật khéo huấn luyện, không cần phải sử dụng đến gậy và kiếm.”

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.