Hạnh Phúc Chân Thường – Phần III

MỘT TÂM THỨC LINH HOẠT

Khả năng chuyển đổi tầm nhìn, khả năng nhìn các khó khăn của đời sống từ nhiều góc cạnh khác nhau là sản phẩm của một tâm thức linh hoạt. Một tâm thức linh động, mềm dẻo cho phép chúng ta dang tay ôm trọn cuộc sống, sống một cách trọn vẹn và đầy nhân tính. Sau một ngày dài nói chuyện với công chúng ở Tucson, đức Đạt Lai Lạt Ma tản bộ về phòng riêng của Ngài trong khách sạn. Trên trời, những đám mây chiều rực rỡ chiếu sáng cả vùng đồi núi Catalina và toàn thể cảnh vật mênh mông được nhuộm một màu đỏ tía. Quang cảnh thật hết sức lộng lẫy. Khí trời ấm áp, phảng phất hương thơm của các loài cây sa mạc, mùi cỏ sô thơm, mùi ẩm thấp, gió heo may … tất cả như báo trước sự xuất hiện không thể nào kềm giữ được của cơn giông miệt Sonoran.

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng bước, lặng lẽ ngắm chân trời, quan sát toàn thể cảnh vật rồi cuối cùng, đưa ra vài nhận xét về kiến trúc khu vực Ngài đang tạm trú. Đức Đạt Lai Lạt Ma cất bước rồi lại ngừng, Ngài cúi xuống mân mê một búp non của bụi oải hương. Ngài nhận xét vẻ mảnh khảnh của cành hoa và phân vân tại sao nó lại có tên như vậy. Tôi bỗng dưng khâm phục về tính linh động của tâm thức đức Đạt Lai Lạt Ma: Đang quan sát vẻ bao la vô tận của thiên nhiên bỗng quay sang một búp hoa nhỏ bé, đang thưởng ngoạn nét hùng vĩ của toàn vùng nhưng cũng không bỏ sót một chi tiết nhỏ nhoi. Cái khả năng bao quát tất cả mọi phương diện của đời sống, toàn bộ cuộc đời.

Tất cả chúng ta đều có khả năng làm cho tâm thức trở nên linh hoạt. Đây là kết quả của các cố gắng nới rộng tầm nhìn, cố gắng nhìn sự việc từ một quan điểm mới. Nó cho phép ta nhìn thấy toàn cảnh cùng lúc với chi tiết. Cách nhìn lưỡng thể này (vừa thấy đại thể vừa thấy tiểu thể cùng một lúc) cho phép chúng ta phân biệt cái gì quan trọng trong cuộc sống và cái gì không. Riêng trường hợp của tôi, trong những buổi đàm thoại, tôi cũng được ảnh hưởng chút đỉnh bởi thái độ của đức Đạt Lai Lạt Ma để thoát ra khỏi quan điểm hẹp hòi của mình. Do bản tính cũng như được huấn luyện bởi nghề nghiệp, tôi thường diễn đạt các vấn đề từ quan điểm cá nhân. Tôi cho rằng các diễn biến tâm lý hoàn toàn nằm trong phạm vi trí thức, còn các viễn tượng về chính trị và xã hội của vấn đề thường không được tôi quan tâm đúng mức. Trong một lần gặp gỡ, tôi đã hỏi đức Đạt Lai Lạt Ma về tầm quan trọng của việc đạt được một tầm nhìn rộng rãi hơn. Đã uống hai ba ly cà phê trước đó, tôi diễn đạt một cách khá linh động và hào hứng về khả năng chuyển đổi tầm nhìn như là một diễn biến nội tại, có tính cách cá nhân và tùy thuộc hoàn toàn vào ý chí từng người trong quyết định chấp nhận một quan điểm mới. Đức Đạt Lai Lạt Ma thấy tôi có vẻ hơi quá đà nên ngắt lời:

“Khi đề cập đến việc chấp nhận một quan điểm rộng rãi hơn tức là chúng ta nói đến sự hợp tác với tha nhân. Khi nói đến những vấn nạn có tính cách toàn cầu như vấn đề môi sinh, cấu trúc kinh tế hiện tại … tức là chúng ta đã kêu gọi cố gắng hợp tác và hòa đồng từ nhiều người chứ không đơn thuần là sản phẩm riêng rẽ của cá nhân.”

