Duyên Khởi

I. DẪN NHẬP:

Sau những năm tháng thực hành khổ hạnh dù thân xác ngày càng gầy yếu suy nhược mà vẫn chưa tìm ra được cứu cánh đích thực giác ngộ và giải thoát, Thái tử Tất Đạt Đa đã quyết định từ bỏ con đường khổ hạnh ép xác và chọn phương thức trung đạo để tu tập. Chính vì thế, Ngài đã đến sông Ni Liên Thuyền, tắm gội sạch sẽ và thọ nhận sự cúng dường thức ăn của đàn việt, rồi đi đến dưới gốc cây Tất Bát La để tĩnh tọa. Trải cỏ và ngồi thiền định dưới gốc cây cổ thụ này, Thái tử Tất Đạt Đa đã phát đại thệ nguyện phải mở tung cánh cửa của tâm thức để giác ngộ vô minh và giải thoát phiền não khổ đau.

Đức Phật đã quán nghiệm: Sở dĩ có già, bệnh và chết là bởi vì có sự hiện hữu của thân ngũ uẩn. Sự có mặt của thân ngũ uẩn bắt nguồn từ sự thọ thai, hệ quả của sự đắm trước vào ái dục. Nhưng ái dục dựa vào đâu mà sinh khởi? Nó dựa vào sự thỏa mãn dục vọng trong cảm thọ khổ vui do xúc chạm của sáu căn với sáu trần. Căn và thức tồn tại dựa trên tập hợp của năm uẩn chính là danh và sắc của một giả hữu được phát sinh nhờ tập khí của phiền não vô minh trong vô lượng vô số kiếp mà thời gian khởi đầu như không còn có thể tính đếm được nữa. Vì thế, vô minh là đầu mối căn cội của sinh tử khổ đau và ái dục là nhân duyên cho sự có mặt của một thân xác ngũ uẩn chất chứa nhiều phiền não. Do đó, muốn chấm dứt vòng sinh tử triền miên thì phải phá tung thành trì của vô minh, muốn kết thúc sự thọ sanh thì phải diệt trừ ái dục. Vô minh diệt thì sinh tử diệt, ái dục hết thì không còn thọ sinh, như củi hết lửa tắt. Như vậy đức Phật đã đi sâu vào đại định và chứng tam minh, lục thông khi sao mai vừa mọc. Ngài đã thành tựu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Một hôm, Tỳ kheo Mã Thắng (A Thuyết Thị), một trong năm vị đệ tử xuất gia đầu tiên của đức Phật ở vườn Lộc Uyển, đi khất thực gặp ngài Xá Lợi Phất, lúc đó là một thanh niên đang thao thức đi tầm sư học đạo. Ngài Xá Lợi Phất thấy tướng mạo oai nghiêm sáng rỡ của tỳ kheo Mã Thắng mà khởi tâm kính ngưỡng nên đến tham vấn về con đường đạo nghiệp. Tỳ kheo Mã Thắng nhân đó diễn bày nội dung giáo pháp giác ngộ của bậc Đạo Sư mà ngài đang thọ học trong bài kệ như sau:

Chư pháp tùng duyên sinh,
Diệc phục tùng duyên diệt.
Ngã Phật đại Sa môn,
Thường tác như thị thuyết.

Dịch: Các pháp từ duyên sinh
Cũng do duyên mà diệt.
Thầy tôi Đại Sa Môn,
Thường dạy điều như thế.

Khi nghe tỳ kheo Mã Thắng nói bài kệ này, ngài Xá Lợi Phất toàn thân rúng động, tâm thức được mở tung ra, thấu triệt ngay vào chân lý huyền nhiệm chi phối toàn thể vũ trụ vạn pháp, trong đó có thân ngũ uẩn của con người. Ngài Xá Lợi Phất tức thì chứng nhập được vào trong Kiến đế đạo. Cho nên, ngài Xá Lợi Phất quyết định đi đến chỗ đức Phật để xin xuất gia.

