Hạnh Phúc Chân Thường – Phần IV

NHỮNG MONG CHỜ THỰC TIỄN

Để đưa đến những đổi thay và chuyển hóa nội tại chân chính, đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nỗ lực không ngừng nghỉ (Tinh tấn). Đây là một diễn trình tiệm tiến và nó hoàn toàn trái ngược với một ý niệm đang phát triển nhanh và mạnh tại Tây phương trong vài thập niên vừa qua: Kỹ thuật và liệu pháp ‘xử lý nhanh chóng’ (quick fix), một kỹ thuật mới bao quát từ ‘những xác định tích cực’ đến ‘khám phá thai nhi’.

Khuynh hướng của đức Đạt Lai Lạt Ma nhắm vào tính trưởng thành, tiệm tiến. Ngài tin tưởng vào sức mạnh vô giới hạn của tâm thức nhưng là một thứ tâm thức được huấn luyện có hệ thống, có chủ đích, có tập trung và được tôi luyện qua những năm dài kinh nghiệm và lý lẽ vững chắc. Chúng ta đã hao tốn những tháng năm dài để làm quen với những thói tật vốn là nguyên nhân của những rắc rối trong đời sống và chúng ta cũng cần những tháng năm dài tương tự để thành hình những tập quán mới hầu có được hạnh phúc. Quyết tâm, tinh tấn và thời gian là những chất liệu hệ trọng không thể cắt xén được, chúng là những bí quyết chân thực của hạnh phúc.

Khi cất bước trên lộ trình thay đổi, điều quan trọng là cần đặt ra những ước vọng thực tiễn, không quá xa vời. Nếu kỳ vọng quá cao, chúng ta sẽ tự làm mình thất vọng. Nếu kỳ vọng quá thấp, nó triệt tiêu ước vọng thử thách khả năng của mình trong việc đạt đến tiềm năng tối đa của chúng ta. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích về tiến trình thay đổi như sau:

“Đừng bao giờ quên tầm quan trọng của thái độ thực tế, cần phải nhạy bén và cẩn trọng với thực trạng của hoàn cảnh mà mình đang sống trước khi bắt đầu hành trình tiến lên mục tiêu tối hậu. Phải nhận thức rằng sẽ có những khó khăn trên đường đi, sẽ cần đến thời gian và sẽ cần nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ. Ý thức chúng ta cần phân biệt một cách rõ ràng giữa lý tưởng và các tiêu chuẩn mà chúng ta dùng để xét đoán các tiến bộ của mình. Giả dụ một Phật tử có thể đặt ra mục tiêu rất cao là phải đạt được giác ngộ. Xem giác ngộ như là cứu cánh sau cùng của mình không phải là một quá độ nhưng nếu nghĩ rằng mình có thể đạt được ước nguyện đó khá nhanh là điều không thực tế. Coi giác ngộ như là tiêu chuẩn thay vì lý tưởng có thể khiến chúng ta chán nản, mất hy vọng nếu mình không đạt được điều này trong thời gian ngắn. Do vậy, người ta cần một khuynh hướng thực tế. Mặt khác, nếu chúng ta cho rằng ‘Tôi chỉ nhắm vào chuyện này chuyện kia vì là những thực tiễn chứ không quan tâm đến tương lai, đến Phật quả xa vời …’ thì chúng ta lại rơi vào một quá độ khác. Nói cách khác, chúng ta cần một khuynh hướng dung hòa. Chúng ta cần sự quân bình.

“Đối phó với ước vọng là một vấn đề khá tế nhị vì nếu chúng ta đặt ra những mơ ước quá tầm trong khi không có căn bản vững chắc, chúng ta sẽ gặp rắc rối. Mặt khác, nếu không có ước mơ và kỳ vọng, chúng ta sẽ không thăng tiến. Ước vọng là điều cần thiết nhưng một ước vọng quân bình cũng không phải dễ dàng. Mọi người phải tự mình xét đoán từng hoàn cảnh riêng.”

