Nghiên Cứu Giáo Lý Tịnh Độ Khóa III

Nghiên Cứu Giáo Lý Tịnh Độ Khóa III – Trì Danh Tư Tưởng

Kệ Tán

Giáo Lý Tịnh Độ được truyền ra,

Tán dương Chánh Giác Phật Di Đà,

Tây Phương diệu dược chứa trong ấy,

Tham học đọc tụng liền nở hoa.

o0o

Đọc một, hai lần trần niệm tiêu,

Ba, Bốn tình nhiễm liền tan biến,

Năm, Sáu Bẩy lần được đọc qua,

Thẳng lên áo báu thành Thượng Thiện

Sở Thạch Đại Sư


Mục Lục

I. Trì Danh Niệm Phật

II. Việc lớn Sanh Tử

III. Tịnh Độ Tư Lương

IV. Tịnh Độ Chánh Hạnh

V. Tịnh Độ Siêu Thăng

VI. Tôn Chỉ Trì Danh

VII. Hiện Hành Phiền Não

VIII. Nhiếp Tâm Chuyên Chú

IX. Thụy Ứng Vãng Sanh

X. Tu Tập Nhất Tâm Bất Loạn


Dẫn Nhập

Tất cả Lý môn lấy việc minh tâm làm cốt yếu, tất cả hành môn lấy tịnh tâm làm cốt yếu, nhưng cốt yếu của sự minh tâm có gì bằng niệm Phật. người niệm Phật nhớ Phật hiện tiền tương lại chắc được gặp Phật, không mượn phương tiện tự nhiên tâm được mở tỏ, như thế, niệm Phật không phải là điều cốt yếu của minh tâm sao? Điều cốt yếu của Tịnh tâm không gì bằng niệm Phật, một niệm tương ứng là một niệm Phật, mỗi niệm tương ứng là mỗi niệm Phật, như thanh châu bỏ vào nước đục, nước đục sẽ thành trong. Hiệu Phật chủ trì tâm tán loạn, nên niệm Phật tâm tán loạn sẽ thành tâm Phật. Như thế, niệm Phật không phải là điều cốt yếu của tịnh tâm sao? Do đó, một câu hiệu Phật bao gồm hai điểm cốt yếu là ngộ và tu, nếu nói giác ngộ thì tín nắm ở trong, nếu nói tu thì chứng có đủ. Tín, Giải, Tu, Chứng đầy đủ chính là chỗ cốt yếu của các Kinh Đại Thừa và tiểu Thừa. Như thế, câu A Di Đà không phải là chỗ cốt yếu của Đạo sao?

Tâm nhất niệm hiện tiền của của chúng ta thì tất cả chơn thành vọng, tất cả vọng thành chơn, suốt ngày bất biến mà suốt ngày tùy duyên. Nó không duyên theo cõi Phật và niệm Phật, mà lại niệm chín cõi phàm phu không niệm ba thừa mà lại niệm sáu nẻo, không niệm trời người mà niệm ba đường dữ, không niệm quỉ súc mà niệm địa ngục. Vì niệm phàm luôn luôn có trong tâm, nên không bao giờ có vô niệm, tâm vô niệm chỉ có Phật mới chứng được.