Đức Phật do giác ngộ lý duyên khởi mà thành tựu đạo quả Bồ đề, do vậy, giáo nghĩa duyên khởi là cốt tủy trong toàn bộ giáo lý của Ngài. Giáo nghĩa duyên khởi có mặt bàng bạc trong các Kinh điển từ Nguyên thỉ sang thời đại Bộ phái và sau đó là Đại thừa. Ở đây xin trích dẫn một vài chứng liệu để cho thấy rõ điều ấy. Trước hết là một đoạn trong Kinh Tạp A Hàm, đức Phật dạy:

Thế nào là nguyên lý duyên khởi? Nghĩa là do duyên với vô minh mà hành khởi sinh, v.v.., dù Phật có ra đời hay không ra đời, nguyên lý ấy vẫn thường trú, vẫn an trú trong pháp giới. Như Lai tự mình chiêm nghiệm nguyên lý ấy để giác tri, để thành tựu Vô Thượng Bồ Đề, rồi tuyên thuyết, rồi khai thị, rồi hiển phát cho mọi người. (Kinh Tạp A Hàm, quyển 12, trang 84, ĐTK2, Thích Đức Thắng Việt dịch, Thích Tuệ Sỹ hiệu đính và chú thích).

Trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện thứ 2, đức Phật dạy:

Chư Phật Lưỡng Túc Tôn,
Tri pháp thường vô tánh,
Phật chủng tùng duyên khởi,
Thị cố thuyết Nhất thừa.

Dịch:

Chư Phật là bậc tôn quý trong loài trời và người,
Liễu tri các pháp không có tự tánh,
Giống Phật từ duyên mà khởi,
Cho nên, nói đạo Nhất thừa.

Trong Luận Trung Quán, Phẩm Quán Tứ Đế thứ 24, Bồ tát Long Thọ viết:

Thị cố Kinh trung thuyết,
Nhược kiến nhân duyên pháp,
Tốc vi năng kiến Phật,
Kiến Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Dịch:

Cho nên, trong Kinh nói:
Nếu thấy pháp nhân duyên,
Thì mau chứng Phật quả,
Chứng Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

II. ĐỊNH DANH NGHĨA:

1. ĐỊNH DANH:

Duyên khởi tiếng Pàli là: Paticcasamuppàda

Tiếng Phạn là: Pratityasamutpàda. Pratitya (hay Pàli: Paticca) có nghĩa là tùy thuộc vào, dựa vào, là duyên; Samutpàda (hay Pàli: Samuppàda) có nghĩa là đứng dậy, khởi sinh, là khởi.

Các nhà Phật học Trung Hoa dịch nghĩa là Duyên khởi. Duyên có nghĩa là nương nhau, là điều kiện để điều gì đó thành tựu; khởi là sinh khởi, là phát khởi. Duyên khởi có khi cũng gọi là Duyên sinh.

Như vậy, Duyên khởi tức là do nương nhau, tùy thuộc vào nhau mà sinh khởi, hay nói cách khác là do duyên, do các điều kiện tập hợp lại mà các pháp sinh khởi.

2. BA YẾU NGHĨA CỦA DUYÊN KHỞI:

Ở đây chúng ta cần thấy rõ một điều là duyên khởi không phải là quy luật, điều luật hay phạm trù từ bên ngoài áp đặt lên các pháp. Chính sự sinh thành và hoại diệt của các pháp tự nó mang ý nghĩa duyên khởi. Đức Phật do trí tuệ giác ngộ bản thể của vạn hữu nên liễu tri được sự thật về ý nghĩa duyên khởi này và Ngài đã đem chỗ thực chứng của Ngài để khai thị cho chúng sinh. Qua đó chúng ta thấy có ba yếu nghĩa của duyên khởi như sau:


1. Thường tại: Vì sự sinh thành và hoại diệt của tự thân các pháp mang ý nghĩa duyên khởi, cho nên, duyên khởi chính là yếu tính của các pháp, các pháp chính là duyên khởi. Nơi nào có sự sinh thành và hoại diệt của các pháp thì nơi đó có duyên khởi. Như thế, duyên khởi thường tại như là các pháp thường tại. Cho dù có đức Phật ra đời khai thị hay không thì các pháp vẫn có đó, duyên khởi vẫn có đó. Thường tại ở đây không phải là thường hằng bất biến theo ý nghĩa thực có chủ thể mà là sự hiện hữu trong vận hành dịch biến liên tục vốn không có tự tánh.