Tôi vẫn có vài nghi ngờ day dứt dù rằng chúng ta phải sửa đổi những cảm xúc và thái độ tiêu cực, cần có thời gian và nỗ lực … nhưng đến mức độ nào mới đủ để xua tan ý hướng tiêu cực? Tôi đem vấn đề ra trình bày với đức Đạt Lai Lạt Ma:

“Chúng ta đã bàn thảo về sự kiện rằng hạnh phúc tối hậu tùy thuộc vào sự khai trừ các hành vi và tình trạng tinh thần tiêu cực như Tham, Sân, Si. Nhưng đây là những cảm xúc rất tự nhiên của tâm thức con người. Mọi người đều biết đến những ý tưởng đen tối này bằng cách này hay cách khác. Và nếu như vậy thì ganh ghét, chối bỏ, tranh chấp … là một phần tự nhiên của chúng ta. Tôi có ý nói rằng cố tình xóa bỏ những phần tự nhiên như vậy của con người xem ra có vẻ không thực tế và phản thiên nhiên.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma lắc đầu rồi đáp: ” Vâng, nhiều người cho rằng giận ghét và các cảm xúc tiêu cực khác là một phần tự nhiên của tâm thức. Họ cho rằng vì là bản tính tự nhiên nên người ta không có cách nào thách thức chúng được – Không đúng như thế – Xin đề cử một ví dụ. Tất cả chúng ta khi sanh ra đều ở trong tình trạng thiếu hiểu biết. Như anh nói thì đây là một bản tính tự nhiên. Tuy rằng khi còn nhỏ dại chúng ta không hiểu biết nhưng khi khôn lớn, do giáo dục và học hỏi ngày này qua ngày khác, chúng ta trở nên có nhận thức và tính ngu dốt bị khai trừ từng phần. Dĩ nhiên là nếu cứ để yên tình trạng u tối, không chịu phát triển học thức thì chúng ta không thể diệt trừ ngu dốt, nghĩa là nếu cứ sống theo bản năng thì giáo dục và học hỏi sẽ không có lợi gì. Cùng một cách thế như vậy, nếu được huấn luyện thích đáng, chúng ta có thể dần dà giảm thiểu các tư tưởng tiêu cực và tăng gia các tư tưởng tích cực như yêu thương, từ ái và tha thứ.”

Tôi vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn: “Nhưng nếu những ý tưởng tiêu cực là một phần của tâm thức con người thì làm sao chúng ta có thể thành công trong việc chối bỏ chúng được? Chúng là một phần của chúng ta!”

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Để hiểu tại sao chúng ta có thể đánh phá các cảm giác tiêu cực, chúng ta nên hiểu cách thức hoạt động của tâm thức con người. Tâm thức chúng ta rất phức hợp nhưng cũng rất vi tế. Nó có thể đưa ra nhiều giải pháp cho những tình huống và hoàn cảnh khác nhau. Tâm thức có khả năng chấp nhận nhiều viễn tượng khác nhau để từ đó, ứng xử với từng vấn nạn riêng biệt.

“Trong Phật giáo, khả năng chấp nhận nhiều viễn tượng khác nhau được dùng trong một số các phép quán mà theo đó, hành giả có thể tách rời những nhân tố tinh thần của chính mình và tạo ra một sự đối thoại giữa các nhân tố này với nhau. Trong phép quán về lòng vị tha chẳng hạn, hành giả có thể phân thân để thấy mình vừa là một cá nhân tự tập trung và ích kỷ, vừa là một hành giả tâm linh và hai ‘phân thân’ này có thể đối thoại với nhau, một hình thức ‘tương quan đối thoại’. Tương tự như thế, mặc dù các thiên hướng tiêu cực như giận ghét là một phần của tâm thức, nếu cố công, chúng ta có thể tách rời ra để chống lại chúng như là những mục tiêu khách quan.