Từ bậc Đẳng Giác trở xuống tâm đều có niệm, phàm khởi bất cứ một niệm nào thoát khỏi ra ngoài, vì mười cõi, không ở ngoài tâm, nên một khi khởi niệm là một duyên thọ sanh. Do đó, nếu không khởi tâm niệm Phật thì không thể vào cõi Phật mà phải thọ sanh nơi chín cõi. Người niệm Phật tương ứng với tâm bình đẳng đại từ đại bi, công đức y báo chánh báo và vạn đức hồng danh là cảnh giới của họ. Tương ứng với Bồ Đề Tâm, sáu độ muôn hạnh là cảnh giới của người niệm Bồ Tát. Tương ứng với tâm vô ngã và mười hai nhân duyên là cảnh giới của người niệm Thanh Văn. Cùng tứ thiền bát định và thượng phẩm thiện tương ứng là cảnh giới niệm Thiên. Nếu cùng năm giới tương ứng là cảnh giới niệm Nhơn. Nếu Tu giữ giới thập thiện các pháp nhưng trong tâm vẫn ôm giữ sân hận hơn thua thì lạc vào cảnh giới A Tu La. Nếu dùng tâm hèn nhát niệm hạ phẩm Thập ác liền bị đọa vào cảnh giới Súc Sanh. Hoặc dùng tâm nửa gấp nửa hoãn cùng với trung phẩm thập ác tương ứng liền bị đọa vào cảnh giới Ngạ quỉ. Nếu dùng tâm quyết liệt cùng với thượng phẩm thập ác tương ứng liền bị đọa vào cảnh giới Địa Ngục. Như thế, hằng ngày chúng ta có niệm gì sẽ cùng cảnh giới ấy tương ứng, nếu chúng ta mỗi ngày niệm nhiều cảnh ấy niệm lực mỗi ngày mỗi mạnh thì đó là nơi trở về chắc chắn của chúng ta không còn gì nghi ngại.

Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tánh ấy tròn sáng và vắng lặng, ở thánh không thêm ở phàm không bớt, nhưng vì bị vô minh che lấp nên từ thể nhất niệm trở thành vọng niệm. Muốn đoạn trừ vọng nệm, không phương pháp nào hơn là niệm Phật. Vì người niệm Phật lấy vạn đức hồng danh làm nhất niệm, nếu nhất niệm lúc nào cũng hiện tiền thì vọng niệm không do đâu mà có được. Lại nữa, người trì danh hiệu Phật là tương ứng với đại nguyện của Đức A Di Đà, lấy thâm tín thiết nguyện, trì danh làm tư lương tu hành, vững vàng như vạc có đủ ba chân, không thể xô ngã. Do đó, Tổ Ấn Quang phán định: Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn thẳng tắt nhất trong các pháp môn, mà phương pháp trì danh là phương pháp thẳng tắt nhất trong các pháp niệm Phật.

Theo Pháp môn niệm Phật, người tu phải có lòng thâm tín, phải tin lời nói của Phật Thích Ca Mâu Ni không hề dối trá, tin lòng Đại Từ Đại Bi của Phật A Di Đà không có nguyện dối, tin được như thế, khi gây nhơn niệm Phật cầu sanh chắc có cái quả thấy Phật, vãng sanh Cực Lạc, như người trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, tiếng thuận thì vang hay, hình ngay thời bóng thẳng. Nhân đã chắc thì quả có lo gì không được tốt. Do đó, ta không cần hỏi ai mà tự mình có thể biết được. Huống chi, tâm tánh chúng ta ngang khắp bốn thời, dọc cùng ba cõi, thể nó bao hàm hết thế gian và khí giới, Di Đà và Tịnh Độ đều ở trong tâm, vì ta có đủ tmâ Phật nên niệm tâm ta có đủ Phật. Nếu tâm ta có đủ Phật thì ta đâu không có ở trong tâm Phật sao? Trong Vãng sanh truyện có chép rõ ràng, người niệm Phật lâm chung có nhiều điều lành, ghi chú rõ rang, đâu có thể nghĩ rằng tâm mình không có Phật. Nếu tin chắc như thế, nguyện tự nhiên tha thiết, lấy cái vui của cõi Cực Lạc xét cái khô của cõi Ta Bà, lòng nhàm chán sẽ thêm sâu như muốn xa lìa chỗ nhơ bẩn, như muốn ra khỏi địa ngục, như muốn xa lìa hầm phẩn, như muốn ra khỏi lao ngục. Biết được cái khổ của cõi Ta Bà, sẽ ham muốn về cõi Cực Lạc kia, như người đi xa muốn trở về cố hương, như người đến kho báu nỗi mừng vui nào kể xiết!

