Kính Ngưỡng Tăng Bảo

Tam bảo trong Phật giáo gồm có Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Ở Hoa Kỳ, dường như người ta chỉ chú trọng đến hai thành phần quý giá trước là Phật bảo và Pháp bảo. Người ta nghĩ rằng, “Tôi sẽ thực hành thiền định tại nhà, đọc rất nhiều kinh sách viết về sự giác ngộ, rồi đi dự những khóa tu ẩn cư. Trong vòng từ ba đến năm năm, tôi sẽ đạt được sự giác ngộ và có thể giữ gìn sự giác ngộ đó suốt phần đời còn lại của mình”. Tại các trung tâm tu học, đó chính là quan điểm của một người ích kỷ, “Họclấy giáo pháp rồi chuồn!”. Điều đó giống như việc nghĩ rằng sự thân thiết chân tình và việc chấm dứt nỗi cô đơn có thể được tìm thấy trong một chuỗi những cuộc gặp từng đêm một. Điều đó hoàn toàn không phải là cách hoạt động của mối quan hệ giữa người với người hay mối quan hệ trong giáo pháp. Những mối quan hệ đó luôn đòi hỏi nhiều công phu.

Tôi đã từng nghe nhiều người nói, “Tôi thực hành một mình tôi và tôi chẳng có quan hệ gì với Tăng-già”. Vì sao chúng ta cứ muốn bỏ qua Tăng bảo? Có lẽ vì mối quan hệ giữa người với người là rắc rối và không thoải mái. Một vị giáo thọ gọi Tam bảo là “hai viên ngọc và một tảng đá”. Vào cuối một thời thiền định, chúng ta có thể có suy nghĩ, “Ồ, tôi yêu thương tất cả mọi người biết bao!”. Nhưng trong một cuộc tập họp đông người, chúng ta có thể nghĩ về cùng những con người ấy,“Mình hãy rời khỏi nơi này! Mấy người này làm mình phát điên lên được. Tôi đâu có thực hành thiền định để tham dự những cuộc hội họp rồi tranh cãi nhau về việc làm thế nào điều hành một tổ chức đâu!”.

Tại sao chúng ta cần phải kính ngưỡng Tăng bảo? Chúng ta kính ngưỡng Tăng bảo như là một cách kiểm chứng cái nền tảng sự thực hành của mình. Để yêu thương một con người lý thuyết thì chẳng có gì là khó khăn. Lão sư Tetsugen từng nói, “Rất dễ để bạn mở lòng ra trước những đau khổ của số đông dân chúng ở hải ngoại. Nhưng việc thương yêu một người trong gia đình bạn hay trong Tăng-già của bạn thì khó hơn”. Lão sư Maezumi thường nói rằng Tăng bảo giống như một con lật đật bằng đá. Khi chúng ta cọ xát với nhau lần lần chúng ta sẽ mài mòn những khía cạnh gai góc của nhau.

Đức Phật gọi sự hòa hợp của Tăng-già như là “sự trộn lẫn của nước với sữa”. Chúng ta có thể nghĩ rằng các vị đệ tử của Đức Phật đã sống với nhau trong sự thanh thản, mặc dù chư vị vẫn đại diện cho tất cả mọi mức độ đau khổ và trong sáng của loài người, hệt như chúng ta ngày nay.

Một lần nọ, hai nhóm Tỷ-kheo “tranh chấp, cãi cọ, lún sâu vào trong sự tranh cãi, tạt vào mặt nhau những lời nói độc địa như mũi dao”. Phát hiện ra có ba vị Tỷ-kheo vẫn sống “trong sự hòa hợp, có sự quý trọng nhau, không hề tranh cãi,… nhìn nhau bằng những ánh mắt từ ái”, Đức Phật hỏi chư vị điều đó xảy ra bằng cách nào. Các vị Tỷ-kheo ấy trả lời rằng chư vị duy trì sự im lặng, giữ gìn sự từ ái trong mọi suy nghĩ, lời nói, và hành động, cả lúc ở chung với nhau lẫn khi ở một mình. Chư vị luôn luôn xem xét đến việc gạt ra một bên những gì chính mình muốn làm và làm những gì những người khác muốn. Chư vị thưa với Đức Phật, “Bạch Thế Tôn, chúng con khác nhau về thân xác này, nhưng chúng con là một về tinh thần”.