Không mấy hài lòng khi đức Đạt Lai Lạt Ma cứ đề cập đến ý niệm toàn cầu trong khi tôi đang chú tâm vào vai trò của cá nhân (và tôi phải công nhận rằng đây là trọng điểm của việc nới rộng tầm nhìn) nên tôi quả quyết: “Nhưng tại các buổi nói chuyện trong tuần này, Ngài đã nói về tầm quan trọng của sự thay đổi thái độ từ bên trong, của sự chuyển hóa nội tại. Ngài cũng nói nhiều về việc phát triển từ tâm, tâm trạng nồng nhiệt, khắc phục giận dữ, chế ngự hận thù, vun bồi nhẫn nhục và khoan nhượng … toàn là các vấn đề cá nhân”.

“Vâng, đương nhiên là sự thay đổi phải bắt nguồn từ bên trong của mỗi người”. Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: “Nhưng khi tìm kiếm các giải pháp cho các vấn nạn có tính cách toàn cầu, chúng ta phải nhìn vấn đề từ quan điểm cá nhân cũng như quan điểm xã hội, cộng đồng. Cho nên khi nói đến tính cách mềm dẻo của tâm thức, nói đến một quan điểm rộng rãi hơn … chúng ta phải có khả năng diễn đạt vấn đề từ nhiều cấp độ: phạm vi cá thể, mức độ cộng đồng và tầm mức thế giới.

“Trong một buổi nói chuyện tại trường đại học, tôi có đề cập đến nhu cầu hạn chế hận thù, giận dữ bằng cách vun trồng nhẫn nhục và khoan nhượng. Tối thiểu hóa thù hận cũng giống như giải giới nội tâm. Nhưng cũng trong buổi nói chuyện đó, tôi đã nêu rõ nhu cầu giải giới phải được thực hiện cả bên trong lẫn bên ngoài. Đây là một điểm rất quan trọng. May mắn là sau khi Đế quốc Sô viết sụp đổ, ít nhất vào lúc này, chúng ta không bị đe dọa bởi sự hủy diệt nguyên tử, và tôi cho rằng đây là thời điểm, là sự khởi đầu rất tốt đẹp mà chúng ta không nên để lỡ. Chúng ta phải tăng cường sức mạnh hòa bình, chân hòa bình chứ không phải chỉ là sự vắng mặt của chiến tranh và bạo lực. Không có chiến tranh có thể là do sự sợ hãi đối với các loại vũ khí như mối đe dọa hạt nhân, nhưng tình trạng này không phải là một nền hòa bình chân chính và lâu dài. Hoà bình phải được thành hình từ sự tin tưởng lẫn nhau. Vì vũ khí là chướng ngại lớn lao nhất cho công cuộc phát triển niềm tin, nên tôi cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để chúng ta tìm cách giải giới. Đây là chuyện lớn nên không thể quyết định hấp tấp và một giải pháp từng phần có thể rất hợp lý. Phải đặt rõ mục tiêu tối thượng của thời đại chúng ta là toàn thể thế giới phải trở thành phi quân sự. Do vậy, ở tầm vóc cá nhân, chúng ta phải phát triển an bình trong tâm thức, nhưng đồng thời ở mức độ toàn cầu, chúng ta phải nhắm đến mục tiêu giải giới và kiến tạo hòa bình. Bất cứ một đóng góp nào dù nhỏ nhoi cũng đều được cổ võ. Và đó là trách nhiệm của thời đại chúng ta.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỐI SUY NGHĨ LINH HOẠT

Có một sự liên hệ hỗ tương giữa tâm thức linh hoạt và khả năng chuyển đổi tầm nhìn. Tâm thức linh hoạt hay mềm dẻo giúp chúng ta diễn giải vấn đề từ nhiều viễn tượng khác nhau hay cố tình khảo sát vấn đề một cách khách quan từ nhiều vị trí khác biệt đều có thể được coi là những hình thức huấn luyện làm cho tâm thức trở nên linh hoạt, dễ uốn nắn. Trong thế giới ngày nay, những cố gắng đạt đến một lề lối suy nghĩ linh động không còn đơn thuần là những thao tác nhàn nhã của trí tuệ, mà nó trở thành vấn đề sống chết. Trong diễn trình tiến hóa, những loài dễ thích ứng với các thay đổi của môi trường sinh thái, dễ uốn nắn thường không bị hủy diệt và phát triển theo thời gian. Đặc trưng của cuộc sống ngày nay là bất ngờ và các thay đổi đôi khi nhuốm vẻ bạo lực, cho nên lề lối suy nghĩ linh hoạt giúp ta thỏa hiệp với những thay đổi xảy ra chung quanh. Nó cũng giúp chúng ta hợp nhất với những xung đột nội tại, những bất nhất, những lưỡng ước trong tâm tưởng. Không có một tâm thức mềm dẻo, cách nhìn đời của chúng ta sẽ dễ bị sứt mẻ và từ đó, sự liên hệ của chúng ta đối với cuộc đời mang màu sợ hãi. Nhưng nếu chấp nhận một khuynh hướng mềm dẻo đối với cuộc đời, chúng ta có thể duy trì tâm trạng bình tĩnh ngay trong các điều kiện khắc nghiệt. Do quyết tâm, chúng ta có thể đạt được một tâm thức linh hoạt để nuôi dưỡng chí dũng mãnh của tuệ giác.