“Thêm nữa, do kinh nghiệm sống hàng ngày, chúng ta cũng thường gặp những trường hợp mình tự trách mình, mình tự lên án, chỉ trích mình. Chúng ta vẫn thường nói ‘Trong tình cảnh đó, tôi đã thất vọng với chính tôi’. Cũng có khi chúng ta tự trách mình vì đã làm điều sai quấy hoặc lẽ ra phải làm một chuyện gì và sau đó bực tức với chính mình vì đã không làm. Ở đây cũng thế, chúng ta đối thoại với chính mình. Thực tế thì không có hai cái ta khác biệt mà chỉ là tính kế tục, tính tiếp nối của một cá thể. Cho nên vẫn là điều hợp lý khi mình chỉ trích mình, bực tức với chính mình. Điều này ai cũng nhận biết.

“Như vậy trên thực tế, dù chỉ là tính liên tục của một cá thể đơn độc, chúng ta vẫn có thể chấp nhận những viễn tượng khác nhau. Chuyện gì xảy ra khi chúng ta tự trách mình? Cái ta đang lên án là bản ngã tổng thể của chúng ta, còn cái ta bị lên án là bản ngã của chúng ta trong một hoàn cảnh, một biến cố nào đó. Do vậy mà người ta có thể chấp nhận mối tương quan giữa Ta-với-Ta.

“Để khai triển thêm về chuyện này, có thể là một điều hữu ích nếu chúng ta suy xét về những phương diện khác nhau thuộc bản ngã riêng của từng người. Lấy trường hợp một tu sĩ Phật giáo Tây Tạng làm ví dụ. Người này có thể cho rằng bản sắc riêng biệt của anh ta là một tu sĩ ‘Tôi là tu sĩ’. Nhưng anh ta cũng có thể cho rằng bản sắc tu sĩ chưa đầy đủ mà nguồn gốc sắc tộc mới quan trọng, và vì vậy ‘Tôi là người Tây Tạng’. Rồi ở một mức độ khác nữa, anh ta cũng có thể nghĩ rằng tu sĩ lẫn Tây Tạng vẫn chưa bao quát mọi bề, và từ đó, anh ta nghĩ ‘Tôi là một con người’. Như vậy chúng ta có thể nhận thấy có nhiều viễn ảnh khác nhau ngay trong bản sắc của mỗi người.

“Chuyện này cho thấy khi liên hệ đến một điều gì đó về phương diện suy tưởng, người ta có thể nhìn sự kiện bằng nhiều góc độ khác nhau. Khả năng này lại có tính cách lựa chọn vì chúng ta có thể chú trọng đến một góc cạnh, một phương diện hay một viễn tượng nào đó mà chúng ta thích. Khả năng này trở nên rất quan trọng khi chúng ta muốn nhận diện và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực hay gia tăng các thiên hướng tích cực trong ta. Do khả năng có thể chấp nhận một quan điểm nào đó, chúng ta có thể khu biệt từng phần của chính ta, những phần mà ta muốn loại trừ và chống đối.

“Đến đây, một câu hỏi quan trọng có thể xuất hiện: Mặc dù có thể dấn thân đấu tranh với giận ghét và các tình trạng tiêu cực khác, có gì đảm bảo rằng chúng ta sẽ giành được thắng lợi?

“Khi nói đến những tình trạng tiêu cực này của tâm thức, tôi có ý nói đến Nyon Mong trong Tạng ngữ hoặc Klesha trong tiếng Phạn. Theo từ nguyên, những tiếng này có nghĩa là những điều gây ra khổ não bên trong tâm thức. Vì khá dài dòng nên người ta thường dịch là ảo giác (niềm tin hay sự hiểu biết sai lạc). Truy cứu nguồn gốc của chữ Nyon Mong trong Tạng ngữ sẽ cho chúng ta ý niệm rằng chính cảm xúc và các biến cố có được do nhận thức đã cùng lúc tác hại đến tâm thức, phá hủy sự tĩnh lặng của tâm thức cũng như gây ra những rối loạn trong tâm thức. Quan sát tỉ mỉ hơn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra bản chất khổ não của những ảo giác này vì chúng có khuynh hướng phá tan sự tĩnh lặng và hiện hữu của tâm thức. Nhưng tìm xem chúng ta có thể khắc phục được chúng hay không là một vấn đề khó khăn hơn nhiều. Câu hỏi này liên quan trực tiếp đến toàn bộ ý niệm rằng chúng ta có đạt được sự nhận thức toàn diện đối với năng lực tinh thần của chúng ta hay không. Đây là một câu hỏi khó khăn và nghiêm túc.

