Mạc Thiên Tích với Hà Tiên Thập Cảnh

Một trong những tuyến tham quan có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với du khách, đó là Hà Tiên. Bạn đã từng tới Hà Tiên rồi sao? Xin chúc mừng bạn. nhưng, lúc ở Hà Tiên có bao giờ bạn cảm thấy bâng khuâng khi chợt nghĩ đến người đã có công tạo ra những tên thật đẹp và thật thân thương cho miền đất này không? Chưa ư? Vậy thì chúng ta hãy bắt đầu nhé.

Năm 1949, sau gần ba trăm năm tồn tại (1368-1649), nhà Minh sụp đổ, nhà Mãn Thanh được dựng lên. Một phong trào phản kháng khá mạnh, mang tên gọi chung là bài Thanh phục Minh (bài trừ nhà Thanh, khôi phục nhà Minh) dã dấy lên trên hầu khắp Trung Quốc suốt mấy chục nam trời. Cuối cùng tất cả đều bị đè bẹp. hàng ngàn hành viên của lực lượng bài Thanh phục Minh đã buộc phải rời bỏ quê cha đất tổ đi tìm chốn dung thân. Riêng năm Kỉ Mùi (1679), xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn đã tiếp nhận đến trên ba ngàn người. Họ định cư và lập nghiệp ở nước ta, quy tụ thành lực lượng mà ta quen gọi người Minh Hương.

Xem ra, người Minh Hương cũng di cư đến đây trước sau gồm nhiều đợt chứ không phải chỉ có một lần duy nhất vào năm Kỉ Mùi (1679) như đã nói ở trên. Có khi họ cùng nhau đi thành từng nhóm khá đông, nhưng có có khi, họ đi rất riêng rẽ. Trong số những người đi riêng rẽ ấy có Mạc Cửu (1655-1736).

Mạc Cửu người Lôi Châu (Quảng Đông, Trung Quốc ) bỏ xứ mà đi năm 1671. Lúc đầu, ông phiêu bạt đến đất Chân Lạp, sau thấy nội tình Chân Lạp rối ren, ông đến định cư ở Hà Tiên. Bây giờ, đất ấy người Chân Lạp gọi là Péam còn thương nhân người Hoa thì gọi là Mang Khảm. Mạc Cửu muốn thi vị hóa vùng đất quê hương mới của mình, bèn truyền rằng ở đó, đêm đêm trên sóng nước của những dòng sông, có các nàng tiên tới múa hát. Sông có tiên, nên đất có sông ấy cũng gọi là Hà Tiên

Mạc Cửu là người gốc Hoa nhưng vợ Mạc Cửu (bà Bùi Thị Lẫm, quê ở Đồng Nai) lại là người Việt. Ông bà tổ chức khẩn hoang, lập nên bảy xã thôn, bao gồm cả một vung rộng lớn, tương ứng với Kiên Giang và Minh Hải ngày nay. Sau Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), tình nguyện quan trấn giữ cõi biên thùy tây nam cho chúa Nguyễn
Mãi đến năm Bính Tuất (1706), năm Mạc Cửu 51 tuổi, bà Bùi Thị Lẫm mới sinh hạ cho ông được một người con trai, đó là Mạc Thiên Tứ (cũng tức là Mạc Thiên Tích). Sách Đại nam thực lục (Tiền biên, quyển 6) chép

“Mạc Thiên Tứ tự là Sĩ lân, con trưởng của Mạc Cửu. khi ông sinh ra có điềm lạ: nước trong sông Lũng Kì bỗng dưng phun vọt lên cao, để lộ ra một tượng vàng áng chừng bảy thước. Sứ man đi qua trông thấy liền nói với Mạc Cửu rằng

Đó là điềm nước ông sinh người hiền, phúc đức lớn khó lường hết. Mạc Cửu sai người đi rước tượng vàng về, nhưng làm cả trăm cách cũng không sao kéo lên được, vì thế ông sai dựng chùa nhỏ ở bên sông Lũng Kì để thờ. Mạc Thiên Tứ cũng ra đời vào đúng ngày hôm đó, cho nên thiên hạ truyền rằng, ông chính là Bồ Tát hiện thân”

Ngay từ thuở ấu thơ, Mạc Thiên Tứ đã nổi tiếng là người thông minh và đức độ. Với chúa Nguyễn, ông là người rất trung thành; với song thân, ông là người rất hiếu thảo; với trấn Hà Tiên, ông là người có công xây dựng nhiều công trình để dấu tích tốt đẹp cho đến tận ngày nay. Năm 1735, Mạc Cửu qua đời, Mạc Thiên Tứ được chúa Nguyễn Phúc Trú (1725-1738) cho nối tiếp nghiệp cha, cầm đầu chính quyền trấn giữ miền biên cõi Hà Tiên. Một trang mới hơn, giàu sức hấp dẫn hơn của lịch sử Hà Tiên bắt đầu

