Gieo Trồng Phước Đức

BỐ THÍ TÙY DUYÊN

Có một gia đình muốn mở tiệc nhân ngày sinh nhật của đứa con, nhưng  nhà quá nghèo không biết xoay sở sao cho đủ phương tiện đãi khách.

Còn khoảng một tháng nữa là tới ngày sinh nhật, nhà có nuôi một con  bò sữa, nên gia đình muốn bữa tiệc hôm ấy phải có món sữa bò tươi, thế là hai vợ chồng nhất trí từ nay đến ngày sinh nhật con, không vắt sữa  hàng ngày nữa, mà để dành đến ngày sinh nhật con vắt luôn một thể.

Đến ngày sinh nhật, hai vợ chồng vui mừng tin chắc rằng, gia đình sẽ vắt được rất nhiều sữa đãi khách. Nào ngờ, cả hai vợ chồng cố vắt mãi,  nhưng chẳng được giọt sữa nào. Hai vợ chồng buồn bã, hỡi ôi! Xem như trận này gia đình mất “cả chì lẫn chài,” uổng công cả tháng trời để dành, mà nay con bò không cho lấy một giọt sữa. Và cũng từ đây, con bò  bị tắt sữa luôn, không có khả năng sản xuất sữa được nữa, vì lâu ngày  không vắt sữa.

Câu chuyện trên đã cho ta một kinh nghiệm sống trong cuộc đời. Với  quan niệm chờ cho có nhiều tiền rồi mới thực hành hạnh bố thí không khác gì chuyện để dành sữa ở con bò, không có cơ hội có sữa. Nếu ta muốn  thực hành bố thí mà nghĩ như vậy thì suốt đời, suốt kiếp ta không giúp  gì được cho ai, vả lại, nó sẽ làm lép đi hạt giống từ bi trong ta. Bố thí có nhiều cách, nếu không có tiền của, thấy người khác bố thí, cúng  dường ta sanh tâm hoan hỷ, vui theo thì ta và người bố thí đều có phước  báu bằng nhau.

Ngày xưa, có một vị Tỳ-kheo nghe nói như vậy, mới thắc mắc hỏi đức  Phật: Người bố thí, cúng dường có phước là lẽ đương nhiên, còn người tùy hỷ vui theo tại sao có phước ngang bằng? Đức Phật đưa ra một ví dụ: Có  người đang đốt một ngọn đèn, rồi có hàng trăm người đem đèn tới mồi  theo. Ta thấy, ngọn đèn kia vẫn cháy sáng không mất, và hàng trăm ngọn đèn khác cũng được cháy lên tỏa sáng khắp nơi.

Cũng vậy, người cúng dường được phước giàu sang trong hiện tại và mai sau là lẽ đương nhiên rồi. Còn người tùy hỷ  khi thấy người khác thực  hành bố thí, cúng dường, không sanh tâm tật đố, ganh ghét được phước  không nóng giận, bởi nóng giận dễ dẫn đến hận thù, rồi tìm cách trả đũa  không có ngày dứt. Do không ganh ghét, tật đố, oán giận nên người ấy  sống được an lành, hạnh phúc. Vì thế đức Phật nói hai người  phước báu  bằng nhau là như vậy.

-Bố thí có hai dạng: Bố thí trong sạch và bố thí không trong sạch.

-Bố thí vì cầu danh muốn ai cũng biết đến mình, thấy mình là trung tâm của vũ trụ mình hơn người không ai bằng.

Hoặc vì ganh ghét mà bố thí, bố thí cho bỏ ghét, hoặc bố thí vì muốn  dụ dỗ người ta mê hoặc lòng người, bố thí để chứng tỏ mình là người giàu có hơn người hay bố thí để lấy lòng cấp trên. Nói tóm lại tất cả hành  vi bố thí vì tư lợi cá nhân, vì tâm xấu xa, ích kỷ, vì tâm muốn hơn  người được gọi chung là bố thí không trong sạch. Còn các hành động bố thí:

– Vì thương người mà cho,

– Vì bổn phận mà cho,

– Vì hy sinh mà cho,

– Vì giác ngộ mà cho.

Thực hành bố thí như trên là vì lợi ích cho người được gọi là bố thí  trong sạch, ta vì tâm từ bi, vì lòng thương người mà bố thí, không có  tâm mong cầu người biết ơn hay đền ơn đáp nghĩa. Người bố thí cúng dường với tâm bình đẳng không phân biệt thân sơ, tùy duyên cúng dường giúp đỡ không tính toán lợi hại thì mới được phước báu không thể nghĩ bàn.

Tóm lại, người bố thí cúng dường với tâm bình đẳng, không phân biệt  thân sơ, tùy duyên mà bố thí cúng dường thì người đó được gọi là người đại bố thí hay đại thí chủ.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.