“Vậy thì dựa trên cơ sở nào để chúng ta nhận thức rằng những cảm xúc khổ não và các biến cố do nhận thức đem lại tức là những ảo giác có thể bị đánh bật gốc rễ và loại trừ khỏi tâm thức? Theo tư tưởng Phật giáo, có ba cơ sở chính:

“Cơ sở thứ nhất là tất cả những tình trạng hiểu biết sai lạc của tâm thức, tất cả những tư tưởng và cảm xúc khổ não đều bị bóp méo, không trung thực, khiến cho người ta nhận biết thực chất của hoàn cảnh một cách sai lạc, không đúng đắn. Cho nên, dù những ý hướng tiêu cực này có mãnh liệt đến đâu thì thực tế, chúng cũng không có căn bản vững chắc. Chúng bắt nguồn từ ngu dốt, từ không hiểu biết, từ VÔ MINH. Đối lại, những ý tưởng hay trạng thái tâm thức tích cực như yêu thương, từ ái, nội tại … có căn bản đích thực. Khi tâm thức kinh qua những cảm giác tích cực, chúng không bị bóp méo vì rằng những dữ kiện tích cực có căn nguyên từ thực tại đúng đắn. Chúng ta có thể thẩm xét điều này bằng kinh nghiệm của mình vì những cảm xúc tích cực có nguồn gốc và phát triển từ sự hiểu biết chân chính chứ không phải từ những hiểu biết sai lạc như phẫn, hận … Hơn nữa, những cảm xúc tích cực có một phẩm chất đặc biệt là chúng ta có thể khuếch đại tiềm năng của chúng đến vô tận trong trường hợp chúng ta thực tập và ứng dụng chúng thường xuyên …”

Tôi ngắt lời đức Đạt Lai Lạt Ma: “Xin Ngài giải thích tường tận hơn tại sao những cảm xúc tích cực có căn bản vững chắc trong khi những cảm xúc tiêu cực lại có căn bản không vững chắc?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma vạch rõ: “Thế này nhé, từ bi được coi là một cảm xúc tích cực để gây tạo từ tâm. Chúng ta bắt đầu bằng nhận thức rằng con người không muốn khổ não, con người có quyền được hạnh phúc và điều này ai cũng có thể thẩm xét và chuẩn nhận bởi kinh nghiệm của chính mình. Rồi chúng ta nhận thức tiếp rằng mọi người, cũng như ta, đều không muốn khổ não, đều có quyền được hạnh phúc. Những nhận thức như vậy trở thành căn nguyên của sự phát triển tâm từ.