Biết được như thế, ý nguyện muốn về Cực Lạc sẽ tha thiết, dũng mãnh như người khát nhớ nước, đói nhớ cơm, bệnh nặng nhớ thuốc hay, trẻ con nhớ mẹ, như người tránh được oan gia rượt chém giết, như người rơi xuống biển sâu mà nắm được phao cứu, nếu được lòng khẩn thiết ấy mà trì niệm hồng danh Phật A Di Đà. Giữ được một câu hiệu Phật là một chủng tử ở chín phẩm sen vàng, niệm một câu hồng danh là chánh nhơn vãng sanh Cực Lạc. Cần nhất mỗi niệm tiếp nối, mỗi niệm không hai, quyết chuyên, quyết cần, không xen tạp, không gián đoạn, càng lâu càng bền, càng trì càng thiết, lần lần thành một khối, liền được nhất tâm. Nếu thực hành niệm Phật được như những điều kể trên, người tu chắc chắn vãng sanh Cực Lạc.

Để thực hành phương pháp thẳng tắt này, hành giả phải biết rõ thế nào là trì danh niệm Phật, thấy rõ pháp môn Tịnh độ siêu thắng, giải được chỗ Thiền và Tịnh để lòng tin được sâu chắc, kế đó, dẹp những hiện hành phiền não, để nhiếp tâm chuyên chú vào một cảnh, đồng thời theo cửa phương tiện hân yểm mà vào, được nhất tâm bất loạn, để có thụy ứng vãng sanh, biết chắc mình đã có kết quả. Đó là mười bước ắt có và đủ để hành giả hoàn thành được trì danh niệm Phật Tam muội. Chúng tôi chân thành giới thiệu cùng toàn thể quý Phật tử, Liên hữu phương pháp dễ làm mà có nhiều hiệu quả này.

Thích Hồng Nhơn


Nghiên Cứu Giáo Lý Tịnh Độ Khóa III – Bài I Trì Danh Niệm Phật

Đức Thích Ca Mâu Ni là một bậc Đại Y Vương. Suốt 49 năm thuyết pháp, Ngài đã tùy theo căn bệnh mà cho thuốc, bất cứ ai uống được thuốc Ngài cho đều lành bệnh. Thuốc đó chính là phương pháp tu mà Ngài đã dạy trong Kinh điển, có đến tám muôn bốn ngàn pháp môn. Vì căn cơ có sai khác, nên phải có nhiều phương pháp tu hành cho phù hợp. Nếu phương pháp dạy không phù hợp căn cơ, đã không giúp cho người tu đạt được kết quả mà còn có nhiều tai hại.

Ngày xưa trong hàng đệ tử Phật, có ngài Mục Kiền Liên và ngài Xá Lợi Phất là giáo hóa có nhiều kết quả nhất. Một hôm, có hai người đến cầu pháp, một người làm nghề thợ rèn, Ngài Mục Kiền Liên liền dạy cho phương pháp tham thiền, người kia làm nghề câu cá được Ngài Xá Lợi Phất dạy cho phương pháp niệm Phật. Cuối cùng hai người tu tập đều không có kết quả. Phật biết được, Ngài bảo: Phương pháp dù hay nhưng ứng dụng không hợp cảnh sẽ không có kết quả. Tại sao? Người thợ rèn thổi lò bể sao ta không dạy ông ta niệm từng câu Phật theo động tác làm việc? Người câu cá quen lắng tai nghe động, sao ta không tập ông tu sổ tức, tham thiền? Nghe Đức Phật dạy, hai tôn giả đổi cách tu cho hai hành giả, chỉ một thời gian ngắn cả hai người đều có kết quả mong muốn.