Trong thời gian quen biết đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi vẫn khâm phục tính linh động, khả năng suy xét bằng nhiều nhãn quan của Ngài. Người ta có thể nghĩ rằng với vai trò độc nhất của Ngài (một tu sĩ Phật giáo được nhắc nhở, chấp nhận nhiều nhất), đức Đạt Lai Lạt Ma được người đời tôn vinh là KẺ BẢO VỆ NIỀM TIN. Mang ý tưởng đó, tôi hỏi: “Có khi nào Ngài thấy mình quá cứng rắn trong việc bảo vệ niềm tin của mình ?”

“À …” Đức Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ một lát rồi đáp: “Không, tôi không nghĩ vậy. Trái lại là khác. Nhiều khi tôi bị kết tội là thiếu nhất trí trong chính sách vì quá linh động”. Đức Đạt Lai Lạt Ma phá ra cười: “Lắm khi … một người đến gặp tôi và đưa ý kiến về một vấn đề gì đó. Khi hiểu lý do tại sao người ấy đưa ra đề nghị như vậy thì tôi bằng lòng và khen ‘tốt lắm’. Rồi một người khác đến gặp tôi với quan điểm trái ngược, tôi cũng thấy lý do của anh ta và tôi cũng bằng lòng. Thành ra không thiếu gì dịp tôi bị trách cứ và được nhắc nhở là ‘Trước đây, chúng ta đã đồng ý về giải pháp này và trong giai đoạn hiện tại, chúng ta phải tiếp tục chính sách đã được đề ra’ …”.

Khi nghe như vậy, người ta có thể cho rằng đức Đạt Lai Lạt Ma là thiếu quyết định, không có những nguyên tắc dẫn đạo … Thật ra không phải như vậy. Ngài có những niềm tin căn bản làm hậu thuẫn cho các quyết định của mình: Tin tưởng rằng bản chất con người vốn thiện, tin tưởng vào giá trị của lòng từ bi, tin tưởng ở một chính sách khoan hòa và tin tưởng vào sự đồng đẳng giữa mọi loài. Khi nói đến tính linh hoạt, dễ thích hợp, tôi không có ý định cho rằng chúng ta sẽ trở thành một thứ hoạt đầu, theo gió, nghĩa là hễ thấy cái gì lạ, mới là hùa theo đến độ quên cả nguồn gốc, căn bản. Sự thăng tiến và phát huy tâm thức ở bình diện cao tùy vào sự chỉ đạo của những giá trị căn để mà chúng ta đã có. Hệ thống giá trị này giúp đời sống được liên tục và có mạch lạc qua những kinh nghiệm mà chúng ta gặp được trên đường đời. Nó cũng giúp chúng ta quyết định những mục tiêu nào là hữu ích, đáng theo đuổi và mục tiêu nào không.

Câu hỏi được đặt ra là làm sao chúng ta vẫn nhất quán, không chao đảo trong việc duy trì những giá trị căn bản đồng thời lại linh hoạt, dễ chấp nhận các viễn tượng mới ? Đức Đạt Lai Lạt Ma xem ra đã đạt được mục tiêu này bằng cách đơn giản hóa những giá trị căn để của mình xuống 3 phương diện chính:

1- Tôi là một chúng sinh.

2- Tôi muốn được hạnh phúc và tránh xa khổ não.

3- Tất cả mọi người cũng muốn được hạnh phúc và tránh xa khổ não như tôi.

Nhấn mạnh vào những giá trị chung mà Ngài cùng chia xẻ với mọi người thay vì để ý đến những khác biệt đã khiến đức Đạt Lai Lạt Ma có được cảm giác kết nối với tha nhân, đồng thời dẫn đến niềm tin vào lòng vị tha và từ ái. Sử dụng phương pháp này có thể mang lại cho chúng ta sự tưởng thưởng lớn lao bằng cách nhìn lại những giá trị căn bản của mình rồi giản lược chúng vào một vài nguyên tắc chính yếu. Chính sự giản lược vào các trọng điểm này cho phép chúng ta được tự do và linh động trong khi ứng phó với hàng loạt những vấn nạn mà ai cũng gặp phải trong đời sống hàng ngày.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.