“Truy nguyên, có hai loại cảm xúc hoặc hai tình trạng của tâm thức: tích cực và tiêu cực. Người ta có thể phân loại những cảm xúc này bằng một phương pháp khác. Đó là những cảm xúc tích cực đều có thể biện minh còn những cảm xúc tiêu cực thì không. Trở lại một đề tài mà chúng ta đã bàn luận trước đây là lòng ham muốn. Làm sao để biết một ham muốn là tích cực hay tiêu cực? Ước mong có được những nhu cầu căn bản của con người được coi là tích cực, có thể biện minh được vì nó dựa trên căn bản là mỗi người đều hiện hữu và mọi người đều có quyền sống còn. Để sống còn, người ta có một số nhu cầu và phương tiện cần thiết cần được đáp ứng, vì vậy, những ước muốn về nhu cầu và phương tiện căn bản này được coi là có căn bản vững chắc. Chúng ta đã bàn luận tiếp theo rằng những nhu cầu và phương tiện này nếu đi quá độ sẽ trở thành tham lam, dục vọng. Các ước muốn quá độ như vậy không dựa trên những lý do thực tế và thường gây ra phiền lụy trong cuộc đời. Những ham muốn này phát xuất từ tính không thỏa mãn, muốn có nhiều hơn mặc dù những vật chất mà chúng ta chiếm hữu được không cần thiết gì cả. Như vậy những ham muốn này không có các cơ sở vững chắc làm hậu thuẫn. Bằng cách này chúng ta có thể thấy rõ là những cảm xúc tích cực có cơ sở vững chắc còn cảm xúc tiêu cực thì không.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục cuộc khảo sát của Ngài về tâm thức con người, phân tích những hoạt động của tâm thức với mức độ tỉ mỉ mà một nhà thực vật học có thể dùng để phân loại những loài hoa quý hiếm:

“Bây giờ chúng ta đề cập đến cơ sở thứ nhì mà theo đó, các cảm giác tiêu cực có thể bị đánh bật gốc rễ và khai trừ khỏi tâm thức con người. Cơ sở này dựa trên sự kiện là những cảm xúc tích cực có thể được sử dụng như là một phản đề đối với các khuynh hướng tiêu cực, tình trạng hiểu biết không chân thực của tâm thức. Vậy cơ sở thứ nhì này có nghĩa là nếu chúng ta gia tăng tiềm lực của các dữ kiện phản đề thì chúng ta làm suy thoái sức mạnh của cảm xúc phiền não, của tâm thức tiêu cực tức là giảm thiểu hiệu năng và ảnh hưởng tác hại của chúng.

“Khi bàn luận về việc loại trừ những cảm xúc tiêu cực ra khỏi tâm thức, có một điểm mà chúng ta nên giữ nằm lòng. Phật giáo quan niệm rằng vun bồi những phẩm chất tích cực của tâm thức như kiên nhẫn, khoan nhượng, tử tế … có thể coi là những phản đề của các cảm xúc tiêu cực như sân, hận, trói buộc. Ứng dụng các dữ kiện phản đề này sẽ làm suy giảm hiệu năng của cảm xúc phiền não đến một mức độ nào đó. Vì các dữ kiện phản đề chỉ nhắm vào các cảm xúc tiêu cực nào đó nên ảnh hưởng của chúng chỉ có tính cách từng phần mà thôi. Các cảm xúc phiền não như trói buộc, phẫn hận xuất phát từ vô minh, từ nhận thức sai lạc về bản chất chân thực của thực tại. Do vậy mà trong các hệ phái của Phật giáo đã có sự nhất trí rằng để khắc phục hoàn toàn các khuynh hướng tiêu cực, người ta phải sử dụng phản đề của vô minh là HUỆ hay HUỆ GIÁC. Đây là một vấn đề không thể bỏ qua được. Huệ giác là sự hiểu biết chân chính của tâm thức đối với bản thể chân thực của thực tại.

“Trong Phật giáo, không những chúng ta có những phản đề đặc trưng cho từng trạng thái tâm thức riêng biệt – như nhẫn nhục và khoan nhượng là phản đề/đối lực của giận dữ (phẫn) và thù nghịch (hận) – mà chúng ta còn có một phản đề tổng quát cho tất cả các trạng thái tiêu cực của tâm thức: Sự hiểu biết chân chánh đối với bản thể tối hậu của tất cả các PHÁP (bản thể của sự vật). Cũng như để vô hiệu hóa tác hại của cây hoa có độc tính, chúng ta có thể cắt bỏ một số cành lá nhất định nào đó, hoặc triệt hạ toàn thể gốc rễ của cây.”