Chúng ta kính ngưỡng Tăng bảo như là sự nâng đỡ cho việc thực hành giáo pháp của mình. Ngay cả những người sơ cơ cũng có thể cảm nhận được sức mạnh và sự chú tâm của buổi tọa thiền được tăng cường khi có mặt trong một nhóm. Ngồi thiền một mình ở nhà, một người có thể ngồi được trong thời gian 20 phút. Có mặt trong một tập thể có chư Tăng hướng dẫn, thời gian tọa thiền có thể kéo dài tới 30 phút.

Khi dự một khóa tu ẩn cư, chúng ta đang thực hiện một cam kết là sẽ cùng thực hành với nhau cả ngày trong một thời gian từ ba đến bảy ngày. Khi rời nhà để đến dự một khóa tu ẩn cư, ta có thể nghĩ, “Mình quá bận để có mặt trong khóa tu này. Có lẽ mình nên gọi điện thoại báo là hủy việc tham dự”. Nhưng vì chúng ta đã hứa là sẽ đến với khóa tu để thực hiện một số công việc nhất định nào đó, cuối cùng chúng ta vẫn có mặt. Áp lực của những người đồng hàng với mình thúc đẩy chúng ta tiến tới trước. Chúng ta bắt đầu khóa tu ẩn cư; và một lần nữa, chúng ta lại phát hiện ra, với lòng thanh thản và sự vui thích, rằng ta vẫn có khả năng dự phần vào những kinh nghiệm của việc cùng nhau thanh lọc thân tâm.

Kinh Nguong Tang BaoHành thiền cung cấp những kinh nghiệm cụ thể nhất về Tăng bảo. Trong lúc tham dự khóa tu ẩn cư, chúng ta có khả năng gạt qua một bên mọi kế hoạch cá nhân, mọi lo lắng, tham vọng, và những hành động thể hiện quyền lực. Chúng ta ăn uống, ngồi yên, đi lại, làm việc, và ngủ nghỉ trong sự hòa hợp của một nhóm người. Thực hiện việc tọa thiền cùng nhau giờ này qua giờ khác, chúng ta cũng đưa tâm trí chúng ta đến với sự hòa hợp và với Tiếng Hát của Vũ Trụ.

Khi Đức Phật hỏi các Tỷ-kheo về việc làm thế nào chư vị đã sống được với nhau trong sự hòa hợp, các Tỷkheo trả lời, “Chúng con không phá vỡ sự yên lặng”.Có một cảm giác tuyệt vời của sự hòa hợp xuất hiện trong buổi tọa thiền khi chúng ta không nói gì. Ban đầu, điều đó có vẻ ngớ ngẩn, lạnh lẽo, và còn khiếm nhã nữa. Nhưng rồi tình trạng im lặng trở nên êm ả, giống như những cặp đôi lặng lẽ khiêu vũ bên nhau đang lướt đi theo một giọng nói chung. Với nhận thức tinh tế và cởi mở hơn, chúng ta lặng lẽ nhìn nhau và hướng dẫn nhau chẳng có một chút khó khăn nào. Điều đó thực sự là, “Bạch Thế Tôn, chúng con khác nhau về thân xác này, nhưng chúng con là một về tinh thần”.

Chúng ta kính ngưỡng Tăng bảo với tính cách là phương tiện làm nảy nở sự thực hành tinh tấn của mình. Nếu như Đức Phật lặng lẽ bỏ đi và chỉ dạy bảo cho từng người sau khi Ngài chứng ngộ đạo giải thoát, sẽ có bao nhiêu người đã đến được với đạo pháp? Có lẽ chỉ một vài người. Chính là thông qua Tăng bảo, đời sống mẫu mực của những đệ tử tại gia, và sự giáo hóa do những đệ tử đã xuất gia của Ngài, mà giáo pháp của Đức Phật được lan tỏa khắp thế giới. Chính là Tăng bảo đã thể hiện và làm lan truyền trong loài người trí tuệ và từ bi của bậc Giác Ngộ.

Chúng ta kính ngưỡng Tăng bảo với tính cách là những bậc thiện tri thức trong cuộc sống tinh thần của mình. Khi ngài A-nan thưa với Phật rằng các vị thiện tri thức là một nửa của cuộc sống thánh thiện, Đức Phật đã trả lời rằng các bậc thiện tri thức và những người đồng phạm hạnh là toàn thể cuộc sống thánh thiện. Nhưng chúng ta không thể ngồi yên và chờ cho các vị thiện tri thức xuất hiện với mình. Chúng ta phải tạo ra những vị thiện tri thức ấy bởi cách chúng ta suy nghĩ, nói năng, và hành động.