Độc đáo nhất, cũng là thành công lớn nhất của Mạc Thiên Tứ chính là lập raChiêu Anh Các. Đúng như tên gọi của nó, Chiêu Anh Các là nơi quy tụ những người tài. Thống kê tất cả những ghi chép tản mạn của sử cũ, chúng ta có thể thấy đến con số trên bảy chục người tài, gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi địa phương, mọi tầng lớp, moi hệ tư tưởng, và thậm chí là có cả khá đông người Trung Quốc. Chiêu Anh Các có nhiều hoạt động phong phú khác nhau, nhưng nổi bật vẫn là ngâm vịnh xướng họa. nói khác hơn, Chiêu Anh Các là một thị xã, là nơi gặp gỡ của tao nhân mặc khách bốn phương

Người thành lập cũng là cây bút chủ lực của Chiêu Anh Các là Mạc Thiên Tứ. Ông làm thơ chữ hán khá điêu luyện đã đành, ông còn làm thơ chữ nôm cũng tương đối thành thục. Nổi tiếng khó tính như Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784) mà cũng đã phải thán phục, viết rằng: “ăn mạch một phương dằng dặc không dứt, thực đáng khen lắm thay” (Phủ biên tạp lục, quyển 5)

Gần như toàn bộ thơ Mạc Thiên Tứ là thơ ca ngợi thiên nhiên Hà Tiên. Nếu thân phụ của ông – Mạc Cửu là người đầu tiên tạo ra chất thơ cho tên gọi của mất cưu mang đùm bọc mình, thì ông là người đã kế thừa và phát triển một cách xuất sắc ý tưởng tốt đẹp này. Mạc Thiên Tứ đã viết mười bài xướng, ca ngợi mười cảnh đẹp của Hà Tiên. Văn nhân tài tử bốn phương tới tấp gửi bài họa đến, tính ra, có cả thảy trên ba trăm bài. Đó quả là con số không nhỏ. Mười cảnh đẹp của Hà Tiên mà Mạc Thiên Tứ ca ngợi là

1. Kim Dự lan đào (đảo vàng chắn sóng)

2. Bình Sơn điệp thúy (dãy núi như bức bình phong trùng điệp màu xanh)

3. Tiêu Tự thần chung (tiếng chuông buổi sáng sớm tron ngôi chùa tĩnh mịch)

4. Giang Thành dạ cổ (Tiếng trốn đêm ở thành bên sông)

5. Thạch Động thôn vân (hang dá nuốt mây)

6. Châu Nham lạc lộ (cò đậu triền đất đỏ)

7. Đông Hồ ấn nguyệt (trăng in xuống hồ phía đông)

8. Nam Phố trừng ba (bãi nam chắn sóng)

9. Lộc trĩ thôn cư (thôn xóm ở Mũi nai)

10. Lư khê ngư bạc (thuyền chài ở rạch vược)

Mỗi cảnh đều được gợi tả bằng bốn chữ, nhưng dân gian chỉ quen gọi tên cảnh bằn hai chữ đầu (Chúng tôi viết hoa hai chữ đầu cũng là vì thế). Trước Chiêu Anh Các, tất cả những cảnh đẹp nên thơ nói trên đều chưa hề có tên gọi, thậm chí, nhiều cảnh còn im lìm trong hoang sơ. Nhưng từ Chiêu Anh Các, từ mười bài khởi xướng của Mạc Thiên Tứ, tất cả bỗng bừng lên một sức hấp dẫn kì lạ. gần ba trăm năm qua, khách thập phương không ngớt tìm đến Hà Tiên. Và đã tới Hà Tiên là phải tìm đến cho bằng được cả mười cảnh đẹp à họ từng biết qua những vần thơ óng ả của Mạc Thiên Tứ

Giờ đây, sau gần ba trăm năm vật đổi sao dời, trải biết bao biến cố lớn lao của thời cuộc, trải sự tàn phá không thương tiếc của thời gian, mười cảnh đẹp Hà Tiên tuy không còn nguyên vẹn như xưa nữa, nhất là cảnh Giang Thành, nhưng đến với Hà Tiên, đến với đất khai sinh Chiêu Anh Các thuở nào, bạn vẫn có thể dễ dàng cảm nhận sự truyền cảm chân thành và ấm áp của cảnh cũ người xưa từ tất cả những gì chung quanh bạn. Cám ơn Mạc Thiên Tứ, cám ơn Chiêu Anh Các, cám ơn những vần thơ đã khiến cho chúng ta yêu thiên nhiên và con người hơn. Hình như Mạc Thiên Tứ đã góp phần tạo ra cảnh đẹp thứ mười một, cảnh đẹp không tên. Đó chính là cảnh đẹp đầy vẻ thanh thản trong lòng mỗi chúng ta sau khi đến Hà Tiên

Nguyễn Khắc Thuần – Trích trong tập Trông lại ngàn xưa (Nxb Giáo dục 1998)

http://mactoc.com/newsdetail/89/mac-thien-tu-nguoi-at-ten-cho-muoi-canh-ep-o-ha-tien.aspx

This entry was posted in Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.