Để kết luận về tính khả thi của việc loại trừ các trạng thái tâm thức tiêu cực, đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích:

“Cơ sở thứ ba mà chúng ta đề cập đến là tâm thức vốn trong sáng, không bị nhiễm ô. Điều này dựa trên niềm tin rằng tâm thức căn để nhất, thâm diệu nhất của chúng sinh vốn trong sạch, không bị các cảm xúc tiêu cực làm hoen ố. Bản thể chân thực này của tâm thức thường được diễn đạt bằng hình ảnh ánh sáng trong suốt không hề tỳ vết. Tính chất này còn được gọi là Phật tính. Do đó, vì không phải là bản chất, không có tính cách nội tại nên các cảm xúc tiêu cực có khả năng bị loại trừ khi chúng ta thanh lọc tâm.

“Tóm lại, dựa vào ba cơ sở trên đây, chúng ta có thể nói rằng theo quan điểm Phật giáo, người ta có thể loại trừ tất cả các cảm xúc và tình trạng tâm thức tiêu cực bằng cách gây tạo và vun bồi các sức mạnh phản đề như yêu thương, từ ái, khoan nhượng và tha thứ… bằng các hình thức khác nhau như thiền quán”.

Ý tưởng cho rằng bản chất căn để của tâm thức là tinh sạch, trong suốt và con người có khả năng khai trừ tận gốc những khuôn mẫu suy tưởng tiêu cực đã được đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập trước kia. Tôi đã nghe Ngài so sánh tâm thức chúng sinh với ly nước bị vẫn đục. Khổ não, tiêu cực cũng giống như bùn nhơ mà người ta có thể lóng cặn để nước trở lại tình trạng ban đầu là tinh khiết. Để không bị phân tán tư tưởng bởi những ý tưởng trừu tượng, tôi quay về với những quan tâm thực tế hơn và ngắt lời đức Đạt Lai Lạt Ma:

“Hãy chấp nhận khả tính của con người là loại trừ được những cảm xúc tiêu cực và người ta đã bắt đầu cuộc hành trình. Nhưng theo những lần bàn luận trước đây, tôi có cảm tưởng là chúng ta cần đến những nỗ lực phi thường để hủy diệt chúng từ học hỏi, quán tưởng, tinh tấn hành trì, liên tục sử dụng các đối lực … Tất cả những điều này có thể thích hợp với một tu sĩ hay hành giả với một nguyện lực mạnh mẽ, có nhiều thì giờ. Còn đối với một người bình thường với những ràng buộc gia đình vốn không thể nào có đủ thời gian và những cơ hội thuận tiện thì làm sao? Liệu rằng có thích hợp với họ hơn nếu tìm cách sống với những cảm xúc tiêu cực, kiểm soát và đè nén để chúng không phát triển thay vì hủy diệt toàn diện các cảm xúc này? Cũng giống như bịnh tiểu đường, chúng ta không có cách nào tiêu diệt được nó nhưng bằng các hình thức như ăn kiêng, chích Insulin (một hóa chất giúp cơ thể con người tiêu thụ đường)… người ta có thể kiểm soát căn bịnh, không cho những biến chứng tác hại xuất phát và vẫn sống khá yên lành?”

“Vâng, cách này rất hay” Đức Đạt Lai Lạt Ma nồng nhiệt tán thành: “Tôi rất đồng ý với anh. Tất cả những cố gắng dù nhỏ nhoi trong tiến trình làm suy giảm các ảnh hưởng nguy hại của cảm xúc tiêu cực đều rất bổ ích. Chúng đều giúp con người sống thoải mái và hạnh phúc hơn. Tuy vậy, một tín hữu hay một bạn đạo với nghề nghiệp, gia đình bình thường cũng có thể đạt được những mức độ cao hơn của nhận thức tâm linh. Chẳng những vậy, đối với những người chưa từng nghĩ đến vấn đề tâm linh này một cách nghiêm túc cho đến khi đã 50, 60 tuổi, họ vẫn có thể bắt đầu rồi nhanh chóng trở thành những vị thầy khả kính.”

