Gieo Trồng Phước Đức

BỐ THÍ VỚI TÂM THÀNH

Thời đức Phật còn tại thế, có một trưởng giả Tu-đạt là nhà giàu nhất  nước Kiều-tát-la do vua Ba-tư-nặc trị vì. Một hôm, sau chuyến buôn hàng  sang nước Ma-kiệt-đà, mua bán xong ông về nhà người anh rể nghỉ ngơi.  Thường lệ, khi ông về tới, mọi người trong nhà đều ra ngõ đón tiếp ân  cần, nhưng hôm nay ông thấy không ai để ý đến ông cả, thật lạ lùng. Ông  lấy làm ngạc nhiên hỏi người anh rể, thì ra cả nhà đang bận rộn việc  chuẩn bị đồ ăn, thức uống để cúng dường 1250 vị Tỳ-kheo trong Tăng đoàn  của đức Phật. Lần đầu tiên nghe đến đức Phật, Tu-đạt thắc mắc với người  anh rể:

– Phật là gì mà mọi người tôn kính đến thế?

Người anh rể bảo rằng:

– Đức Phật trước đây là Thái tử Tất-đạt-đa, con vua Tịnh-phạn và  Hoàng hậu Ma-da, ông là người được kế thừa ngôi vua, mà ông từ bỏ ngôi  vị, cung điện nguy nga, vợ đẹp, con xinh xuất gia tu hành, nay đã chứng  quả Bồ-đề Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tu-đạt nghe qua, bổng trong lòng cảm thấy bồn chồn muốn được gặp đức  Phật ngay tức khắc, nhưng lúc này là ban đêm, trời tối đành để lại sáng  mai. Vì mong mỏi gặp đức Phật nên cả đêm hôm ấy ông thổn thức trong lòng không thể nào ngủ được.

Tờ mờ sáng hôm sau, ông đã có mặt tại Tịnh xá Trúc Lâm, nơi đức Phật  tịnh dưỡng. Vừa vào tới, ông nghe một giọng nói trầm hùng: “Này Tu-đà  Cấp Cô Độc, thời cơ đã đến rồi đó.” Tu Đạt rất đỗi ngạc nhiên, tại sao  cái tên Tu-đà của ta chỉ có người trong gia tộc ta mới biết và không ai được gọi, thế mà ở đây lại có người biết và gọi mình cái tên này? Tu Đạt nghĩ rằng, hay là ở đây có người bậc trên của gia tộc mình? Trong lúc  còn đang ngơ ngẩn, ông thấy một người tướng mạo trang nghiêm, điềm đạm đi tới gần ông và nói rằng:

– Ta là người mà ông muốn gặp đây.

Tu-đạt liền quỳ xuống đảnh lễ đức Phật, trong lòng cảm thấy dấy lên  niềm phấn khởi vô biên đến rơi nước mắt. Và ngay lúc đó, ông được đức  Phật khai thị pháp môn căn bản cho người tại gia.

Nghe xong bài pháp, Tu-đạt Cấp Cô Độc chứng quả Tu-đà-hoàn, nghĩa là được vào dòng Thánh, không còn đọa lạc trong ba đường dữ: địa ngục, súc  sanh và ngạ quỷ. Sau đó ông phát nguyện quy y Tam Bảo, giữ năm điều đạo đức và phát tâm cúng dường hộ trì Tam Bảo, suốt đời giúp đỡ người nghèo  khó. Nhờ tín tâm thuần thục, ông xin đức Phật cho xây dựng một Tịnh xá  lớn để chư Tăng có chỗ tu hành. Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu của  ông.

Cấp Cô Độc có nghĩa là cung cấp sự cần thiết cho người cô độc, côi  cút, không nhà cửa, không người nuôi dưỡng, nghèo khổ. Trong đời, ông  vốn cũng đã có lòng nhân từ, thường giúp đỡ người không phân biệt thân,  sơ. Đến khi gặp đức Phật, ông càng mở rộng lòng nhân từ.