2. Tất yếu: Các pháp do duyên hòa hợp mà sinh, do duyên ly tán mà diệt. Chính vì vậy, không thể có sự kiện rằng không có duyên mà các pháp hiện khởi. Các pháp không thể tự hiện khởi, vì không một pháp nào tự nó có thể đơn độc sinh thành, tất cả các pháp đều do các duyên hòa hợp mà thành, một pháp cũng vậy, muôn pháp cũng vậy. Cho nên, duyên khởi là yếu tính ắt có trong tất cả các pháp. Nói đến sự có mặt của pháp là phải nói đến sự có mặt của duyên khởi.


3. Y tha: Y tha tức là nương vào, dựa vào, tùy thuộc vào cái khác. Một pháp sinh khởi là do nhiều pháp hợp lại mà thành. Nếu pháp không thể hợp lại, không tùy thuộc vào nhau thì không thể sinh khởi ra pháp nào cả. Thí dụ, nước là do Hydrogen và Oxygen (H2O) kết hợp lại mà thành. Trong hợp chất nước này bắt buộc Hydrogen và Oxygen phải nương vào nhau, tùy thuộc vào nhau mới có thể hình thành được. Nếu chúng không hòa hợp được, nghĩa là không nương vào nhau, không tùy thuộc vào nhau được thì nước không sinh ra. Nhưng khi Hydrogen và Oxygen hòa hợp lại làm một để thành nước thì cả hai đều không còn có thể giữ nguyên tự thể riêng của chúng nữa, điều ấy cũng chứng minh rằng chúng không có tự tánh. Từ yếu nghĩa này chúng ta có thể nhìn thấy được ba diệu nghĩa phổ quát khác của duyên khởi sau đây:

a. Không: 

Các pháp do duyên mà sinh khởi, cho nên, ngoài sự hòa hợp của duyên ra, pháp không có chủ thể, không có tự tánh. Ngay chính các duyên cũng chỉ là một tập hợp khác của những duyên khác nữa. Thí dụ, thân thể con người là do năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức hợp lại mà thành. Năm uẩn này là các duyên tập hợp để hình thành thân xác. Nhưng chính mỗi uẩn cũng do nhiều duyên khác tập hợn mà có. Thí dụ, sắc uẩn là do bốn đại: đất, nước, gió và lửa tập hợp mà có. Rồi trong bốn đại này, chẳng hạn là đất, thì cũng do các duyên hòa hợp mà tạo nên, v.v.. Rốt cuộc, các pháp tự thân là không có tự thể, là KHÔNG. Tính Không này có mặt ngay trong lúc các pháp dang hiện tiền, nghĩa là Không trong cái đương thể, chứ không phải không có pháp mà pháp là Không.

b. Giả:

Các pháp đang hiện hữu, nhưng hiện hữu mà chỉ có tướng giả hợp bề ngoài, hiện hữu mà không có thật thể. Vậy tức là giả hữu, tức là có mặt một cách tạm bợ, đó là Giả. Bởi giả, cho nên các pháp không tồn tại thường hằng bất biến mà luôn luôn biến dị, vô thường, sinh diệt. Tri thức phàm phu chỉ bám vào cái danh của pháp để khởi nhận thức, chứ không thể nhập vào thật tánh để liễu ngộ. Cái danh được xây dựng trên tâm thức vọng động, phân biệt và phan duyên vốn là thuộc tính của vô minh. Cái danh là do chúng sinh đặt để cho pháp. Khi đặt để cái danh cho pháp, thì đối với chúng sinh, danh biểu thị cho pháp, biểu thị cho cái thực của pháp. Từ đó, chúng sinh nhận thức pháp qua cái danh. Thực ra, với tâm thức vô minh vọng động và phân biệt, chúng sinh chưa hề có thể thể nhập được vào bản thể của pháp, bởi vì chính tâm thức vô minh là tấm chắn che đậy chân thân của pháp. Cái danh xây dựng trên vô minh này là giả danh.