Tôi hỏi: “Ngài có thường gặp những cá nhân với đạo hạnh uyên thâm như thế không?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma cười: “Rất khó mà biết được vì những vị này không bao giờ tỏ lộ những điều như thế để người ta có thể nhận biết.”

Ở Tây phương, người ta thường coi tôn giáo là nguồn gốc của hạnh phúc trong khi khuynh hướng của đức Đạt Lai Lạt Ma lại trái với quan điểm này vì Ngài cho rằng hạnh phúc tùy ở tâm thức chúng ta chứ không phải niềm tin tôn giáo. Ở một bình diện nào đó, khuynh hướng của Ngài bao gồm một căn bản khoa học mà người ta có thể ứng dụng rất chân xác trong ngành tâm lý trị liệu. Nhưng các biện giải của Ngài còn đi xa hơn. Sử dụng các kỹ thuật của tâm lý trị liệu như hành vi liệu pháp để chống lại những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, giận dữ bất ngờ … Tây phương không quen với ý niệm dùng các cảm xúc tích cực như yêu thương, từ ái, kiên nhẫn, hào hiệp … như là những phương tiện để chống lại trạng thái tiêu cực của tâm hồn. Phương pháp của đức Đạt Lai Lạt Ma để đạt được hạnh phúc dựa trên những tư tưởng cách mạng rằng các cảm xúc tiêu cực không phải là bản chất của tâm thức mà chỉ là những chướng ngại nhất thời khiến người ta không nhận ra bản tính vui vẻ và hạnh phúc của tâm thức mà thôi.

Hầu hết các trường phái truyền thống của tâm lý liệu pháp Tây phương có khuynh hướng chú trọng vào việc điều chỉnh chức năng thần kinh của người bịnh chứ không đại tu toàn bộ quan điểm của họ. Các chuyên viên trị liệu tìm tòi quá khứ, những liên hệ, kinh nghiệm sống hàng ngày (gồm cả các giấc mơ và những hoang tưởng) của người bịnh, kể cả mối tương quan giữa bác sĩ và bịnh nhân để mong tìm ra những phương pháp giải tỏa các xung đột nội tâm, những động lực nằm sâu trong vô thức, những tác động tâm lý vốn cùng nhau gây ra những rối rắm và buồn khổ của người bịnh. Mục đích của lối trị liệu này là để người bịnh có được một phương thức chống đỡ lành mạnh hơn, điều chỉnh và cải thiện các triệu chứng thay vì huấn luyện trực tiếp tâm thức để có được hạnh phúc.

Đặc tính nổi bật nhất trong phương pháp của đức Đạt Lai Lạt Ma nhằm huấn luyện tâm thức là ý niệm cho rằng những tình trạng tích cực có thể được dùng như những đối lực cho các tình trạng tiêu cực của tâm thức. Nếu chúng ta muốn tìm một dạng thức tương đương trong khoa nghiên cứu về hành vi con người đương đại tại Tây phương thì Nhận Thức Liệu Pháp được coi là gần gũi nhất. Phương pháp trị liệu tâm lý này ngày càng trở nên phổ cập trong mấy thập niên vừa qua vì đã chứng tỏ được hiệu năng của nó trong công tác chữa trị những vấn nạn thông dụng thuộc nhiều phương diện khác nhau của đời sống, đặc biệt là tình trạng mất trật tự của tâm thần như trầm cảm, bất an. Nhận thức liệu pháp, do các tâm lý gia Albert Ellis và Aeron Beck khai triển, là một hình thức trị liệu dựa trên ý tưởng cho rằng các cảm xúc không quân bình và không thích nghi của con người là do các biến dạng trong cách thế suy nghĩ (suy nghĩ không chân chính) và những tin tưởng không có sự dẫn dắt của lý trí (tin tưởng sai lạc). Phương pháp chữa trị này nhằm giúp bệnh nhân nhận dạng, thử nghiệm và sửa lại cho đúng những suy nghĩ méo mó của mình. Các tư tưởng sau khi được hiệu đính, bằng một cách nào đó, sẽ có tác động như một đối lực cho các suy nghĩ lệch lạc trước kia vốn dĩ là căn nguyên của bệnh trạng.