Chúng ta sẽ thực hành như thế nào nếu sự tiến bộ nhỏ nhất của chúng ta cũng tùy thuộc vào người nào khác có được sự tiến bộ trước? Chúng ta sẽ được thúc đẩy rất nhiều để giúp mọi người cùng tiến. Chúng ta sẽ thình lình trở nên rất bận rộn chạy theo người trước và tránh được sự xô đẩy của người sau. Điều đó không chỉ là lý thuyết. Đó là sự thật. Sự tỉnh giác của chúng ta tùy thuộc vào sự tỉnh giác của tất cả những người khác. Sao vậy? Vì chúng ta là bộ phận của một toàn thể. Một phần của quả bóng không thể di chuyển nếu tất cả những phần khác của quả bóng không chịu di chuyển theo cùng một hướng.

Chính là nhờ có Tăng bảo mà việc thực hành cá nhân của ta được nâng đỡ, được kiểm chứng, được mở rộng, được tăng cường, được khuếch đại, và được phát tán. Chính là nhờ Tăng bảo mà sự thực hành của chúng ta xuất hiện từ chỗ ý tưởng được nuôi dưỡng trong tâm ta rồi được sinh thành, tăng trưởng một cách đều đặn và trở thành hoạt động sống động.

Mức độ kính ngưỡng Tăng bảo của ta chính là sự đo lường nhận thức của ta về sự thật của tính tương liên. Chúng ta cần thực hành cùng với Tăng bảo cho đến khi chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng ở mọi thời gian đã qua từ những vẻ ngoài đến Phật tính tỏa sáng của từng người. Khi ta đã có thể thực hiện được điều đó ta sẽ muốn được thực hành trong một nhóm người gồm tất cả những vị Phật ấy. Bấy giờ, chúng ta nhìn ngắm những người đang đi đến với mình bằng một sự thận trọng và tự hỏi, “Vị Phật hóa thân một cách khéo léo kia sẽ có thể dạy mình những gì đây?”.

Chúng ta không thể chọn để kính ngưỡng riêng các thành phần nào của Tam bảo, vì Tam bảo không thể tách rời. Tam bảo thường được tượng trưng bằng một viên ngọc có ba phần. Tôi tin chắc rằng Tăng bảo chính là phần rộng lớn nhất ở dưới đáy có tác dụng giữ vững cho các phần còn lại. Chỉ nhờ dựa trên nền tảng vững chắc của Tăng bảo mà Phật bảo và Pháp bảo mới có thể được nhận biết. Sự kiểm chứng chắc thực nhất về việc Phật bảo và Pháp bảo đã được ta nhận thức một cách vững chắc như thế nào chính là việc ta sống với những người khác như thế nào. Chúng ta có thể nhìn thấy người khác qua những con mắt của Phật bảo và Pháp bảo không? Chúng ta có thể nói năng và hành động từ trung tâm tỏa sáng của Tam bảo không?

Chúng ta có thể kính ngưỡng Tăng-già như thế nào? Người ta nói với tôi, “Chúng ta nên có nhiều hoạt động của Tăng-già  hơn”. Được lắm, thế thì hãy làm đi! Người thầy không phải là một vị giám đốc những hoạt động của một chiếc du thuyền. Việc xây dựng Tăng-già đến từ bên trong. Từ bên trong chúng ta. Kính ngưỡng Tăng-già có nghĩa là giúp mọi người cảm nhận được là mình có giá trị, tiếp nhận một cách vui mừng, và có khả năng tham dự vào việc thực hành tâm linh. Hãy cùng nhau thực hành một cách tinh cần và toàn tâm toàn ý, kính ngưỡng và bảo vệ Tăng-già. Đó chính là cách các vị Phật cho ra đời các vị Phật.

Nguồn: Cherish the Sangha Treasure.

Jan Chozen Bays là bác sĩ nhi khoa và là một giảng sư về Thiền học, hiện hành trì tại Oregon. Từ năm 1977, bà là đệ tử của Lão sư Hakuyu Taizan Maezumi rồi được truyền pháp vào năm 1983. Từ năm 1990 đến nay, bà chuyên tâm đào sâu và mở rộng sự thực hành của mình theo khuynh hướng của dòng Lâm Tế Nhật Bản. Bà hiện là thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới (Board of World Religious Leaders).

JAN CHOZEN BAYS – HÀ DUY AN dịch – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 138

http://vanhoaphatgiaoblog.com/phatphap/kinh-nguong-tang-bao.html

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.