Mặt Mũi Xưa Nay

Dung không thích cái mặt thật của mình. Đúng thế, làm sao mà thích cái khuôn mặt vô hồn, da chì chì như đá, lông mi ngắn ngủn như chổi cùn ấy. Mỗi ngày cô mở sách báo, mở tivi ra, đâu đâu cũng là những khuôn mặt gợi cảm, yêu kiều và vô vàn quyến rũ. Còn cô? Một cảm nhận khó chịu về khuôn mặt của mình cứ ngày một xâm chiếm tâm hồn cô. Giá mà không có cái mũi “dọc dừa” khá cao thì, Dung nghĩ, đời Dung xem như bỏ đi.

Ở nhà, ngoại trừ chiếc gương ở bàn trang điểm, Dung cấm tiệt mọi gương soi mặt là vì thế. Cho nên có thể nói là cô không nhìn thấy mặt thật của mình bao giờ cũng không mấy là sai. Cô lấy làm yên tâm. Gần ba mươi tuổi rồi còn độc thân, sống với bố mẹ, cô tuyên bố chủ nghĩa độc thân là lý tưởng muôn năm của mình. Ai bảo cô cũng gác ngoài tai.
Thật ra, cô dại dột nghĩ rằng chẳng có ai yêu nổi cô khi cô trình bày cái mặt thật của mình. Một cái ý nghĩ khác ngu xuẩn hơn nhưng lại thời thượng hiện nay đã giết chết đời cô: phải giấu cái mặt thật của mình đi.

Đi đâu là cô trang điểm “mù” trước. Có thói quen nên mọi chuyện cũng khá dễ dàng đối với cô: thoa một lớp kem nền để che nước da chì chì lại, kẻ đôi lông mày, gắn đôi lông mi giả. Chẳng nhìn vào gương soi mặt, tất cả xong xuôi. Kế đó, cô mới đối diện với gương trang điểm để “rờ-tút” lại, vẽ mắt, tô môi, tỉa  tót từng chỗ nho nhỏ khác. Phải công nhận rằng mỹ phẩm và trang phục ngày nay tuyệt vời vô vàn. Không phải chỉ khuôn mặt cô đã hoàn toàn đổi khác, như của một người mẫu, mà cả thân thể cô đều biến đối. Quần “gin”, áo nịt ngực, giày gót cao… Dù không phải là siêu hạng gì thì bây giờ cô đã không còn kém chị, kém em.

Cô yêu vô cùng người đối diện cô trong gương. Cô gái trong gương ấy thực hơn cô gái ngoài đời. Chính thị đã đem lại cho cô tiền bạc, việc làm, lời khen và  cả lòng tự tin, yêu đời. Chính thị tham gia vào cõi đời này, chen đua, lấn lướt, mè nheo, …

Thế nhưng, con chó Vện thân yêu của cô nó lại phản phúc vô cùng. Bình thường, cô bảo gì nó nghe nấy, nói nằm là nằm, nói đi ra ngoài là đi ra ngay. Nó cứ quanh quẩn bên cô, như thể chực ăn, như thể để bảo vệ cô chủ của nó từng mỗi phút giây. Bà ngoại của Vện đã ở với cô cả chục năm trước, mẹ của Vện cũng đã sống với cô từ năm, sáu năm trước. Giá đêm Noel năm ấy, lũ “chó tặc” không tròng sợi dây thép vào cổ, xách bổng mẹ nó lên khỏi mặt đất và rú xe chạy ào ào. Ba đời ở với gia đình cô, Vện mang cái truyền thống trung thành tận tụy. Thế mà cô cứ trang điểm xong, chuẩn bị đi làm là nó gầm gừ như thể cô là một kẻ lạ, như không hề biết cô. Nó như dị ứng cùng cực với mùi vị của các hóa chất trong mỹ phẩm cô dùng. Cứ xem đôi mắt nó long lên nhìn cô một cách hận thù khi cô đẩy chiếc Attila ra khỏi góc nhà thì biết nó ác cảm với cô chừng nào. Cứ như cô là một người xa lạ, cứ như cô là một người khác sắp sửa trộm cắp cái gì của cô chủ nó. Lạ thật! Khi cô đi làm về, nó cũng lặng lờ như không thấy, hoặc thấy một người không quen. Mãi đến khi cô trút bỏ hết lớp trang phục và son phấn dành cho khi đi ra ngoài nhà, tức khắc lại thấy nó lẩn quẩn đâu đó sau gót chân cô.

Dung không giấu được nỗi bực dọc với Vện. Song le năm này qua năm khác, rồi cô cũng quen và quên. Cô lo đời cô và Vện có đời nó. Nước sông và nước giếng có phạm gì nhau đâu, cô tự nhủ.

Con mèo Mun thì khác. Bao giờ nó cũng tìm cơ hội để phóc nhảy vào lòng cô, tìm chút hơi ấm nồng nàn. Cái mũi nhỏ đo đỏ cứ hít hít một cách vô tư và kêu meo meo nho nhỏ trong lòng cô. Lắm lúc bực mình, cô túm gáy nó, vất mạnh vào góc phòng. Thế nhưng, nhanh nhẹn và lì lợm hết sức, nó lại mon men lại gần cô, thừa cơ cô bất ý, chụi đầu và bò lại vào lòng cô. Chán nản, cô mặc kệ nó, rồi mỗi khi lại bực bội, cô lại túm gáy và ném nó vào góc phòng.

*    *    *

Buổi chiều Chủ nhật, nghỉ việc, Dung ở nhà, tay cầm chiếc gương soi. Con Vện cũng đã đi theo số phận của mẹ nó. Tụi “chó tặc” lại sử dụng chiêu cũ để bắt Vện chập choạng tối mấy ngày qua. Bây giờ, Vện có lẽ nằm ở một chuồng chó của một quán cầy tơ nào đó, hay có thể nó được tiêu hóa thành chất thải từ bụng một số thực khách. Và căn phòng của Dung trở nên vắng vẻ. Không biết sao cô lại muốn nhìn cái mặt thật của mình. Cô cảm thấy nhớ những cái lụng đụng của Vện đằng sau chân cô mỗi khi cô ra vào trong nhà. Cô cũng cảm thấy nhớ cái nhìn xa lạ của Vện khi cô sắp sửa đi làm. Cô cầm chiếc gương soi, tìm một chỗ sáng cạnh cửa sổ.

Dung nhấc lên bỏ xuống chiếc gương soi mấy lần. Rốt cuộc, Dung nhìn vào mặt mày của mình trong gương. Nhìn rất kỹ. “À, mình đó à!”, cô nói bằng giọng nói ở nhà, Đó là một giọng nói quê mùa của một vùng đất gần biển mà từ lâu cũng như gương mặt thật của cô, mỗi khi ra khỏi nhà, cô đã bỏ nó đi, thay bằng giọng nói của người thành phố. Cô làm thế để hòa vào dòng sinh hoạt nơi đây, để tạm bợ hòa vào với những con người xa lạ ngoài kia. Một duyên tình tạm bợ mà sao lâu dài lạ lùng.

NGUYỄN PHÚC – Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 130

http://vanhoaphatgiaoblog.com/truyen-ngan/mat-mui-xua-nay.html

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.