Dù cùng hoàn cảnh, cùng tu pháp môn Tịnh độ, nhưng căn cơ mỗi người có cao thấp khác nhau, tập quán mỗi người đều khác nên phương pháp tu cũng có những phương tiện sai biệt. Vì thế, người tu Tịnh độ nếu đã chọn phương pháp nào thì phải chuyên tâm làm theo phương pháp ấy, có như vậy mới dễ dàng có kết quả hơn. Lại nữa, pháp môn Tịnh độ thu nhiếp ba căn, người tu có bậc thượng, trung, hạ, mỗi bậc có một trình độ và phương pháp khác nhau mà tu Tịnh độ cũng có chia làm nhiều thứ. Chính vì thế, chúng tôi trình bày ba phương pháp tu được gọi là chính của người tu Tịnh Độ, để từ đó quý vị thấy phương pháp nào phù hợp thì thực hành. Thuốc chỉ lành bệnh là thuốc hay, không tùy thuộc vào phẩm chất tốt hay xấu. Phương pháp nào phù hợp với mình dễ đến kết quả là phương pháp hay, không phải đợi phương pháp đó có nhiều mầu nhiệm hay ít. Do đó, phương pháp mà chúng tôi trình bày đến quý vị không có cao thấp, chỉ phù hợp với việc tu hành có kết quả là thù thắng viên mãn.

Vừa qua, chúng tôi đã trình bày với quý vị phương pháp Tùy Nguyện Niệm Phật Tam Muội, trong khóa nầy chúng tôi sẽ trình bày phương pháp Trì danh niệm Phật Tam Muội. Đây là phương pháp có nhiều điểm thù thắng nhất trong các phương pháp niệm Phật và được Cổ Đức cho là một phương pháp thẳng tắt nhất trong các môn niệm Phật, vì thực hành dễ mà thành công cao, dùng sức ít mà công hiệu chóng.

Để hiểu rõ về phương pháp Trì danh niệm Phật Tam Muội nầy chúng ta phải có nhận định rõ ràng về việc trì danh hiệu Phật, để từ đó chúng ta biết rõ đường hướng chủ trương, khảo sát những kinh điển y cứ, biết phương pháp tu và kết quả tu chứng. Có hiểu rõ như thế chúng ta mới dễ dàng trong việc hạ thủ công phu niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc.

I. Định nghĩa

Trì danh hiệu Phật còn được gọi là chấp trì danh hiệu Phật A Di Đà. Chấp trì nghĩa là gìn giữ không cho rơi mất. Người niệm danh hiệu Phật luôn luôn liên tục không được gián đoạn gọi là chấp trì. Danh hiệu tức là danh và hiệu, trong nhà Phật, thường lấy đức lập danh. Danh hiệu Phật thường chỉ công đức tu hành để trở về Phật tánh, hoặc lấy diệu dụng Phật tánh làm danh hiệu. A Di Đà là phạn ngữ, tàu dịch là Vô lượng thọ hoặc Vô lượng quang. Hiểu về tánh mà nói, Phật tánh của chúng sanh từ xưa đến nay chưa hề thay đổi gọi là vô lượng thọ, tánh ấy hằng sáng suốt gọi là vô lượng quang. Chấp trì danh hiệu Phật A Di Đà là gìn giữ biểu tượng Phật tánh của chính mình. Một phương pháp tu mà Đức Phật Thích Ca dạy ta thực hiện để ngăn chặn vọng tưởng. Gìn giữ câu hiệu Phật là lấy một niệm Phật để ngăn chặn vọng niệm, đồng thời lúc giữ danh hiệu là Chỉ, từng danh hiệu quán sát rõ ràng là Quán, chỉ quán bình đẳng tức là Như Lai Thiền.