Từ đó, ông đi tìm mua một khu đất rộng rãi, địa điểm thuận lợi, để xây dựng một Tịnh xá lớn cho chư Tăng tu tập, hành trì. Ông tìm mãi mà  không thấy nơi nào vừa ý ngoài khu vườn của Thái tử Kỳ-đà con vua  Ba-tư-nặc. Biết Thái tử không bao giờ bán đất, nhưng vì quá ưa thích,  ông bạo gan đến hỏi mua, Thái tử Kỳ-đà bảo rằng:

– Tôi sẵn sàng bán khu vườn cho ông với điều kiện ông về đem vàng miếng trải đến đâu tôi bán đến đó.

Không ngờ, Cấp Cô Độc đồng ý, cho người nhà chở vàng đến lót gần kín  khu vườn, chỉ còn một khoảnh nữa là xong. Trong lúc chờ người nhà chở vàng đến tiếp, ông đứng trầm tư, Thái tử Kỳ-đà đến hỏi:

– Ông tiếc của hay sao mà đứng ngẫn người ra như thế?

Cấp Cô Độc trả lời:

– Thưa Thái tử, không phải thế đâu. Tôi đang tính xem lấy vàng ở kho nào cho thuận lợi mà.

Nghe vậy, Thái tử Kỳ-đà cảm phục tấm lòng cao cả của ông đối với đức Phật và Tăng đoàn, Thái tử tuyên bố:

– Kể từ giờ phút này, đất khu vườn này thuộc về ông, ông được quyền  xây dựng Tịnh xá cho chư Tăng tu tập, tôi chỉ nhận số vàng theo giá trị  đất, còn rừng cây trong vườn tôi xin dâng cúng cho Tăng đoàn của đức  Phật.

Ngày nay, đọc các bản kinh, chúng ta thường thấy: Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc…Đây chính là Tịnh xá trong khu vườn do Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ-đà cúng dường. Đặc biệt, trong 49 năm thuyết pháp, đức Phật đã trú tại Tịnh xá này  trong 25 mùa An cư kiết hạ.

Nói về Trưởng giả Cấp Cô Độc sau khi gặp đức Phật, ông luôn hết lòng  tôn kính cúng dường Tam Bảo và giúp đỡ người cô độc bần cùng với lòng  chí thành chí kính của mình. Suốt mấy chục năm thực hành bố thí cúng  dường, cuối cùng tài sản nhà ông cũng cạn kiệt, như trăng sáng đến lúc  tàn, như bị lũ lụt cuốn trôi, ông hết gia tài sự nghiệp, cho đến khi cả nhà ông phải dùng cháo thay cơm mỗi bữa, nhưng ông vẫn sớt bớt phần ăn  của mình để cúng dường chư Tăng, mặc cho đức Phật khuyên ông không nên  cúng dường nữa.

“Sau cơn mưa trời lại sáng,” “hết cơn bỉ cực đến hồi thái lai,” chẳng bao lâu sau, gia đình ông làm ăn mua bán trúng mùa, làm gì trúng nấy,  lợi nhuận thu được nhiều vô số kể, ông có lại tài sản của cải nhiều hơn  số tài sản, vàng bạc bị cuốn trôi theo dòng thác thực hành bố thí, cúng  dường trước đây. Và ông tiếp tục thực hành bố thí, cúng dường như trước.

Đạo lý nhân quả nhà Phật giúp ta sáng ngời tình nhân loại trong hạt  giống từ bi của hạnh bố thí. Đó là hạt nảy mầm quả giác ngộ và giải  thoát. Qua đó, ta thấy hành động bố thí quan trọng ở tâm chân thành và  lòng kính cẩn như trường hợp của Cấp Cô Độc, một lòng gieo duyên với  ruộng phước lớn. Và ông đã chứng quả “bất thoái chuyển” ngay trong hạnh  này.

Chúng ta không nghi ngại gì cả, phát tâm bố thí cúng dường là gởi  tiền vào ngân hàng “Nhân quả” được bảo toàn nguyên vẹn lại được sinh  lời, khi nào ta cần ngân hàng “nhân quả” này sẽ chi cấp cho ta sử dụng  không để ta thiếu thốn.