c. Trung:

Nếu cho rằng các pháp là Không, vậy thì tại sao chúng ta vẫn tri giác có các pháp, có chúng sinh, có thế giới, có vũ trụ, có phiền não, có khổ vui, có bồ đề, có thiện ác? Nhưng, nếu cho rằng các pháp là thật Có thì tại sao tất cả các pháp đều vô thường, biến dị, sanh diệt, không có tự tánh?

Cái thấy các pháp như là thật có chúng sinh, có vũ trụ, có thế giới, có phiền não, có khổ vui, có bồ đề, có thiện ác, v.v.., cũng như, thấy các pháp là như thật có vô thường, biến dị, sinh diệt, v.v.., đó là cái thấy thuộc bình diện tương đối, là cái thấy còn hệ phược bởi tâm phân biệt nhị biên, bởi vô minh chưa dứt sạch, chưa phải là chân thật trí tuệ. Đức Phật vì muốn độ hạng người cố chấp vào thường kiến, cho là có thật ngã thật pháp, cho nên, dạy rằng các pháp do duyên khởi, không thật có chủ thể, không có tự tánh, là Không. Đức Phật lại vì độ hạng người cố chấp vào đoạn kiến, cho rằng các pháp vốn hoại diệt rồi là hết sạch, không có nhân quả, không có đời sau, không có thiện ác, v.v.., cho nên, đã dạy rằng các pháp do duyên khởi, trên bình diện thế đế thì không phải hoàn toàn tuyệt diệt, mà là giả hữu, nghĩa là tồn tại theo năng lực của vô minh phiền não và hành nghiệp ở dạng thức vô thường biến dịch không ngừng, như ngọn lửa do sức xoay mà xem như thật có một vòng lửa hiện hữu thường trực. Chính vì thế, dù là dạy các pháp giả hữu hay là không, đức Phật cũng chỉ có một mục đích duy nhất đó là phá giả tướng để hiển bày chân tánh, nương thế đế để dìu dắt chứng nhập trung đạo đệ nhất nghĩa đế. Trung đạo đệ nhất nghĩa đế chính là cảnh giới tự chứng của Thánh trí, mà tri thức vô minh của phàm phu không thể liễu đáo. Vì vậy, trong Luận Trung Quán, Phẩm Quán Tứ Đế thứ 24, Bồ tát Long Thọ đã viết:

Chúng nhân duyên sinh pháp,
Ngã thuyết tức thị Không,
Diệc vi thị Giả danh,
Diệc thị Trung đạo nghĩa.

Dịch:

Các pháp do nhân duyên sinh,
Tôi nói đó là Không,
Cũng gọi là Giả danh,
Cũng chính là Trung đạo đệ nhất nghĩa.

Trung đạo đệ nhất nghĩa đế lìa xa mọi hý luận, xả ly mọi cố chấp về có và không, bặt dứt mọi vọng niệm. Ở đệ nhất nghĩa đế, chân thân của vạn hữu không còn là đối tượng khả tri của vọng tâm duyên tướng, hay cụ thể hơn không còn là cái giả danh được tác tạo bởi tri kiến do vô minh điều động. Diệu dụng của đệ nhất nghĩa đế được hiển bày qua trí tuệ bát nhã thấu triệt bản thể của vạn pháp không phải có cũng chẳng phải không, cấp độ mà trong Kinh Luận thường gọi là ly tứ cú, tuyệt bách phi, hay ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.