Hạnh Phúc Kỳ Diệu – Chương III

Chương 3 – NĂNG LỰC KỲ DIỆU CỦA CON NGƯỜI

Đạo Phật giúp chúng ta nhìn thấy căn nguyên của bệnh tật và chữa trị từ gốc. Đạo Phật nhấn mạnh đến tính cách vô thường, sự thay đổi trong đời sống, là một nguyên nhân tạo ra khổ đau. Sự thay đổi hay chuyển biến đó tác động vào đời sống thể chất (cơ thể của chúng ta) và tinh thần. Và vì sự thay đổi luôn luôn xảy ra nên chúng ta phải đối diện với cái khổ bất cứ lúc nào.

Về phương diện thể chất, đức Phật nói rõ bốn trường hợp chúng ta cảm nhận rõ rệt nhất sự khổ đau: Sinh, già, bệnh và chết. Khi người mẹ sinh con, áp lực đẩy hài nhi ra khỏi bụng mẹ tạo nên một sự đau đớn dữ dội cho người mẹ lẫn đứa con. Nếu chúng ta quá già nua tuổi tác thì cảm thấy buồn phiền vì sức khỏe yếu kém và hay bệnh tật. Những lúc bệnh tật thì già hay trẻ cũng đều đau đớn và khó chịu như nhau. Còn lúc cái chết xảy ra thì kẻ qua đời sợ hãi và người thân còn sống khổ đau vô cùng.

Về tinh thần, những gì chúng ta muốn, chúng ta thích mà bị xa lìa, mất mát, điều gì chúng ta ghét mà phải cận kề thì chúng ta khổ đau. Khổ đau đó là do hậu quả của một sự căng thẳng, một áp lực khó chịu trong lòng chúng ta. Áp lực hoặc sự căng thẳng thể chất hay tinh thần đó là nguồn gốc của mọi bệnh tật. Vì thế, đức Phật dạy mọi hiện tượng đều do tâm mình tạo ra. Nếu tâm bất an, buồn rầu, bực bội, chán chường, tiêu cực gây nên bệnh tật thì tâm an vui, thoải mái, trong lành, tích cực, bao dung tạo ra sức khỏe và làm cho bệnh tật tiêu trừ. Do đó, đức Phật dạy chúng ta phương pháp thực hành sống đời an vui và khỏe mạnh.

Khả Năng Chữa Trị Bệnh Tật Nơi Chúng Ta

Những cuộc thí nghiệm càng lúc càng gia tăng về yếu tố tinh thần tác động vào sự lành mạnh hay đau yếu thân thể giúp cho chúng ta thấy có sự liên hệ chặt chẽ giữa hai bên thân và tâm. Để thấy rõ những gì xảy ra trong thực tế, chúng ta hãy nghe bác sĩ Herbert Benson, chuyên viên về tim của trường đại học Y Khoa Harvard kể câu chuyện về khả năng chữa trị bệnh tật của bệnh nhân như sau:

Mike là một thương gia thành công ở vùng New York. Một hôm trong một chuyến du hành thương mại anh ta đi đến một quán ăn ở Paris. Chẳng may chỗ anh ta ngồi bốn bức tường châu lại như một cái vòm làm anh có cảm tưởng mình bị úp trong đó. Người trong phòng càng lúc càng đông. Anh ngồi ngược với cửa ra vào. Khói thuốc càng lúc càng gia tăng với số người. Một cơn sợ hãi khoảng hẹp (claustrophobia) dữ dội xuất hiện. Anh thở ngáp cá, bao tử thắt lại và biết rằng nếu anh không đi ra khỏi nơi đó thì anh có thể chết. Anh xin lỗi các bạn ngồi ăn rồi đi nhanh ra khỏi phòng. Đến một chiếc trụ bên vệ đường, anh ta đứng tựa và thở hổn hển.

Kể từ đó anh phát ra chứng sợ hãi chỗ hẹp. Chứng này càng lúc càng gia tăng làm cho anh sợ hãi cả đi cầu thang máy, ngồi phía sau các xe không có cửa sau, v.v… Sau đó nhờ người bạn chỉ dẫn, anh ta cầu nguyện và thực hành thiền, theo dõi hơi thở, làm cho tinh thần thoải mái và từ đó bệnh tình thuyên giảm, đời sống trở lại tốt đẹp.