Trở lại câu chuyện Thái tử Kỳ-đà và Cấp Cô Độc, khu vườn của Thái tử Kỳ-đà là nơi lý tưởng để xây dựng Tịnh xá, nhưng Thái tử Kỳ-đà giàu có đâu cần tiền, đâu cần bán đất, nên Thái tử nói thách cao như vậy để Cấp  Cô Độc thối tâm, thối chí. Không ngờ Cấp Cô Độc đồng ý. Thái tử Kỳ-đà  bàng hoàng sửng sốt khi thấy Cấp Cô Độc chở nhiều xe vàng đến lót gần  kín đất khu vườn, làm cho Thái tử động lòng trắc ẩn, vui vẻ bán khu  vườn, nhưng không nỡ nhận đủ tiền bán cả đất lẫn vườn cây, mà Thái tử chỉ nhận tiền đất còn rừng cây ông phát tâm cúng dường cho đức Phật. Đây là tịnh xá thứ hai sau khi Phật thành đạo, và thứ nhất là Trúc Lâm Tịnh Xá do vua Tần-bà-sa-la cúng dường tại thành Vương-xá.

Ngoài việc mua đất xây dựng Tịnh xá, Tu-đạt còn thường xuyên cúng  dường tứ sự cho chư Tăng. Ông phát tâm cúng dường Tam Bảo không mệt mỏi, nhàm chán, ông còn luôn bố thí giúp đỡ những người cô độc nghèo khó  không nơi nương tựa. Vì vậy, ông được quần chúng nhân dân tặng danh hiệu Cấp Cô Độc.

Trong lịch sử Phật giáo, Cấp Cô Độc là tấm gương sáng về hạnh bố thí  cúng dường để chúng ta học hỏi noi theo. Con người muốn hoàn thiện nhân  cách, lối sống, đạo đức … phải có sự học hiểu và tu tập hành trì. Người  có niềm tin sâu vào Tam Bảo, được chứng quả bất thối chuyển, người đó dù có gặp nghịch cảnh, khó khăn như thế nào, họ cũng giữ vững tấm lòng tốt của mình. Cấp Cô Độc là người như vậy, cho nên từ ngày ấy cho đến bây  giờ mọi người, mọi giới, mợi thành phần đẵng cấp trong xã hội ngưỡng mộ, đều quý kính Ngài.

Bố thí cúng dường là con đường dẫn đến tình yêu thương nhân loại ngày thêm sâu sắc, gần gũi, gắn bó với nhau hơn và sự giúp đỡ, sẻ chia cùng  nhau là cách thức xóa bỏ ân oán hận thù để ngồi lại bên nhau, dùng tình  thương xây dựng cuộc đời.

Bố thí cúng dường là nấc thang đầu tiên của hàng Bồ-tát để từng bước  tiến lên con đường Phật đạo. Nhờ bố thí cúng dường mà tâm ta được an  lạc, thảnh thơi, thấy ai cũng là người thân thương của mình, không còn  thấy ai là kẻ thù, nên mọi người dễ dàng gắn bó yêu thương hơn.

Trong dân gian Việt Nam thường nói “Ăn thì hết, cho thì còn.” Câu nói này nghe như ngược đời, nhưng thực tế quả thực không sai, cái gì ta  tiêu xài, hưởng thụ cho riêng mình thì không còn, cho nên nói “ăn thì  hết.” Còn cái gì ta đem giúp người thì đó mới là cái để dành, cho nên  nói: “cho thì còn” là vậy.

Phật dạy, người biết gieo trồng phước đức thì trong hiện tại và tương lai được đầy đủ, giàu có như ta có tiền gửi ngân hàng rút dần ra xài,  còn người không biết gieo trồng phước đức thì như người có đồng nào xài đồng nấy, luôn phải chịu nghèo khó, vất vả cả đời mà chẳng có của dư.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.