II. Chủ Trương và Đường Lối

1.- Dùng Hồng Danh Làm Sở Niệm: Như chúng ta đã biết cụm từ niệm Phật là chỉ chung cho những phương cách nhớ đến Phật. Chúng ta có tất cả là bốn cách chính:

a.- Nhớ Tướng Hảo Phật: Trong Quán Kinh dạy  Hành giả đối với tượng Phật, thân cao một trượng sáu, luôn luôn nghĩ trong tâm, nhớ tượng Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, cách đấy cũng là niệm Phật.

b.- Nhớ Quốc Độ Phật: Hành giả nhớ cõi Cực Lạc trang nghiêm, hệ tâm quán tưởng theo 16 phép quán trong Quán  kinh cũng gọi là niệm Phật.

c.- Trì Danh Niệm Phật: Hành giả luôn luôn giữ gìn câu Nam Mô A Di Đà Phật không lúc nào rời cũng gọi là niệm Phật.

d.- Thật Tướng Niệm Phật: Hành giả nhớ và sống với tánh giác, dứt hẳn ngã pháp, tuyệt hẳn đối đãi, sống với tánh không hai cũng gọi là niệm Phật.

Chủ trương của phương pháp nầy là trì danh niệm Phật, chuyên tâm giữ gìn danh hiệu Phật A Di Đà từ 1 đến 7 ngày được nhất tâm bất loạn, khi lâm chung được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

2.- Tâm Miệng Tương Ứng: Phương cách niệm Hồng Danh nầy dùng tâm niệm làm chính, miệng niệm làm phụ, câu hồng danh từ tâm ra miệng, vào tai, trở về tâm. Có thể niệm ra tiếng hoặc niệm thầm đều được, khi miệng niệm tâm cũng theo miệng hoạt động cùng thời. Như con thơ nhớ mẹ, miệng gọi mẹ, nhưng tâm vẫn nhớ liên tục. Có tương ứng như vậy mới được gọi là trì danh niệm Phật.

3.- Sử Dụng Chỉ Quán: Trong lúc niệm tâm ở tại câu hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật, gọi là Chỉ, tai nghe từ tiếng, từng câu không sai không mờ gọi là Quán, mỗi câu liền với mỗi câu, tiếp nối nhau không dứt, lần lần chỉ còn nhất niệm, cho đến khi niệm cực công thuần thì Chỉ Quán bình đẳng, định huệ nhất như, chỉ còn có một tâm Chơn Như, lúc nầy gọi là nhất tâm bất loạn.

4.- Dùng Tín Nguyện Hành: Ở đời làm việc gì, trước tiên phải có lòng tin, sau đó tiến đến quyết tâm thực hiện, đó là ba giai đoạn phải có và đủ. Là phương pháp thực tế sử dụng thông thường như đỉnh ba chân, nếu   thiếu thì không thể đứng vững. Phương pháp trì danh hiệu Phật nầy là phương tiện để được vãng sanh Cực Lạc. Hành giả muốn trì danh hiệu Phật trước hết phải có lòng tin sâu sắc. Tin có cõi Cực Lạc ở phương Tây, do Đức Thích Ca Mâu Ni nói ra không dối, tin mình có sẵn Phật tánh, có đủ khả năng về cõi Cực lạc để chứng quả  Bồ Đề. Lòng tin đã sâu thì ý nguyện sẽ thiết tha, chán cõi Ta Bà, mong muốn về cõi Cực lạc, quyết tâm trì danh hiệu đúng pháp để được vãng sanh. Trong Kinh Vô Lượng Thọ Phật A Di Đà có đại nguyện: ‘Lúc tôi thành Phật, có chúng sanh ở trong 10 phương chí tâm tin nguyện sanh về nước tôi, niệm danh hiệu tôi cho đến 10 niệm, nếu người này không được sanh về nước tôi thì tôi không ở ngôi chánh giác. Ngoại trừ người phạm tội ngũ nghịch và hủy báng chánh pháp’. Như thế, người tu theo phương pháp nầy vừa đúng lời Phật dạy, vừa tương ứng với đại nguyện Phật A Di Đà, nên dễ dàng vãng sanh về nước Ngài.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.