Ông Norman Cousin là người bị ung thư và các bác sĩ cho biết ông sẽ không còn sống bao lâu. Ông ta không chấp nhận điều đó và thực hành chương trình tự chữa trị lấy qua đời sống an vui, thoải mái và tươi mát. Sau đó ông ta lành bệnh, viết sách nói về sự tự chữa trị bệnh ung thư và trở thành một người nổi tiếng. Khi làm việc cho trường đại học UCLA ở California, người ta gởi đến ông một bệnh nhân ung thư vì một lý do đặc biệt là bà này không chịu mổ cắt ung thư nơi ngực dù bệnh đang ở trong thời kỳ nguy kịch. Ông Cousin cho bà thử phương pháp làm gia tăng nhiệt độ của bàn tay. Nữ bệnh nhân tỏ ra một người có khả năng đặc biệt trong việc này. Bà đã làm cho bàn tay tăng đến 14 độ (fareinheit). Sau khi được hướng dẫn thực hành các phương pháp thiền quán, bà trở về lại nhà thương. Các bác sĩ khám nghiệm và thấy vùng ung thư hoàn toàn biến mất.

Sự yên vui, thoải mái, tỉnh thức và niềm tin có thể tạo nên những kết quả kỳ diệu cho sức khỏe. Ngược lại sự lo lắng, sợ hãi hay giận dữ cũng có thể tạo ra những bệnh tật cho ta. Ngoài ra, có những trường hợp sự giận dữ hay hung hăng thái quá có thể tạo ra những cái chết bất ngờ.

Tự Giết Mình Bằng Sự Tức Giận

Bác sĩ Deepak Chopra kể lại câu chuyện anh Arthur Elliott, một luật sư trên 30 tuổi đến phòng cấp cứu bệnh viện vào buổi tối vì anh ta cảm thấy bị đau buốt nơi ngực. Bác sĩ trực khám và thấy không có triệu chứng gì của bệnh tim cả và vì anh không có bệnh tim trước đây nên bác sĩ này cho rằng anh ta chỉ bị vọp bẻ nơi bắp thịt ngực cùng dặn ngày mai anh trở lại để làm một cuộc khám nghiệm toàn diện.

Anh trở về nhà một cách miễn cưỡng. Một giờ sau đó, một cơn đau ngực tái phát và anh lại chạy vội đến nhà thương. Bác sĩ Deepak khuyên nhủ anh vài lời nhưng tinh thần anh ta rất căng thẳng. Sau khi khám nghiệm, bác sĩ thấy không có gì đáng ngại nhưng cũng quan sát nhịp đập của tim anh qua tâm động đồ (máy chiếu lên màn ảnh hay ghi trên giấy đồ biểu nhịp đập của tim.) Cũng không thấy có dấu hiệu gì bất thường cả.

Sáng hôm sau, để cho chắc chắn hơn, viên bác sĩ này lại nhờ các đồng nghiệp quan sát kỹ kết quả trên tâm động đồ của anh và thấy có một sự sai biệt rất nhỏ. Bác sĩ Deepak thông báo với anh Elliott: “Đó có thể là bắp thịt tim của anh bị tổn thương rất nhỏ giữa hai thời kỳ bị đau vào tối hôm qua.” Bác sĩ định nói thêm là điều này cũng không có gì nguy hại cho anh ta vì quả tim lành mạnh thường có khả năng làm cho vết thương nhỏ ấy lành nhanh chóng. Tuy nhiên, anh ta vội la lên: “Điều này thật quá sức! Các anh chẳng coi tôi ra cái gì cả. Các anh chỉ quan tâm khi tôi bị chết mà thôi. Các anh không thể chạy chối vào đâu được.

Tôi sẽ làm cho các anh trả đúng mức những điều các anh làm!” Nói khác đi người luật sư này muốn kiện các ông bác sĩ về tội hành nghề không chu đáo. Anh ta liền bốc điện thoại gọi ngay cho đồng nghiệp của mình và tinh thần mỗi lúc một thêm căng thẳng. Huyết áp của anh lên cao quá mức, các bác sĩ chỉ cho anh thuốc giảm áp huyết cùng an thần. Tuy vậy, không gì thay đổi tình trạng được cả. Một giờ sau đó, khi miệng vẫn đang tiếp tục nói trong điện thoại, anh bị một cơn đau ngực dữ dội và anh chết sau đó do bắp thịt tim bị toét, có thể do những chấn động dữ dội của mạch máu vào tim.

Điều đáng chú ý là mạch máu anh ta không bị chất cholesterol đóng, anh lại không hút thuốc, không bị chứng áp huyết cao, bắp thịt tim cho tới trước lúc đó không bị bệnh hoạn hay hư hại gì cả. Như thế, anh chết không phải vì bệnh mà vì cái nhìn sai lầm về điều đang xảy ra. Cái nhìn sai lầm ấy tạo nên sự tức giận đưa đến cơn kích động làm cho anh chết.

Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy rõ đó là sự chấp dính vào các điều không có thật. Những điều ấy xuất hiện rồi thay đổi mà đức Phật gọi chung là các pháp hữu vi: những màu sắc, dáng vóc, âm thanh, mùi, vị, những cảm giác của thân thể cùng các hiện tượng bên trong hay bên ngoài chúng ta đều do các yếu tố kết hợp với nhau mà thành tùy theo các điều kiện xuất hiện nên gọi là duyên hợp. Chúng luôn luôn thay đổi, chuyển biến tùy theo các điều kiện thuận hay nghịch xuất hiện. Do đó, chúng ta phải thấy rõ tính cách năng động, chuyển biến không ngừng và đừng dính mắc vào cái thấy sai lầm về tính cách cố định của sự vật theo cái thấy biết bị giới hạn của chúng ta vì chúng:

“Như mộng, huyễn, bọt, bong,
Như sương cũng như điển…”
Kinh KimCang
Niềm Tin Có Khả Năng Làm Lành Bệnh”

Trong giới y sĩ, câu chuyện chữa trị đặc biệt do bác sĩ Bruno Kloper kể lại đã trở thành một câu chuyện phổ biến trong giới này và trở thành một ví dụ của sức mạnh của niềm tin. Bác sĩ Kloper chữa trị cho một bệnh nhân, ông Wright, bị bệnh ung thư hạch bạch huyết. Người ông ta bị sưng lên với những cục bướu ung thư nhiều lúc lớn bằng quả cam và chảy ra hơn cả lít nước trắng đục. Mọi người đều biết ông ta không còn sống lâu nữa.

Ông Wright vẫn còn muốn sống. Ông nghe có một loại thuốc trị ung thư mới tên là Krebiozen đang được thử nghiệm. Ông ta muốn dùng loại thuốc đó. Ban đầu bác sĩ không đồng ý vì điều kiện thí nghiệm thuốc mới đòi hỏi bệnh nhân phải sống ít nhất vài tháng trong khi các bác sĩ cho rằng ông ta chỉ sống được vài tuần. Nhưng vì sự thiết tha năn nỉ mà bác sĩ mềm lòng nên chích thuốc này cho ông.

Mười ngày sau khi chích thuốc, ông ta hoàn toàn như hết bịnh. Sau đó tin tức từ báo chí cho biết loại thuốc thí nghiệm nói trên không có hiệu quả thì bệnh tình của ông ta lại trở nên trầm trọng như trước. Các bác sĩ nhận thấy sự liên hệ kỳ lạ này nên quyết định một cuộc thí nghiệm đặc biệt. Bác sĩ ông ta quyết định cho chích một thứ dung dịch không phải thuốc nhưng vô hại và nói với ông Wright đây là loại thuốc trị ung thư Krebiozen được cải tiến và liều thuốc chích mạnh gấp đôi. Để cho sự mong muốn được chích thuốc gia tăng, viên bác sĩ hoãn giờ chích thuốc lại và cho bệnh nhân với dáng vẻ vô cùng trịnh trọng.

Cũng như trước đây, chỉ vài ngày sau là các cục bướu nơi ngực ông Wright xọp xuống, nước thôi chảy và khỏe dần. Cũng như lần trước, ông lại rời bệnh viện với thân thể lành mạnh không còn những triệu chứng như trước. Điều làm cho nhân viên bệnh viện ngạc nhiên là ông Wright không được chích thuốc và chỉ được chích nước lạnh khử trùng.

Ông sống khỏe mạnh được hai tháng thì tin tức về loại thuốc kia được báo chí phổ biến một thông cáo của hiệp hội Y Khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) như sau: “Cuộc thí nghiệm toàn quốc về loại thuốc Krebiozen chứng tỏ loại thuốc này vô dụng trong việc chữa trị ung thư.” Vài ngày sau ông lại xuất hiện ở bệnh viện, lần này ông ta hoàn toàn tuyệt vọng với những bướu ung thư nổi lên như trước. Chỉ hai ngày sau, ông ấy qua đời.

Trường hợp một tu sĩ Thần Đạo (Shinto) của Nhật Bản lại có kết quả ngược lại chuyện trên. Một toán bác sĩ ở trường đại học y khoa Kyushu ghi lại một trường hợp nghiên cứu về sự lành bệnh đặc biệt của một bệnh nhân với tên H. trong tài liệu nghiên cứu. Bệnh nhân bị ung thư nơi cổ họng và được các bác sĩ cắt chỗ ung thư. Vài tháng sau, ông ta trở lại cho biết bị đau vùng cổ họng. Bác sĩ khám và thấy vùng phát âm nơi cổ ông bị ung thư, họ đề nghị mổ. Nhưng ông ta là một người lãnh đạo tinh thần và phải thuyết giảng cho tín đồ nên không chịu giải phẫu vì sẽ không còn nói được. Sau khi về nhà, ông thăm một người cấp trên và ông này nói: “Ông là một bảo vật của giáo hội chúng ta.” Câu nói đó làm ông cảm xúc rất nhiều và quyết định tiếp tục thuyết giảng.

Nhiều năm sau đó bác sĩ khám lại và thấy ung thư nơi vùng cổ hoàn toàn biến mất. Ông ta qua đời ba mươi năm sau kể từ ngày ông khám nghiệm bị ung thư do một chứng đau lưng.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.