Gieo Trồng Phước Đức

GIEO TRỒNG PHƯỚC ĐỨC
Phiên tả: Giác Hạnh Đức
Hiệu chỉnh: Nguyễn Bá Cẩm

Trong thời đại hiện nay, trên đà phát triển toàn cầu hóa nhiều mặt,  người ta chú trọng nhiều về phương diện kinh tế, vì nó mang lại lợi ích  vật chất cho con người. Song bên cạnh, nó kéo theo nhiều tai họa không  thể lường được, sự phân biệt giàu nghèo đã làm cho con người trở nên khó gần gũi, không thân thiện nhau. Cho nên, việc bố thí, cúng dường là nền tảng của các điều tốt lành để xóa đi sự cách biệt tạo điều kiện cho con người dễ gần gũi, thân thương nhau hơn, nhất là đối với những người đang tiến bước trên con đường giác ngộ, giải thoát.

Người xuất gia theo đạo Phật thực hành bố thí, cúng dường để buông xả tâm tham, sân, si đang dính mắc bên trong. Họ thực hành bổn phận truyền đạt những lời Phật dạy đến mọi người cũng là cách bố thí chân chánh của người xuất gia.

Người cư sĩ tại gia, ngoài trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình,  xã hội còn có nhiệm vụ hộ trì Tam Bảo. Cho nên trọng trách của người  Phật Tử tại gia rất là quan trọng và thật lớn lao, bởi họ vừa phải lo  làm lụng nuôi sống bản thân, gia đình, cha mẹ, anh em, vợ con, phải lo đóng góp cho xã hội, lại còn thêm trách nhiệm hộ trì Tam bảo, giúp đỡ chư Tăng, Ni  có điều kiện, thời gian học hỏi, tu hành. Trong cuộc sống  hằng ngày, họ phải lo cơm, áo, gạo tiền, gánh nặng việc gia đình, chuyện xã hội với bổn phận người công dân lại phải làm hậu cần cho Tam Bảo  không phải là chuyện dễ làm mà ai cũng có thể làm được. Muốn làm được điều này, đòi hỏi người Phật Tử phải có Bồ-đề tâm kiên cố, có nhận thức  sáng suốt, đúng đắn, hiểu rõ nguyên nhân của phước quả, nghiệp báo mới  có thể làm được.

Trong thế gian này, người giàu sang phú quý, sự nghiệp vinh hiển,  công thành danh toại không phải bổng dưng mà có, mà đó là kết quả việc  tu nhân, tích đức của họ trong nhiều đời trước. Trên đời này, không có  việc gì là ngẫu nhiên, đương nhiên hay tự nhiên mà thành.

Muốn được giàu sang, quyền quý, sung túc trong tương lai, trong đời  này ta phải biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ tùy theo khả năng  của mình. Người Phật tử chúng ta phải ý thức được điều này, muốn được  giàu sang, nhiều của cải mà hiện thời ta không biết làm phước thì e rằng ta không còn có cơ hội.

Cho nên:

Đạo Phật đi vào đời
Vì lợi ích chúng sanh
Để vượt qua hiểm nghèo
Phật dạy pháp bố thí

Thực hành làm phước, bố thí, cúng dường hay giúp đỡ, chia sẻ tình  thương với mọi người là tiêu chí đầu tiên trong đạo Phật. Đức Phật dạy  chúng ta phải biết xả bớt lòng tham lam, ích kỷ, nhỏ nhoi, ti tiện chỉ biết  sống cho riêng mình, ai đau khổ mặc kệ. Đạo Phật không chấp nhận  lối sống hẹp hòi, vị kỷ như vậy, vì nó làm mất đi ý nghĩa tình người.

Đạo Phật chủ trương sống hòa mình cùng nhân loại, với quan niệm ai  cũng là người thân, người thương, nên mỗi người đều phải có trách nhiệm  và bổn phận thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vô ngã, vị tha.

Đạo Phật thấy rõ cuộc sống của muôn loài là phải nương tựa vào nhau,  không một loài nào tách rời sự cộng sinh mà có thể tồn tại trong bầu vũ trụ bao la đầy khắc nghiệt này. Đức Phật đã tu tập thành bậc giác ngộ hoàn toàn, Ngài thấy rõ mọi sai biệt và bất đồng giữa con người và muôn  loài, giống như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy  người giàu sang, sung sướng, của cải vật chất đầy đủ, người nghèo hèn  khốn khổ, đói rách thiếu thốn lang thang; kẻ sang người hèn, kẻ xấu  người đẹp, kẻ ngu người trí, kẻ chết yểu người sống thọ, người an vui  hạnh phúc, kẻ khổ đau…

Hôm nay, chúng tôi chân thành chia sẻ pháp thoại “Phước cúng dường.” Trong đó, đức Phật khẳng định: “Nếu ai muốn hiện tại và mai sau hưởng  quả báo tốt đẹp thì ngay bây giờ phải biết gieo trồng phước đức.”

Người đủ ăn đủ mặc
Là người có phước đức
Vì thế nên ít lo
Nhờ vậy mà dễ tu.

Vậy thế nào là người có phước đức? Người có phước đức là người có  cuộc sống ổn định, phương tiện vật chất đầy đủ, có nhà cửa, tiền tài,  danh vọng, ăn ngon, mặc ấm lại sống trong gia đình trên thuận dưới hòa,  biết cung kính, lễ phép với người trên, thương yêu, đùm bọc người dưới,  biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết dạy dỗ con cái điều hay lẽ phải, tránh xa bạn ác, gần gũi bạn lành, sống trong tình thương yêu, giúp đỡ  đồng loại.

Nếu bây giờ chúng ta không làm phước, mà muốn được phước trong tương  lai thì không thể được, cũng như trước kia mình chưa từng làm phước thì  bây giờ làm gì có phước để mà hưởng. Nên nhớ rằng, làm phước tất được  phước, và hưởng phước mà không tiếp tục làm phước thì phước sẽ hết. Biết được điều này, mỗi người chúng ta phải cố gắng gieo trồng phước đức.  Một ngày sống trên đời phải là một ngày sống có ích cho mình và cho  người, không làm tổn hại cho ai. Ngược lại, người sống trong cảnh thiếu  thốn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, trong gia đình thường hay gây  gỗ, bất hòa, xung đột lẫn nhau là vì kém phước đức.

Vậy thế nào là phước? Phước là những hành động, lời nói, ý nghĩ đem đến an vui hạnh phúc cho người trong hiện tại và mai sau. Người làm  phước là người biết làm lành, làm tốt, được mọi người quý mến, ưa thích  gần gũi. Nhờ sự gần gũi đó, họ dễ dàng thông cảm, hiểu biết, thương yêu, bao dung, tha thứ cho nhau, sẵn sàng dấn thân và phục vụ trên tinh thần vì lợi ích cho tha nhân.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.