Giả thử một người nào đó bị người khác xa lánh và anh ta đã vô cùng đau khổ về chuyện này. Chuyên viên trị liệu ngành nhận thức liệu pháp trước hết sẽ giúp đỡ người bịnh tìm ra lý do đằng sau tình trạng tin tưởng sai lạc như ‘Tôi phải được mọi người yêu mến và chấp nhận trong bất cứ lúc nào. Nếu không như vậy, đó là điều kinh khủng và tôi không xứng đáng’. Chuyên viên trị liệu sau đó sẽ cho người bệnh thấy các bằng chứng để thử thách những tin tưởng không thực tế như vậy. Mặc dù phương thức này có vẻ không sâu sắc nhưng những cuộc nghiên cứu cho thấy chúng có hiệu quả. Trong trường hợp bệnh trầm cảm chẳng hạn, nhận thức liệu pháp cho rằng nguyên nhân căn bệnh là những cảm tưởng thất sách, cảm tưởng tự chuốc lấy thất bại của bệnh nhân. Cũng giống như quan niệm của Phật giáo về các cảm xúc khổ não, nhận thức liệu pháp cũng cho rằng các tư tưởng tiêu cực đã gây ra tình trạng suy thoái tâm lý là bị méo mó, không chân chính. Tính chất phổ cập nhất của chứng trầm cảm là người ta nhìn vấn đề từ góc cạnh ‘Toàn bộ hay không có gì’ hay còn gọi là sự tổng quát hóa quá độ (như khi bị mất việc hay bị thua trong một cuộc xếp hạng nào đó, người ta nghĩ ngay rằng ‘tôi hoàn toàn thất bại’) hoặc nhận thức sự việc từ những chi tiết đặc thù nào đó (như trong ngày có những việc tốt và xấu cùng xảy ra, người bị suy thoái tâm lý chỉ chú mục vào những việc xấu và cố tình không để ý đến các việc tốt). Để chữa trị, chuyên gia của nhận thức liệu pháp sẽ giúp bệnh nhân nhận diện những tư tưởng tiêu cực (tôi hoàn toàn vô tích sự) rồi sau đó giúp bệnh nhân thu nhặt những bằng chứng đối nghịch với tư tưởng này tức là những tính chất tích cực của họ (tôi đã làm việc cực nhọc để nuôi dưỡng con cái, tôi hát khá hay, tôi có bạn tốt, tôi đã chịu nổi một công việc cực nhọc …) Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng thay thế lối suy nghĩ méo mó này bởi các bằng chứng hùng hồn, người ta có thể thay đổi cách thế suy nghĩ và cải thiện tình trạng mất trật tự của tâm lý bệnh nhân. Sự kiện rằng chúng ta có thể thay đổi cảm xúc, có thể chống lại những tư tưởng tiêu cực bằng cách áp dụng một lối suy nghĩ khác đã hỗ trợ quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma rằng chúng ta có thể khắc phục khuynh hướng tiêu cực của tâm thức bằng cách sử dụng các đối lực tức là các khuynh hướng tích cực. Phối hợp khuynh hướng này của đức Đạt Lai Lạt Ma và các bằng chứng khoa học của môn nhận thức liệu pháp cho chúng ta tin tưởng rằng người ta có thể thay đổi cấu trúc cũng như chức năng của não bộ bằng cách gây tạo những tư tưởng mới và rằng người ta có thể đạt được hạnh phúc bằng cách huấn luyện tâm thức là một ý tưởng có nhiều khả tính.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.